Hiện nay, hàng ngàn hộ có nhà sập và hư hỏng nặng trên toàn tỉnh đang tất bật sửa sang, làm lại nhà cửa để ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn, hàng ngàn người phải ăn nhờ ở tạm với nhiều nỗi lo phía trước…
Hiện nay, hàng ngàn hộ có nhà sập và hư hỏng nặng trên toàn tỉnh đang tất bật sửa sang, làm lại nhà cửa để ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn, hàng ngàn người phải ăn nhờ ở tạm với nhiều nỗi lo phía trước…
Làm lại nhà tạm
Hơn 2 tuần sau cơn bão số 12, chúng tôi trở lại thị xã Ninh Hòa, dọc các tuyến đường vẫn còn ngổn ngang cảnh đổ nát. Nhiều thôn, xóm vẫn chưa có điện nên việc sửa chữa, xây dựng lại nhà của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ rất chậm. Phần lớn các hộ chỉ khắc phục tạm thời, rất ít người dân xây dựng lại nhà mới. Tìm mãi chúng tôi mới thấy được vài căn nhà đang xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Bình, thôn Lạc An, xã Ninh An là một trong những người đầu tiên trong thôn xây lại nhà cho biết, khi bão vào, căn nhà rộng hơn 400m2 của gia đình ông bị bão cuốn đổ sập. Có điện lại sau 15 ngày, gia đình mới mở móng xây nhà. Căn nhà mới diện tích chỉ bằng nửa căn nhà trước đây, các vật liệu như: trần, gạch lát, cửa… cũng được tiết giảm, cắt bỏ so với căn nhà cũ. Số tiền ông dự kiến làm nhà khoảng 200 triệu đồng, “Thiên tai, lại không nằm trong kế hoạch nên phải lấy vốn làm ăn để làm nhà, vì an cư mới lạc nghiệp. Khó khăn khác thì giải quyết từ từ”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, những gia đình có tiền làm lại nhà như ông Bình rất hiếm. Phần lớn nhà sập và hư hỏng nặng do bão đều rơi vào hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Trong hoàn cảnh điện có chậm, công thợ đắt đỏ, từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày, nhiều gia đình nghèo rất khó khăn để dựng lại nhà tạm.
Tại xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, vượt qua một con dốc gần như dựng đứng chúng tôi mới đến được ngôi nhà tạm của anh Hà Di ở thôn Đá Trắng. Lúc này, anh Di đang loay hoay láng lại nền xi măng nhà mới. Anh kể, ngôi nhà vài chục mét vuông anh mới dựng tạm được lắp ghép từ những gì còn sót lại của căn nhà cũ; 3 ngày sau bão gia đình anh đã có chỗ ở tạm. Mặc dù vậy, trong lòng anh vẫn ngổn ngang nỗi lo. Anh chia sẻ, cả 2 vợ chồng đi làm thuê, trong khi đó mấy sào điều nhà anh không ra trái, thất thu; 4 sào keo thì chưa tới mùa thu hoạch, bão đã làm gãy, đổ một phần. Vì vậy, gia đình không còn dư đồng nào, trước mắt anh chỉ làm lại nhà tạm nho nhỏ để ở…
Ngổn ngang nỗi lo
Rời xã Cầu Bà, chúng tôi đến xã Khánh Hiệp, nơi mà tâm bão đi qua. Trên con đường liên xã đây đó vẫn còn những mái nhà trơ trụi đang được che tạm bằng bạt. Trong tầm mắt, những rừng keo bạt ngàn gãy, đổ ngổn ngang. Trước những gì còn sót lại của ngôi nhà xây năm 2004, ông Đao Y Mac, 52 tuổi ở thôn Hòn Lay kể: Hôm bão đến, được một lúc thì ngôi nhà bị gió cuốn bay. May mà trước đó 7 người trong nhà ông đã kịp lánh sang ngôi nhà sàn của bố mẹ ở bên cạnh. “Nhà sập, gia đình không có tiền làm lại nên mấy tuần nay, cả nhà tôi vẫn còn ở nhờ nhà bố mẹ. Bữa giờ tôi mới chỉ tập kết tre nứa, lồ ô, keo và mái tôn sót lại, dự định làm tạm ngôi nhà phía sau nhà cũ để ở”, ông Y Mác nói.
