11:11, 11/11/2016

Trăn trở nghề cấp dưỡng

Nghề cấp dưỡng ở các trường mầm non tưởng chừng dễ dàng vì được làm việc trong nhà, không chịu mưa nắng, không đi ca đêm, nhưng thực tế nghề này không ít nhọc nhằn, đồng lương lại quá thấp.  

Nghề cấp dưỡng ở các trường mầm non tưởng chừng dễ dàng vì được làm việc trong nhà, không chịu mưa nắng, không đi ca đêm, nhưng thực tế nghề này không ít nhọc nhằn, đồng lương lại quá thấp.   


Ngày làm việc bận rộn


Có dịp dõi theo một ngày làm việc của các nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang), chúng tôi mới thấy công việc này không hề đơn giản. 5 giờ sáng, 8 cô đã có mặt ở trường để chuẩn bị bữa sáng cho các cháu. 7 giờ 30, khi món phở bò đã được chuyển đến từng lớp, các cô lại quay sang chuẩn bị bữa trưa với thực đơn canh cua, thịt heo nấu rau mồng tơi và thịt vịt kho gừng. Với lượng thực phẩm phục vụ suất ăn cho hơn 430 cháu, các cô không lúc nào ngơi tay. Cô Mai Thị Kim Dung chia sẻ: “Thời tiết này chưa là gì so với những ngày nóng. Trong bếp chỉ bật được quạt thông gió nên áo ai cũng ướt sũng mồ hôi. Mình cực không sao, nhưng thương con. Hồi con tôi còn học tiểu học, sáng sớm mẹ đi làm thì con cũng phải đi cùng. Tới bếp, để con ngồi gà gật trên ghế, mẹ tất tả lao vào lo nấu bữa sáng cho các bé khác. Xong xuôi, mẹ mới đánh thức con dậy cho ăn sáng, đưa bé đến trường”.

 

Niềm vui của các cô cấp dưỡng là mang đến những bữa ăn ngon miệng cho trẻ
Niềm vui của các cô cấp dưỡng là mang đến những bữa ăn ngon miệng cho trẻ

 

Khoảng 9 giờ 30, khi việc nấu nướng cho bữa trưa hoàn tất, các cô tiến hành cân đong món ăn theo định lượng suất ăn và chuyển tới lớp cho các bé lúc 10 giờ. Kế tiếp là nấu bữa trưa cho các cô giáo. Hơn 12 giờ, các cô cấp dưỡng mới ngồi vào bàn ăn. Tranh thủ ngả lưng được một lúc, 12 giờ 45, các cô lại bắt tay vào chuẩn bị bữa xế. Cứ thế, không ngày nào công việc kết thúc trước 16 giờ 15.


Ở Trường Mầm non Diên Sơn (huyện Diên Khánh), tuy nhà trường không tổ chức ăn sáng cho trẻ, nhưng công việc của cấp dưỡng cũng khá bận rộn. 6 giờ 30, 6 cô đã đến trường để nấu nước và chia sữa cho trẻ uống sau khi tập thể dục. 8 giờ sáng, các cô bắt đầu chuẩn bị bữa trưa. Mọi công đoạn chế biến cứ liên hoàn, cơm vừa chín thì canh cũng sôi. Trong khi 2 người chuyển các khay cơm ra bàn đánh tơi rồi cân, chia thì những người khác lo chia thức ăn và chuyển đồ ăn về từng lớp. Xong xuôi, tất cả lại tập trung nấu ăn cho các cô giáo, rồi dọn dẹp, vệ sinh bếp… Cô Bùi Thị Kim Loan chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi nấu hơn 300 suất ăn. Thời gian 2 tiếng tưởng dài, nhưng quay đi quay lại đã đến giờ mang cơm cho trẻ. Đặc biệt, khi có chị em bị bệnh, bận việc nhà hay nghỉ thai sản thì công việc mỗi người càng nhiều thêm”. Cô Nguyễn Thị Hà cười: “Vất vả thật nhưng chưa thấm vào đâu so với các trường có nhiều điểm trường. Ở đó, các cô cấp dưỡng nấu xong còn phải chuyển đồ ăn đến điểm trường phụ bảo đảm đúng giờ và thức ăn luôn nóng”.


Trách nhiệm cao


Nhiều cô cấp dưỡng cho biết, nghề này đòi hỏi trách nhiệm rất cao. Ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cô còn phải tính toán bữa ăn của trẻ đủ chất, đủ năng lượng, đủ 4 nhóm thực phẩm, lại còn chú ý cả màu sắc món ăn để kích thích trẻ ăn ngon miệng. Cô Trần Thị Ánh Minh - cấp dưỡng Trường Mầm non Lý Tự Trọng tâm sự: “Nhiều người cho rằng nấu ăn cho trẻ nhỏ có khó gì, nhưng thật ra không đơn giản. Để có bữa ăn ngon miệng cho trẻ, ngoài biết nấu ăn, người cấp dưỡng còn phải sáng tạo từ khâu xắt thái đến chế biến, phối hợp các món ăn, vệ sinh thực phẩm, dụng cụ, nhà bếp đúng cách… để đảm bảo sức khỏe cho các cháu, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, còn phải biết xây dựng thực đơn phù hợp với từng độ tuổi và thay đổi hàng ngày, hàng tuần”.

