12:09, 02/09/2016

Khánh Trung ngày ấy, bây giờ…

Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là căn cứ địa cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là căn cứ địa cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy tinh thần cách mạng quật cường, người dân Khánh Trung đang từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế vững mạnh.


Tinh thần cách mạng quật cường


Chúng tôi đến xã Khánh Trung vào những ngày cuối tháng 8, khi mà người dân nơi đây không còn bận bịu với việc trỉa bắp trên rẫy hay trồng lúa ở nương. Ngồi trong căn nhà khang trang, ông Mai Đấu (83 tuổi, thôn Suối Cá) nhớ lại những ngày tháng hào hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Khoảng năm 1965, ở khu 195 (tên gọi của huyện Khánh Vĩnh trong thời kỳ kháng chiến) nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu đói trầm trọng, nặng nhất là ở xã Khánh Trung. Tỉnh đã xuất kho cứu đói cho Khánh Trung hàng nghìn lon bắp và gạo. Các xã và huyện lân cận cũng có nhiều chương trình tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh việc nhận cứu trợ, Khánh Trung hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất để đẩy lùi nạn đói, trong đó coi việc trồng mì là vấn đề chiến lược. Nhiều rẫy mì, bắp của cách mạng được vun trồng. Bộ đội, du kích, dân quân, cán bộ các cơ quan cũng hăng hái làm rẫy, trồng mì, trồng bắp để tự túc lương thực, vừa để cung cấp cho kháng chiến. Vượt qua giặc đói, quân dân xã Khánh Trung vẫn kiên cường chống lại sự càn quét của giặc Mỹ...

 


Ông Mai Đấu nhớ lại, khoảng năm 1967 - 1968, tình hình chiến sự xảy ra ác liệt không chỉ ở xã Khánh Trung mà trong toàn huyện Khánh Vĩnh. Ông kể: “Vào một ngày giữa năm 1967, trên đỉnh núi Hòn Mưa xuất hiện khoảng 4 - 5 chiếc trực thăng lượn tằng tằng thả quân xuống. Khi đó, tôi là Chỉ huy khu 195 (sau này ông Đấu làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Khánh Vĩnh - PV) nên đã khẩn trương huy động lực lượng bộ đội địa phương kết hợp bộ đội chính quy và dân quân du kích dựa vào chân núi, men theo sườn dốc chia làm nhiều mũi tấn công đánh úp kẻ thù. Chỉ trong một ngày, quân ta tiêu diệt hàng trăm quân địch, khiến chúng phải bắn pháo đe dọa để có thời gian thu xác đồng đội đưa lên máy bay”.   


Ngồi cạnh ông Đấu, ông Cao Văn Nhất (84 tuổi) cũng không giấu được cảm xúc khi nhớ lại một thời oai hùng. “Năm 1967, tôi cùng A Ma Lý và Pi Năng Vạn đang nằm gác ở khu vực Đá Trải, ở thôn Suối Cá bây giờ thì phát hiện có một chiếc trực thăng lén thả người xuống. Lúc này tôi có một khẩu AK sau lưng, một khẩu đại liên đeo trước ngực. Tôi ném vội củ mì đang ăn dở rồi kê súng ngắm. Tôi bắn hết mấy băng đạn thì địch kẻ chết, người bị thương nằm la liệt. Thấy trực thăng lượn lờ tìm cách cứu người, tôi lên đạn bắn tiếp thì súng bị kẹt”, ông Nhất bồi hồi kể.

 

Ông Cao Văn Nhất (phải) và ông Mai Đấu ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng trong kháng chiến
Ông Cao Văn Nhất (phải) và ông Mai Đấu ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng trong kháng chiến


Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng nhớ lại những năm tháng cực khổ mà hào hùng, những ông: Cao Văn Nhất, Mai Đấu, Mấu Ta… vẫn không giấu được niềm tự hào dâng trào. Phát huy tinh thần cách mạng quật cường, hiện nay, chính quyền và người dân Khánh Trung đang từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


Đổi thay trên vùng cách mạng


Dẫn chúng tôi đi tham quan các khu trồng bưởi, xoài, keo của bà con trong vùng, ông Cao Bơ - Chủ tịch UBND xã Khánh Trung hồ hởi khoe: “Từ năm 2005 đến nay, đường bê tông dẫn đến các khu sản xuất trong xã hầu hết được phủ kín. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để bà con ở các thôn tăng gia sản xuất, thoát nghèo”.

