Đã làm cái nghề quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì nắng nóng hay mưa gió, các công nhân sửa đường cũng đều phải chạy đua với thời gian, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là mùa mưa lũ để đảm bảo cho các tuyến đường luôn thông tuyến…
Đã làm cái nghề quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nắng nóng hay mưa gió, các công nhân sửa đường cũng đều phải chạy đua với thời gian, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là mùa mưa lũ để đảm bảo cho các tuyến đường luôn thông tuyến…
Ăn núi, ngủ rừng
Đỉnh Hòn Giao một ngày giữa tháng 12. Ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, sương mù giăng khắp lối. Bất chấp những đợt mưa như trút nước, hàng chục công nhân sửa đường vẫn khẩn trương kè rọ đá, kiên cố chân taluy cho tuyến đèo Khánh Lê - Lâm Đồng. Một tốp khác hì hục hốt dọn những đống đất đá bị sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông.
Dù mưa hay nắng, những công nhân làm đường vẫn miệt mài với công việc của mình |
Hơn 30 năm gắn bó với nghề sửa chữa đường, ông Lê Văn Hoa (52 tuổi, quê Quảng Ngãi) nhớ như in những ngày tháng gian nan vất vả với nghề. Với ông, những đợt băng rừng, xẻ núi sửa đường sau mưa bão, lũ lụt là “chuyện thường ngày ở huyện”. Núi lở, nước chảy xiết, đất đá ào xuống mặt đường chắn lối đi. Mọi việc phải thật khẩn trương để thông đường càng nhanh càng tốt. “Đợt mưa lũ vừa rồi, anh em phải túc trực ngày đêm trên những cung đường để đảm bảo giao thông. Hàng tháng trời thức trắng đêm cứu đường, nhìn ai cũng lam lũ. Tuyến đường này quá nhiều nguy hiểm, một bên là vực sâu, một bên là núi cao, chỉ cần sơ xảy một chút là mất mạng như chơi”, ông Hoa nói.
Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì phải theo các công trình dưới trời nắng nóng, ông Trần Duy Chinh (49 tuổi, quê Ninh Bình) tâm sự, mặc dù lúc nào cũng đeo găng nhưng đôi bàn tay ông vẫn chai sạn vì suốt ngày cuốc, cào, bưng, bê. Dẫu biết nghề làm đường gian nan vất vả, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên ai đã chọn thì phải chấp nhận và gắn bó với nó. Những ngày mưa thì thức trắng đêm hốt dọn sạt lở, đảm bảo giao thông. Những ngày nắng, anh em lại phải nấu nhựa vá ổ gà. Nắng càng to càng phải làm nhiều, vì trời mưa không thể đào đường hoặc rải nhựa được. Mặt đường có lúc nhiệt độ lên đến hơn 700C nhưng ai cũng phải ráng làm cho xong việc. Ông thì quen rồi, chứ đợt hè vừa qua, có không ít anh em ngất xỉu khi đang làm việc do say nắng.
Các công nhân thu dọn đất đá sạt lở ở đèo Cổ Mã |
Những khó khăn của người thợ làm đường không chỉ dừng lại ở đó, nhiều đoạn đường hoang vắng, xa khu dân cư, cuộc sống của công nhân tập trung trong lán trại tạm bợ. Điều kiện sống thiếu thốn đủ thứ, từ điện, nước, đến bữa ăn cũng rất đơn giản do việc đi chợ không dễ. Không ít người mới vào nghề đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì không chịu nổi vất vả. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay việc sửa chữa đường phần lớn do các công ty tư nhân đứng ra đấu thầu. Những công nhân thi công trực tiếp thường được thuê theo thời vụ, trả tiền công nhật với mức từ 200.000 đến 220.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ gian nan vất vả, những công nhân sửa đường luôn đối mặt với hiểm nguy, tai nạn rình rập. Mới đây, trong quá trình thi công khắc phục sạt lở, người điều khiển chiếc xe đào bánh lốp đã thoát hiểm trong gang tấc khi đất đá ào ạt đổ xuống. Nhớ lại khoảnh khắc đó, anh Nguyễn Văn Tư - công nhân Công ty Quản lý và xây dựng miền Trung vẫn còn run: “Lúc đó khoảng 22 giờ, 4 chiếc xe đào của công ty đang gấp rút dọn đất đá sạt lở tại Quốc lộ 27C thì bất ngờ một lượng đất lớn từ trên núi đổ xuống. Tôi nhanh chóng đưa gầu xe về phía taluy âm nâng xe lên. Hàng trăm khối đất đổ xuống cao hơn 2m, vùi lấp gần hết chiếc xe, tôi vội tháo cửa cabin nhảy xuống thoát thân. Lúc đó tôi tưởng mình sẽ bị vùi lấp luôn, nhưng may chiếc xe được nâng lên kịp thời”. Anh Tư cho biết thêm, trước đó, khoảng 1 giờ đêm, tuyến đường này cũng bị sạt lở, 20 công nhân được huy động hốt dọn đất đá thì bất ngờ sạt lở thêm. Khi vừa nghe tiếng rào rào, tất cả công nhân theo quán tính chạy nhanh khỏi khu vực này, may mắn thoát nạn.
