11:08, 23/08/2016

Nâng bước em đến trường

Để cho ngày tựu trường sắp tới đông đủ và trọn vẹn niềm vui, những ngày này, nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô ở những vùng sâu, vùng xa đang tất bật với công tác vận động học sinh ra lớp…

Để cho ngày tựu trường sắp tới đông đủ và trọn vẹn niềm vui, những ngày này, nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô ở những vùng sâu, vùng xa đang tất bật với công tác vận động học sinh (HS) ra lớp…


Vận động học sinh đến trường…


Mờ sáng, khi ánh dương vừa hé qua sườn đồi, cô Lưu Thị Phương (giáo viên - lớp 5, Trường Tiểu học - Khánh Hiệp 1, huyện Khánh Vĩnh) đã tranh thủ đến nhà 2 HS từng vài lần bỏ học hồi lớp 4, nhưng 2 em đều vắng nhà. Cô Phương bảo, đi lại vài lần mới gặp là chuyện thường. Hè 3 năm trước, cô đến thôn Cà Thêu, xã Khánh Hiệp vận động em Cao Văn Trái (người Raglai, lúc đó chuẩn bị vào lớp 4) thì em chạy trốn vào rẫy mía, kêu mãi cũng không chịu ra. Sau nhiều lần cô kiên trì thuyết phục, Trái mới chịu chia sẻ, do nghỉ hè lâu, sợ quên cái chữ, cha mẹ lại không mua cho quần áo, cặp mới nên em không muốn tới lớp nữa. Nghe vậy, cô liền về vận động cả lớp giúp Trái. Bạn thì tặng áo, bạn cho sách bút. Ngày tựu trường, Trái xúng xính quần áo mới đến, ngượng ngùng vì nhận được tràng vỗ tay mừng vui của cả lớp. Bây giờ, Trái đã lên lớp 7 Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp) và đi học chăm chỉ, không còn muốn bỏ học nữa. “HS bỏ học, tôi vừa lo, vừa thương các em, không học cái chữ thì sau này biết làm gì sinh sống. Nên cứ vào đầu năm học, tôi và các giáo viên lại tranh thủ đến nhà vận động HS bỏ học ra lớp. Có được em nào trở lại lớp là mừng lắm!”, cô Phương chia sẻ.  

 

1
Cô Phạm Thị Nhài thường xuyên đến nhà Cao Thị Ly Na khích lệ em đi học đều

 
Đến một điểm trường thuộc Trường TH và THCS Ninh Tây (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) vào những ngày oi nóng cuối hè, chúng tôi được chứng kiến buổi học của những HS dân tộc thiểu số (DTTS) chuẩn bị vào lớp 1. Các em say sưa học hát, nói tiếng Việt cùng cô giáo Nguyễn Thị Hương. Giờ nghỉ giải lao, H Tuyên vui vẻ cho biết: “Cha mẹ dắt con đi bộ tới trường để học nói tiếng Việt. Biết tiếng Việt, con sẽ hiểu được lời cô, được nghe cô kể chuyện. Con mong năm học mới đến thật nhanh để được vào lớp 1, biết thêm nhiều điều”. Cô Hương chia sẻ, có sáng, cô còn lên tận rẫy chở HS đến lớp, vì có phụ huynh mải đi làm, chở con theo mà quên đi học. Ông Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây cho biết, hè năm nay trường mở 4 điểm dạy tăng cường tiếng Việt cho 53 HSDTTS, chủ yếu là người Ê đê. Nhờ được tăng cường tiếng Việt ở lớp mẫu giáo, cộng thêm học dịp hè, nên các em có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt tốt hơn, từ đó nhận thức, hành động cũng tốt hơn. Điều này góp phần bảo đảm 100% HS ra lớp 1.


… và gắn bó với lớp


Vận động các em ra lớp đã khó, giữ các em yên tâm học tiếp còn khó hơn. Ở Trường Tiểu học và THCS Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn), vận động HS ra lớp và duy trì sĩ số HS là một trong những hoạt động trọng tâm hàng năm. Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Hiệu trưởng nhà trường, ở xã Ba Cụm Nam, đồng bào DTTS chiếm  hơn 90%, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi thời tiết thất thường hay vào mùa giáp hạt. Điều đó phần nào khiến HS đi học chưa đều. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị đỡ đầu, mạnh thường quân… nên cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, HS được ăn bán trú. Bên cạnh đó, ban giám hiệu và toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường đều tích cực vận động, tuyên truyền cho các hộ về lợi ích của việc đến trường để có kiến thức, từ đó có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân, gia đình. Các giáo viên tận tình đến nhà thăm hỏi, đưa đón HS đến trường. Vì vậy, tỷ lệ HS ra lớp hàng năm đều đạt trên 97%, sĩ số cũng được duy trì.

 

Không chỉ dạy tăng cường tiếng Việt, cô Nguyễn Thị Hương còn uốn nắn tư thế ngồi, cách cầm bút cho học sinh
Không chỉ dạy tăng cường tiếng Việt, cô Nguyễn Thị Hương còn uốn nắn tư thế ngồi, cách cầm bút cho học sinh


Để duy trì sĩ số lớp học thì ngoài chuyên môn, các giáo viên còn phải có sự kiên trì và tâm huyết dành cho HS. Trường hợp em Cao Văn Thiều (xã Khánh Hiệp) là một ví dụ. Vừa học xong học kỳ 1 lớp 5 thì em nghỉ học. “Vẫn biết Thiều mồ côi cha từ khi mới 3 - 4 tuổi, ở với mẹ và dượng, nhưng khi đến nhà em, tôi không khỏi xúc động. Căn nhà lợp bằng tranh, chỉ có một tấm thảm bằng lồ ô trải trên sàn làm chỗ ngủ. Cả nhà có lẽ chỉ có mấy chiếc xoong là tài sản giá trị nhất”, cô Phương rưng rưng nhớ lại. Thấy cô đến, Thiều cúi mặt rầu rĩ: “Em phải nghỉ học chăm mẹ”. Cô Phương phải lựa lời phân tích, rồi vận động cả lớp trích quỹ bạn nghèo, đập heo đất tiết kiệm mua sách bút cho Thiều. Sáng sáng đi dạy, cô cũng không quên mua thêm ổ bánh mì cho em. “Giờ em ấy đã lên lớp 8, học chăm lắm!”, cô Phương vui mừng cho biết.


