11:08, 09/08/2016

Vượt lên nỗi đau da cam

Dẫu biết những nạn nhân da cam thường phải gánh chịu nhiều nỗi đau về tâm hồn lẫn thể xác, tưởng chừng sẽ khiến họ rơi vào tuyệt vọng, song với những nạn nhân da cam chúng tôi gặp, họ biết phải đối mặt với hiện thực, nén đau thương để vươn lên phía trước.

Dẫu biết những nạn nhân da cam thường phải gánh chịu nhiều nỗi đau về tâm hồn lẫn thể xác, tưởng chừng sẽ khiến họ rơi vào tuyệt vọng, song với những nạn nhân da cam chúng tôi gặp, họ biết phải đối mặt với hiện thực, nén đau thương để vươn lên phía trước.


Nén lại nỗi đau


Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Thụ (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh). Ông Thụ luôn tự hào đã có một thời cống hiến sức trẻ cho đất nước. Sau ngày giải phóng, ông lập gia đình, rồi sinh được 4 người con. Nhưng nghiệt ngã thay, cả 4 người con của ông đều bị di chứng của chất độc da cam. Ông chia sẻ: “Sinh con ra không được lành lặn, tôi cũng đau xót lắm. Nhưng đó là số phận mình phải gánh vác, phải chấp nhận với hiện thực để sống và vươn lên. Nếu cứ than phiền mãi sẽ làm cho tinh thần mình suy sụp, dần dần sức sống và tâm hồn con người bị xói mòn bởi sự bất hạnh. Mình phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn như những ngày được tôi luyện nơi chiến trường năm xưa”.

 

Ông Hoàng Minh Thoán cùng những người con bị di chứng chất độc da cam
Ông Hoàng Minh Thoán cùng những người con bị di chứng chất độc da cam


Gia đình ông Nguyễn Xuân Trong và bà Nguyễn Thị Hòa (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cũng có cùng cảnh ngộ. Người con trai duy nhất của ông bà là Nguyễn Xuân Khánh bị tật nguyền, động kinh và điên loạn bởi di chứng chất độc da cam. Hàng ngày chăm sóc con, lòng ông Trong luôn nhói đau và nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Song, với sự can trường của người lính cụ Hồ, vợ chồng ông đã lấy lại cân bằng, chấp nhận hiện tại để vươn lên trong cuộc sống. Ông Trong tâm sự: “Nỗi đau nào cũng có giới hạn, nếu chỉ nhìn vào đó sẽ khiến người ta rơi vào bi quan. Trong cuộc sống, con người phải biết nén lại nỗi đau thương để vươn lên phía trước. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của bạn bè, vợ chồng tôi đã quyết tâm vượt khó từ 2 bàn tay trắng. Bằng sự cần cù, chịu khó, gia đình tôi đã phát triển kinh tế vườn đồi. Cuộc sống đã không phụ lòng người, từ chỗ nghèo khó, nay gia đình tôi trở thành khá giả, nhà cửa khang trang hơn”.

 

Toàn tỉnh có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhưng hiện nay chỉ có hơn 1.800 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định. Hiện còn hơn 70% gia đình nạn nhân thuộc diện hộ nghèo; hơn 100 gia đình từ 2 nạn nhân trở lên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng lao động.

Gia đình ông Hoàng Minh Thoán (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh) cũng có 4 người con bị di chứng bởi chất độc dioxin. Các con ông vừa sinh ra vài tháng tuổi đã bị bệnh hiểm nghèo, lên cơn co giật, teo cơ. Căn nhà của ông như một “trại tâm thần” thu nhỏ, các con ông chẳng biết “buồn” là gì, từ sáng đến tối cứ cười nói lảm nhảm. Ông Thoán chia sẻ: “Bi thảm là thế, nhưng thương các con, tôi cố nén nỗi đau để gánh vác trọng trách gia đình. Ngoài khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, gia đình tôi còn đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi gà, heo, bò. Nhờ đó, cuộc sống gia đình vơi bớt khó khăn, các con được chăm sóc chu đáo hơn”.


Vươn lên


Với suy nghĩ lạc quan nên vợ chồng ông Nguyễn Văn Thụ đã vượt lên nỗi đau da cam, tham gia lao động để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Không trông chờ ỷ lại vào các khoản trợ cấp của Nhà nước, ông đã vượt lên bằng chính nghị lực của bản thân. Mỗi ngày, ông Thụ đều dậy khá sớm để chuẩn bị gánh cháo cho kịp buổi chợ. Từ gánh cháo và quán tạp hóa của gia đình cho thu nhập khoảng hơn 300.000 đồng/ngày. Ông Thụ cho biết: “Với thu nhập như vậy đã đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình 6 miệng ăn và tiền thuốc men cho các con”.