Những vùng ven của TP. Nha Trang, dân nghèo cũng gánh chịu khốn khổ do bão. Thật vất vả chúng tôi mới leo lên được nơi ở của 3 mẹ con chị Trần Thị Anh trên núi Chụt (tổ dân phố 4 Trường Sơn, phường Vĩnh Trường). Nhà mới của mẹ con chị Anh ở rẻo đất nhỏ chênh vênh trên núi, cao nhất so với những nhà dân quanh đó. Sau cơn bão, căn nhà tạm bợ, mái tôn của mẹ con chị chỉ còn là một đống đổ nát. Thương tình, bà con hàng xóm giúp chị dựng tạm cái chòi nhỏ, gác dựa vào vách núi, lợp tạm mấy tấm tôn cũ ở ngay sát căn nhà cũ đổ nát. Căn chòi thấp lè tè, trống hoác, bước vào chỉ có thể ngồi luôn lên cái giường cũ kỹ duy nhất trong nhà chứ không thể đứng thẳng. Chị Anh bán vé số nuôi 2 con trai, mấy bữa giờ bị gai cột sống nên phải tạm nghỉ ở nhà. Chị cho biết: “Nhà tôi nằm trong vùng quy hoạch, nên nhà sập hoàn toàn cũng chưa được hỗ trợ, nghe cán bộ nói phải chờ…”.
Gần đó, nhà mẹ con chị Nguyễn Thị Dung bị sập cũng mới che tạm mái tôn để chống nắng. Những mảng lớn tường sụp nên mấy đứa nhỏ nghịch ngợm có thể nhảy ra nhảy vào trong nhà mà chẳng cần đi lối cửa. Cảnh nhà chị Dung mẹ góa con côi, thuộc hộ nghèo, một mình chị xoay sở buôn thúng bán bưng ở chợ cá nuôi 5 đứa con, trong đó 3 cháu còn đang ăn học. Cả nhà sống chật chội trong căn nhà khoảng 35m2. Chị Dung đã được nhận tiền hỗ trợ nhà sập của chính quyền, 10kg gạo hỗ trợ của phường và suất hàng viện trợ của Chính phủ Nga. Chị Dung chia sẻ: “Bữa giờ công thợ cao quá nên tôi chưa dám thuê thợ sửa nhà. Nhà nghèo nên tiết kiệm, tận dụng hết sức giữ được cái gì thì giữ. Chờ công thợ rẻ hơn tôi mới dám thuê sửa lại nhà, chỉ tội mấy đứa nhỏ, mưa gió là ướt hết sách vở, quần áo. Rét lạnh, chúng không ngủ được”…
Cố gắng có nhà trước Tết
Trong quá trình đi thực tế, điều chúng tôi ghi nhận khá rõ là nỗ lực của chính quyền các địa phương và cộng đồng đang chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, toàn huyện có 72 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, phần lớn rơi vào đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ chính sách. Các hộ này được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng lại nhà cửa. Trước mắt, huyện đã làm việc với một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để xây lại nhà ở cho các hộ này. Mục tiêu làm sao để người dân có nhà ở trước Tết dương lịch. Ngoài ra, với các hộ có nhà hư hỏng nặng, trước mắt huyện đã trích kinh phí dự phòng mua 2.912 tấm bạt loại 6x8m và dây để cấp cho các hộ che tạm để có nơi ở tạm.
Bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho biết, toàn thành phố có 324 nhà sập hoàn toàn, trong đó có 219 nhà nằm trong vùng quy hoạch. Đối với những nhà sập hoàn toàn trong khu vực ổn định, phòng đã tham mưu cho UBND thành phố hỗ trợ 103 hộ với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng, số hộ còn lại sẽ tiếp tục chi trả tiền hỗ trợ trong thời gian tới. Đối với các nhà sập nhưng nằm trong khu vực quy hoạch, UBND thành phố đang xác minh để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho hay, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài kinh phí 40 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh, Chính phủ, thị xã trích từ nguồn Quỹ vì người nghèo hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. “Hiện nay, các xã đang lập hồ sơ, thủ tục đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà bị sập hoàn toàn; xã nào xong gửi lên thị xã sẽ giải ngân kinh phí hỗ trợ của tỉnh để làm trước. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thị xã đã giao cho Phòng Dân tộc chọn mẫu nhà số 02 của Sở Xây dựng để khẩn trương triển khai xây dựng, quá trình làm sẽ có gia cố thêm kết cấu mái, tường để có thể thích ứng, hạn chế thiệt hại do bão, cố gắng hoàn thành trước năm 2017”, ông Hà nói.
Nhóm PV
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa: Ngay sau bão, không ít gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thôn xóm xác xơ, nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị ưu tiên giúp đỡ để người dân bị mất mát lớn có nhà ở; tập trung ưu tiên khôi phục các cơ sở giáo dục, y tế, giúp đỡ những gia đình có người thân bị thiệt mạng, hộ neo đơn, gia đình chính sách...