04:09, 14/09/2016

Chuyện ở xóm Đồng Cam

Tuy chỉ cách Quốc lộ 1 hơn 1km nhưng cuộc sống của những hộ dân ở xóm Đồng Cam (thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Đồng bào nơi đây rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để có thể thoát được cái nghèo.

Tuy chỉ cách Quốc lộ 1 hơn 1km nhưng cuộc sống của những hộ dân ở xóm Đồng Cam (thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Đồng bào nơi đây rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để có thể thoát được cái nghèo.


Thiếu thốn đủ bề


Xóm Đồng Cam là nơi sinh sống của 19 hộ đồng bào dân tộc Raglai với 102 nhân khẩu. Các nóc nhà của làng nằm quây quần bên nhau, khá tách biệt với khu dân cư của người Kinh và nằm ngay cạnh mỏ đá Vạn Phúc.

 

Hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư năm 2014 không còn phát huy tác dụng
Hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư năm 2014 không còn phát huy tác dụng


Già làng Mang Đỏ cho biết, các hộ trong làng đến sinh sống ở đây được khoảng 15 năm. Đa số họ đến đây để nhường đất cho dự án khu sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh. “Trước đây, chúng tôi sống bằng nghề làm nương, phát rẫy, làm mướn nên cuộc sống khá bấp bênh. Khi được Nhà nước đưa về đây, chúng tôi hy vọng sẽ có cuộc sống khá hơn trước, nhưng sau bao nhiêu năm, tình hình cũng không cải thiện là bao”, già làng Mang Đỏ chia sẻ.


Hầu hết người dân xóm Đồng Cam hiện đều không có việc làm ổn định. Để mưu sinh qua ngày, đàn ông trong xóm đi làm thuê cho những hộ trồng xoài; phụ nữ thì đi lấy củi, mót lúa hoặc ở nhà trông con nhỏ. “Nhà tôi về đây năm 2003 nhưng không có đất sản xuất nên vợ chồng tôi phải đi làm thuê sống qua ngày. Bây giờ lớn tuổi rồi, người ta cũng ít thuê nên đến mùa gặt thì mót lúa, mùa điều thì đi lượm hạt điều”, bà Mang Thị Mai cho biết.


Với những gia đình trẻ, cuộc sống cũng hết sức khó khăn. Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ ở xóm Đồng Cam đều tảo hôn, công việc không ổn định, lại có nhiều con nên cảnh chạy ăn từng bữa là chuyện thường ngày. “Tôi lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến nay đã được 3 con, đứa lớn 5 tuổi. Cuộc sống hàng ngày nhờ vào tiền công làm thuê của chồng. Hôm nào làm nhiều thì được khoảng 100.000 đồng, nhưng công việc ngày có, ngày không”, chị Mang Thị Chúc cho biết.

 

Những căn nhà tạm bợ ở xóm Đồng Cam
Những căn nhà tạm bợ ở xóm Đồng Cam


Một vấn đề nan giải ở xóm Đồng Cam là tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Cả xóm chỉ có 2 giếng đào, nhưng 1 cái đã cạn nước từ lâu, 1 cái có nước thì lại bị nhiễm mặn nên chỉ có thể dùng để tắm giặt. Dù vậy, lượng nước vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. “Hàng ngày, chúng tôi phải ra giếng từ sớm để lấy nước về tắm giặt, còn nước dùng để ăn, uống phải xuống khu vực người Kinh để xin”, chị Mang Thị Hiền nói.


Nhà ở của người dân cũng khá tạm bợ. Trong xóm có hơn 20 nóc nhà, nhưng gần một nửa là nhà tạm, chỉ có thể che nắng chứ không thể che mưa. “Trước đây, chúng tôi sống gần khu vực chân núi, đến khi mỏ đá Vạn Phúc được khai thác, một số hộ bị ảnh hưởng được công ty xây nhà cho ở nên cũng đỡ vất vả. Còn những nhà mới tách bếp (ra ở riêng) sau này đều là nhà tạm”, già làng Mang Đỏ cho biết. Vào nhà chị Mang Thị Hiền, một gia đình vừa tách bếp được mấy năm, chúng tôi càng hiểu hơn những khó khăn của người dân. Trong căn nhà khoảng 10m2, xung quanh được che bằng những tấm ván, thân cây rừng, mảnh tôn cũ, tài sản duy nhất của gia đình chị là 2 cái gường nhỏ đã cũ. “Mỗi lần trời mưa, nước chảy khắp nhà nên gia đình tôi phải sang ở nhờ nhà khác, cực khổ lắm”, chị Hiền nói.

