Những ngày này, về các huyện miền núi hay các xã miền biển vẫn còn cảnh đổ nát sau cơn bão dữ. Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực và sự quyết tâm, các nhà trường, thầy, cô giáo đã và đang kiên trì khôi phục việc dạy và học ở những nơi cơn bão đi qua.
Những ngày này, về các huyện miền núi hay các xã miền biển vẫn còn cảnh đổ nát sau cơn bão dữ. Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực và sự quyết tâm, các nhà trường, thầy, cô giáo đã và đang kiên trì khôi phục việc dạy và học ở những nơi cơn bão đi qua.
Gác lại niềm riêng…
Chuyến đò đưa khách ra đảo Trí Nguyên ( TP. Nha Trang) những ngày sau bão tấp nập người. Trò chuyện với chúng tôi trên đò ra đảo, thầy Đào Quang Khánh - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết: “Cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề cho đảo Trí Nguyên, trong đó, trường chúng tôi bị thiệt hại nặng: tường rào bị sập, mái ngói bị tốc một phần, giàn máy vi tính 20 chiếc bị nước tạt ướt… Bên cạnh đó, 25 gia đình cán bộ, giáo viên (GV) hầu hết đều bị tốc mái, trong đó có 3 nhà bị hư hại nặng, 2 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Ngay sau khi bão tan, mọi người đều tức tốc ra đảo để lợp lại mái trường, dọn dẹp lại các phòng học để tổ chức lại việc dạy và học cho học sinh (HS). Bởi nếu gián đoạn quá lâu thì việc học sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là HS cuối cấp”.
Đến thăm Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, cô Võ Thị Hương Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Cả 3 điểm trường Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán đều bị bão quần tơi tả. Ngày 6-11, tuy hầu hết gia đình cán bộ, GV đều bị thiệt hại do bão gây ra, trong đó có nhiều nhà bị hư hỏng nặng nhưng ai cũng bám điểm trường để nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định lại việc dạy và học. Đến ngày 8-11, tất cả các điểm trường đã tổ chức dạy học lại dù điện không có, nước lúc có lúc không”.
Cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, Trường THCS Nguyễn Phan Vinh (xã Ninh Vân) cũng bị thiệt hại nặng sau bão. Nhà của hầu hết gia đình các GV đều bị tốc mái. “Ngay sau bão, tất cả cán bộ, GV nhà trường đã khẩn trương có mặt để dọn dẹp phòng học, sân trường. Tuy xã Ninh Vân bị mất điện, mất nước kéo dài nhưng nhà trường vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, dạy học trở lại chỉ 5 ngày sau khi bão đi qua”, thầy Nguyễn Văn Nghiệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Tại điểm trường Đầm Môn (Trường Phổ thông cấp 1, 2 Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), thầy Nguyễn Văn Mốt - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cơn bão đã khiến cho việc dạy và học tại 4 điểm trường với hơn 600 HS bị gián đoạn do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi bão đi qua, tuy nhà cửa của 52 cán bộ, GV của trường bị hư hỏng nặng, có nhà bị sập, nhà tốc mái… nhưng ai cũng gác lại niềm riêng, tập trung đến các điểm trường khắc phục hậu quả, ổn định lại việc dạy và học”. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, gần 2 tuần qua là chuỗi ngày vất vả của cán bộ, GV trong trường. Nhiều người tranh thủ ban ngày đứng lớp, ban đêm dọn dẹp những đổ nát sau bão, lợp lại mái nhà… Riêng gia đình thầy Thơ, tuy nhà bị sập hoàn toàn nhưng chỉ kịp mua tấm bạt, che tạm chỗ ở cho cả gia đình, rồi đến trường tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định việc dạy học cho các em.
Đường lên các xã miền núi huyện Khánh Vĩnh những ngày sau bão càng trở nên xa vời vợi, dọc 2 bên đường những rừng keo gãy đổ, chắn cả lối đi; nhà cửa của người dân vẫn chưa khắc phục xong. Chúng tôi ghé thăm Trường Mầm non Trầm Hương (xã Khánh Bình), một trong những trường học bị bão tàn phá nặng nề khi cô hiệu trưởng Hồ Thị Mỹ Dung đang tất tả quán xuyến việc tu sửa, sắp xếp lại các phòng làm việc. Cô Dung ứa nước mắt khi nhắc về cơn bão và cho biết, trong số 36 cán bộ, GV, nhân viên của trường, 13 người có nhà bị tốc mái hoàn toàn, nhưng sau bão mọi người vẫn gác việc nhà để lo việc trường, mong sao sớm ổn định để trẻ nhanh đi học trở lại. Nhà cô giáo Trần Thị Xuân Thu bị tốc hết mái tôn, sập đổ, đến bây giờ vẫn chỉ còn một mảnh tường, nhưng ngày ngày cô vẫn đều đặn đến trường bởi theo tâm sự của cô: “Trẻ có chỗ ăn, chỗ học thì cha mẹ mới yên tâm lo khắc phục, sửa chữa nhà cửa và làm lại từ hai bàn tay trắng”.
