09:08, 01/08/2016

Thông hầm đường bộ qua đèo Cả

Ngày 31-7, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đường bộ đèo Cả.

Ngày 31-7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đường bộ đèo Cả. Đến dự có các ông: Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT.


Hầm đường bộ đầu tiên do doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc có thêm hầm đường bộ đèo Cả sẽ nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài ra, hầm đường bộ tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên cũng như của đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.

 

Thông xe qua hầm đèo Cả
Thông xe qua hầm đèo Cả


Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả được khởi động từ năm 2010, đến năm 2012 chính thức khởi công. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có tính phức tạp nhất từ trước đến nay, được chính các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước thi công trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh: “Trước đây, đối với các công trình phức tạp là làm hầm thường do nhà thầu nước ngoài thi công. Thế nhưng, bước đột phá mạnh mẽ nhất ở dự án này đó chính là liên danh các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư và các nhà thầu có uy tín trong nước thực hiện thi công công trình. Nhờ sự nỗ lực của các nhà thầu và toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, hầm đèo Cả đã được thông sớm hơn tiến độ 2 tháng, các hạng mục khác củacông trình cũng đều đạt và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá tốt”.


Tiết giảm hơn 4.200 tỷ đồng


Dự án hầm đường bộ đèo Cả thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tức là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phân phối thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công nghệ trên cơ sở hợp đồng dự án. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án hơn 15.000 tỷ đồng; tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã tối ưu lựa chọn hướng tuyến, giảm đi chiều dài 2 ống hầm từ 5,7km xuống còn 4,3km, đồng thời tránh vết đứt gãy tạo ra nguy hiểm cho việc thi công; cũng như hai lần thay đổi tư vấn thiết kế, nhờ đó đã giúp tiết giảm được hơn 4.200 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, số vốn tiết giảm được chuyển sang xây dựng hầm đèo Cù Mông. Mặc dù vốn tiết giảm, nhưng dự án vẫn đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.

 

Cầu dẫn vào hầm đèo Cả
Cầu dẫn vào hầm đèo Cả


Sau khi điều chỉnh, tổng chiều dài dự án hơn 13km, trong đó hệ thống hầm chính có chiều dài hơn 8km, với hai ống song song, cách nhau 30m; mỗi ống dài hơn 4km; đường kính 9,8m. Hầm có 2 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 80km/giờ.


Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả mong muốn, trong thời gian đến, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Vietinbank và chính quyền địa phương sớm thống nhất biện pháp xử lý, quan tâm tháo gỡ những vấn đề đang khiến nhà đầu tư quan ngại như: các quy định về lãi vay không phù hợp; các ưu đãi trong đầu tư chưa có sự đảm bảo và kế thừa; quan điểm trong việc kiểm soát dự án BOT chưa được thống nhất....

 

Niềm vui của những người thợ đào hầm
Niềm vui của những người thợ đào hầm


Liên quan đến vấn đề nguồn vốn của dự án, ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết: “Vietinbank đã cấp giới hạn tín dụng cho nhà đầu tư để tài trợ vốn, đáp ứng kịp thời kinh phí thực hiện dự án. Đồng thời, cung cấp tổng thể các giải pháp tài chính hiệu quả để tài trợ dự án như: giải pháp về trung chuyển vốn và quản lý vốn trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư, các nhà thầu và các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng... Chúng tôi cam kết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, giải ngân đúng tiến độ, cung cấp đa dạng các dịch vụ ngân hàng và tài chính tối ưu nhất để thực hiện dự án”.


Sớm có phương án quản lý, vận hành


Để sớm đưa toàn bộ các hạng mục của công trình vào khai thác, vận hành đúng tiến độ trong năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục quan trọng khác, nhất là mở rộng, nâng cao chất lượng hầm đường bộ Hải Vân 2 - hạng mục kết nối, tác động trực tiếp đến vận hành và khai thác hầm đường bộ đèo Cả.


Bộ GTVT, nhà đầu tư chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, ngân hàng để khẩn trương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về phương án tài chính tổng thể, cơ chế giải phóng mặt bằng, điều chỉnh tín dụng, hợp đồng để nhà đầu tư triển khai và hoàn thành dự án. Nhà đầu tư cần tổ chức vận hành bảo đảm đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả của hầm đường bộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc lưu thông qua hầm; thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng, để người dân địa phương là chủ thực sự, là người được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT sớm thống nhất với nhà đầu tư phương án tổ chức quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình. Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện công trình, không để xảy ra sự cố.


UBND tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, nhà đầu tư tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đào tạo, bố trí tạo công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống người dân khu vực chịu ảnh hưởng của dự án.


THÀNH NAM

 



Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tôi yêu cầu Bộ GTVT và chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ các thủ tục theo đúng quy trình, quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư, an toàn lao động cho người và phương tiện...

____________________________________



Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đi tiên phong với mô hình đầu tư theo hình thức PPP. Việc dự án được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước thực sự là tín hiệu đáng mừng, thể hiện tầm vóc, năng lực quản lý, thi công của các doanh nghiệp Việt Nam; mở ra một chặng đường mới để các doanh nghiệp trong nước sau này có thể đảm nhận, thực hiện các dự án hiện đại, phức tạp của quốc gia.

____________________________________

 



Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả: Sau khi thông hầm, khối lượng công việc còn rất nhiều, từ việc làm bê tông vỏ hầm, hoàn thiện gói thầu đường dẫn, cầu, lắp ráp hệ thống ánh sáng, an toàn giao thông... Tuy nhiên, chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để về đích đúng hẹn, hoàn thành và đưa vào khai thác, vận hành vào tháng 7-2017.

____________________________________