Không ai biết được chính xác trữ lượng nguồn khoáng nóng thiên nhiên tại phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh là bao nhiêu, nhưng mấy chục năm nay, nguồn nước này cứ tuôn chảy không ngừng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này?
Không ai biết được chính xác trữ lượng nguồn khoáng nóng thiên nhiên tại phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh là bao nhiêu, nhưng mấy chục năm nay, nguồn nước này cứ tuôn chảy không ngừng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này?
“Sự tích” nguồn nước
Đến TP. Cam Ranh, chạy hướng vào nam qua cầu Trà Long chừng vài trăm mét là đến cổng rẽ vào tổ dân phố Trà Long 2 (phường Ba Ngòi). Đi chừng 1km nữa là tới nhà ông Phạm Trọng nằm ở cuối con hẻm, người được xem là biết rõ nguồn gốc của nguồn nước khoáng nóng trong khu vực.
Dịch vụ tắm khoáng của Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh |
Theo trí nhớ của ông Trọng, khoảng năm 1969, gia đình ông chuyển đến khu vực này sinh sống, lúc đó nơi đây còn là rừng hoang. Khi đó, ba ông Trọng muốn cải tạo ruộng đất, nhưng khó khăn về nguồn nước. Sau vài ngày tìm kiếm, ông cụ phát hiện trong Gò Rứa, cách nhà hơn 200m có một hố nước to bằng cái nón, nên quyết định đào ao để lấy nước sinh hoạt. “Đang đào thì ba tôi bị thụt xuống, bùn đến tận cổ. Khi được mọi người kéo lên thì toàn thân ông đỏ au như bị phỏng nhẹ. Chỗ ba tôi bị thụt xuống xuất hiện luồng nước tuôn trào, khói bốc nghi ngút…”, ông Trọng nhớ lại. Nơi đó được gia đình ông Trọng thuê người đào thành ao sâu hơn 2m, rộng chừng 30m2. Nước ở ao này lúc nào cũng rất nóng phải dẫn sang một ao khác cho nguội rồi mới sử dụng được.
Dẫn chúng tôi lên ao đào ngày xưa bây giờ đã bỏ hoang vì không sử dụng tới, nhưng bên cạnh đó lại có một trạm bơm khá lớn đang hoạt động. Ông Trọng cho biết, đó là trạm bơm dẫn nước khoáng nóng ra nhà hàng Đại Long của Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh. Năm 1987, ba ông có cho Xí nghiệp thực phẩm 3-2 (tiền thân của Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh) một khoảnh đất trong vườn để khoan lấy nước dẫn ra làm nước đá. “Lúc đó, mũi khoan sâu hơn 40m thì mọi người nghe một tiếng nổ rất lớn. Ai nấy bỏ chạy, khi quay đầu lại thì có một cột nước nóng hừng hực phun thẳng lên trời”, ông Trọng nhớ lại.
Nước khoáng nóng để… trồng rau, nuôi heo
Nguồn nước khoáng nóng dồi dào, nhưng người dân phường Ba Ngòi gần như chỉ dùng để sinh hoạt và trồng rau. Để tận dụng nguồn nước khoáng thiên nhiên, năm 1994, ông Trọng đào thêm 2 giếng khơi phía sau vườn, đồng thời vay mượn tiền xây 72 phòng tắm tạm phục vụ người dân và du khách. Giếng đào sâu khoảng 6m là thợ chịu không nổi vì nước ở dưới quá nóng. Khi bơm lên phải để nguội mới tắm được. “Thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 lượt khách đến tắm, thu vé 1.000 đồng/lượt, khách thích tắm bao lâu cũng được. Sau đó, nhiều gia đình thấy dịch vụ làm ăn tốt nên mở theo. Từ khoảng năm 2000, ngoài quốc lộ xuất hiện nhiều cơ sở tắm khoáng nóng với trang bị hiện đại hơn nên tôi đóng cửa. Các phòng tắm được cải tạo thành chuồng nuôi heo. Giếng nước khoáng nóng cũng bơm lên để tắm cho heo”, ông Trọng cho biết.
Trạm bơm nước khoáng phục vụ Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh |
Nhà ông Phạm Biên Thùy hiện nay vẫn còn “Phục vụ tắm khoáng bình dân” với 2 dãy phòng tắm chạy dài chia làm khu vực dành cho nam và nữ. Năm 1996, phát hiện trong vườn nhà có mạch nước khoáng nên ông Thùy cũng đào giếng, xây 70 phòng tắm để phục vụ du khách. “Khi đó, giá 1.000 đồng/lần tắm, khách đông nườm nượp. Nay giá có 5.000 đồng/lượt, nhưng cả ngày chỉ có vài khách. Tôi đang tính nghỉ để tập trung làm đìa chứ khách ế quá, không bõ công ngồi trông”, ông Thùy nói.