Công nhân thi công kè rọ đá |
Nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều độc hại là công việc của những người thợ nấu nhựa đường. Nhiệt độ của nồi nấu lúc nào cũng ở mức 200 đến 300 độ C. Những ngày hè nắng nóng quyện với mùi nhựa đường cực kỳ khó chịu và độc hại. Trong khi nấu và rải nhựa xuống đường, công nhân thường xuyên bị nhựa bắn vào người gây bỏng da, rách quần áo. Nhìn những công nhân phơi mình dài ngày dưới nắng nóng hay dầm mình trong mưa lũ đảm bảo thông tuyến mới thấu hiểu hết những gian nan vất vả của họ. Chẳng thế mà những người làm công việc này thường nhìn già hơn so với tuổi của họ, sức khỏe cũng giảm sút nhanh chóng. Ông Trần Văn Hương (58 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ: “Nghề này cậy sức là chính, khi còn khỏe thì tăng ca, kiếm thêm ít đồng gửi về gia đình. Mấy năm nay sức khỏe xuống, một vài năm tới chắc tôi cũng nghỉ để về quê làm ruộng. Bám trụ hoài nhưng đến lúc đau ốm tiền thuốc cũng quá tiền làm”.
Giao thừa trên công trường
Những công nhân làm đường hầu hết đến từ nhiều vùng miền khác nhau, xa quê mưu sinh. Ngày Tết là dịp sum vầy, nhưng do hoàn cảnh, nhiều người phải dành dụm tiền gửi về lo cho gia đình, còn mình chấp nhận ở lại công trường đón xuân.
Bữa ăn trưa của những công nhân khá đơn giản |
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 700km đường tỉnh, quốc lộ nằm trong diện bảo trì; trong đó có khoảng 200km quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý và ủy thác bảo trì. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 hạt quản lý đường bộ và 2 công ty được giao sửa chữa và bảo trì đường gồm: Công ty Quản lý và xây dựng công trình miền Trung và Công ty Quản lý và sửa chữa công trình giao thông Khánh Hòa với khoảng 500 công nhân làm việc thường xuyên. |
Đã 3 năm nay, ông Chinh không đón Tết cùng gia đình, năm nay ông cũng không về nhà. Ông chia sẻ: “Ăn Tết xa nhà, tuy buồn vì phải xa vợ con, gia đình, nhưng bù lại cũng có niềm vui riêng. Anh em ở lại trực Tết, lãnh đạo công ty luôn quan tâm, động viên, thăm hỏi và chúng tôi cũng không thiếu hương vị Tết. Ở lại đón xuân trên công trường, anh em cũng tổ chức đón giao thừa, cùng chúc tụng, động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không khí cũng ấm áp”.
Anh Trần Đình Đức (quê Thanh Hóa) - công nhân đang thi công tại Quốc lộ 27C tâm sự: “Nhìn thấy xe khách lên đón công nhân về Bắc ăn Tết, tôi lại thấy nhớ nhà. Tuy vậy, tôi vẫn luôn tự động viên mình cố gắng vì nhiệm vụ và vì tuyến đường cho người dân đi lại trong dịp Tết. Điều khiến chúng tôi rất vui khi đón Tết tại công trường là được các đơn vị và người dân trên địa bàn đến động viên, thăm hỏi và cùng vui Tết với anh em. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng và tâm niệm mình càng phải cố gắng hơn”.
Ông Đoàn Thanh Hưng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý và xây dựng miền Trung cho biết, mỗi độ Tết đến xuân về, hầu hết anh em đều tranh thủ về quê cùng gia đình ít ngày. Tuy nhiên, cũng có nhiều anh em vì điều kiện nên không về, ở lại trực, công ty thường xuyên động viên, thăm hỏi, tạo điều kiện tốt nhất về vật chất để anh em tổ chức đón Tết vui vẻ. Ngoài ra, công ty cũng tăng gấp đôi tiền lương, tiền thưởng Tết đối với những người ở lại để động viên họ.
THÀNH NAM - KHÁNH HÀ