11:02, 04/02/2018

Kỳ 1: Sức sống Trường Sa Đảo xa gọi mời

Trường Sa - mỗi khi hai tiếng ấy vang lên lòng lại dâng trào cảm xúc, bởi đó là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa. Ra Trường Sa mùa giông bão, lòng càng cảm phục ý chí của những người con đất Việt...

Trường Sa - mỗi khi hai tiếng ấy vang lên lòng lại dâng trào cảm xúc, bởi đó là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa. Ra Trường Sa mùa giông bão, lòng càng cảm phục ý chí của những người con đất Việt đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với tinh thần cả nước cùng hướng về Trường Sa, dáng hình Tổ quốc nơi đầu sóng ngày càng hiên ngang, vững chãi...


Kỳ 1: Sức sống Trường Sa Đảo xa gọi mời


Hơn 16 giờ, bỏ lại sau lưng những cái bắt tay bịn rịn, tôi lên tàu Trường Sa 571 để bắt đầu chuyến hải trình thăm huyện đảo Trường Sa. Trên boong tàu, những người lính kết vào nhau thành hàng vẫy tay chào những đồng đội và người thân đang lưu luyến phía bờ. Chuyến đi biển mùa cuối năm bao giờ cũng ngập tràn cảm xúc. “Anh đi mạnh giỏi”, tiếng chào tiễn đưa giản dị mà sao xúc động đến thế. Tạm biệt đất liền, tàu Trường Sa 571 nổi hồi còi rền vang rồi vững chãi vượt sóng ra khơi.

 

Một góc đảo Song Tử Tây.

Một góc đảo Song Tử Tây.


Dẫn đầu đoàn công tác lần này là Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, người dày dạn kinh nghiệm, từng nhiều năm công tác tại các đảo ở Trường Sa. Sau bữa cơm chiều, Đại tá Dương tranh thủ họp đoàn. Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và 2 đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, đó là những điểm mà chúng tôi sẽ đến trong chuyến hải trình lần này. Ngoài nhiệm vụ quân sự, đoàn công tác lần này còn phải mang hàng, quà ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo. Nói một cách bay bổng, tàu chúng tôi đang mang mùa xuân đến với Trường Sa! Tự hào, háo hức bởi đã 10 năm rồi tôi mới có dịp trở lại với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc!


Màn đêm dần buông, con tàu lặng lẽ đi trong đêm tối. Bước lên boong tàu đã thấy Đại tá Dương ngồi đó từ bao giờ. Gợi chuyện Trường Sa, ông kể vanh vách như chuyện trong nhà! Hỏi ra mới biết, ông có 3 lần làm “đảo chủ”, trong đó lần đầu là ở đảo chìm Tiên Nữ cách đây đã hơn hai mươi năm. Ký ức Trường Sa trong ông “là những ngày thiếu rau, thiếu nước, nhưng ấm tình đồng đội”. Vậy còn Trường Sa hôm nay? - tôi hỏi. “Vẫn còn khó khăn, nhưng so với ngày trước thì tốt hơn nhiều. Điện, nước không còn quá ngặt nghèo. Nhà cửa cũng khang trang hơn...”, ông nói. Nghe vậy, lòng tôi lại thêm rạo rực mong sớm được nhìn thấy “Trường Sa hôm nay”.

 
Nhiều đổi thay


Sau 2 đêm 1 ngày lênh đênh trên biển, tàu Trường Sa 571 đưa chúng tôi đến với đảo Song Tử Tây, hòn đảo ở cánh bắc huyện đảo Trường Sa. Trên boong tàu nhìn vào, Song Tử Tây mướt xanh một màu, những mái nhà đỏ tươi thấp thoáng trong bóng cây, những trụ điện gió vươn cao kiêu hãnh. Cán bộ, chiến sĩ và người dân ra đón tại cầu cảng, vui mừng quá đỗi.

 

Đại tá Bùi Đình Dương thăm hỏi người dân trên đảo Song Tử Tây.

Đại tá Bùi Đình Dương thăm hỏi người dân trên đảo Song Tử Tây.


