Với những bác sĩ đã và đang làm việc ở huyện đảo Trường Sa thì ký ức của họ về những lần khám, chữa bệnh, cứu người nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc luôn là những kỷ niệm đẹp.
Với những bác sĩ (BS) đã và đang làm việc ở huyện đảo Trường Sa thì ký ức của họ về những lần khám, chữa bệnh, cứu người nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc luôn là những kỷ niệm đẹp.
Cứu người giữa biển khơi
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Thượng úy, BS Thái Đàm Lương - Trưởng ngành Quân y tàu 561 (Khánh Hòa 01) khi anh vừa công tác ở Trường Sa về. Như bao cuộc hải trình khác, chuyến công tác này cũng để lại cho BS Lương nhiều cảm xúc. Đó là gặp gỡ những người đồng đội cũ; đón nhận niềm vui của ngư dân bị tai nạn trên biển khi được anh sơ cấp cứu kịp thời...
Bác sĩ Thái Đàm Lương giới thiệu về tàu Quân y cho khách |
Quê ở Nghệ An, năm 1995, BS Lương nhập ngũ và được biên chế vào Lữ đoàn 146 (Trường Sa). 5 năm ở đảo, kỷ niệm BS Lương nhớ nhất là vào năm 2002, khi anh cứu sống ca ngộ độc cấp nặng - đây là ca nặng đầu tiên anh gặp phải khi nhận nhiệm vụ ở đây. Anh kể, lúc được đưa vào đảo, bệnh nhân (BN) đã rơi vào tình trạng trụy tim mạch, huyết áp tụt, gọi hỏi không trả lời. Nhận định BN bị ngộ độc cấp nặng, anh đã tiến hành cấp cứu tích cực cho BN. Sau 4 giờ, BN tỉnh lại. Lúc đó, không chỉ có anh em trong trạm xá, mà toàn đảo ai cũng mừng như người thân của mình được cứu sống. Riêng anh, lúc ấy muốn bật khóc vì hạnh phúc.
Và còn nhiều kỷ niệm, những lần anh đã sơ cấp cứu thành công cho ngư dân bị tai biến khi lặn, hướng dẫn họ đến các đảo lớn để điều trị tiếp. “Ở đất liền, bên mình luôn có thầy, có đồng nghiệp, trang thiết bị hỗ trợ. Ở đảo, trang thiết bị còn thiếu thốn, công tác khám, chữa bệnh đều do mình độc lập tác chiến. Nếu mình xử lý không đúng, không kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh”, BS Lương nói.
Một ca mổ trên tàu quân y 561 |
Năm 2012, BS Lương nhận nhiệm vụ trên tàu quân y 561 - con tàu được ví như bệnh viện “5 sao” trên biển, do Vùng 4 Hải quân quản lý với nhiệm vụ khám, chữa bệnh và cứu người trên biển.
Gắn bó với tàu quân y 561 từ ngày đầu tiên, 5 năm nhận nhiệm vụ trên tàu, BS Lương và các đồng nghiệp đã giành lại sự sống từ tay “thần chết” cho nhiều ngư dân và quân dân ở quần đảo Trường Sa. BS Lương vẫn nhớ như in, tháng 6-2015, giữa biển động cấp 4, 5, anh cùng với ê kíp y, BS trên tàu phối hợp với đoàn khám sức khỏe của Quân chủng Hải quân mổ cấp cứu cho BN Huỳnh Văn Kiên (21 tuổi, quê ở Bình Thuận) bị biến chứng vì viêm ruột thừa cấp. “Để giúp BS mổ, khâu được chuẩn xác, tàu phải thả vây hai bên mạn để tránh rung lắc, rồi “lượn” theo chiều sóng biển để lấy thêm độ yên tĩnh. Các y, BS trong phòng mổ phải có những tư thế đứng đặc biệt để mổ trong điều kiện sóng to, gió lớn. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công trong niềm vui vỡ òa của mọi người trên tàu”, BS Lương nhớ lại.
