12:03, 11/03/2017

Kỳ 2: Những vướng mắc

Thực hiện Nghị định (NĐ) 67, Khánh Hòa được phân bổ chỉ tiêu 160 tàu cá đóng mới, nâng cấp và đóng mới 15 tàu dịch vụ. Nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 54 tàu nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt...

Kỳ 2: Những vướng mắc


Thực hiện Nghị định (NĐ) 67, Khánh Hòa được phân bổ chỉ tiêu 160 tàu cá đóng mới, nâng cấp và đóng mới 15 tàu dịch vụ. Nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 54 tàu nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 12 tàu cá đóng mới và 3 tàu cá nâng cấp đã hạ thủy, đưa vào khai thác.


Đi tìm nguyên nhân


Ông Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết: “TP. Nha Trang có 47 hồ sơ vay vốn đóng tàu được UBND phê duyệt, đến nay đã có 9 tàu được hạ thủy và 3 tàu đang thi công. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân thì khó xác định “hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính”, bởi chưa rõ ràng, không có tiêu chí cụ thể nên chỉ làm theo cảm tính. Cụ thể, trường hợp hồ sơ của ông Phạm Minh Hoàng ở phường Ngọc Hiệp, BIDV trả hồ sơ nhưng Agribank lại đồng ý cho vay cũng chỉ vì cụm từ này. Một cái khó khác là NĐ 67 không nói về độ tuổi, tuy nhiên một số ngân hàng khi làm việc cho rằng chủ tàu lớn tuổi, khả năng trả nợ không có nên không cho vay. Một nguyên nhân kéo dài thời gian phê duyệt và giải ngân là do thiết kế mẫu vỏ tàu cá nên khó khăn trong triển khai… Qua tìm hiểu việc triển khai NĐ 67 ở TP. Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, lãnh đạo phòng kinh tế các địa phương này cũng nêu lý do tương tự.

 

Ngư dân Khánh Hòa chuẩn bị ngư cụ ra khơi
Ngư dân Khánh Hòa chuẩn bị ngư cụ ra khơi

   
Ông Nguyễn Cát (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) cho rằng: “Ngoài hiệu quả của chuyến biển, việc ngân hàng (NH) kéo dài thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ vay vốn khiến ngư dân đi lại nhiều lần mà vẫn chưa được giải quyết là nguyên nhân mấu chốt khiến họ chán nản khi tiếp cận vay vốn đóng tàu. Thậm chí, có chủ tàu đã nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt vẫn rút ra, hoặc chuyển sang vay thương mại chứ không vay ưu đãi theo NĐ 67”. Theo lý giải của một số ngư dân, nguyên nhân của tình trạng này có thể là phía NH không mặn mà khi cho ngư dân vay.


Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản mới đây, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, một số NH thương mại kéo dài thời gian thẩm định, đặt ra các điều kiện kỹ thuật ngoài chính sách là một trong những vướng mắc trong quá trình triển khai NĐ 67 tại Khánh Hòa. Bởi theo quy định, hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp để đóng tàu chỉ hình thành từ giá trị tài sản là con tàu, nhưng thực tế NH thương mại vẫn yêu cầu thế chấp tài sản khác như: đất đai, nhà cửa, tàu thuyền…


Ngân hàng cũng gặp khó


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, để xác định năng lực tài chính và hiệu quả hành nghề thì NH phải căn cứ vào kinh nghiệm của những chủ tàu trước đây đã vay thương mại từ các NH, bây giờ tiếp tục vay để đóng tàu theo NĐ 67. Theo đó, căn cứ 2 năm gần nhất ngư dân làm ăn hiệu quả, trả được khoản vay thương mại đầy đủ thì NH căn cứ vào đó để thẩm định năng lực tài chính và hiệu quả khai thác của ngư dân. Về tuổi, trong nghiệp vụ của NH, cho vay con tàu thời hạn dài nhất 16 năm, ít nhất 11 năm, nếu người đứng tên vay 70 tuổi, giờ cho vay, đến lúc thu hồi nợ liệu người vay này còn hay không? Để hạn chế rủi ro về tuổi tác, phải thông cảm cho NH vấn đề này. Liên quan đến việc thẩm định của NH, thiết kế mẫu tàu chưa phù hợp với ngư dân từng vùng miền, có những chủ tàu thay đổi thiết kế đến lần thứ 4 thì làm sao NH ký hợp đồng tín dụng để giải ngân được. NH đã cho vay 95% giá trị con tàu, ngư dân phải chứng minh khả năng tài chính của mình là đảm bảo 5% vốn đối ứng… Liên quan đến vấn đề thế chấp, NH chỉ thực hiện thế chấp từ tài sản hình thành từ vốn vay, NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn về vấn đề này.

 

Ngư dân vẫn vươn khơi Trường Sa trên những con tàu gỗ cũ
Ngư dân vẫn vươn khơi Trường Sa trên những con tàu gỗ cũ


 Đề cập đến những vấn đề vướng mắc thực tế ở đơn vị cho vay, ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng: “Ngư dân chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện và quy định của NĐ 67 và các thông tư hướng dẫn sẽ được đơn vị cho vay vốn. Đơn vị luôn tuân thủ các quy định trên và không có bất kỳ quy định riêng nào khác. Vướng mắc ở đây là đang có sự chênh lệch giữa dự toán và thẩm định giá; ngư dân thay đổi thiết kế tàu nhiều lần; vấn đề bảo hiểm”.


Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Khánh - Phó Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Vấn đề vướng mắc của NH trong việc cho vay là rất khó thẩm định tình hình tài chính, vốn sở hữu của khách hàng, bởi ngư dân không hợp tác hoặc không chứng minh được. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đóng mới, các chủ tàu thường dựa vào kinh nghiệm nên tự điều chỉnh thay đổi thiết kế, kích thước, dự toán, ngành nghề… dẫn đến chậm trễ trong quá trình làm thủ tục. Chính vì sự thay đổi nhiều lần như thế nên quá trình giải ngân bị chậm”.


Theo chia sẻ của đại diện các NH, quy trình thực hiện giải quyết cho một chủ tàu vay vốn được phía NH niêm yết công khai, hướng dẫn tận tình cho chủ tàu. Theo đó, sau khi tiếp nhận và kiểm tra sự hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ vay vốn từ khách hàng, NH sẽ tiến hành thẩm định: thiết kế, dự toán, tính khả thi, hiệu quả dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư trong hồ sơ. Sau 7 ngày thẩm định, NH sẽ có thông báo đến chủ tàu và có báo cáo gửi NH Nhà nước về việc cho vay hoặc từ chối cho vay. Nếu cho vay, NH tiếp tục hướng dẫn khách hàng trong việc ký hợp đồng đóng tàu với cơ sở đóng tàu, điều chỉnh dự toán thiết kế nếu có, hợp đồng, chứng từ mua trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ đảm bảo đủ hồ sơ chứng từ để làm cơ sở giải ngân. Sau đó, sẽ tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân theo tiến độ.


Tắc do thiếu bảo hiểm


Một thực trạng khiến cho ngư dân và cơ quan chức năng bức xúc hiện nay là nhiều tàu cá đóng mới đã hạ thủy thành công nhưng sau nhiều tháng vẫn “mắc cạn” do tắc ở khâu bảo hiểm. Ngư dân Trần Văn Đạt (Hòn Rớ) cho biết: “Tôi vay vốn đóng mới chiếc tàu cá mang số hiệu KH92179TS hành nghề lưới vây và câu cá ngừ đại dương, tàu hạ thủy vào ngày 11-11-2016 (âm lịch). Tuy đã vào vụ đánh bắt hải sản nhưng tàu cá của tôi vẫn phải nằm bờ vì chưa mua được bảo hiểm. Tôi không hiểu tại sao Chính phủ đã có nghị quyết tiếp tục gia hạn thực hiện NĐ 67 đến hết năm 2017 mà Công ty Bảo hiểm Bảo Minh lại tạm ngưng việc bán bảo hiểm thân tàu theo NĐ 67. Tàu cá nằm bờ khiến chúng tôi hết sức sốt ruột, bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó, tiền vay ngân hàng để đóng tàu xong nhưng không đi biển được thì ai trả? Nếu tôi đưa tàu đi biển, lỡ gặp rủi ro thì tính sao?”. Đây cũng là bức xúc chung của 4 chủ tàu vay vốn theo NĐ 67 đã hạ thủy, lắp đặt xong ngư cụ nhưng vẫn chưa mua được bảo hiểm.


Câu hỏi này cũng khiến các cơ quan chức năng của tỉnh đau đầu. Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, triển khai Nghị quyết 113 của Chính phủ về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện các chính sách của NĐ 67, NH Nhà nước Việt Nam đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các NH thương mại của 28 tỉnh thành có tham gia chính sách theo NĐ 67 khẩn trương thẩm định, cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, cho vay vốn lưu động khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, đến nay về phía bảo hiểm lại tạm ngưng cung cấp dịch vụ. Cụ thể, tại Khánh Hòa, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh ngưng cung cấp dịch vụ nên một số tàu đã được hạ thủy không ra khơi được trong khi đang vào mùa vụ khai thác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách (NH thương mại đang khó khăn để xem xét tiếp tục đầu tư và giải ngân tín dụng), gây hoang mang trong ngư dân do không có đầy đủ các loại bảo hiểm (bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên) để phòng ngừa rủi ro khi hoạt động trên biển. 

 
Được biết, ngày 24-2, Công ty Bảo Minh Khánh Hòa đã có công văn gửi Chi cục Thủy sản tỉnh, trong đó nêu lý do: “Theo NĐ 67, thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm đến ngày 31-12-2016 là hết hiệu lực. Theo Nghị quyết 113 của Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai về bảo hiểm cho các tàu hải sản xa bờ, nhưng cho đến nay, Bảo Minh Khánh Hòa vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính để tiếp tục triển khai”. Theo công văn này thì Bảo Minh Khánh Hòa vẫn sẽ tiếp tục tạm ngưng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho đến khi Bộ Tài chính có hướng dẫn.


NHÓM PV

 

Kỳ 1: Niềm vui trên những con tàu mới


Kỳ cuối: Để tàu 67 vươn khơi