Hai khu du lịch Trường Xuân và Ba Hồ, thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được giao cho Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất chế biến thực phẩm Thành Công, TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Thành Công) đầu tư, khai thác và quản lý từ nhiều năm nay.
Hai khu du lịch (KDL) Trường Xuân và Ba Hồ, thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được giao cho Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất chế biến thực phẩm Thành Công, TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Thành Công) đầu tư, khai thác và quản lý từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do doanh nghiệp (DN) chỉ đầu tư chiếu lệ nên hoạt động của hai KDL khá đìu hiu, tiềm năng đang bị bỏ phí.
Lãng phí tài nguyên du lịch
Có mặt tại KDL suối khoáng nóng Trường Xuân (xã Ninh Tây) vào một ngày cuối tuần, nhưng khung cảnh nơi đây vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Cả KDL rộng lớn, nhưng chỉ có mỗi 2 vợ chồng người H’mông đến từ huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) là khách. “Vợ chồng mình thỉnh thoảng xuống đây chơi, tiện thể lấy ít nước suối về rửa mặt. Nước ở đây tốt lắm, có thể giúp chữa trị được mụn nhọt trên da”, chị Vàng Thị Mẩy chia sẻ.
Những bungalow ở khu du lịch Ba Hồ vẫn còn bị bỏ trống |
Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy có vài chòi lá dành cho du khách nghỉ chân, hai hồ nước nhỏ, phía trên mỏ nước khoáng phun trào được xây tường ngăn cao khoảng 50cm cùng một mương dẫn nước nhỏ. KDL Trường Xuân nằm ngay bên Quốc lộ 26, thuận lợi là thế nhưng từ nhiều năm nay vẫn chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Gần 50ha diện tích đất rừng, cùng mỏ nước khoáng nóng mới được chủ DN cho người trông coi. Theo ông Huỳnh Hà Thao - Quản lý KDL Trường Xuân, trong suốt 9 năm ông làm việc ở đây thì cảnh quan, cơ sở vật chất của KDL không thay đổi nhiều. Dù vé vào cổng chỉ có 15.000 đồng/vé, nhưng hàng năm, KDL chỉ đón khoảng 500 khách, chủ yếu từ Nha Trang và Đắk Lắk. Toàn KDL hiện có 5 nhân viên làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng và dọn dẹp vệ sinh.
Cảnh thác nước ở Ba Hồ |
Đến KDL Ba Hồ (xã Ninh Ích), lượng khách ở đây có vẻ nhiều hơn, trong đó có cả khách nước ngoài. Tại đây có 17 căn nhà được xây theo dạng bungalow nhưng vẫn chưa được hoàn thiện; 1 hồ bơi chỉ xây xong phần thô; 1 chiếc cầu sắt mới bắc được hai thanh đà qua hai bên bờ suối. Còn nhà hàng chỉ bán nước uống và một số đồ ăn nhẹ. Đường đi đến các hồ nước nằm trên núi chỉ là đường mòn, chưa được làm bậc thang hay trải bê tông. Nhiều đoạn, khách phải bước đi trên những đường ống dẫn nước khá nguy hiểm. “Lượng khách đến KDL Ba Hồ khoảng 2.500 - 3.000 khách/tháng, trong đó chiếm số lượng lớn là khách nước ngoài. Giá vé vào cổng là 25.000 đồng/vé. Khách đến đây cũng đi về trong ngày vì ở đây chưa có dịch vụ lưu trú”, ông Trương Hoài Phương - phụ trách KDL Ba Hồ cho biết.
Nhìn vào khung cảnh hiện tại của KDL Ba Hồ mà thấy tiếc, bởi thắng cảnh này từng được nhà văn Quách Tấn ví như chốn động Từ Thức, hay động Thiên Thai.
Chòi lá được dựng ở Khu du lịch suối khoáng nóng Trường Xuân |
Đầu tư nhỏ giọt
Cả hai KDL Trường Xuân và Ba Hồ đều được giao cho Công ty Thành Công đầu tư, khai thác và quản lý từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, KDL Trường Xuân vẫn chưa được DN quan tâm, đầu tư không xứng với tiềm năng. Hoạt động của KDL chưa có đóng góp gì đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Người dân trong xã cũng chưa thể có thêm nguồn thu nhập, việc làm từ KDL. “Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh thực trạng hoạt động của KDL và đề nghị lãnh đạo tỉnh cần làm việc cụ thể với DN, nếu thấy không đủ năng lực đầu tư thì rút giấy phép để chuyển giao cho đơn vị khác, không nên để lãng phí tài nguyên thiên nhiên”, ông Hưng nói.
Mỗi ngày lượng khách đến Khu du lịch suối khoáng nóng Trường Xuân rất ít |
Đối với KDL Ba Hồ, sau buổi lễ khai trương tổ chức hoành tráng vào tháng 12-2009, được DN hứa hẹn cuối năm 2010, công trình sẽ đưa vào khai thác giai đoạn đầu; gồm các hạng mục như: khu trung tâm văn phòng điều hành, khu giải trí, dã ngoại, khu resort, bungalow và rừng sinh thái… với mức đầu tư 100 tỷ đồng. Thế nhưng, từ đó đến nay, ngoài việc xây dựng phần thô của một số hạng mục công trình như đã nêu, DN không có thêm động thái gì để hoàn thiện dự án. “Từ nhiều năm nay, hoạt động của KDL Ba Hồ chưa xứng với tiềm năng, cũng như những lời hứa hẹn của DN, không mang đến lợi ích nào cho địa phương cũng như người dân trong vùng. Cứ mỗi lần dư luận rộ lên về vấn đề đầu tư khai thác ở Ba Hồ thì DN lại cho cải tạo, sửa chữa hay làm một số công trình nhỏ lẻ nào đó để đối phó. Về phía xã, dù chưa có văn bản chính thức liên quan đến vấn đề này, nhưng trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, địa phương cũng đều có kiến nghị”, ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích nói.
Trong cuộc họp về lĩnh vực du lịch do ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì mới đây, ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, trong tháng 11, lãnh đạo thị xã sẽ có buổi làm việc với doanh nghiệp đầu tư KDL Ba Hồ và KDL suối khoáng nóng Trường Xuân. Mục đích buổi làm việc nhằm tìm hiểu năng lực đầu tư của doanh nghiệp. Nếu xét thấy doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư thì thị xã sẽ đề xuất tỉnh rút giấy phép đầu tư để chuyển giao cho doanh nghiệp khác có năng lực, không thể để tình trạng khai thác kém hiệu quả như hiện tại. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phạm Thái - Giám đốc Chi nhánh Công ty Thành Công tại Khánh Hòa cho biết: “Công ty mới gửi hồ sơ lên cơ quan chức năng về việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình trong các KDL. Chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể cho việc nâng cấp, hoàn thiện các hạng mục công trình sẵn có ở KDL Ba Hồ để khai thác tốt hơn; dự kiến khoảng 2 tháng nữa là hoàn thành. Còn đối với KDL Trường Xuân cũng có kế hoạch, nhưng phải đến đầu năm 2017 mới được triển khai”.
Khi chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể hơn về kế hoạch đầu tư này, ông Thái từ chối trả lời vì lý do bí mật kinh doanh!? Về lý do DN không hoàn thành KDL như tiến độ đưa ra, ông Thái cho rằng, việc các DN trong quá trình đầu tư gặp khó khăn, bất cập khiến cho việc đầu tư dự án không đúng tiến độ là chuyện bình thường.
Có thể thấy, sau nhiều năm được giao việc quản lý, khai thác các KDL Trường Xuân và Ba Hồ, phía DN đã không thực sự tích cực trong vấn đề đầu tư. Tình trạng ôm dự án rồi chỉ đầu tư chiếu lệ khiến các tài nguyên du lịch không được khai thác hiệu quả, tiềm năng du lịch đang bị bỏ phí.
NHÂN TÂM