Gần 6 năm sau ngày khởi công, hầm đèo Cả sẽ chính thức thông xe vào ngày 21-8. Vượt qua biết bao gian lao thử thách, những người thợ ngày đêm khoét núi, mở hầm đã tạo nên một công trình mang dấu ấn thế kỷ.
Gần 6 năm sau ngày khởi công, hầm đèo Cả sẽ chính thức thông xe vào ngày 21-8. Vượt qua biết bao gian lao thử thách, những người thợ ngày đêm khoét núi, mở hầm đã tạo nên một công trình mang dấu ấn thế kỷ.
Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có chiều dài khoảng 12km nhưng có đến 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua nguy hiểm. Sau khi đèo Hải Vân được thông hầm năm 2005, đây là con đèo nguy hiểm nhất còn lại trên tuyến Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam. Do đó, cách đây 6 năm, Chính phủ đã quyết định mở đường hầm xuyên qua dãy núi.
Hành trình khoan núi mở hầm
Bây giờ, công trường hầm đường bộ qua đèo Cả đã chuẩn bị cho lễ thông xe. Đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được nét tươi vui, phấn khởi trên khuôn mặt đội ngũ kỹ sư, người thợ làm đường. Vượt qua những gian lao thử thách, họ đã tạo ra một công trình mang tầm vóc thế kỷ.
Gắn bó từ những ngày đầu thực hiện dự án, ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhớ lại, giai đoạn mới triển khai, nơi này là một vùng hoang vu, điều kiện sinh hoạt, thi công gặp muôn vàn khó khăn. Địa hình hiểm trở, mùa nắng thiếu nước, mưa xuống sình lầy. Thậm chí khi bắt tay vào việc, nhiều người còn hồ nghi khả năng thành công của nhà đầu tư. Thế nhưng, với quyết tâm thực hiện bằng được dự án, công ty đã nỗ lực huy động nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát thi công… có năng lực chuyên môn cao.
“Dự án được khởi công từ tháng 11-2012, trong quá trình thực hiện, do vướng về giải phóng mặt bằng nên phải đến đầu năm 2014, mũi khoan đầu tiên mới được vận hành. Bên cạnh đó, do điều kiện địa chất khu vực đèo Cả phức tạp, công tác đào hầm cũng gặp nhiều trở ngại, buộc các đơn vị phải làm 3 ca, không nghỉ ngày lễ, Tết để đảm bảo theo tiến độ đã cam kết với Bộ Giao thông vận tải”, ông Mai khẳng định.
Với đặc điểm của một dự án trọng điểm có quy mô lớn và tính chất phức tạp, ngay từ đầu, ban điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã quyết định thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp) cũng như tuyệt đối tuân thủ các quy trình triển khai và quản lý. Do vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng và tiến độ thì công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường cũng được thực hiện tốt. Còn nhớ trong lần thị sát tại công trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có tính phức tạp nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt Nam làm trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Điều ấy thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt”.
Về đích trước gần 1 năm
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, dự án đã đảm bảo các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật, đồng thời về đích trước gần 1 năm so với hợp đồng cam kết. Dù là dự án BOT, người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm hoặc đi qua đèo. Đây chính là sự khác biệt, ưu việt mà dự án mang lại cho người dân và xã hội. Việc thu phí hoàn vốn đối với dự án cũng được tính toán, hài hòa giữa lợi ích xã hội và nhà đầu tư. “Từ sự thành công của dự án hầm đèo Cả, Bộ Giao thông vận tải sẽ có đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để ngành triển khai các dự án sau này trên tất cả các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không”, ông Thọ thông tin.
Về chất lượng công trình, ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư đèo Cả cho biết, hầm đèo Cả được thi công theo công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method), thuộc phương pháp thi công hầm dưới mặt đất, sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đá hay đất, nhằm có được sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất. Đây là công nghệ của Áo và khi thi công hầm, đơn vị vận dụng những tiến bộ phát triển mới nhất của Nhật Bản.
Đánh giá về chất lượng công trình, ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhà nước các công trình xây dựng nhận xét, dự án đáp ứng cơ bản các tiêu chí về chất lượng hạng mục hầm, cầu, đường dẫn, thiết bị vận hành, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, an toàn giao thông… Dự án đã đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.
Xóa điểm đen, kết nối giao thông
Tuyến đèo Cả có hàng chục điểm đen về tai nạn giao thông. Mỗi ngày, hàng ngàn lượt phương tiện ì ạch “bò” trên cung đường ngoằn ngoèo hiểm trở. Các tài xế luôn ám ảnh mỗi khi lưu thông qua đây với tai nạn giao thông rình rập, tắc đường, kẹt xe bất cứ lúc nào. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 12 vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra trên cung đường này.
Thượng tá Ngô Văn Thảo - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, đây là con đường cực kỳ nguy hiểm, một bên là dốc cao, một bên là vực sâu. Chính vì thế, khi xảy ra tai nạn giao thông, lưu lượng xe bị dồn ứ, ùn tắc vài chục cây số là chuyện bình thường. Không chỉ vậy, vào mùa mưa trên tuyến thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất đá; nhiều điểm sụt trượt hàng nghìn mét khối khiến giao thông tuyến huyết mạch bị chia cắt nhiều ngày, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc đưa vào khai thác hầm đèo Cả sẽ rút ngắn được khoảng 40 phút so với đi đường đèo. Không chỉ vậy, trước đây, đường đèo Cả chính là điểm nghẽn đối với công tác vận tải, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung. Sau khi hầm đèo Cả đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía nam, đặc biệt giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài ra, hầm đường bộ tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên cũng như của đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.
Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc đưa vào khai thác hầm đèo Cả sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ đối với các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thời gian tới khi Khu kinh tế Vân Phong được đầu tư, sẽ tạo ra cơ hội kết nối giao thương thuận lợi với các địa phương khác trong cả nước thông qua hầm đèo Cả.
THÀNH NAM
. Dự án hầm đường bộ đèo Cả thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tức là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phân phối thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công nghệ trên cơ sở hợp đồng dự án. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án hơn 15.600 tỷ đồng; tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã tối ưu lựa chọn hướng tuyến, giảm đi chiều dài 2 ống hầm từ 5,7km xuống còn 4,125km, nhờ đó đã giúp tiết giảm được hơn 4.200 tỷ đồng. Số tiền tiết giảm được chuyển sang xây dựng hầm đèo Cù Mông.
_________________________________________________
. Dự án có tổng chiều dài hơn 13km, trong đó hệ thống hầm chính có chiều dài hơn 8,2km, với hai ống song song, cách nhau 30m; mỗi ống dài hơn 4,1km; đường kính 9,8m; hầm Cổ Mã dài 500m. Hầm có 2 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 80km/giờ.
__________________________________________________
. Sau khi chính thức đưa vào khai thác, các phương tiện được lưu thông qua lại hầm từ ngày 25-8 đến 2-9-2017 trước khi thu phí chính thức (dự kiến từ ngày 3-9-2017). Đồng thời, mức thu phí dịch vụ sử dụng hầm đường bộ đèo Cả theo Quyết định số 3107 của Bộ Giao thông vận tải cao nhất cho mỗi lượt xe là 288.000 đồng, thấp nhất là 60.000 đồng.