Khu đô thị VCN Phước Hải đang trong quá trình xây dựng đã khiến khu dân cư tổ 6 Phước Lộc và tổ 4 Phước Toàn Tây (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) bị ngập úng. Mùa mưa đến, hơn 300 hộ nơi đây thường xuyên phải bì bõm trong nước.
Khu đô thị (KĐT) VCN Phước Hải đang trong quá trình xây dựng đã khiến khu dân cư (KDC) tổ 6 Phước Lộc và tổ 4 Phước Toàn Tây (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) bị ngập úng. Mùa mưa đến, hơn 300 hộ nơi đây thường xuyên phải bì bõm trong nước. Giấc mơ được tái định cư về nơi ở mới của bà con xem ra còn quá xa vời.
Khu “ổ chuột”
Nhiều người đi ngang qua KĐT VCN Phước Hải sẽ thấy không đẹp mắt khi xen giữa phố thị khang trang là 2 KDC cũ của tổ 6 Phước Lộc và tổ 4 Phước Toàn Tây. Hiện tại, 2 KDC này đang tồn tại hàng trăm ngôi nhà xập xệ với dây điện và dây cáp viễn thông chằng chịt. Len lỏi vào KDC, đường xá đầy nước, chật hẹp, chỉ vừa cho một chiếc xe máy chạy qua. Cư dân ở đây chủ yếu có hoàn cảnh nghèo khó, nhà cửa xuống cấp, tường nhà ẩm mốc, chật hẹp, đồ đạc hư hỏng, tường rào chằng chịt thép gai đã gỉ sét do ngập úng lâu ngày.
Nền đất tự nhiên khu dân cư chênh nhau với nền khu đô thị gần 2m về độ cao |
Trước đây, Đình Phước Hải - di tích lịch sử văn hóa trước đây nằm trên mô đất cao ráo nay trở nên hiu hắt khi lọt thỏm vào vùng trũng. Một phía KDC lại bị ngăn cách bởi một bức tường giáp ranh dự án khiến quang cảnh càng trở nên phản cảm. “Người dân chúng tôi cảm giác như bị “nhốt” lại dưới vùng trũng, ví như khu “ổ chuột”. Mang tiếng ở sát KĐT mới mà nhà cửa tẹp nhẹp, rất xấu hổ khi khách ở xa ghé thăm”, tâm sự ẩn chứa rất nhiều chua xót của ông Lê Văn Thắng - Tổ phó tổ 4 Phước Toàn Tây.
Cuộc sống đảo lộn
Theo chân bà Nguyễn Hạnh Dung - Tổ trưởng tổ 6 Phước Lộc mới thấy hết cảnh cuộc sống bị xáo trộn mà người dân trong xóm phải chịu đựng kể từ khi KĐT VCN Phước Hải được xây dựng. Trong nhà mỗi người dân vẫn còn dấu nước ngập trên tường nhà sau trận mưa trước đó mấy ngày. Ông Nguyễn Văn Tâm - một người dân trong xóm cho biết, trước đây, xung quanh KDC ở vùng đất cao, còn lại ruộng đồng thấp trũng nên thoát nước khá dễ dàng. Đặc biệt, hầm vệ sinh của nhà dân 3 - 4 năm mới hút 1 lần. Hiện nay, KĐT đổ đất cao bao xung quanh, xóm bị trũng, hầm vệ sinh đầy liên tục, chưa đầy 1 tháng đã phải hút. Do đường chật, xe bồn không vào được phải kéo đường ống xa, mỗi lần hút giá 1,7 - 1,9 triệu đồng. Đó là chưa kể mưa xuống nước tràn vào nhà, thiết bị điện, đồ đạc hư hỏng, nguy cơ bị điện giật rất cao. “Người dân nghèo chúng tôi là lao động tự do, một tháng kiếm được có vài ba triệu đồng, tình hình thế này làm sao chúng tôi sống được”, ông Tâm nói.
Bức tường dự án xây ở điểm giáp ranh ngăn cách khu dân cư với dự án |
Bà Trần Thị Thanh, cùng xóm cũng lo lắng: “Đến nay chúng tôi vẫn còn ám ảnh với mùa mưa năm ngoái. Thực sự người dân chúng tôi đang rất sợ hãi với mùa mưa bão sắp tới. Nhà nghèo, không có gác, mưa ngập chúng tôi biết chạy đi đâu, người thân thích không có, trẻ em sớm hôm ăn ngủ, đi học thế nào?”.
