Trong câu chuyện vượt khó, vươn lên của người dân, có tiếng cười rổn rảng của bà con và những giọt mồ hôi lấp lánh của các anh bộ đội. Đó chính là cội rễ gắn bó nhân dân với bộ đội Cụ Hồ.
Trong câu chuyện vượt khó, vươn lên của người dân, có tiếng cười rổn rảng của bà con và những giọt mồ hôi lấp lánh của các anh bộ đội. Đó chính là cội rễ gắn bó nhân dân với bộ đội Cụ Hồ.
Tình quân dân
5 năm đã qua, nhưng Thiếu tá chuyên nghiệp Vũ Thị Mai Thoan - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh vẫn chưa quên hình ảnh 2 bé thơ Cao Thị Như Ý và Cao Thị Như Ngọc trong lần đầu bước vào ngôi nhà lặng lẽ nỗi buồn của ông Cao Giang ở thôn Giang Mương, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. “Trời se se lạnh. Hai bé sinh đôi chừng 6 - 7 tháng tuổi nhỏ quắt queo, đen nhẻm, nằm trên chiếc giường đặt gần cửa, mình chỉ mặc sơ sài tấm áo đã ẩm do tè ướt, trông thương lắm!”, bà Thoan nhớ lại. Hai bé bị mất mẹ ngay khi lọt lòng. Khi các bé vừa đầy tháng, không vượt qua nổi nỗi buồn, người cha cũng quyên sinh, để lại 2 đứa trẻ còn đỏ hỏn cho ông bà nội. Tuy phụ nữ thôn, xã thường xuyên qua lại thăm giúp, nhưng ở vùng quê xa xôi này, sự giúp đỡ cũng có hạn. Nắm bắt tình hình, về lại cơ quan, các nữ quân nhân lập tức bàn bạc, rồi đề đạt lãnh đạo kêu gọi toàn cơ quan hỗ trợ. Hội Phụ nữ cơ quan BCHQS tỉnh chính thức nhận giúp đỡ 2 cháu bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của chị em, đồng thời làm cầu nối để vận động mọi người cùng hỗ trợ… Nhờ đó, đều đặn mỗi tháng, 2 bé có thêm khoản hỗ trợ nho nhỏ. Những chuyến dân vận ở xã Khánh Phú của BCHQS tỉnh có thêm địa chỉ mới: nhà ông Cao Giang.
Căn nhà đó hiện nay đã rộn ràng tiếng nói cười của trẻ nhỏ. 2 bé đã có sự hồn nhiên trẻ thơ khi được chăm lo bởi tấm lòng của những người mẹ quân nhân. Các chị có mặt trong nhiều dịp vui của trẻ: khi thôi nôi, lúc Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu hay trước Tết Nguyên đán. Mỗi chuyến thăm đều lỉnh kỉnh bánh kẹo, sữa, quần áo, đồ chơi, bút màu… Không chỉ tặng quà, các chị còn khám bệnh, nấu ăn, kể chuyện cho 2 bé. Từ chỗ sợ sệt, la khóc né tránh, 2 bé đã dần quen với “các cô mặc áo xanh”, yên tâm ngồi trong lòng các cô chơi đùa, trò chuyện, còn cười duyên cùng mấy cô khi chụp hình. “3 năm trước, bà nội các cháu bị bệnh qua đời, chỉ còn ông nội nuôi hai cháu. Khi chúng tôi tới, thấy cảnh ông nội, một cựu chiến binh già, lúi húi đốt củi nấu cháo cho 2 cháu, thương lắm, chúng tôi lại tự nhủ phải quan tâm hơn nữa. Bây giờ, 2 cháu đã 5 tuổi, học mẫu giáo rồi, trông yêu lắm!”, bà Thoan tâm sự. Còn ông Cao Giang, tuy rất kiệm lời, nhưng nụ cười của ông đã nói lên tất cả.
Việc gì khó, có bộ đội
Nhớ lại cảnh nhà sau cơn bão, ông Nguyễn Văn Quá (thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) vẫn chảy nước mắt: “Gần sáng, thấy gió quật mạnh, tôi giục vợ ôm đứa con mới sinh chạy trước, mình dắt đứa lớn chạy sau; vừa ra ngoài thì nhà đổ sập. Nhà cấp 4 cũ kỹ, khó trụ trước gió bão, nhưng dù gì cũng là tài sản lớn, nghĩ vợ chồng làm nông, mãi chưa thoát hộ cận nghèo, biết lấy tiền đâu dựng lại? Nghe tin được bộ đội hỗ trợ dựng lại nhà, tôi vẫn không dám mừng, vì biết còn nhiều nhà khó khăn. Đến khi bộ đội tới đào móng, vào đất nền, còn hứa sẽ có nhà trước Tết, tôi mừng muốn khóc!”. Ông Võ Thanh Vinh - Chỉ huy phó Ban CHQS xã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn chia sẻ, tại xã có một số hộ khó khăn bị sập nhà nhưng xã khó giúp hết. Biết bộ đội tới, sửa nhà giúp dân cả 4 thôn (Xuân Trang, Xuân Thọ, Xuân Cam, Xuân Ninh), không chỉ người dân mừng mà xã cũng mừng. Vì vậy, ông đã dẫn bộ đội đến từng căn nhà sập, hướng dẫn thêm cách sửa nhà cho những chiến sĩ mới. “Tập kết từ chiều 4 đến sáng 9-12, bộ đội đã sửa xong hơn 20 căn nhà. Trời mưa, áo mấy anh bộ đội ướt hết, nhưng chẳng ai than mệt. Nhìn các anh làm, chúng tôi như được tiếp thêm sức lực, đi cả ngày chẳng thấy mệt”, ông Vinh nói.
Để giúp xã Xuân Sơn, hơn 30 chiến sĩ thuộc Đại đội Trinh sát 21, Phòng Tham mưu, BCHQS tỉnh đã lăn lộn san nền, lèn đất, lợp mái… Không muốn phiền dân, các anh liên hệ ngủ nhờ tại hội trường UBND xã. Làm cả ngày, đêm tới, với màn, chiếu mang theo, các anh ngủ ngay dưới sàn hội trường. Cả đội cũng phân công nhau tự đi chợ, nấu ăn; chỉ có củi khô hiếm do trời mưa nhiều, nên bộ đội mới xin dân. Thượng úy Nguyễn Đan Trường - Phó Đại đội trưởng trầm ngâm: “Nghe người dân kể, nơi này trước là hàng quán, nhà cửa của dân, bây giờ mất hết, xót quá. Vì bà con, vất vả hơn nữa chúng tôi vẫn gắng làm, tranh thủ làm đến khi trời tối hẳn mới nghỉ. Chúng tôi là bộ đội mà, chuyện gì khó có bộ đội”.
Chợt nhớ chuyến công tác của nhóm xóa đói, giảm nghèo xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (BCHQS tỉnh là trưởng nhóm) hồi tháng 9. Dưới ánh nắng khá rát ở vùng núi, 15 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 - Tiểu đoàn 460 cũng không ngơi tay đào hố, trộn phân để trồng bưởi cho người dân. Lần đầu tiên tham gia giúp dân, Trung sĩ Nguyễn Trần Long Viễn hồ hởi gạt mồ hôi nói: “Mệt chứ, nhưng tôi rất vui vì được góp sức mình giúp dân”. Nhìn khu vườn với những cây bưởi dần thành hàng lối, ông Cao Vinh (thôn Sơn Thành) tâm sự: “Trước đây, nhà tôi chỉ trồng mía, nhưng năng suất rất thấp, thu nhập chẳng được bao. Cán bộ đến vận động rồi cho người đốt bỏ gốc mía cũ, đào hố trồng bưởi để giúp cho thu nhập cao hơn. Vườn đất này, không nhờ bộ đội bày cách, biết đến bao giờ mới đổi thay. Tôi biết ơn các chú bộ đội lắm!”. Sống nhiều năm ở đây, ông Vinh đã chứng kiến không ít chuyển biến của vùng đất này. Trong câu chuyện của ông, luôn thấp thoáng dấu ấn của bộ đội: “Hồi trước, thôn này cái ăn còn không có, nói chi nhà đẹp. Bây giờ, đường đi phong quang hẳn. Nhiều nhà dân được xây dựng, sửa sang cũng nhờ một phần từ các chú bộ đội”.
Quân dân một lòng
“Các anh về, mái ấm nhà vui…”, vần thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông không chỉ nhắc nhở về những năm tháng còn chiến tranh, bộ đội về làng chiến đấu, cùng ăn, cùng ở, cùng tăng gia sản xuất giúp dân; mà còn gợi nghĩa tình quân dân. Nghĩa tình đó đến giờ vẫn khăng khít vậy.
Biết bộ đội thiếu củi nấu ăn, ông Vinh trực tiếp đến nhà người dân xin củi. Nghe chuyện, nhiều người cười xòa: “Tưởng gì, nếu cho bộ đội thì chú cứ lấy thoải mái. Bộ đội giúp dân, dân tiếc gì bộ đội!”. Người dân còn giục nhau đi kiếm thật nhiều củi khô cho bộ đội. Người không có củi khô thì về nhà, có gì mang tới biếu thứ đó: gạo, trứng, gà, vịt... Từ chối không được, bộ đội đành nhận tượng trưng cho bà con vui. “Sau khi bộ đội đi, nhiều người còn nhắn tôi cảm ơn giùm mấy chú”, ông Vinh hào hứng khoe.
Nhưng Thiếu tá Thoan lại bộc bạch: “Điều ngại ngần nhất là chúng tôi mới làm được chút việc nhỏ, giúp được một phần cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó chỉ là một cách thể hiện tình quân dân trong thời bình theo lời dạy của Bác “thương người như thể thương thân”. Chúng tôi còn phải cố gắng nhiều lắm”. Còn Thượng úy Trường nói giản dị: “Giúp dân cũng là giúp mình, có chi đâu”.
Chính những chuyến hành quân làm công tác dân vận của những người lính xốc vác, không quản khó khăn, mang tinh thần giúp dân như giúp mình, đã hỗ trợ nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn, duy trì mối đoàn kết gắn bó quân dân.
THIỀU HOA - THẾ ANH
Đại tá Trần Thân - Phó Chính ủy BCHQS tỉnh: 5 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã thực hiện công tác dân vận trên địa bàn 4 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh (Khánh Phú - huyện Khánh Vĩnh, Thành Sơn, Ba Cụm Nam, Sơn Thái - huyện Khánh Sơn). Qua đó, các đơn vị đã trồng tặng bà con 12.000 cây mít nghệ, 3 sào bưởi da xanh; tặng nhiều máy bơm tưới nước, hàng chục con trâu, bò; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà, sổ tiết kiệm, sửa nhà cho nhiều gia đình chính sách với tổng giá trị hàng tỷ đồng; tặng quần áo, chăn màn và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân. Các đơn vị còn vận động quyên góp ủng hộ hơn 2 tỷ đồng cho Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”; tích cực tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; xây tặng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa… Để làm tốt công tác dân vận trong thời gian tới, quan trọng nhất là phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp; chú trọng vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.