12:11, 23/11/2016

Hộ nghèo ngại vay vốn xây nhà

Tuy chính sách cho hộ nghèo vay vốn xây nhà ở đã triển khai được 2 năm, nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 30 hộ vay. Hàng nghìn hộ nghèo vẫn chấp nhận ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát và hờ hững, e ngại với khoản vay này.

Tuy chính sách cho hộ nghèo vay vốn xây nhà ở đã triển khai được 2 năm, nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 30 hộ vay. Hàng nghìn hộ nghèo vẫn chấp nhận ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát và hờ hững, e ngại với khoản vay này.


Sống trong nhà tạm bợ


Trong căn nhà dột nát, ông Huỳnh Xuân Tám và bà Nguyễn Thị Hạ (thôn Láng Nhớt, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh) ngồi co ro nhìn gió mang theo mưa thốc từng cơn vào nhà lạnh buốt. Gọi là nhà chứ tổ ấm của 4 nhân khẩu này rất tạm bợ, mái tôn xiêu vẹo, vách đất ẩm thấp, lụp xụp. Bên trong căn nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài vài món đồ sinh hoạt hàng ngày đã cũ kỹ mà theo lời bà Hạ: “Đây là những món đồ tôi được hàng xóm cho khi thay đồ mới. Nghĩ là cũ người mới ta nên tôi mang về dùng”. Ông Tám cho biết: “Căn nhà này đã hơn 20 năm, vì quá nghèo, gia đình tôi không có tiền để xây nhà mới. Đợt mưa lũ vừa qua, nước ngập vào nhà làm 1 bức tường đất bị sập nên tôi phải dùng cây chống, chờ nắng lên ra đồng khoét đất thịt về sửa lại”.

 

4 vách tường nhà ông Tám bị nghiêng ngả, phải dùng cây gỗ để chống
4 vách tường nhà ông Tám bị nghiêng ngả, phải dùng cây gỗ để chống


Do không có đất sản xuất, gia đình ông Tám làm thuê làm mướn hàng ngày để kiếm sống. Ông cũng mơ ước có được căn nhà khang trang để sau này các con lấy vợ cũng có nơi làm lễ cho đàng hoàng. Thế nhưng, cuộc sống khốn khó, bệnh tật cứ đeo bám mãi nên mấy chục năm rồi vẫn chưa thể dựng nổi căn nhà để ở. Hỏi ông sao Nhà nước có chủ trương cho các hộ nghèo vay vốn xây nhà ở mà không vay, ông bảo: “Tôi có biết gì về chủ trương này đâu? Mà Nhà nước có cho vay thì tôi cũng không dám, vì lấy đâu ra tiền để trả lãi”.
 


Căn nhà gia đình ông Nguyễn Bá Thành Đạt ở thôn Láng Nhớt cũng đã xuống cấp trầm trọng; 4 vách tường được dựng bằng những tấm gỗ mỏng đã cũ mèm. Toàn bộ khung sườn của căn nhà đã bị mục nát, ông Đạt phải dùng thêm 12 cây chống để căn nhà không bị đổ sập xuống trong đợt mưa lũ vừa qua. Trên mỗi chiếc giường trong nhà đều phải căng ni lông để che mưa, trông như những căn lều dã chiến. Ông Đạt cho biết: “Gia đình cũng muốn xây căn nhà nhỏ để ở, nhưng ngặt nỗi không đủ tiền. Tôi cũng muốn vay vốn từ ngân hàng chính sách, nhưng mức vay quá thấp nên đành chấp nhận sống tiếp trong căn nhà dột nát này. Bao giờ tích góp được một số tiền, tôi mới tính chuyện vay thêm vốn để xây nhà”.

 

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều hộ nghèo đang sống trong những căn nhà tạm, dột nát
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều hộ nghèo đang sống trong những căn nhà tạm, dột nát


Huyện miền núi Khánh Vĩnh có rất nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang phải sống trong những căn nhà tạm. Hỏi chuyện, bà Cao Thị BRăng (thôn Đá Trăng, xã Cầu Bà) chỉ cho chúng tôi nơi chui ra chui vào hàng ngày của 6 nhân khẩu. 4 vách tường căn nhà của bà được dựng lên bằng thân cây tre, lồ ô đập nát, mái tranh, cột chống xiêu vẹo, nền đất ẩm thấp. Bên trong nhà chẳng có vật dụng nào đáng giá ngoài mấy cái nồi đã cũ. Bà BRăng chia sẻ, chồng mất cách đây gần 10 năm, 6 mẹ con bà sống kiệt quệ, “chỗ nằm” hiện tại dù chẳng ấm áp gì nhưng cũng đủ cho mẹ con bà “co cụm”. Nghe chúng tôi nói về chủ trương Nhà nước cho vay vốn sửa nhà, bà BRăng chẳng vui mừng gì. “Cuộc sống của mẹ con tôi giờ chỉ trông nhờ vào một ít keo và khoản tiền trợ cấp hơn 400.000 đồng/tháng của đứa con trai bị tâm thần. Vay tiền để sửa nhà, rồi lấy gì để trả nợ?”, bà BRăng nói…


Vì sao không vay vốn sửa nhà?