Bà Hạnh Dung kể, người dân trong xóm phần lớn là cư dân nghèo. Tuy nhà cửa, đường xá chật hẹp nhưng KDC lúc nào cũng sạch sẽ, khô ráo, cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, từ khi KĐT xây dựng cuộc sống của bà con bỗng chốc bị xáo trộn. Nhất là vào mùa mưa, việc đi về như ác mộng, đi làm cũng không yên tâm. Có hộ đi làm về mới phát hiện hầm vệ sinh đầy, nước trào ngược ngập nền nhà, hư hết đồ đạc. Chính vì vậy, bà con ở đây nhà nào cũng đổ nước sinh hoạt ra ngoài đường vì sợ hầm vệ sinh đầy. Mùa mưa cũng như mùa nắng, các con đường quanh xóm lúc nào cũng đầy nước, ô nhiễm môi trường, muỗi sinh nhiều gây dịch bệnh. Trong 2 tổ dân phố vẫn còn rất nhiều ngôi mộ xen lẫn trong KDC. Người chết và người sống đều phải chịu cảnh ngập úng.
Chống ngập không hiệu quả
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, vấn đề ngập úng tại khu vực 2 tổ dân phố trên đã được cử tri nhiều lần kiến nghị. Cuối năm 2015, khi KĐT VCN Phước Hải mới đi vào hoạt động, thành phố đã cùng UBND phường Phước Hải, Công ty Cổ phần VCN (chủ đầu tư KĐT VCN) cùng các tổ dân phố tiến hành kiểm tra thực địa. Theo quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT VCN Phước Hải được duyệt có giữ lại 2 KDC hiện trạng, gồm: khu tổ 4 Phước Toàn Tây và khu tổ 6 Phước Lộc với diện tích 3,8ha và khoảng 300 hộ đang sinh sống. Qua kiểm tra bản vẽ quy hoạch cao trình hiện trạng, KDC tổ 4 Phước Toàn Tây, tổ 6 Phước Lộc có cao độ nền đất tự nhiên tại vị trí thấp nhất là 1,35m, cao trình san nền theo quy hoạch KĐT VCN Phước Hải là từ 3,35 - 3,9m. Như vậy, chênh lệch giữa 2 khu vực khoảng trên 2m. Khi trời có mưa, các KDC hiện trạng đã bị ngập nặng gây bức xúc cho người dân.
Đường trong khu dân cư chật hẹp, lúc nào cũng tẹp nhẹp nước |
Để giải quyết kiến nghị của người dân, UBND TP. Nha Trang đã đề xuất UBND tỉnh 2 phương án xử lý: phương án 1 là thu hồi toàn bộ diện tích KDC hiện tại của hai KDC này và thực hiện đầu tư KDC theo hướng tái định cư tại chỗ. Phương án 2, yêu cầu Công ty Cổ phần VCN nghiên cứu lập phương án xây dựng tuyến cống thoát nước mưa cho hai KDC hiện trạng để thoát nước ra sông Quán Trường. Trước mắt, để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân trong mùa mưa, đề nghị Công ty Cổ phần VCN có phương án xử lý ngập úng tạm thời cho hai khu vực dân cư hiện trạng. Tuy Công ty Cổ phần VCN đã xử lý nhưng khu vực này vẫn tiếp tục bị ngập úng khi có mưa.
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, thành phố đã giao cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực này. Về lâu dài, chủ đầu tư phải đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ, khớp nối giữa KDC hiện hữu với KĐT, thoát nước ra sông Quán Trường. “Đây là việc làm rất khó nhưng cũng phải làm để đảm bảo cuộc sống, vệ sinh môi trường cho người dân. Vấn đề giải tỏa toàn bộ để nâng cao cốt nền, sau đó tái định cư cũng là một giải pháp. Nếu như người dân kiến nghị thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét, giải quyết”.
Mong được tái định cư
Phần lớn người dân ở đây khi được hỏi đều rất mong muốn được tái định cư khi làm dự án để thay đổi cuộc sống nhưng không được. Do việc xử lý ngập úng không hiệu quả nên người dân hiện rất bức xúc vì cuộc sống bị đảo lộn. Vì thế, thời gian qua, người dân tỏ thái độ bất mãn và bất hợp tác với cán bộ cơ sở. “Chúng tôi chịu nhiều áp lực từ phía người dân mỗi khi nước tràn vào nhà không có chỗ ngủ; có hộ nhất quyết không đóng các khoản phí Nhà nước thu; có hộ còn ôm mền, chiếu lên trụ sở UBND phường để tá túc. Nguyện vọng của bà con bây giờ là được bố trí tái định cư, hoặc chỉnh trang 2 KDC lại làm sao để không còn ngập úng, bà con bớt khổ”, ông Thắng nói.
Một góc quang cảnh xóm Đình |
Nơi nào triển khai KĐT mới cũng có phần thuận lợi và khó khăn. Rõ ràng với cách xây dựng đô thị mới ở khu vực VCN Phước Hải, phần khó khăn vẫn còn ở lại với người dân. Giấc mơ được tái định cư, chỉnh trang đô thị để thay đổi cuộc sống của người dân hiện tại đang là một câu hỏi lớn dành cho chính quyền các cấp.
MINH THIẾT