 

Lấy củi, nghề kiếm sống của người dân trong xóm
Lấy củi, nghề kiếm sống của người dân trong xóm


Già làng Mang Đỏ cho biết, trong xóm có khoảng 20 cháu nhỏ nhưng đều không được đi học. Các gia đình này đều nghèo, trường học lại xa (khoảng 3km) nên họ không đưa con đi học. Trẻ con ở nhà thì phải có người lớn trông nên mỗi nhà lại mất đi một lao động, vì thế cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.


Cần sự quan tâm, hỗ trợ


Theo tìm hiểu, 100% hộ ở xóm Đồng Cam đều thuộc diện hộ nghèo. Từ cuối năm 2012, HĐND tỉnh đã bổ sung thôn Cửu Lợi 3 vào danh sách thôn được thụ hưởng các chính sách trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, mức độ thụ hưởng chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Cửu Lợi 3 mà chủ yếu là ở xóm Đồng Cam còn khiêm tốn.

 

Theo ông Trần Vĩnh Hạnh, trong chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế hộ dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sắp tới, huyện sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình sản xuất cho người dân xóm Đồng Cam. Tuy nhiên, để mô hình thành công, mang lại kết quả tích cực thì mấu chốt vẫn là ý thức của người dân. Chỉ khi nào đồng bào có quyết tâm thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của xã hội, thì các biện pháp giảm nghèo mới phát huy tác dụng.

Ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, khu vực xóm Đồng Cam đã được đầu tư xây dựng một số công trình như: nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 giếng đào, 1 hệ thống nước sinh hoạt và hiện tại xã đang thực hiện 1 giếng khoan để cung cấp nước cho người dân. Hàng năm, xã đều bố trí kinh phí nạo vét giếng đào cho người dân. Trước đây, có một số hộ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để canh tác, chăm sóc nhưng không hiệu quả.


Được biết, trước đây nhiều hộ ở xóm Đồng Cam đã được cấp đất sản xuất, nhưng sau một thời gian, các hộ đều bán lại cho người Kinh trong vùng nên hiện nay không hộ nào còn đất sản xuất. Với các công trình đã được đầu tư trước đây, so với nhu cầu của người dân còn khá khiêm tốn. Đó là chưa kể qua thời gian sử dụng, thiếu sự quan tâm bảo quản nên một số công trình không còn phát huy tác dụng. Hệ thống nước sinh hoạt hiện chỉ còn bể nước, đường ống dẫn nước đã bị đứt gãy; giếng nước đào chỉ còn 1 cái có nước. “Mỗi năm, chúng tôi đều lập danh sách các hộ dân tộc thiểu số nghèo để được hỗ trợ vốn xây dựng mô hình sản xuất. Tuy nhiên, ở khu vực xóm Đồng Cam người dân vẫn chưa được tiếp cận với chính sách này. Nguyên nhân là do xã không chủ động đề xuất lên huyện. Tuy nhiên hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, người dân ở đây vẫn được nhận quà theo đúng quy định”, ông Trần Vĩnh Hạnh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm cho biết.


Để giải quyết những khó khăn của người dân xóm Đồng Cam, mới đây, lãnh đạo xã Cam Hòa đã tiến hành tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Xã đã quyết định bố trí quỹ đất để cấp đất sản xuất cho 15 hộ có nhu cầu với diện tích khoảng 1,5ha. Bên cạnh đó, xã sẽ kiến nghị cấp trên quan tâm triển khai các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng quy định; đồng thời kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có sự quan tâm, giúp đỡ để góp phần cải thiện đời sống người dân.


NHÂN TÂM