11:11, 25/11/2016

Khánh Sơn: Tìm cách cứu cây trồng

Đợt mưa lụt vừa qua không chỉ gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp mà còn làm nhiều cây trồng, nhất là sầu riêng và hồ tiêu ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị chết.

Đợt mưa lụt vừa qua không chỉ gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp mà còn làm nhiều cây trồng, nhất là sầu riêng và hồ tiêu ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị chết.


Cây trồng chết


Những ngày qua, ông Phạm Đình Tuyến (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) đứng ngồi không yên khi hồ tiêu, sầu riêng của gia đình ông đang chết dần. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu xơ xác sau lũ, ông Tuyến thở dài: “Trước mưa lụt, vườn tiêu của gia đình tôi xanh um, trái kín dây, vậy mà sau gần 1 tháng mưa triền miên, vườn tiêu đã trở nên tiêu điều. Hiện nay, 6 trụ tiêu đã chết, tôi buộc phải cắt bỏ, một số trụ tiêu khác đang có hiện tượng chết nhanh. 10 cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi cũng đã trơ lá, chết đứng giữa vườn”.

 

1
Vườn nhà ông Hoàng Văn Tuấn (Xóm Cỏ, xã Sơn Bình) có nhiều trụ tiêu bị chết hoặc đang chết dần

 


Đến thăm vườn sầu riêng trồng xen với các loại cây ăn quả khác của gia đình ông Đào Văn Yến (thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình), chúng tôi nghe ông Yến kể: “Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi có 40 cây sầu riêng lớn nhỏ, 10 cây chôm chôm, 8 cây măng cụt bị chết. Tuy đã mua nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng cứu cây nhưng đều thất bại. Với tình trạng này, sẽ có thêm nhiều cây nữa bị chết, vì chúng đã vàng lá cả rồi. Do mấy ngày qua phải chạy đôn, chạy đáo để tìm cách cứu cây trồng nên tôi chưa có thời gian để chặt bỏ những cây đã bị chết để trồng lại”.

 

Tại vườn của ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình), nhiều cây sầu riêng và trụ tiêu đang vàng lá chết dần. Hai vợ chồng ông mướt mồ hôi suốt ngày xịt thuốc, tìm mọi cách cứu cây cũng đành bất lực. Ông Tuấn rầu rĩ than thở: “Từ thưở lên đây lập nghiệp, dễ đến 20 năm mới gặp cảnh này. Năm nay trúng vụ sầu riêng, thu được nhiều nhất thì cũng thiệt hại lớn nhất, mất mấy chục gốc sầu riêng và trụ tiêu. Xót ruột, mấy ngày nay nhà tôi đã bỏ 20 triệu đồng mua thuốc về xịt nhưng cũng chả ăn thua”. Hiện nay, ông mua xi lanh về bơm trực tiếp thuốc kích thích sinh trưởng để phòng bệnh cho những cây tiêu chưa bị nhiễm bệnh. Đối với những trụ tiêu, cây sầu riêng đã bị chết, gia đình ông đang chặt bỏ để trồng lại. Chỉ tay về cây sầu riêng lá đã vàng rụng đầy gốc trong vườn nhà ông Tuấn, ông Trần Anh Việt - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn cho biết: “Cây này khoảng hơn chục năm tuổi, có thể cho mấy trăm trái. Cây sầu riêng như vậy có thể cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng nhưng khả năng không cứu được”. Ông Việt đang đi khảo sát, nắm tình hình thiệt hại cây trồng của người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hướng dẫn người dân biện pháp phòng tránh để cứu những cây chớm bệnh.

 

Chặt bỏ sầu riêng đã chết
Chặt bỏ sầu riêng đã chết


Đất sản xuất bị sạt lở


Mưa lũ cũng đã để lại hậu quả không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp của xã Sơn Hiệp. Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Theo thống kê, Sơn Hiệp có 93 hộ bị thiệt hại về đất nông nghiệp và cây trồng sau mưa lũ, với diện tích bị sạt lở là 7,6ha; thiệt hại 8ha mía, hơn 0,6ha bắp, gần 1ha cà phê… Điều đáng lo là hiện nay, một số hồ tiêu, sầu riêng trên địa bàn xã đang có dấu hiệu chết dần do nhiễm bệnh, úng rễ. UBND xã đang nắm bắt tình hình để báo cáo lên huyện đề nghị hỗ trợ”. Tại Sơn Hiệp, không chỉ cây trồng bị thiệt hại mà nhiều diện tích đất nông nghiệp ven sông Tô Hạp đã bị sạt lở, nhiều diện tích mía tím đang chuẩn bị thu hoạch đã bị cuốn xuống sông.