Kỷ niệm ấn tượng nhất là khi anh và các đồng nghiệp sơ cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng cho một ngư dân bị chấn thương sọ não cũng vào tháng 6-2015. Sau khi làm xong nhiệm vụ khám, chữa bệnh và rời khu vực nhà giàn DK1, tàu quân y 561 nhận được điện khẩn của nhà giàn báo có một trường hợp ngư dân cần cấp cứu. Tàu đã chạy suốt 4 tiếng đồng hồ giữa đêm trong lúc biển động cấp 5, 6 để quay lại nhà giàn tiếp cận ghe nạn nhân. Khi đưa được lên tàu, ngư dân Đặng Văn Bình (51 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. BS Lương cùng với ê kíp y, bác sĩ trên tàu trắng đêm điều trị, hội chẩn qua hình ảnh vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) để tìm ra phương án cứu chữa tốt nhất. Đến 5 giờ sáng, tàu cập đảo Trường Sa Lớn, nhìn thấy trực thăng chờ sẵn để đưa BN về Bệnh viện Quân y 175, khi ấy anh và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm.
Hỏi chuyện, BS Lương không nhớ rõ anh và ê kíp trên tàu quân y 561 đã cứu sống bao nhiêu ngư dân và chiến sĩ gặp nạn trên biển. Anh chỉ nhớ, những tin báo bình an của BN chính là nguồn động viên vô cùng to lớn, giúp anh và các đồng nghiệp có thêm động lực tiếp tục hành trình cứu nạn trên biển đảo quê hương.
Trường Sa - quê hương thứ 2
Chúng tôi gặp Đại tá, BS Lê Hồng Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 87 khi anh vừa tổ chức xong lớp tập huấn cho đội ngũ y, BS đang làm việc ở các vùng biển, đảo về y học biển và điều trị oxy cao áp. Nhắc về Trường Sa, BS Quang bồi hồi và xúc động kể, anh ra Trường Sa 2 lần và lần nào cũng đều để lại trong anh những ấn tượng, kỷ niệm khó quên. Gần đây nhất vào tháng 3-2016, khi anh nhận được lệnh cùng với các thành viên trong tổ quân y cơ động ra đảo Trường Sa Lớn cấp cứu cho ngư dân bị nhồi máu cơ tim. Sau khi nhận lệnh, cả đêm anh gần như không ngủ được vì lo BN có bị chuyển biến bệnh nặng khi thời gian tổ đến được Trường Sa Lớn để cấp cứu khá dài. Đến nơi, BS Quang thở phào nhẹ nhõm khi thấy BN không có diễn biến xấu nhờ các BS ở Trường Sa Lớn làm tốt công tác cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn cùng ê kíp y, BS ở đảo, BS Quang quyết định chuyển ngay BN vào đất liền bằng thủy phi cơ để phẫu thuật đặt stent cấp cứu. BS Quang chia sẻ: “Cái khó của những ca này là phải đánh giá đúng tình trạng bệnh để đưa ra quyết định kịp thời. Vì nếu đưa ra quyết định sai, trong quá trình vận chuyển đưa BN vào đất liền có thể làm bệnh diễn biến nặng hơn, có khi gây tử vong cho người bệnh. Chúng tôi rất mừng, sau khi được các BS Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phẫu thuật cấp cứu, BN đã được cứu sống”.
