Thiếu thốn đủ bề, có lúc tưởng phải gác lại giấc mơ đại học, nhưng với quyết tâm và khát khao học tập, nhiều tân sinh viên đã vượt lên phận nghèo, gắng gỏi tới giảng đường.
Thiếu thốn đủ bề, có lúc tưởng phải gác lại giấc mơ đại học, nhưng với quyết tâm và khát khao học tập, nhiều tân sinh viên đã vượt lên phận nghèo, gắng gỏi tới giảng đường.
Những mảnh đời khó khăn
Ít ai biết, trong căn nhà nhỏ (số 5 đường Xóm Sông 2, thôn 2, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) luôn khóa trái cửa vào ban ngày lại có một người mẹ luôn ngóng con đi học về. Đó là căn nhà xây bằng tiền từ thiện của mẹ con em Nguyễn Thị Thu Thảo. 7 năm trước, bà Phùng Thị Thu Dung bị u não, sau mổ bị ngã nên liệt nửa người, mắt phải hỏng. Cha mất khi Thảo 4 tuổi. Chị hai, anh ba của Thảo lần lượt lập gia đình ở xa, kinh tế khó khăn, không hỗ trợ được nhiều. Từ năm học lớp 6, Thảo đã biết đi chợ, nấu cơm, quán xuyến việc nhà và chăm sóc mẹ. “Hồi học lớp 12, nghe bạn bè hỏi sau này thi trường đại học nào, em không biết nói sao”, Thảo tâm sự. Ngày nhập học ngành Kinh doanh thương mại Đại học Nha Trang, Thảo chỉ có 1,5 triệu đồng tiền học bổng lớp 12, còn thiếu 600.000 đồng. Không biết trông vào đâu, em đã toan thôi nhập học…
Đi học về, Thảo tất bật lo nấu nướng, chăm mẹ |
3 mẹ con em Nguyễn Thị Cẩm Nhung hiện đang ở nhờ trong một căn phòng tại 107 Trần Nguyên Hãn (phường Tân Lập, TP. Nha Trang). Cha đẻ, rồi cha dượng bỏ đi, em út bị bại não từ khi mới sinh nên 7 năm qua, mẹ Nhung luôn phải chăm sóc em. Cả nhà chỉ trông vào khoản trợ cấp trẻ khuyết tật gần 1 triệu đồng/tháng, họa hoằn lắm mới có thêm 150.000 đồng tiền phụ việc nhà mà mẹ Nhung tranh thủ làm trong 1 tuần. Dù vậy, Nhung vẫn nhiều lần đoạt giải môn Địa lý: Huy chương Đồng Olympic năm 2014 và 2015; giải ba quốc gia năm 2015; giải nhất tỉnh năm 2016; được vào thẳng khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh! Hành trang nhập học và sinh sống đến hết học kỳ 1 của Nhung là hơn 10 triệu đồng mẹ đi vay và nhận hỗ trợ của mọi người.
Mẹ con em Đoàn Thị Phượng (thôn Ninh Điền 2, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) cũng bị bủa vây bởi cái nghèo. 2 năm trước, cha Phượng mất vì ung thư gan, để lại khoản nợ chữa bệnh 30 triệu đồng. Mẹ Phượng, bà Đinh Thị Sáu, bị sỏi thận nhưng vẫn cố làm thuê làm mướn nuôi Phượng và cậu em trai học lớp 11. Tới mùa đậu phộng, cứ 2 giờ sáng, bà đạp xe 7km đi nhổ đậu phộng thuê lấy công 60.000 – 80.000 đồng/ngày. Hết mùa, bà đi cuốc đất mướn, trồng ớt thuê hoặc nhặt phân bò bán kiếm vài chục ngàn đồng/ngày. Cũng do cảnh nhà khó khăn nên anh hai của Phượng phải gác lại giấc mơ đại học, sau đó đi nghĩa vụ quân sự. Hiện gia đình em còn nợ 23 triệu đồng. “Biết tin đậu khoa Tài chính ngân hàng Đại học Nha Trang, em nói mẹ chỉ cần lo học phí, còn lại em tự lo”, Phượng tâm sự.
Cũng vì chữ nghèo mà Phạm Thị Mỹ Nhi (thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) - sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang từng ngấp nghé ý định bỏ học. Năm 2010, nhà Nhi điêu đứng vì lo chữa bệnh cho em trai út, anh hai và ông nội vừa xong thì đìa tôm nuôi bị chết hết. Họa vô đơn chí, cha Nhi lại bị tai nạn giao thông, xuất huyết não, cả nhà chỉ vay mượn mua được thuốc chữa tan máu bầm. Cha Nhi gắng gượng đi làm thợ hồ thì bị ngã, ảnh hưởng cột sống, không thể làm việc nặng. Mẹ Nhi xoay xở đủ việc, đến giờ, tiền vay hộ cận nghèo mới trả được kỳ đầu tiên.