 

Các cô cấp dưỡng dường như không lúc nào ngơi tay
Các cô cấp dưỡng dường như không lúc nào ngơi tay

 

Bà Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lý Tự Trọng cho biết, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, các cô cấp dưỡng được ban giám hiệu bổ sung những kiến thức khoa học trong vệ sinh, xây dựng thực đơn theo mùa, đảm bảo dinh dưỡng theo phần mềm dinh dưỡng Nutrikids của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Hàng tháng, ban giám hiệu dự các hoạt động của cấp dưỡng; hàng năm tổ chức hội thi cấp dưỡng giỏi, xây dựng các món ăn mới lạ để đưa vào thực đơn. Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường ưu tiên kinh phí để bổ sung trang thiết bị cho nhà bếp. Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Diên Lạc (Diên Khánh) nhận định, yêu cầu đối với cấp dưỡng khá cao như: phải có sức khỏe loại 1, biết tin học, có kiến thức để tham gia hội giảng các cấp…


Khó tuyển vì lương thấp


Công việc vất vả, yêu cầu cao, nhưng điều khiến nhiều cấp dưỡng chưa an tâm với nghề là thu nhập quá thấp. Theo quy định, hệ số lương đầu vào của cấp dưỡng là 1,00. Như vậy, mỗi tháng sau khi đóng bảo hiểm xã hội, họ chỉ còn lại 900.000 đồng. Cô Trần Thị Ánh Minh có thâm niên làm việc 26 năm, bậc lương 12, vượt khung 13% nhưng lương hiện hưởng cũng chỉ 3,6 triệu đồng (được tham gia đóng bảo hiểm xã hội) mà không có khoản phụ cấp nào. Vì yêu nghề, mến trẻ mà nhiều cô mới gắn bó lâu dài với nghề, nhưng cũng không ít người trăn trở vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.


Bà Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Diên Sơn cho biết: “Hiện nay, trừ phần đóng bảo hiểm, nhân viên cấp dưỡng của trường nhận lương chỉ hơn 1,4 triệu đồng/tháng. Do các cô đều ở độ tuổi 32 - 38 nên khi có người nghỉ sinh, những người còn lại phải gồng mình gánh thêm phần việc. Thậm chí nhà trường phải huy động thêm nhân viên hành chính xuống phụ bếp. Ban giám hiệu cũng chỉ biết động viên họ cố gắng gắn bó với trường. Tới đây, trường sẽ tạo điều kiện cho các cô đi học nghề nấu ăn nếu có nguyện vọng, với hy vọng có bằng cấp, sau này họ có thể dễ dàng tiếp nhận chế độ đãi ngộ mới của Nhà nước”. Cô Nguyễn Thị Hà - cấp dưỡng Trường Mầm non Diên Sơn chia sẻ: “Nhiều lúc tôi toan bỏ nghề, về buôn bán lặt vặt, nhưng khi thấy tụi trẻ ăn hết suất, nô đùa vui vẻ trước giờ ngủ trưa, tôi lại thấy vui”.


Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến nhiều trường mầm non đang gặp khó khăn khi tuyển cấp dưỡng. Kể từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay, chỉ trong vòng 2 tháng, Trường Mầm non Diên An (Diên Khánh) đã có 4 cấp dưỡng xin nghỉ việc. Cô Nguyễn Thị Nữ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy liên tục tuyển mới nhưng hiện nay nhà trường vẫn thiếu 1 cấp dưỡng. Cô Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vàng Anh (huyện Cam Lâm) cho biết: “Công việc cấp dưỡng vất vả nhưng mức lương thấp nên rất khó thu hút người đến và giữ chân người làm việc lâu dài. Tình trạng cấp dưỡng tuyển vào làm được vài tháng rồi nghỉ việc, các trường lại đôn đáo tìm người thay thế không phải hiếm”. Để giảm bớt phần nào khó khăn, một số trường tạo điều kiện để chị em phục vụ ăn sáng và làm thêm thứ Bảy, làm yaourt và kem flan cho các cháu, hoặc huy động sự đóng góp tự nguyện từ phụ huynh. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế.

 

Các cô cấp dưỡng Trường Mầm non Lý Tự Trọng đem phần ăn lên các lớp.
Các cô cấp dưỡng Trường Mầm non Lý Tự Trọng đem phần ăn lên các lớp.


Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học này, toàn tỉnh có 193 trường mầm non, trong đó có 181 trường tổ chức bán trú cho trẻ, đạt 93%. Những năm qua, với cơ sở vật chất khang trang, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp nên công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ đã có những bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay, các trường đang gặp khó khăn lớn trong việc tuyển dụng cấp dưỡng. Toàn tỉnh thiếu 77 người làm công tác này. Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu rà soát thực trạng đội ngũ cấp dưỡng. Trên cơ sở đó, sở sẽ tổ chức cuộc họp, mời Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu trình tỉnh 1 trong 2 phương án. Một là, cấp dưỡng được hưởng chế độ theo Thông tư 11 ngày 9-10-2014 của Bộ Nội vụ về quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính; theo đó, người có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng được hưởng hệ số lương 2,05. Hai là, cho phép thu từ phụ huynh học sinh để đảm bảo đời sống cho cấp dưỡng tương đương với hệ số 2,05/tháng.


Mong rằng, tới đây sẽ có những chính sách xứng đáng với những người làm công việc cấp dưỡng để họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề.


NGÂN HOA