 

Đường liên thôn ở xã Khánh Trung được đầu tư  kiên cố, khang trang
Đường liên thôn ở xã Khánh Trung được đầu tư kiên cố, khang trang


Trước đây, Khánh Trung là xã khó khăn với hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng mì, trồng bắp. Nhưng trồng mì thì ế ẩm, trồng bắp thì chỉ được vài năm là đất cằn cỗi, cây không lớn được. Rồi người dân chuyển đổi sang trồng keo, trồng mía đường kết hợp nuôi bò, trồng lúa. Nhờ ý chí kiên cường vượt khó, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Nói về những gia đình khá giả nhờ chịu khó làm ăn, ông Cao Bơ kể vanh vách nào là hộ Cao Thương, Hà Băng, hộ Cao Đinh, Cao Sẻ…


Chúng tôi đến nhà ông Cao Sẻ khi ông vừa trở về từ rẫy keo rộng 3ha gần đó. Trong căn nhà khang trang với tivi màn hình phẳng, bộ loa đài, xe gắn máy, ông Sẻ cho biết, vợ chồng và 4 đứa con hiện nay sống khá thoải mái với thu nhập từ trồng keo và 3 sào lúa nước. Khoảng 20 năm trước ông đã gây dựng đàn bò từ 2 con lên đến hơn 30 con. Năm 2002, do con cái bận học hành, không ai trông nên ông bán hơn 30 con bò, được gần 100 triệu đồng làm nhà kiên cố và mua sắm vật dụng trong gia đình. “Chỉ cần mình chịu khó và luôn suy nghĩ cách làm mới thì sẽ không sợ đói. Giờ vợ chồng làm keo, làm lúa dư sức nuôi con cái học hành. Chỉ mong con học giỏi, sau này cuộc sống khá hơn, có ích cho xã hội là mình vui”, ông Sẻ nói. Gần đó, nhà bà Cao Thị Đào có kinh tế cũng khá phát triển. Với 1ha keo, 2 sào lúa và nuôi thêm đàn bò 3 con, gia đình bà Đào cũng có của ăn, của để, thu nhập ổn định.

 

Xã Khánh Trung có 823 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, gồm 3 thôn: Suối Cá, Suối Lách và Bắc Sông Giang. Toàn xã có 11 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là dân tộc Raglai. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm nhanh đáng kể, trung bình mỗi năm giảm từ 10 đến 15%. Hiện nay, toàn xã còn 444 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Theo ông Cao Bơ, bên cạnh nỗ lực của người dân, trong những năm qua, xã Khánh Trung được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để giúp kinh tế của xã phát triển. Từ năm 2013 đến năm 2015, UBND huyện Khánh Vĩnh đã hỗ trợ 1 hộ trồng cây ăn quả và 41 hộ chăn nuôi bò, 3 hộ nuôi heo… Tất cả những hỗ trợ của huyện đều được các gia đình phát huy, nỗ lực thoát nghèo. Thời gian gần đây, trên địa bàn Khánh Trung có nhiều hộ trồng thí điểm bưởi da xanh và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, UBND huyện Khánh Vĩnh triển khai thực hiện dự án phát triển bưởi da xanh ở xã Khánh Trung với tổng diện tích 48,48ha cho 45 hộ tham gia thực hiện. Đến thời điểm này, đã có 42,45ha bưởi da xanh được trồng với 41 hộ tham gia. Vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt ở Khánh Trung cũng đã được khắc phục một phần. Ngày 22-8, UBND huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức nghiệm thu công trình giếng khoan và hồ chứa, bể lọc tại thôn Bắc Sông Giang với tổng kinh phí lên đến 320 triệu đồng. Qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tại khu vực này. Hiện nay, UBND xã đang kiến nghị các cấp xây 3 giếng khoan loại nhỏ đặt tại 3 thôn: Suối Cá, Suối Lách và Bắc Sông Giang để đáp ứng nhu cầu về nguồn nước cho người dân.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, Khánh Trung là xã có truyền thống cách mạng anh hùng. Trong những năm qua, kinh tế xã Khánh Trung đã được cải thiện nhiều nhờ trồng keo, trồng mía. Tuy nhiên, do địa chất hợp với cây bưởi da xanh nên huyện đã định hướng phát triển loại cây này trên địa bàn xã. Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh tại Khánh Trung khoảng 76ha. “Nhờ các chính sách ưu tiên đầu tư, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã biết dựa vào nguồn vốn đó để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, bắt đầu có tích lũy. Huyện sẽ lựa chọn những mô hình kinh tế hiệu quả và hộ gia đình điển hình kinh doanh, sản xuất giỏi để nêu gương. Hy vọng trong tương lai không xa, nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng, Khánh Trung sẽ thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, kinh tế từng bước phát triển toàn diện”, ông Hoa cho hay.


VĂN KỲ