 

Ruộng mía gia đình bà Nguyễn Thị Thắm bị sạt lở mất 0,3ha
Ruộng mía gia đình bà Nguyễn Thị Thắm bị sạt lở mất 0,3ha

 

Đến ruộng mía của gia đình bà Nguyễn Thị Thắm  - (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp), trước mắt chúng tôi, dòng sông Tô Hạp đã được mở rộng, ăn vào một phần ruộng mía tím của gia đình bà mất 0,3ha. Ruộng mía sát sông đã bị khoét hàm ếch, có thể tiếp tục sụt xuống sông bất cứ lúc nào. Chồng bà Thắm cho biết: “Diện tích mía đã sắp cho thu hoạch, vậy mà những luống mía giáp sông Tô Hạp đều bị cuốn trôi. Chỉ riêng vụ này, 3 sào mía tím đã mất khoảng 45 triệu đồng, nhưng xót nhất là mất đất canh tác”.


Cách đó không xa, gia đình ông Đỗ Văn Quang (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) cũng bị thiệt hại nặng khi ao cá có diện tích 0,3ha đã bị nước lũ cuốn sạch cả ao lẫn cá. Ông Quang tiếc rẻ: “Nhà tôi múc 3 sào, thả 20kg cá giống gồm: cá chép, rô phi, trắm..., nuôi cũng được mấy tháng nhưng sau mưa lũ mất sạch. Không những thế, vườn sầu riêng khoảng trăm gốc đã có một số cây khô cành, vàng lá”.


Nhiều giải pháp

 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn: Mưa lũ những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã để lại hậu quả khá nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Nhiều tuyến đường vào các khu vực sản xuất bị sạt lở; dọc theo sông Tô Hạp từ địa bàn xã Ba Cụm Bắc đến xã Thành Sơn xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất nông nghiệp, tính ra có gần 10ha đất sản xuất của người dân đã bị mất. Ngoài ra, 300ha lúa, bắp, mía, mì, chuối… bị ngã đổ, sạt lở, có 11 ao cá của người dân bị lũ cuốn trôi. Nghiêm trọng hơn, sau mưa lũ, nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sầu riêng, hồ tiêu đang chết dần và có dấu hiệu tăng.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều cây ăn quả của gia đình bị chết, ông Đào Văn Yến cho rằng, do trời mưa liên tục trong gần 1 tháng, đất no nước khiến cây bị úng nước, thối rễ chết. Tuy vườn sầu riêng của gia đình ông trồng trên phần đất thoai thoải dốc, nhưng do nước chảy không kịp, rễ cây ngâm nhiều ngày trong nước, khi nắng lên,  cây bị thối rễ. Ngoài ra, sầu riêng còn bị nhiễm bệnh nấm hồng, không điều trị kịp nên bị chết.


Theo ông Trần Anh Việt, ngoài nguyên nhân ngập úng, thối rễ, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cây sầu riêng và tiêu ở Khánh Sơn bị chết sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua là do nhiễm các loại nấm thủy sinh (nấm Fusarium, Pythium gây ra bệnh chết chậm và nấm Phytopthora gây ra bệnh chết nhanh). Vì là nấm thủy sinh nên lây rất nhanh theo dòng nước chảy. Vì thế, biện pháp hiệu quả nhất là phòng tránh trước mùa mưa bằng cách đào rãnh thoát nước và sử dụng thuốc phòng bệnh trước. Còn khi cây trồng đã bị bệnh, khả năng chỉ cứu được những cây chớm bệnh hoặc cầm được một thời gian.

 

Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Bên cạnh nỗ lực của địa phương trong việc khắc phục hậu quả của mưa lũ, huyện Khánh Sơn kiến nghị ngành Nông nghiệp quan tâm hỗ trợ huyện trong việc phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng; UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ huyện trong việc xây dựng kè chống sạt lở tại một số khu vực dọc theo sông Tô Hạp.

Hiện nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Sơn đang phối hợp với các địa phương đến tận các hộ để khảo sát, nắm tình hình cây trồng bị thiệt hại trên địa bàn huyện. Trong quá trình khảo sát, cán bộ hướng dẫn trực tiếp cho bà con các biện pháp, sử dụng các loại thuốc để cứu cây trồng. Trên cơ sở đánh giá, sẽ đề xuất biện pháp cụ thể để bảo vệ cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao trên địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn nói: “Chúng tôi cũng đã liên hệ, mời các chuyên gia về sầu riêng, hồ tiêu từ các tỉnh miền Nam về Khánh Sơn để tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, ngay sau mưa lũ, nhận định cây trồng rất dễ bị dịch bệnh tấn công, để bảo vệ các cây trồng chủ lực như: sầu riêng, hồ tiêu, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nắm bắt tình hình thiệt hại, hướng dẫn người dân các biện pháp thoát nước chống ngập úng, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, trị nấm cho cây. Trước tình hình tiêu và sầu riêng chết nhiều, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Sơn khảo sát, nắm thiệt hại của từng hộ. Đồng thời giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu phương án hỗ trợ giống để bà con trồng lại. Đối với tình trạng sạt lở, gây mất đất sản xuất dọc theo 2 bên triền sông Tô Hạp, huyện sẽ có phương án chống sạt lở ở những khu vực xung yếu.


BÍCH LA - NAM DU