Mọi người bắt đầu túa ra khám phá làng đảo. Những nếp nhà, mái trường, bệnh xá, ngôi chùa đã được xây dựng khang trang hơn rất nhiều. Đường đi được lát bê tông sạch sẽ, trồng hoa, cây cảnh rất đẹp mắt. Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng - chính trị viên đảo Song Tử Tây tự hào cho biết: Đời sống của quân dân ở đảo bây giờ đã tốt hơn nhiều. Nhờ có bể chứa nước mưa, trên đảo bây giờ nước ngọt đủ dùng, điện cũng khá thoải mái. Rau xanh cũng không còn là vấn đề nan giải, bởi bên cạnh vườn rau thanh niên, các đảo nổi hầu hết đều có các nhà trồng rau sạch, giúp bộ đội có rau xanh trong những ngày giông bão. Về thăm khu nhà chiến sĩ, tôi mới cảm nhận được sự đổi thay của đời sống cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Các phân đội, cụm chiến đấu đều có ti vi, đầu máy karaoke để theo dõi thông tin thời sự, giải trí… “Điều kiện ở đảo tốt hơn suy nghĩ của em rất nhiều. Nhà cửa khang trang, nhiều cây xanh. Nước ngọt cũng không quá thiếu thốn...”,  Nguyễn Đăng Huy - chiến sĩ trẻ vừa ra đảo cho biết.


Chúng tôi được bố trí ở nhà khách thủ đô của đảo Song Tử Tây. Ngay trước nhà khách là trường tiểu học. Tiếng thầy giáo giảng bài, cùng tiếng học trò đem lại cảm giác thanh bình đến lạ. Giờ ra chơi, học sinh leo cầu trượt, nô đùa vui vẻ. Trẻ em ở đảo lâu lâu mới gặp khách đất liền ra nên rất háo hức chuyện trò. Khi được đề nghị hát bài Quê em ở Trường Sa, bé nào cũng giơ tay xung phong! Thế là các nữ phóng viên phải bắt nhịp hát tập thể. Ghé thăm các nhà dân trên đảo, mới thấy đời sống ở đảo hiện nay cũng đủ đầy không thua kém là mấy so với đất liền. Khi tôi đến, vợ chồng anh Đoàn Duy Kiệt đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Bữa cơm hôm nay thịnh soạn hơn thường ngày bởi vừa nhận quà từ đất liền. Hỏi chuyện, anh Kiệt cho biết, đời sống ở đảo khá thoải mái. Hàng ngày, anh đi biển, còn vợ ở nhà trồng rau, nuôi gà và chăm sóc con cái. Gia đình có ti vi để giải trí, thường xuyên cập nhật tình hình ở đất liền; có tủ lạnh để dự trữ thức ăn...


Ấm tình Trường Sa


Trường Sa vẫn quanh năm nắng, gió, bão bùng rất khắc nghiệt. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của quân và dân, diện mạo của huyện đảo đổi thay từng ngày. Cùng với các công trình để nâng cao đời sống vật chất, các công trình văn hóa được xây dựng ngày càng nhiều hơn. Các đảo nổi đã có chùa, nhà văn hóa, nhà khách, tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thư viện... Nhờ đó, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân dân huyện đảo có nhiều thuận lợi, giúp cho huyện đảo gần hơn với đất liền. Đến các đảo vào cuối năm âm lịch, tôi được dịp xem quân, dân trên các đảo tập luyện các trò chơi như: múa lân, kéo co, chèo thuyền thúng bắt vịt, bóng chuyền... để chuẩn bị tranh tài trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi đã góp phần động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, giúp họ an tâm với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Lớp học trên đảo Song Tử Tây.


Đêm trên đảo Sơn Ca, chúng tôi hòa cùng những người lính tham gia văn nghệ ở công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cánh lính trẻ hào hứng với những khúc ca về người lính, về Trường Sa. Xúc động biết bao khi nghe lính đảo hát, bởi trong tiếng hát ấy luôn chất chứa niềm tự hào về chủ quyền biển đảo quê hương, nỗi nhớ đất liền. “Ôi! Tôi đứng đây giữa biển trời bao la. Tiếng học vần ê a dưới nếp nhà ngói mới. Chẳng còn xa đâu chẳng còn đêm tối. Đất ấm tình người, người ấm tình nhau...”, những ca từ của bài hát Sức sống Trường Sa do tốp lính trẻ đảo Sơn Ca hát hôm ấy khiến ai cũng xúc động. Bởi chưa nơi đâu, tôi được chứng kiến tình đồng đội, quân dân, tình tiền tuyến hậu phương ấm áp như ở Trường Sa. Những người lính từ mọi miền Tổ quốc đã cùng về đây, để Trường Sa trở thành mái nhà chung, để đồng đội trở thành anh em một nhà.


Thật khó để kể hết những đổi thay ở Trường Sa, sức sống của Trường Sa trong vài dòng ngắn ngủi. Với tôi, những hình ảnh Trường Sa với những con người hồn hậu, với lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió... đã được khắc sâu tận đáy lòng.


XUÂN THÀNH

 

 
 
Kỳ 4: Đất nước từ Trường Sa