Trên địa bàn xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) hiện có 68 trại heo và 12 trại nuôi gà công nghiệp với số lượng lên đến hàng chục ngàn con.
Trên địa bàn xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) hiện có 68 trại heo và 12 trại nuôi gà công nghiệp với số lượng lên đến hàng chục ngàn con. Tuy nhiên, không ít trại chăn nuôi heo trên địa bàn vô tư xả thải, khiến cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng.
Vô tư xả thải
Đến thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc vào buổi trưa nắng, chúng tôi cảm thấy rất ngột ngạt bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ hàng chục trại heo trong khu vực. Vào một khu trại nằm gần con mương dẫn nước, chúng tôi thấy 2 thanh niên đang xịt nước rửa chuồng và tắm cho đàn heo. Thấy chúng tôi đến bất ngờ, nghĩ là cán bộ môi trường đến kiểm tra, họ tạm dừng công việc và phân trần: “Bọn em làm thuê cho ông chủ, hiện giờ ông ấy đang đi vắng. Buổi trưa trời nắng, bọn em chỉ xịt nước cho heo mát chứ chuồng rất sạch, không cần phải rửa!”. Quan sát trại heo này, chúng tôi thấy có 2 dãy chuồng với số lượng heo rất lớn. Điều đáng nói, phía sau 2 dãy chuồng đều có xây mương gom chất thải, dẫn trực tiếp ra ruộng chứ không có hầm chứa. Những đám ruộng xung quanh khu trại nước đen đặc như nhớt thải, bốc mùi rất kinh khủng. Qua trò chuyện, biết chúng tôi không phải đến kiểm tra môi trường, một thanh niên làm công tại đây nói: “Do không có việc gì khác, tụi em mới làm ở đây chứ chịu đựng mùi hôi thối này khổ lắm!. Trại heo này mỗi lứa nuôi cả nghìn con, toàn bộ phân và nước thải đều xả thẳng ra ruộng. Bọn em nghe ông chủ nói, xung quanh trại đều là đất của ông ấy, nên ổng có quyền xả chứ không cần xây hầm chứa!”.
Một trại heo xả thải trực tiếp ra môi trường |
Để tìm hiểu thêm về tình trạng xả thải vô tội vạ từ các trại heo nơi đây, chúng tôi tiếp tục vào khu trại của ông Long (thôn Tân Sinh Tây) cách đó không xa. Khu trại này đang nuôi 800 con heo ở giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng, nên lượng chất thải hàng ngày rất lớn. Vậy nhưng, theo quan sát của chúng tôi, khu trại này không có hầm chứa chất thải; phía sau mỗi dãy chuồng chỉ có mương xây để gom chất thải và xả thẳng ra khu đất thấp. Ông Long cho biết: “Trang trại của tôi đã hoạt động được 5 năm và cứ xả thải kiểu này từ đó đến nay. Xung quanh đây đều là đất của tôi, khoảng 2ha. Tôi xả trên đất của tôi chứ có xả trên đất của người khác đâu mà sợ. Vả lại, việc đầu tư xây dựng hầm chứa rất tốn kém nên tôi không làm”.
Không chỉ những trại heo nói trên mà rất nhiều khu trại nuôi heo khác của các hộ gia đình trên địa bàn thôn Tân Sinh Tây nói riêng, xã Cam Thành Bắc nói chung hiện chưa xây dựng hầm chứa, xử lý chất thải; số ít có xây dựng nhưng chỉ với dung tích nhỏ không đủ đáp ứng cho quy mô chăn nuôi từ 300 - 600 con heo/trại. Chính vì vậy, chất thải từ các trại heo này chủ yếu được xả thẳng ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm suốt nhiều năm qua. Nguồn nước thải từ những trại heo này theo những rẻo đất trũng chảy vào mương thủy lợi qua nhiều khu dân cư và cánh đồng Bà Sô trước khi đổ ra đầm Thủy Triều (tổng chiều dài con mương khoảng hơn 5km - theo lời người dân). Dọc con mương này, chúng tôi thấy dòng nước chảy mạnh, đen đặc và bốc mùi rất thối, một số đoạn có ống dẫn nước thải từ trại heo đổ vào.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Đang gặt lúa trên đồng Bà Sô, ông Trần Văn Hòa (thôn Tân Thành) buồn rầu kể: “Gia đình tôi có 1ha ruộng, nhưng mấy năm nay do ảnh hưởng từ nước thải của các trại heo nên một nửa diện tích phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Hiện nay tôi sản xuất 0,5ha, nhưng năng suất rất thấp, chỉ được khoảng 1 tấn lúa”. Theo lý giải của ông Hòa, từ ngày nước và chất thải các trại heo chảy về theo các con mương qua đồng Bà Sô, người dân không dám lấy nước vào ruộng. Bởi lấy vào nhiều quá thì lúa bị chết rục, lấy ít thì chỉ tốt lá chứ không có hạt. Cánh đồng rộng chừng 50ha thì 50% diện tích không sản xuất được. Góp thêm vào câu chuyện, ông Đoàn Văn Danh (thôn Lam Sơn) cho hay: “Gia đình tôi có 2 sào ruộng. Trước đây, mỗi năm trồng 3 vụ lúa, nhưng bây giờ chỉ sản xuất được 1 vụ nếu có nước trời. Sau mấy vụ lúa bị hư, tôi quyết định cải tạo để trồng khoai sáp nhưng khoai sáp cũng bị chết, giờ chỉ còn cách để cỏ dại mọc cho bò ăn”.