Trên đường dẫn chúng tôi tới nhà em Cao Thị Ly Na (tổ 6 thị trấn Khánh Vĩnh), cô Phạm Thị Nhài (giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh) kể: Năm học trước, Na đột nhiên nghỉ học vài buổi. Khi em đi học lại, cô đã trách mắng Na. Em chẳng nói gì, hôm sau lại nghỉ tiếp. Tìm đến nhà em, cô mới biết, anh trai Na đi rừng vừa bị tai nạn qua đời. Từ đó, hễ đi học về, thấy hình anh trên bàn thờ là Na lại khóc. Em không còn tha thiết đi học nữa. “Tôi bỗng cảm thấy có lỗi rất nhiều vì thiếu quan tâm sâu sát tới HS nên đã không động viên Na kịp thời, còn la mắng”, cô Nhài trầm giọng. Từ đó, cô thường xuyên tới nhà, động viên Na trở lại lớp. Cô còn vận động các bạn ưu tiên cho Na không đóng quỹ lớp, quyên góp sách vở cho bạn. Có hôm học được 1 - 2 tiết chưa thấy Na tới lớp, biết có thể mẹ Na đi rẫy sớm không đưa Na đi học, cô lại đến chở em. Trải tạm manh chiếu ra nền nhà xi măng đã nứt vỡ để tiếp cô giáo, bà Cao Thị Vính, mẹ Na xúc động: “Tôi biết ơn cô Nhài lắm. Nhìn cháu đi học lại, vui vẻ hơn, tôi cũng vui trở lại”.

 

Nghe theo lời dặn của các cô giáo, chị H Đan (bìa trái) động viên anh em Y Trọng Đài học bài
Nghe theo lời dặn của các cô giáo, chị H Đan (bìa trái) động viên anh em Y Trọng Đài học bài


Ông Huỳnh Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, năm học mới, toàn trường có 474 HS, trong đó có 228 HSDTTS. Nhà trường đã phối hợp với địa phương tích cực vận động các gia đình cho con đến trường đúng kế hoạch. Một giải pháp rất hiệu quả với cấp tiểu học là huyện đã chỉ đạo thực hiện đối thoại với những hộ có con em thường xuyên nghỉ học. Nhờ đó, tỷ lệ HS ra lớp của trường hàng năm đều đạt 100%.


Cho em niềm vui học tập

 

Năm học 2015 - 2016, Khánh Hòa đạt tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 99,9%; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 6 - 10 ra lớp tiểu học 99,7%. Tính đến tháng 5-2016, tất cả các địa phương đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; 82 xã, phường, thị trấn và 1 huyện đạt chuẩn mức độ 2. 95,2% HS hoàn thành chương trình tiểu học, tăng 1,2% so với năm trước. Số HS bỏ học còn 20 em, giảm 14 em (trong đó HSDTTS giảm 11 em) so với năm học 2014 - 2015, đồng thời huy động được 10 HS bỏ học trong các năm trước và trong hè trở lại trường.

Năm học 2015 - 2016 tiếp tục đánh dấu bước phát triển lớn về giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự đầu tư mọi mặt về cơ sở vật chất trường học, chế độ, chính sách ưu đãi đối với HS, giáo viên ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nên chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt. Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kể từ năm 2001, khi có chính sách hỗ trợ gạo cho HSDTTS, tình trạng bỏ học cục bộ giảm hẳn, chỉ còn xảy ra ở một số địa bàn khó khăn trong công tác định cư. Đặc biệt, từ năm học 2012 - 2013 đến nay, tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho HSDTTS, góp phần đáng kể nâng tỷ lệ HS đi học chuyên cần. Năm học vừa qua, trong hơn 7.800 HSDTTS của 38 trường có đông HSDTTS trên toàn tỉnh thì đã có 4.400 em được ăn bán trú. Nhờ vậy, tình trạng lưu ban, bỏ học, nhất là ở khối lớp 1, 2, 3 được hạn chế rất nhiều.


Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự đóng góp của những “người lái đò”. Các thầy, cô thường xuyên bám lớp, bám dân, gắn bó với HS và mang đến cho các em những bài học lý thú. Trò chuyện trước thềm năm học mới, ông Hà Văn Thông chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân khiến HS bỏ học như: sức khỏe, xa trường, học yếu, hoàn cảnh khó khăn... Đưa được HS tới trường đã khó, duy trì cho các em đi học đều còn khó hơn nhiều, bởi phải trao truyền được cho các em niềm vui được đi học. Chỉ khi đi học vì vui thích, vì nhiều điều mới lạ chỉ có thể tìm thấy khi tới trường, các em mới tự nguyện vượt qua mọi khó khăn và hối thúc bản thân đến trường đều đặn. Vì vậy, để công tác vận động HS ra lớp cũng như duy trì sĩ số HS được thực hiện tốt, cần tiếp tục đổi mới môi trường sư phạm, cải thiện phương pháp giảng dạy, xây dựng nhiều hoạt động ngoại khóa lành mạnh, hấp dẫn, bổ ích cho HS”.


THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN