Tháng 7-2015, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cấp phép cho 5 cá nhân, doanh nghiệp cải tạo đất trồng rừng sản xuất trên núi Hàm Rồng (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) và tận thu đất để phục vụ dự án nâng cấp Quốc lộ 1.
Tháng 7-2015, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cấp phép cho 5 cá nhân, doanh nghiệp cải tạo đất trồng rừng sản xuất trên núi Hàm Rồng (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) và tận thu đất để phục vụ dự án nâng cấp Quốc lộ 1. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua kể từ khi các giấy phép này hết hạn, hoạt động khai thác đất nơi đây vẫn diễn ra rầm rộ, công khai khiến môi trường bị tàn phá nặng nề…
Khai thác rầm rộ
Trung tuần tháng 6, chúng tôi trở lại khu vực núi Hàm Rồng để tiếp tục tìm hiểu về tình trạng khai thác đất trái phép. Con đường từ đầu thôn Vĩnh Đông dẫn vào chân núi tuy chỉ dài khoảng 1km nhưng giờ đây trở nên lầy lội bởi hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải loại 15 tấn băm nát. Một người dân ở đây cho biết: “Tuyến đường này dẫn vào khu sản xuất nên trước đây đã được bê tông hóa. Mấy năm gần đây, do xe chở đất cày liên tục nên xuống cấp trầm trọng thế này”.
Tuy còn cách khu vực khai thác đất trái phép khá xa, nhưng chúng tôi đã nghe tiếng máy xúc, tiếng xe tải rồ ga vượt dốc. Càng tiến lên sườn núi, con đường càng trở nên rất khó đi và nguy hiểm bởi chiều rộng chỉ đủ 1 chiếc xe tải chạy lọt, hai bên là “vực” sâu cả chục mét do hoạt động múc đất tạo nên. Mỗi lần nghe tiếng xe tải từ xa, chúng tôi phải vội vàng tìm chỗ “né”. Và chỉ khoảng 30 phút đứng bên đoạn đường này quan sát, chúng tôi thấy hàng chục lượt xe tải nối đuôi nhau lên núi “ăn hàng”. Từ chân núi Hàm Rồng nơi tiếp giáp với những rẫy mì, rẫy mía ngược lên lưng chừng đồi có hàng chục điểm khai thác đất nham nhở. Gần như toàn bộ sườn núi Hàm Rồng bị đào khoét từ chân lên gần đỉnh núi. Khu vực này như một công trường lớn đang thi công rầm rộ với những chiếc máy xúc hoạt động hết công suất để đổ đất vào từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ đợi. Việc múc đất quy mô lớn, kéo dài đã tạo nên những bờ taluy cao hàng chục mét phía đỉnh núi. Bên cạnh đó, quá trình múc đất đã để lộ vô số khối đá lớn nhỏ nằm chênh vênh trên vách núi trông rất nguy hiểm. Chỉ cần một cơn mưa xuống, toàn bộ những khối đá này có thể lăn xuống dưới cánh đồng sản xuất của người dân.
Theo quan sát của chúng tôi, vách núi được khoét đến đâu thì đường vận chuyển được mở đến đó. Và để cảnh giới cho hoạt động này, luôn có vài đối tượng chạy xe máy hoặc ngồi ở dưới những tán cây ven đường để quan sát. Khi thấy người lạ đi vào khu vực khai thác đất trái phép, các đối tượng này liền bám theo với ánh mắt đầy đe dọa nhằm xua đuổi những người “không phận sự” ra khỏi khu vực. Thấy vậy, chúng tôi liền rẽ sang một con đường khác, khi đó, các đối tượng này mới không bám theo nữa.
Ông L.V.H, một người dân địa phương tiết lộ: “Chúng tôi cũng không biết chủ mỏ đất ở đây là ai, nhưng chỉ biết họ không phải là người dân địa phương. Hoạt động khai thác đất trái phép nơi đây đã diễn ra mấy năm nay. Nhưng không hiểu sao đến nay họ vẫn chưa bị xử lý mà liên tục khai thác công khai suốt ngày đêm. Con đường vào khu sản xuất của người dân bị xe tải cày nát nên khi vào vụ thu hoạch, chúng tôi rất vất vả khi vận chuyển mía, mì đi tiêu thụ. Đã thế, hầu hết xe tải chở đất không phủ bạt, chở quá tải, chạy với tốc độ cao làm rơi vải đất xuống đường gây bụi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Người dân đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần nhưng tình trạng khai thác vẫn không giảm”.
Bỏ lơ việc khôi phục môi trường
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tháng 7-2015, UBND huyện Cam Lâm đã cấp phép cho 5 cá nhân, doanh nghiệp thực hiện cải tạo đất rừng sản xuất ở khu vực nói trên và tận thu đất phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1. Thời hạn những giấy phép này kéo dài 6 tháng và đã hết hiệu lực từ đầu năm 2016. Tuy nhiên đến nay hoạt động khai thác đất ở khu vực này vẫn không chấm dứt mà vẫn tiếp tục diễn ra công khai trong một thời gian dài. Theo đề án cải tạo đất của những trường hợp này được cơ quan chức năng phê duyệt và là một trong những cơ sở quan trọng để được xem xét cấp giấy phép thì ngay sau khi dừng hoạt động cải tạo (thời điểm hết hạn giấy phép), chủ đầu tư phải tiến hành phục hồi môi trường bằng cách ban bàng diện tích đã cải tạo để trồng cây keo nhằm phủ xanh đất trống và chống xói lở đất. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất cứ chủ đầu tư nào tiến hành việc khắc phục môi trường theo quy định. Không chỉ vậy, một số trường hợp còn ngang nhiên mua thêm đất của dân để mở rộng diện tích khai thác một cách công khai, bất chấp hậu quả của những tác động xấu đến môi trường.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm, trước đây một số trường hợp có làm thủ tục xin gia hạn giấy phép để tiếp tục tận thu đất ở khu vực nói trên nhưng đều không được cơ quan chức năng chấp nhận. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu những cá nhân, doanh nghiệp này phải thực hiện phục hồi môi trường như đề án ban đầu, nhưng đến nay chưa trường hợp nào thực hiện.
Cần siết chặt quản lý
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Đoàn Quang Cảnh - Chủ tịch UBND xã Cam An Nam lại khẳng định: “Kể từ khi dự án mở rộng Quốc lộ 1 hoàn thành thì hoạt động cải tạo, tận thu đất ở khu vực núi Hàm Rồng thuộc địa bàn địa phương quản lý đã chấm dứt. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện hoạt động khai thác đất trái phép ở khu vực này(?)”.
Trong khi đó, ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết: “Khi Quốc lộ 1 hoàn thành thì các giấy phép mà huyện cấp cho một số cá nhân, doanh nghiệp cũng hết hạn. Và từ đó đến nay, huyện không gia hạn cho bất cứ trường hợp nào khai thác đất ở khu vực này. Tuy nhiên, qua kiểm tra chúng tôi vẫn phát hiện một số trường hợp còn khai thác lén lút, trái phép. Trước thực trạng đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác đất trái phép. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để xử lý tình trạng này, đồng thời tiếp tục yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp đã cải tạo đất ở khu vực nói trên sớm tiến hành việc khôi phục môi trường”.
NAM GIANG