Nhờ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và địa phương, những ngôi nhà định canh, định cư đã xuống cấp của đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đá Mài (xã Diên Tân), thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên) ở huyện Diên Khánh và xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa được thay áo mới.
Nhờ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và địa phương, những ngôi nhà định canh, định cư đã xuống cấp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thôn Đá Mài (xã Diên Tân), thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên) ở huyện Diên Khánh và xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa được thay áo mới.
Niềm vui mới
Chúng tôi có mặt ở thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) khi nhóm thợ đang đồng thời sửa chữa nhà cho mấy hộ. Toàn bộ đã được thay tôn mới tinh. Có nhà đang tô trát, có căn đang quét vôi, ve, có căn người thợ xây còn đang trám lại những chỗ nứt. Vẻ ngoài cũ kỹ, xỉn màu của những căn nhà ấy đối lập hẳn với những ngôi nhà đã sửa xong vừa khoác lên chiếc áo mới màu xanh dịu mát, sáng bừng lên trong cái nắng hanh vàng rực rỡ của buổi sáng mùa thu.
Nhà của 1 hộ dân thôn Lỗ Gia đã sửa xong |
Vui vẻ trộn vữa cho nhóm thợ đang sửa nhà, chị Cao Thị Lan bảo vợ chồng chị phụ giúp một chút cho nhanh xong còn dọn dẹp sạch sẽ để ở. Ngôi nhà này vợ chồng chị Cao Thị Lan và anh Mang Siêng nhận từ năm 2004. Vợ chồng anh chị có 4 con cả trai và gái, lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất đã 13 tuổi nên căn nhà tái định cư Nhà nước xây cho trước đây không đủ diện tích ở. Vì thế, anh chị cố gắng xây thêm phòng ngủ cho các con nhưng chưa có tiền tô tường. Chị Lan kể: “Nhà mình xây lâu rồi, tôn đã lủng hết nên mấy mùa mưa đều bị dột ướt hết nhà. Nay được Nhà nước thay hết mái tôn, xà gồ, còn tô cả phần tường mình chưa có tiền làm, vợ chồng mình vui lắm!”.
Đối diện với nhà chị Lan là nhiều ngôi nhà của bà con đã sửa chữa xong. Trong căn nhà sáng sủa vừa sửa xong được 1 ngày, vợ chồng chị Cao Thị Mai và anh Nguyễn Duy Nguyên vui mừng bảo giờ không còn lo dột khi mùa mưa đến. Chị Mai kể: “Nhà cũ không ở được nữa đâu, xà gồ mục rồi, mái tôn gỉ sét và lủng hết. Trời mưa phải lấy thau hứng nước; phải lót bốn phía mới có chỗ ngủ giữa nhà. Giờ thay tôn mới, quét vôi, ve lại hết, tốn nhiều tiền lắm, nếu không có Nhà nước cho nhà mình cũng không có tiền làm. Nhà đã được sửa, sắp tới, nhà mình còn được Nhà nước cho 3 con heo và 70 con gà để nuôi nữa”.
Thợ đang sửa nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên |
Hàng xóm chị Mai là vợ chồng anh Mang Hiền và chị Cao Thị Kẹm cũng vừa được sửa nhà xong. Chỉ những tấm tôn gỉ sét, lủng lỗ chỗ được vợ chồng anh tận dụng quây lại che chỗ đun nấu để mưa khỏi tạt, anh Hiền bảo: “Tôn cũ cỡ chục năm rách hết rồi. Khi các anh thợ gỡ đòn tay cũng mục hết. May mà lần này được Nhà nước hỗ trợ thay mới hết”.
Chúng tôi đến xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) trong cơn mưa chiều tầm tã. Thật may, nhiều ngôi nhà tái định cư của đồng bào DTTS xuống cấp, trong đó, có những nhà hư hỏng nặng đã được sửa chữa. Gia đình chị H Ninh (Buôn Tương) là một trong những trường hợp như vậy. Ngôi nhà nhỏ đã sửa xong 2 tuần, khoác lên bộ cánh mới màu xanh dương dịu mát. Ôm 2 con nhỏ nhìn ra ngoài trời vừa ngớt mưa, chị H Ninh cười chia sẻ: “Nhà mới làm xong mừng quá. Giờ trời mưa gió cũng yên tâm ở nhà chứ trước mà gặp mưa là mấy mẹ con không dám ở nhà đâu”. Theo kết quả khảo sát của UBND thị xã Ninh Hòa, nhà của chị H Ninh thuộc diện hư hỏng nặng: gãy trụ, tường, mái tôn, nền nhà bị xuống cấp. Vì thế, nhà được xây lại trụ, tường, làm mái tôn mới, sửa cả cửa chính, cửa sổ chắc chắn. Trong cơn mưa, gia đình ông bà Y Rin - H Ta (Buôn Tương) ở gần đó vui vẻ quây quần trò chuyện trong căn nhà vừa sửa xong. Cả nhà 6 người đều vui khi không phải lo lắng sống trong căn nhà trụ gãy, mái tôn dột nát, nền trước đã hỏng.