Chất thải, nước thải từ trại heo của ông Long không qua xử lý, tràn cả ra mương nước |
Mới đây, ngày 12-10, tại trại nuôi của ông Trần Văn Hương (thôn Tân Quý), hàng loạt cá mú nghệ bố mẹ (làm giống) đột nhiên bị chết. Vẫn còn chưa hết bàng hoàng, ông Hương cho biết: “Chỉ sau 1 ngày lấy nước vào đìa, toàn bộ 13 con cá mú nghệ bố mẹ loại 30 - 50kg/con bị chết; mỗi con cá giống này trị giá mấy chục triệu đồng. Nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực Tân Quý chủ yếu lấy qua mương Ông Lô, mà thời gian gần đây, các trại chăn nuôi heo liên tục xả phân heo ra kênh mương của xã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết”.
Mang những bức xúc của người dân trao đổi với ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, được biết, chính quyền địa phương không nhận được phản ánh của người dân về việc trại heo gây ô nhiễm khiến cá nuôi bị chết. Trong khi đó, ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã thì cho rằng, một số trại heo xả chất thải gây ô nhiễm, thiệt hại đến sản xuất lúa là có, nhưng diện tích thiệt hại chỉ vài sào, chứ không nhiều (?!). Còn chuyện cá chết thì ông Hùng cho hay, nguyên nhân có phải do phân heo hay không thì chưa thể khẳng định được.
Khó xử lý triệt để
Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết thêm: “Trên địa bàn xã hiện có 68 trại heo và 12 trại nuôi gà công nghiệp có hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, mỗi trại cả ngàn con trở lên. Trong đó, khoảng 70% là trại lạnh, việc xử lý chất thải rất nghiêm ngặt. Khó quản lý nhất là 23 trại chăn nuôi heo của tư nhân, hộ gia đình (không hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam), mỗi trại nuôi từ 300 - 600 con, các hầm chứa không đảm bảo, chẳng hạn như nuôi 500 con heo mà làm hầm chứa chỉ 20 - 30m3, đến khi đầy thì tràn cả ra ngoài. Các trại này chủ yếu tự phát, người dân tự đầu tư trên đất của gia đình họ. Thời gian qua, chăn nuôi heo mang lại lợi nhuận tương đối cao nên người dân đua nhau nuôi. UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt các trại chăn nuôi heo do xả thải không đúng quy định nhưng không thể dứt điểm được”.
Người nuôi trồng thủy sản ở Tân Quý đắp đập tạm để chặn dòng nước ô nhiễm phân heo. |
Trong buổi làm việc mới đây với UBND xã Cam Thành Bắc về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Cam Lâm, xã Cam Thành Bắc phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại các trại chăn nuôi để ổn định đời sống của người dân, vừa đảm bảo yếu tố môi trường; về lâu dài thì cần phải chăn nuôi ở những khu vực tập trung. |
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm, những năm gần đây, trên địa bàn huyện hình thành nhiều trang trại nuôi heo, quy mô chăn nuôi từ 600 - 1.200 con. Việc phát triển chăn nuôi đã góp phần phát triển kinh tế nhưng đã để lại hệ lụy ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải của gia súc. UBND huyện Cam Lâm đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường đối với ngành nghề chăn nuôi thông qua việc tuyên truyền, vận động, xử phạt cơ sở vi phạm; hướng dẫn các công nghệ xử lý môi trường phù hợp, do đó vấn đề ô nhiễm môi trường do các trại chăn nuôi heo trên địa bàn đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó xử lý triệt để. “Trước sự việc các trại heo gây ô nhiễm, khiến cá chết, ruộng bỏ hoang, Phòng Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra ngay các cơ sở chăn nuôi heo ở địa phương này”, ông Phan Trọng Vỹ - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm, nhiều trang trại nuôi heo đã tiến hành xử lý chất thải bằng công nghệ xử lý kị khí biogas với kiểu hầm dùng bạt lót vật liệu HDPE chống thấm, kết hợp với các hồ lắng sinh học; kết quả mang lại rất khả quan, nước thải sau xử lý không còn mùi. Ngoài ra, nhiều trang trại cũng đang chuyển dần từ trại hở sang trại lạnh khép kín, qua đó đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. “Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi heo, địa phương kiến nghị cấp trên hỗ trợ người dân trong việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ kị khí biogas. Bên cạnh đó, xã dự kiến vận động 5 - 7 hộ mua chung 1 hệ thống máy hút để hút chất thải khi đầy hầm chứa”, ông Hùng nói.
HẢI LĂNG - NAM ANH