11:10, 11/10/2016

Trăn trở ở làng nghề

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công nhận 11 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Nhưng đằng sau câu chuyện được công nhận, vẫn còn đó bài toán mang tên bảo tồn và phát triển.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công nhận 11 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Nhưng đằng sau câu chuyện được công nhận, vẫn còn đó bài toán mang tên bảo tồn và phát triển.

Vốn xưa còn lại…


Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Triết, một trong 3 gia đình của làng gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) vừa được công nhận là nghề truyền thống. Người thợ gốm gần 60 tuổi này có hơn nửa quãng đời tâm huyết với nghề, giờ đây không còn mặn mà tiếp tục cái nghề mà 4 thế hệ gia đình ông đã làm. Lò nung nguội ngắt, hơn 500 lò gốm đã nung xong cách đây 1 tháng, ông cũng chẳng buồn lấy ra. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông nói: “Chú coi, sản phẩm làm ra không ai mua, dù gắng gượng làm nhưng thu không đủ bù chi nên đành nghỉ”. Cạnh đó, 2 nhà làm gốm còn lại, cũng là hai người anh em ruột của ông Triết, một đã nghỉ làm gốm để đi rừng, một còn gắng gượng làm nhưng cũng không biết duy trì đến lúc nào.

 

Tác phẩm đá mỹ nghệ của người dân phường Ninh Giang
Tác phẩm đá mỹ nghệ của người dân phường Ninh Giang


Nghề dệt chiếu cói thôn Thủy Tú (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) với hơn 100 năm hoạt động cũng cùng cảnh ngộ. Khác hẳn sự nhộn nhịp dạo trước, làng chiếu cói giờ  vắng bóng thợ dệt. Tìm mãi chúng tôi mới thấy một nhà có 2 người thợ lớn tuổi đang dệt chiếu. Bà Phạm Thị Nhỏ gắn bó với nghề này đã hơn 45 năm, chứng kiến cảnh không còn ai muốn làm nghề truyền thống nữa khiến bà không khỏi buồn lòng. Bà tâm sự: “Ngày trước, từ đầu xóm đến cuối xóm, ai ai cũng làm chiếu, thương lái khắp nơi đến đặt hàng, có khi làm không xuể. Còn nay, nguyên liệu khó khăn, đầu ra không ổn định, mọi người bỏ nghề hết, kiếm việc làm khác thu nhập cao hơn. Tôi làm đến khi nào không còn sức nữa thì thôi, chứ con cháu cũng không ai mặn mà với nghề này nữa”.


Ở thôn Trung Dõng 3 (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh), giờ chỉ còn duy nhất hộ của bà Trần Thị Thu trụ lại với nghề gốm truyền thống hơn chục năm nay. Nhưng dần theo thời gian, sản lượng gốm của gia đình cũng chỉ còn khoảng 30% đến 40% so với thời hưng thịnh.


May thay, cạnh những nghề đang thoi thóp, có nguy cơ bị mai một, vẫn còn đó những nghề truyền thống, làng nghề có cơ hội duy trì, phát triển như: làng nghề trồng hoa cúc và làng nghề chế tác đá mỹ nghệ phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa; làng nghề đan giỏ cần xé thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm…


Vì đâu?


Khảo sát tất cả nghề, làng nghề vừa được công nhận, chúng tôi ghi nhận không ít những băn khoăn, trăn trở của những con người tâm huyết, đang tận lực gìn giữ chút vốn xưa còn sót lại.

 

Gia đình bà Trần Thị Thu là hộ duy nhất còn làm gốm ở xã Vạn Bình
Gia đình bà Trần Thị Thu là hộ duy nhất còn làm gốm ở xã Vạn Bình


Theo người dân làng nghề, xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu cũng như yêu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ hàng hóa tiêu dùng cao khiến những sản phẩm truyền thống như gốm, chiếu cói ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Cùng với câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư cho sản xuất, nguyên liệu đầu vào cũng khiến nhiều người nản lòng. Ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, nghề đan giỏ cần xé đang là kế mưu sinh của cả trăm hộ nơi đây. Là người đứng ra tổ chức sản xuất, thu mua, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình, nhưng thời gian qua, bà Trần Thị Thủy phải thế chấp nhà, vay tiền ngân hàng để trả lương nhân công. “Giỏ chúng tôi làm quanh năm, nhưng mỗi năm chỉ xuất được 2 vụ vào tháng Giêng và tháng 7 âm lịch. Đầu ra ổn định, nhưng vốn duy trì sản xuất lại không có. Vừa rồi, tôi phải làm thủ tục vay ngân hàng 150 triệu đồng để có tiền trả lương cho người làm công, mua nguyên liệu. Để giữ nghề, tôi chỉ mong được hỗ trợ vay vốn sản xuất với mức lãi suất thấp”, bà Thủy bộc bạch. Hiện nay, bà Thủy đang đau đáu một nỗi lo, nếu bỏ nghề, sẽ kéo theo hàng chục nhân công không có việc làm, nghề làm giỏ của địa phương cứ thế mai một theo.