Nỗ lực vượt khó
Hiện nay, tuy việc dạy và học ở các trường đã được khôi phục nhưng nhiều trường vẫn còn bộn bề gian khó. Cô Hồ Thị Mỹ Dung cho biết: “Cổng trường sập gãy chưa làm lại được nên khó khăn trong việc đảm bảo giờ giấc đón trả cháu. Nhiều đồ dùng, đồ chơi hư hỏng, hệ thống điện không còn. Thành quả bao năm gây dựng, với bao công sức, tâm huyết và hy vọng, mọi thứ đều gần như sẵn sàng cho ngày được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng sau bão, tất cả phải làm lại từ đầu”.
Tại Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh), trong tổng số 233 HS thì có tới 214 HS là người dân tộc thiểu số. Thầy Huỳnh Tấn Khởi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay, còn khoảng 13% số HS do hoàn cảnh khó khăn chưa thể đi học trở lại. Nhà trường, các GV đang tiếp tục tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới. “Hiện nay, nhà trường phải tận dụng các phòng trong trường để đủ số phòng học cho các lớp, vì toàn bộ tầng trên với 9 phòng chưa lợp ngói được. Đồng thời, tổ chức dạy tăng tiết để đảm bảo kế hoạch dạy học. Nhà trường cũng đã tạm ứng 21 bộ sách và 315 cuốn vở để hỗ trợ những em chưa có sách vở học vì bị mưa bão làm ướt…”, thầy Khởi nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 17-11, tổng thiệt hại toàn ngành Giáo dục tỉnh ước tính hơn 155 tỷ đồng. Trong đó, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên… thiệt hại 11,3 tỷ đồng; các trường từ mầm non đến THCS tại thị xã Ninh Hòa thiệt hại 55 tỷ đồng; huyện Vạn Ninh 27 tỷ đồng; huyện Khánh Vĩnh 22 tỷ đồng; huyện Diên Khánh 21,9 tỷ đồng; TP. Nha Trang 14,5 tỷ đồng… |
Tại nhiều trường học, khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống điện vẫn chưa được khôi phục nên thiếu ánh sáng, thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức dạy học cho HS. Trường Phổ thông cấp 1, 2 Vạn Thạnh hàng ngày phải mua nước về cho HS sinh hoạt; các cô giáo ở Trường Mầm non Vĩnh Nguyên 2 thay nhau đi gánh từng can nước về để tổ chức bán trú cho các em HS… Ở nhiều trường, vẫn còn các phòng học bị hư hại nặng, không đảm bảo an toàn nên các trường phải dồn lớp, chuyển phòng hoặc học tạm ở các trường khác. Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay cũng sẽ được tổ chức ngắn gọn để tập trung tiếp tục khắc phục hậu quả sau bão…
Trong gian khó, ngoài nỗ lực của cán bộ, GV các trường, còn đó những vòng tay tương thân tương ái đã góp phần giúp các trường sớm khắc phục khó khăn. Tại Trường Tiểu học Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh), cô Nguyễn Thị Lan Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Tiểu học Sơn Thái (xã Sơn Thái) đã hỗ trợ giúp sửa chữa, dọn dẹp, tặng 500 cuốn vở cho HS nhà trường. Ngoài ra, còn có sự giúp đỡ nhiệt tình từ lực lượng bộ đội, công an, dân quân. Nhiều xe tải của doanh nghiệp, người dân sẵn sàng chuyên chở đồ giúp trường; các cô giáo cũng vui vẻ dạy thay để các thầy tham gia bốc ngói lợp lại trường học. Còn tại Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (xã Khánh Hiệp), cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Lam cho biết, một hộ dân địa phương đã cho trường mượn hơn 600 viên ngói để lợp lại mái; 10 cô giáo đã xếp hàng đứng thành 1 dãy, mỗi người 5 viên ngói cứ thế chuyền tay nhau để chất lên xe chở vào trường…
Qua miền biển đảo, đến những nẻo cao tan hoang sau bão trong những ngày cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đến đâu chúng tôi cũng thấy hình ảnh: “Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy/Để em đến bến bờ ước mơ/…/Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa/….”.
BÍCH NGÂN
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Cơn bão vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho toàn tỉnh nói chung và ngành Giáo dục nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của sở, ngay sau bão, các trường đã kịp thời huy động cán bộ, GV và HS thu dọn, vệ sinh trường lớp để đưa hoạt động dạy học vào lại nề nếp. Chỉ sau hai ngày, 6 và 7 -11, hầu hết các trường đã tổ chức học tập, sinh hoạt lại bình thường. Riêng các trường từ mầm non đến THCS tại huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa và xã đảo Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) đi học trở lại từ ngày 13-11. Riêng đối với cán bộ, GV, tuy không có thiệt hại về người nhưng nhà cửa, tài sản của nhiều gia đình GV cũng chịu những hư hỏng, mất mát nặng…