Không đầu hàng hoàn cảnh
Ngày biết tin đậu đại học, Thảo đến trường xin bảo lưu kết quả nhưng được trường cho nhập học muộn và nợ học phí. Vì vậy, Thảo hạ quyết tâm đi học. Bây giờ, mỗi sáng, Thảo thức dậy từ 5 giờ, lo vệ sinh cho mẹ, chuẩn bị đồ ăn sáng, đặt mọi vật dụng thiết yếu khác trên giường, ngay tầm với của mẹ, sau đó tất tả lên xe máy đi nhờ cô bạn học đến trường cách nhà gần 20km. Những hôm hai đứa học lệch tiết, Thảo tranh thủ học bài ở trường và chờ bạn đón. Sau buổi trưa tất bật, Thảo lại lo học bài, xoa bóp cho mẹ, cơm nước để 17 giờ 30 đạp xe 7km ra ngã ba Thành (Diên Khánh) phụ quán giải khát và chỉ trở về sau 22 giờ 30. “Cả ngày, tôi chỉ nằm ngóng tiếng lạch xạch mở khóa của út Thảo. Từ ngày học đại học, nó đi suốt. Mong sao con tôi sớm học thành tài!”, bà Dung thở dài. Vất vả là thế nhưng Thảo rất lạc quan: “Đi làm thêm, em được trả công lại còn được học pha chế miễn phí nên chẳng có lý do gì nghỉ học, nghỉ làm!”. Thảo chỉ bùi ngùi khi nói về mẹ: “Khoản tiền công 1,4 triệu đồng/tháng cũng đủ chi tiêu, nhưng chỉ tội mẹ ở nhà một mình cả ngày…”.
Phượng luôn nhủ phải gắng vượt khó để học tốt |
Phượng xin được chân chạy bàn tại một quán nem ở Nha Trang từ 17 giờ 30 đến 21 giờ 30. 2 tháng qua, chủ quán mới tạm ứng được 600.000 đồng, Phượng phải nghĩ đủ cách tiết kiệm để hàng tháng trả 800.000 đồng tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống. Ngoài làm thêm ở quán nem, mỗi tháng, Phượng còn làm công nhật 2 ngày tại một công ty vệ sinh lấy 300.000 đồng. Từ chỗ trọ tới trường đi hơn 20 phút nhưng trừ những buổi học chiều rồi đi làm thêm luôn, còn lại em đều đi bộ để… tiết kiệm tiền gửi xe đạp, gắng trả khoản vay đóng học đầu năm. Bà Sáu tâm sự: “Vì nghèo, tôi đã toan cho con nghỉ học nhưng trước quyết tâm của con, tôi tự nhủ phải nỗ lực hết mình để con không dừng bước giữa chừng”.
Còn Nhi, đều đặn cuối tuần em lại về nhà, cùng mẹ đi bắt ốc bán lấy chừng 100.000 đồng làm lộ phí cho tuần học tới. Nhung thì may mắn được ở miễn phí tại “Ngôi nhà đồng hành” của một luật sư tại TP. Hồ Chí Minh. Sáng sáng, Nhung dậy sớm nấu cơm bỏ cặp lồng cùng ít mắm, cá khô mẹ gửi cho để mang tới trường ăn cả ngày. Ăn cơm nguội, đi học bằng xe buýt mất 1 tiếng rưỡi, nhưng vừa được nhận hỗ trợ học bổng, Nhung đã trích một phần tiền để tham gia các hoạt động từ thiện xã hội mà em luôn nhiệt tình tham gia.
Chông chênh đường tới giảng đường
Chưa khi nào nói sẽ bỏ học, nhưng Thảo không khỏi phân vân: “Không ở cạnh mẹ thường xuyên, em rất lo. Mới đây, được nhận học bổng 7 triệu đồng, em định mua xe máy để về nhà cho nhanh, nhưng rồi lại đắn đo, lo không biết học kỳ 2 lấy tiền đâu đóng học phí”. Phượng cũng trăn trở: “Ban đầu, em nghĩ mình có thể tự lập được. Nhưng vô học mới thấy vất vả nhiều hơn em tưởng, thời gian làm thêm chiếm gần hết thời gian học”. Cũng vì hy vọng dễ kiếm việc trong tương lai nên Phượng đã chọn thi ngành Tài chính ngân hàng, từ bỏ mơ ước học báo chí. “Thâm tâm, em rất muốn đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, được trải nghiệm cuộc sống và viết về những điều tốt, xấu, nhưng lại sợ ra trường không xin được việc làm. Hiện giờ, em chỉ ao ước mẹ khỏe và mong sau khi ra trường có công việc ổn định”, Phượng tâm sự. Bà Sáu cũng rơm rớm nước mắt: “Nói thiệt, lúc đầu nghe tin con đỗ đại học, tui tự hào lắm, nhưng nghĩ nhà mình nghèo nên đành khuyên con bỏ học. Đêm nằm thấy cháu trằn trọc không ngủ, nói không muốn bỏ học, tôi lại đồng ý mà chẳng biết lấy tiền đâu nuôi con ăn học”. Nhung thì giấu kín ước ao nâng cao trình độ tiếng Anh bởi biết rõ mẹ ở nhà rất vất vả chăm em bệnh…
Cuối tuần, Nhi lại cùng mẹ đi bắt ốc bán lấy tiền chi dùng cho tuần học tới |
Bà Lư Thị Xuân Nữ, thôn phó thôn 2 xã Diên Phú, Diên Khánh nhắn nhủ: “Mỗi khi đi học, Thảo phải khóa cửa, để mẹ ở nhà một mình. Bé Thảo dễ thương, học giỏi lắm. Các cô chú cố gắng giúp đỡ cháu”. Còn tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang chia sẻ, đối với các trường hợp khó khăn đặc biệt, chủ trương chung của nhà trường là hỗ trợ ký túc xá miễn phí và có thể hỗ trợ một nửa học phí qua Quỹ Khuyến học của trường. Nhà trường cũng mong các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ các em trong suốt quá trình học. Bởi chỉ khi tất cả cùng chung tay, các em có hoàn cảnh thiệt thòi mới có điều kiện được tiếp cận giáo dục đại học một cách công bằng và tốt nhất.
THIỀU HOA