Được biết, để giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, những hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở thì được vay 25 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, với thời hạn vay 15 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện chính sách này, tỉnh đã xây dựng đề án với hơn 700 hộ thuộc diện được vay vốn. Đồng thời, Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh đã trình Trung ương chuyển hơn 6 tỷ đồng để giải ngân. Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện, đến nay mới chỉ có 30 hộ vay.

 

Căn nhà tạm, dột nát của gia đình ông Nguyễn Bá Thành Đạt
Căn nhà tạm, dột nát của gia đình ông Nguyễn Bá Thành Đạt


Qua trao đổi với các hộ nghèo, đa số họ cho rằng mức vay này quá thấp. Ông Huỳnh Xuân Tám cho biết: “Tiền công xây, vật liệu đều cao, trong khi gia đình tôi tích cóp chẳng được bao nhiêu. Với 25 triệu đồng thì làm sao đủ xây được căn nhà cấp 4. Vì quá thấp nên gia đình mới không vay để xây nhà ở”.


Ông Lê Kim Sung, Chủ tịch UBND xã Cầu Bà phân tích thêm: “Trước đây, Nhà nước cho hộ nghèo vay 8 triệu đồng/hộ để xây nhà ở (theo Quyết định 167) thì nhiều hộ nghèo đăng ký. Bởi chính sách này tỉnh đã hỗ trợ 100% vốn và lãi, tức cho không hộ nghèo số tiền trên để xây nhà ở. Còn chính sách của Quyết định 33, cho vay và tính lãi 3%/năm nên nhiều hộ nghèo tỏ ý không muốn vay”. Chính vì thế, tại địa phương này, khi triển khai Quyết định 33 đã có hơn 200 hộ nghèo đăng ký, nhưng khi cán bộ ngân hàng thông báo người dân phải trả gốc và lãi trong vòng 15 năm thì hầu hết các hộ nghèo đã rút khỏi danh sách đăng ký.

 

Căn nhà tạm, dột nát của gia đình ông Nguyễn Bá Thành Đạt
Trong căn nhà của gia đình bà Cao Thị BRăng trống rỗng


Ông Nguyễn Minh Hoan - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Toàn huyện hiện có 924 hộ nghèo đang sống trong nhà tạm, nhà dột nát hoặc chưa có nhà ở. Năm 2015, chúng tôi được giao 1,3 tỷ đồng để cho hộ nghèo vay sửa chữa nhà ở nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Chuyện vay vốn là quyền của người dân, không thể ép buộc họ được”. Theo lý giải của ông Hoan, nguyên nhân cơ bản là do hộ nghèo lo sợ không có tiền để trả lãi khi vay.


Sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ lãi

 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 3.073 hộ nghèo đang ở nhà thiếu kiên cố hoặc chưa có nhà ở (những hộ thành lập hộ từ 5 năm trở lên). Ngoài ra, có hơn 15.200 hộ nghèo không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, gần 3.200 hộ nghèo sử dụng nước không hợp vệ sinh.

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, tại kỳ họp HĐND tỉnh tới đây, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay vốn xây, sửa chữa nhà ở. Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Sau khi nghiên cứu và lấy ý kiến các sở, ngành, chúng tôi thống nhất đề xuất với tỉnh hỗ trợ phần lãi mà hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng để xây nhà. Còn phần gốc, các hộ nghèo vay phải tự trả, qua đó nhằm tạo trách nhiệm cho hộ nghèo, không được trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, địa phương”.

 

Bà Phan Phước Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Việc đề xuất chính sách hỗ trợ phần lãi cho hộ nghèo là rất thiết thực. Bởi trên thực tế, các hộ nghèo còn quá khó khăn nên không dám vay. Nếu chính sách này được HĐND tỉnh thông qua sẽ mở ra một hướng mới, tạo điều kiện cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp”.


Những hộ nghèo ở các địa phương cũng hy vọng chính sách này sẽ được HĐND tỉnh thông qua, để họ có thêm điều kiện, động lực để vay vốn, sửa chữa nhà ở.


VĂN GIANG - HẢI LĂNG