Bác sĩ Quang (đứng giữa) trao đổi với đồng nghiệp về bệnh án của bệnh nhân |
Nhưng khó quên nhất đối với BS Quang là đợt ra Trường Sa năm 2014. Lần đó, BS Quang đã chẩn đoán chính xác ca bệnh có biểu hiện mắc viêm màng não. “Sau khi chọc dịch não tủy để kiểm tra, tôi xác định BN mắc xuất huyết não, chứ không phải viêm màng não do não mô cầu. Lúc đó, cả trạm xá và chỉ huy trên đảo ai cũng thở phào nhẹ nhõm, như trút được cả ngàn gánh nặng trên vai. BS trên đảo chuyên về ngoại khoa nên đây là ca khó đối với họ. Khó vì đây là bệnh rất dễ lây lan thành dịch, nếu họ chẩn đoán sai thì hậu quả rất nghiêm trọng”, BS Quang kể. Từ đó, sau khi về đất liền, BS Quang thường nhận nhiều cuộc điện thoại từ các y, BS trên một số đảo nhờ tư vấn, hướng dẫn cách xử trí, điều trị bệnh lý nội khoa và truyền nhiễm.
Đối với BS Phạm Tuấn Hiển - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, những ngày ở trên đảo Song Tử Tây để thực hiện nhiệm vụ đỡ sinh cho sản phụ Trương Thị Thanh Xuân, ngư dân của đảo là ngày đáng nhớ nhất trong đời của anh. BS Hiển kể, tháng 6-2015, lúc nhận được nhiệm vụ ra Trường Sa, anh rất tự hào nhưng cũng mang nhiều nỗi lo. “Nhưng khi đến đảo, được sống trong tình yêu thương, được chia sẻ những khó khăn, ngọt bùi cùng với quân và dân trên đảo, bao nhiêu lo lắng của tôi đều không còn. Nếu được giao nhiệm vụ lần nữa, tôi sẽ tiếp tục ra Trường Sa. Sống ở đảo gần 2 tháng, nhưng tôi đã xem Trường Sa như là quê hương thứ 2 của mình”, BS Hiển tâm sự.
Bác sĩ Hiển (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng với ê kíp y, bác sĩ Bệnh xá Song Tử Tây và mẹ con sản phụ Xuân |
Trước đó, BS Hiển thường xuyên theo dõi, thăm khám thai nhưng khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ anh cũng không khỏi lo lắng vì sợ quá trình chuyển dạ có những biến chứng bất thường, trong khi các trang thiết bị cấp cứu cho sản khoa ở đảo còn thiếu. “Đến 22 giờ sản phụ bắt đầu chuyển dạ. Tôi được 2 BS chuyên nội và ngoại khoa ở bệnh xá đảo phụ đỡ sinh. Khi tiếng khóc chào đời của bé gái con sản phụ Xuân vang lên, cả bệnh xá vỡ òa hạnh phúc cùng gia đình sản phụ. Đã đỡ sinh hàng trăm ca ở đất liền, nhưng khi tự tay đỡ sinh và chăm sóc cho em bé trên mảnh đất đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc tôi thấy vô cùng hạnh phúc”, BS Hiển chia sẻ.
Thời gian trên đảo, BS Hiển còn tham gia cùng ê kíp y, BS của Bệnh xá Song Tử Tây thực hiện 3 cuộc phẫu thuật và tiểu phẫu thành công cho ngư dân và quân dân trên đảo. Theo BS Hiển, ấn tượng nhất vẫn là lần anh tham gia phẫu thuật cho công nhân trên đảo bị tổn thương nặng ở bàn tay. Khi nhập bệnh xá, mạch máu gân, cơ, xương bàn tay phải của BN đã bị đứt, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hoại tử. Dù chuyên về sản khoa, nhưng BS Hiển phối hợp tốt với BS Linh - Trưởng Bệnh xá Song Tử Tây phẫu thuật cầm máu vết thương, nối mạch máu bàn tay cho BN thành công dưới sự hướng dẫn của các BS Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội) qua vệ tinh. “Sau mổ một ngày, bàn tay của BN hoạt động tốt, không có dấu hiệu hoại tử. Lúc đưa BN lên tàu chuyển vào đất liền để tiếp tục điều trị, BN vui một, chúng tôi vui gấp mười lần. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia ca mổ không đúng chuyên ngành”, BS Hiển kể.
Chia tay với các anh, chúng tôi thấy tự hào và yêu hơn màu áo blouse trắng.
THẢO LY