 

Bà Trần Thị Thủy, người phụ nữ tâm huyết với nghề đan giỏ cần xé
Bà Trần Thị Thủy, người phụ nữ tâm huyết với nghề đan giỏ cần xé


Ngồi đăm chiêu nhìn lò gốm của mình, ông Lê Văn Triết vẫn không tin một ngày mình sẽ bỏ cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ gia đình ông. Nhưng biết làm sao được, khi sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. “Nghề cha ông để lại, ai cũng muốn giữ gìn, nhưng đầu ra không ổn định khiến chúng tôi lao đao. Ngày trước, mỗi ngày tôi xuất bán được gần 100 lò cho các thương lái, đến nay, có khi mấy tuần liền không ai tới mua hàng. Giờ kho chứa của tôi còn tồn gần 1.000 nồi đất, bán đến năm sau chắc cũng chưa hết”, ông Triết nói.


Ông Lê Song, người hơn 35 năm gắn bó với nghề làm đá mỹ nghệ phường Ninh Giang chia sẻ: “Để phát triển làng nghề, chúng tôi cần được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, từ đó có thể đầu tư máy móc, kỹ thuật, cho ra đời những sản phẩm tinh xảo, dễ dàng tìm đầu ra cho sản phẩm hơn”.


Sẽ hỗ trợ như thế nào?


Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Về thực trạng, quy mô sản xuất của những nghề, làng nghề nay đã thu hẹp nhiều, nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn, đầu ra không ổn định. Đối với những nghề không còn khả năng phát triển và khó bảo tồn vì không còn phù hợp như nghề: làm gốm, dệt chiếu cói, đúc đồng, chúng tôi công nhận để có thể lưu giữ, mong mỏi khi người dân, du khách đến địa phương sẽ biết từng có một nghề truyền thống ở đây”.

 

6 nghề truyền thống được công nhận là: nghề gốm thôn Trung Dõng (Vạn Bình, Vạn Ninh); dệt chiếu cói Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa); chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 (Ninh Giang, Ninh Hòa); dệt chiếu cói Vĩnh Thái (Nha Trang); gốm Lư Cấm (Ngọc Hiệp, Nha Trang) và đúc đồng Phú Lộc (Diên Khánh). 4 làng nghề gồm: soi Trầm Hương Phú Hội 1 (Vạn Thắng, Vạn Ninh); chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1, trồng hoa cúc Phong Phú 2 (Ninh Giang, Ninh Hòa); đan giỏ cần xé thôn Suối Cát (Cam Hiệp Nam, Cam Lâm). Có 1 làng nghề truyền thống là làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1.

Theo quyết định của UBND tỉnh, sau khi được công nhận các nghề, làng nghề sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn; đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, vay vốn từ quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm… Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị vẫn phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể, trình UBND tỉnh xét duyệt, dự kiến trong năm 2017 sẽ triển khai thực hiện. Dự kiến, sẽ có nhiều hỗ trợ ưu đãi cho các nghề, làng nghề như: vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, mức vay có thể lên đến 300 triệu đồng đối với mô hình tổ sản xuất, cơ sở kinh doanh; hỗ trợ trong trưng bày sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại, tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ thuật…


Ông Lan cho biết thêm: “Chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 sắp tới được chúng tôi trình tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh có nhiều nội dung hỗ trợ khác cho các ngành nghề, làng nghề như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi; đầu tư 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề. Tuy nhiên, hỗ trợ là một phần, để phát triển bền vững, các nghề, làng nghề cần có những hình thức sản xuất phù hợp hơn. Cụ thể, cần tập trung thành những tổ liên kết, tổ hợp tác; đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường… Việc tư vấn cho người dân các làng nghề sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới”.


Tuy đã được công nhận, nhưng để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngoài sự nỗ lực tự vận động của các làng nghề, cần sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành. Từ đó, việc bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề sẽ không còn là bài toán khó.


VĨNH THÀNH
 




Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp lấy ý kiến người dân để ghi nhận những khó khăn, nhu cầu về các chính sách hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh cho các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Sau đó sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, xem xét tính khả thi của các dự án cần hỗ trợ vốn để đưa ra những chính sách hỗ trợ sớm nhất cho người dân.

 

________________________________________




Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hiện nay, ngoài những nghề, làng nghề đã hoạt động theo hình thức tổ hợp tác, vẫn còn một số nghề đang hoạt động theo hình thức hộ gia đình. Sắp tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ sở hội vận động các nghề, làng nghề đang hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún tiến đến thành lập tổ hợp tác, xây dựng các tổ, hội nghề nghiệp. Từ đó, mọi người dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của hội, cũng như nguồn vốn vay ưu đãi khác.