Hoàn thành trong tháng 9
Theo ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, huyện đang thực hiện sửa chữa 103 căn nhà hư hỏng cho đồng bào DTTS ở thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên) và thôn Đá Mài (xã Diên Tân). Trong đó, UBND tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu năm 2016 cho huyện Diên Khánh số tiền 660 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2016 để hỗ trợ sửa chữa 55 nhà ở bị hư hỏng của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện (12 triệu đồng/căn); 48 căn nhà còn lại kinh phí của huyện. Trước khi sửa chữa, các nhà đều trong tình trạng xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa năm 2016. Đơn vị thi công tiến hành sửa tùy theo độ hư hỏng thực tế của từng nhà. Tất cả các nhà đều thay tôn, xà gồ; tô trát, dặm vá những chỗ xuống cấp; quét lại vôi, ve. Mới đây, có 4 căn nhà ở xã Diên Tân bị tốc mái hoàn toàn đã ưu tiên sửa xong trước. Địa phương đã triển khai từ cuối tháng 7. Đến nay, khối lượng công việc đã hoàn thành khoảng 80%. Dự kiến, việc sửa chữa nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp cho người dân sẽ hoàn thành trong tháng 9.
Nhà chị H Ninh (Buôn Tương, xã Ninh Tây) mới sửa xong |
Ở thị xã Ninh Hòa, theo thống kê, có 69 căn nhà của đồng bào DTTS ở xã Ninh Tây xuống cấp và cần được sửa chữa ngay. Nhiều căn nhà trong tình trạng bị hư hỏng nặng như: gãy trụ, nứt tường, mái tôn thủng, rui mè, đòn tay mục nát, hỏng nền, hỏng cửa… Theo bà Trần Thị Cúc - Trưởng phòng Dân tộc thị xã Ninh Hòa, ngân sách tỉnh cấp cho thị xã 420 triệu đồng để sửa chữa 35 căn nhà bị hư hỏng ở xã Ninh Tây (12 triệu đồng/nhà). Trong số 69 nhà ở có nhu cầu sửa chữa, UBMTTQ Việt Nam thị xã đã trích kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” của thị xã sửa chữa 36 nhà, 33 nhà còn lại ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách thị xã bổ sung thêm khoảng 200 triệu đồng cho việc sửa chữa. Việc sửa chữa sẽ hoàn thành trong tháng 9. Năm 2015, hơn 30 căn nhà của đồng bào DTTS thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân) cũng đã được sửa chữa.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, nhà ở của đồng bào DTTS được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2000 đa số bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Các hộ đều thuộc diện hộ nghèo không muốn đăng ký vay vốn để sửa chữa vì không có khả năng trả nợ. Ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, chủ trương của tỉnh là xã hội hóa, huy động cộng đồng xã hội hỗ trợ sửa chữa nhà đã xuống cấp, hư hỏng cho đồng bào. Thực tế, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm đã thực hiện xã hội hóa khá tốt. Ở các huyện này, ngoài sự giúp đỡ của các đơn vị được UBND tỉnh phân công, còn huy động được sự đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để thực hiện sửa chữa nhà ở bị hư hỏng cho đồng bào. Trong khi đó, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa chưa thực hiện được vì các đơn vị được UBND tỉnh phân công giúp đỡ đều là những cơ quan nhà nước, kinh phí đóng góp không cao. Vì thế, trên cơ sở đề nghị của 2 địa phương, qua khảo sát thực tế, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở cho đồng bào dân tộc thiếu số. Việc sửa chữa sẽ hoàn thành trong tháng 9, giúp người dân ổn định cuộc sống hơn, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
N.D