 

Bà Nguyễn Thị Tô Duyên chăm sóc người con gái bị tật nguyền do chất độc da cam gây ra
Bà Nguyễn Thị Tô Duyên chăm sóc người con gái bị tật nguyền do chất độc da cam gây ra


Gia đình ông Cao Tranh (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) cũng là một minh chứng cho sự vươn lên trước nỗi đau da cam. 6 người con mà vợ chồng ông sinh ra đều bị ảnh hưởng của chất độc dioxin. Để cuộc sống của các con được chăm sóc tốt hơn, vợ chồng ông đã tích cực phát triển kinh tế gia đình. Hàng ngày, ông bà đều dành phần lớn thời gian để chăm chút cho đồi keo, nương bắp, luống đậu, chăn nuôi bò, heo, gà. Ông Tranh chia sẻ: “Sinh con ra không được lành lặn là nỗi buồn, nhưng không vì thế mà buông xuôi tất cả. Mình phải biết chấp nhận số phận để vươn lên. Từ mô hình vườn đồi và chăn nuôi, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống gia đình không còn khó khăn nữa, các con tôi được chăm sóc tốt hơn”.


Nghị lực vươn lên trước hoàn cảnh của gia đình ông Cao Văn Sung (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) cũng cho thấy khát vọng sống mãnh liệt. Tuy mang trong mình chất độc da cam, nhưng hàng ngày ông vẫn cố gắng lao động, sản xuất và chăm sóc 3 người con tật nguyền. Để có thêm tiền lo thuốc men, sinh hoạt hàng ngày cho các con, ông đã khai khẩn đất đồi trồng được 4ha keo lai, 2ha mì và chăn nuôi 10 con bò. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông cũng phần nào vơi đi khó khăn…  


Vẫn cần lắm sự sẻ chia

 

Ông Phạm Minh Chánh cho biết: Để giúp đỡ nạn nhân da cam, tối 10-8, hội tổ chức chương trình văn nghệ mang tên “Khát vọng xanh” với chủ đề “Yêu thương và gắn kết” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Chương trình nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam. Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội. Mọi sự ủng hộ xin gửi về Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (khu liên cơ số 1 Trần Phú, TP. Nha Trang) hoặc qua tài khoản 102010000429375 Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa, hoặc nhắn tin với cú pháp: DACAM gửi 8736, mỗi tin nhắn bạn đã ủng hộ 15.000 đồng cho nạn nhân da cam tỉnh. Tổng đài sẽ nhận tin nhắn ủng hộ đến hết ngày 30-8.

Chiến tranh đã lùi xa, những nỗi đau vẫn còn đó. Trong nhiều gia đình, thời gian và nước mắt, sự lo lắng và nỗi đau da cam vẫn trộn lẫn với nhau. Hơn bao giờ hết, họ vẫn luôn cần lắm những tấm lòng, sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Tô Duyên (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) là một minh chứng. Bà Duyên sinh được 1 người con gái là Phạm Thị Quỳnh Trang, nhưng lại bị di chứng bởi chất độc da cam từ người chồng. Năm nay, Trang đã 27 tuổi, nhưng tay, chân co quắp, cả ngày chỉ biết nằm trên giường, vật vã với bệnh tật. Tất cả sinh hoạt của Trang đều phải dựa vào sự chăm sóc của người mẹ gần 70 tuổi. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khốn khó hơn khi chồng bà Duyên qua đời vì căn bệnh ung thư. Hàng ngày, bà Duyên không thể ra khỏi nhà bởi cứ vắng người là con gái bà lại khóc lóc, kêu la. Cả hai mẹ con bà giờ chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp gần 3 triệu đồng/tháng của Nhà nước. Bà Duyên trăn trở: “Giờ tôi còn sức khỏe, nhưng sau này yếu đi sẽ không có ai thay tôi chăm sóc cho con. Tôi chỉ mong khi nhắm mắt, con tôi được đón nhận vào cơ sở xã hội nuôi dưỡng”. Nỗi lòng của bà Duyên cũng là nỗi lo chung của hầu hết những gia đình nạn nhân da cam mà chúng tôi gặp.


Ông Phạm Minh Chánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã có nhiều thay đổi trong chính sách hỗ trợ nạn nhân da cam vơi bớt những khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, số người bị phơi nhiễm chất độc da cam chưa được hưởng trợ cấp còn nhiều. Đa số họ đã già yếu, bệnh tật, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, số gia đình có con bị di chứng da cam, nhưng lại chưa có chế độ dành cho người chăm sóc. Do đó, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách hợp lý, nhằm động viên giúp đỡ họ. Các nạn nhân da cam cũng luôn mong nhận được sự động viên về vật chất, tinh thần của toàn xã hội. Để từ đó, sẻ chia, góp sức làm vơi bớt những nỗi đau, để những nạn nhân da cam được hòa nhập với cộng đồng.


VĂN GIANG