09:11, 01/11/2016

Nhịp đời trên sân ga

Bất kể ngày hay đêm, mỗi chuyến tàu về ga đều mang theo niềm hy vọng cho những người kiếm kế mưu sinh. Chị hàng rong mong bán được vài bịch mực khô, bác xe ôm đợi một cái vẫy tay từ những người khách... Tất cả điều nhỏ bé ấy cứ ngày này qua tháng khác bám chặt theo những chuyến tàu đến và đi.

Bất kể ngày hay đêm, mỗi chuyến tàu về ga đều mang theo niềm hy vọng cho những người kiếm kế mưu sinh. Chị hàng rong mong bán được vài bịch mực khô, bác xe ôm đợi một cái vẫy tay từ những người khách... Tất cả điều nhỏ bé ấy cứ ngày này qua tháng khác bám chặt theo những chuyến tàu đến và đi.

   
Cuộc sống bám ga


Khu vực xung quanh Ga Nha Trang từ lâu nay đã trở thành nơi mưu sinh của nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn. Có không ít người bám nơi đây mấy chục năm qua để kiếm kế sinh nhai. Dưới ánh đèn vàng vọt, bà Nguyễn Thị C. (59 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) đang cặm cụi xếp những bịch nilon để đựng hàng. Hơn 20 năm thức đêm đợi tàu về bán hàng nên sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. Với bà, ga giống như ngôi nhà thứ hai. Nhờ những đồng tiền kiếm được ở Ga Nha Trang, các con bà có điều kiện ăn học, cuộc sống gia đình ổn định hơn. “So với trước đây, sức mua giảm khoảng 50 - 60%. Dù vậy, bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm lời khoảng 150.000 đồng, riêng những ngày lễ, Tết khá hơn”, bà C. chia sẻ.

 


Trong số những người kiếm sống ở Ga Nha Trang, có những người đã gắn bó gần nửa đời mình với những chuyến tàu đến và đi. Bà Trịnh Thị Nhã (trú tại khu Đề Bô, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) cho biết: “Đã hơn 20 năm tôi buôn bán ở nhà ga này, giờ mọi thứ trở nên thân thuộc. Ki-ốt này đã nuôi sống gia đình tôi bao nhiêu năm nay. Giờ có tuổi, con cái cứ bảo nghỉ nhưng ở đây lâu rồi, giờ mà nghỉ lại thấy nhớ. Thôi thì cố bán thêm vài năm nữa, ở nhà buồn lại nhớ tàu, nhớ ga”.

 

1
Những người bán hàng tại Ga Nha Trang


Dưới làn mưa tầm tã, chúng tôi gặp những người lái xe ôm mặc áo mưa chờ khách. 55 tuổi đời, ông Chu Đình Vân (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) có khoảng 10 năm làm nghề lái xe ôm ở ga. Mỗi ngày, ông chạy quanh thành phố đến vài chục km. Suốt những năm qua, ngoài những hôm đau ốm, không kể nắng hay mưa, ngày nào, ông cũng có mặt ở ga từ 4 giờ 30 và kết thúc lúc 22 giờ. “Nghề lái xe ôm giống như câu cá. Bình quân mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng, trừ chi phí thuê phòng, ăn uống cũng tiết kiệm được chút ít để nuôi đứa con đang học đại học năm cuối. Chỉ cần còn đôi tay, tôi vất vả mấy cũng cố gắng lo cho con nên người. Dù hành nghề ở ga có nhiều phức tạp, nhưng ở đây riết rồi thành quen. Chiếc xe này chính là cần câu cơm cho gia đình tôi từ hơn 10 năm nay”, ông Vân giãi bày.


Anh Trần Hậu Thanh (Tuy An, Phú Yên) tâm sự: “Với những người kiếm sống ở ga, lịch tàu đến, tàu đi đều nằm lòng. Không cần phải coi đồng hồ, cứ mỗi khi có tàu, tất cả bọn tôi lại tập trung về sân ga để buôn bán. Thú thật, tiếng còi tàu đã gắn chặt trong tâm trí tôi. Tuy mới bán báo ở đây 6 năm, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ lại mong ngóng tiếng còi tàu về ga. Hôm nào tàu về muộn, trễ giờ, tâm trạng cũng thấp thỏm không kém những khách đi xa. Vẫn biết có những chuyến tàu chẳng bán được tờ báo nào, nhưng hết ngày này qua ngày nọ, tôi vẫn luôn đợi tiếng còi tàu với hy vọng mong được đắt khách”.

 

1
Nhân viên bốc xếp của nhà ga vận chuyển hàng lên tàu

   


Hòa cùng không khí nhộn nhịp khi tàu đến, trong sân ga, những người làm nghề bốc xếp hối hả vận chuyển hàng. Chuyến này xong, họ lại quay vào đẩy chuyến hàng khác. Cuộc mưu sinh đầy khó nhọc của họ cứ thế xoay vòng. Kéo từng kiện hàng nặng trĩu chất lên tàu, ông Trương Hùng Sơn (44 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Công việc bắt đầu từ sáng sớm đến 22 giờ khuya, nhưng mỗi tháng, tôi kiếm hơn 3 triệu đồng”.


Những người nhảy tàu cuối cùng


Trong số những người mà chúng tôi gặp tại Ga Nha Trang, thú vị nhất có lẽ là những người bán hàng rong. Cứ mỗi khi nghe tiếng còi tàu hú, vài người tay xách, nách mang túi hàng dòm chừng nhân viên bảo vệ rồi vội vã chạy ra bên lề đường ray chờ tàu dừng. Sân ga, con tàu đã thành nơi mưu sinh của họ ngay từ thời còn trẻ. Trong số họ, phần lớn từng nhảy tàu theo chuyến ra Phú Yên, Bình Định và ngược lại để bán hàng rong. Từng có “thâm niên” trên 10 năm nhảy tàu, bà Đặng Thị Mỹ Hoa (53 tuổi, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in những kỷ niệm trên những chuyến đi xa. “Mỗi khi tàu chuyển bánh, những người bán hàng rong nhanh tay đu bám vào lan can, một số nhảy lên nóc tàu. Tuy biết tai nạn thảm khốc có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng “sinh nghề, tử nghiệp” mà; đi riết thành quen, tất cả mọi hầm dài ngắn ra sao, bọn tôi đều rành. Có lần nhảy tàu, tôi bị té lăn xuống đường bất tỉnh. Sau này, sức khỏe ngày càng yếu nên tôi quyết định giải nghệ”, bà Mỹ Hoa kể lại. Giờ đây, khi “tuổi đã xế chiều”, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bà Hoa vẫn cố bám ga để kiếm sống. Mỗi ngày, bà kiếm khoảng 150.000 đồng từ việc bán hàng rong.

 

Mỗi chuyến tàu về ga luôn mang theo hy vọng cho những người mưu sinh
Mỗi chuyến tàu về ga luôn mang theo hy vọng cho những người mưu sinh


Thế hệ như bà Hoa là những phụ nữ cuối cùng nhảy tàu mưu sinh. Giờ đây, tất cả không còn ai nhảy tàu bán hàng như trước vì ngành Đường sắt giờ đã nâng cao chất lượng phục vụ, không còn cơ hội cho những người theo suốt chuyến tàu để bán hàng rong. Bà Cao Thị Thu (người từng có 15 năm chuyên nhảy tàu) giải bày: “Đã qua rồi cái thời hàng rong í ới trên những chuyến tàu. Ngành Đường sắt giờ đầu tư các dịch vụ trên tàu đa dạng lắm, giá cả phải chăng nên hầu như khách không có nhu cầu mua hàng rong nữa. Xã hội ngày càng hiện đại, mình không thể cứ mãi buôn bán xô bồ như trước”.  


Ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, thời gian qua, ngành Đường sắt đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, trên tàu cung cấp các loại thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Cùng với đó, ngoài lực lượng bảo vệ chuyên ngành, ngành Đường sắt còn phối hợp với lực lượng công an địa phương, cơ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nạn buôn bán hàng rong. Chính vì vậy, hiện nay, không còn tình trạng nhảy tàu bán hàng rong nữa.


Trong sáng sớm, tiếng còi tàu SE4 từ Sài Gòn đi Hà Nội kéo vang những hồi còi để rời Ga Nha Trang. Trên sân ga không gian đã yên bình trở lại. Và những người mưu sinh ở đây lại tiếp tục mong ngóng những con tàu về ga với biết bao hy vọng.


HÀ LINH - NGUYỄN KIM