Gần nhà ông Thùy là nhà ông Phạm Văn Ngọc cũng có giếng nước khoáng nóng. Năm 1988, khi ông Ngọc mua lại căn nhà này đã có giếng nước khoáng sẵn. Tuy nhiên, ông Ngọc chỉ dùng nước để trồng rau muống và bơm tắm cho đàn heo. Mỗi ngày ông Ngọc bơm 2 lần, mỗi lần 3 tiếng. “Tôi không biết có phải do nước khoáng hay không nhưng đàn heo rất nhanh lớn, còn rau muống thì luôn tươi xanh và nhanh cho thu hoạch”, ông Ngọc vui vẻ nói.
Mong có nhà đầu tư
Theo lãnh đạo UBND phường Ba Ngòi, các cơ quan từ Bộ Tài nguyên - Môi trường vào khảo sát đều đánh giá nguồn nước khoáng nóng rất mạnh và nhiều, nằm rải rác ở hai tổ dân phố Trà Long 1 và Trà Long 2, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Trà Long 2. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn chưa có giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Trước kia, nhiều hộ phát hiện nguồn nước khoáng nóng đã mở dịch vụ tắm khoáng và ngâm khoáng, nhưng nay cũng ế ẩm và đập bỏ dần. Trên địa bàn phường cũng chỉ có 2 đơn vị đang kinh doanh dịch vụ này là Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh và Công ty Cổ phần Gỗ Cam Ranh. Trong đó có Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh là kinh doanh lớn và mang lại hiệu quả.
Giếng nước khoáng nhà ông Trọng chủ yếu dùng tắm cho heo và nuôi cá |
Ông Phạm Văn Thành: Qua trao đổi với đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tôi hình dung nước khoáng ở đây đang đựng trong một cái túi khổng lồ, bao bọc bởi một lớp đá rất cứng. Để lâu nước khoáng tích tụ nên rò rỉ lên mặt trên. Ở đây, có nhiều gia đình đào hoặc khoan dưới 10m là có nước khoáng dùng, nhưng chất lượng không cao, nhiệt độ vừa phải. Trước đây, chúng tôi đã khoan sâu đến 40m, xuyên thủng lớp đá bao bọc nên nước nóng đến 60 độ, chất lượng khoáng cũng cao hơn. |
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Suối khoáng Cam Ranh cho biết, hiện mỗi ngày công ty sử dụng khoảng 50m3 nước khoáng nóng tại giếng khoan trong khuôn viên nhà ông Phạm Trọng. Trong khi đó, nhiều năm trước có đoàn của Bộ Tài nguyên - Môi trường về đây khảo sát và đánh giá giếng nước mà công ty đang sử dụng có thể đạt công suất gần 1.000m3/ngày đêm. “Nguồn nước khoáng thì còn rất nhiều, nhưng chúng tôi không biết sử dụng như thế nào vì khách ở Cam Ranh không nhiều. Muốn đầu tư, mở rộng các loại hình dịch vụ cũng khó. Nếu muốn làm dây chuyền sản xuất nước đóng chai thì đòi hỏi vốn lớn và rất phức tạp”, ông Thành chia sẻ.
Được biết, những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, công ty của ông Thành từng xuất khẩu nước khoáng này sang Mỹ qua một công ty trung gian ở TP. Hồ Chí Minh. Hồi đó, mỗi ngày xe chở khoảng 1.000 lít theo đường bộ vào TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển qua Mỹ. “Người Mỹ đánh giá rất cao chất lượng nước khoáng ở Cam Ranh. Tuy nhiên, xuất khẩu được vài năm thì đối tác không nhận hàng với lý do nước khoáng này nếu bơm lên khỏi mặt đất 12 tiếng thì chất lượng không còn được giữ nguyên”, ông Thành cho biết thêm.
Người dân tổ dân phố Trà Long 2 bơm nước khoáng tưới rau |
Ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch UBND phường Ba Ngòi cho biết: “Nguồn nước khoáng nóng ở Cam Ranh rất lớn, nhưng hiện nay nguồn lực này chưa được phát huy hiệu quả. Theo tôi, muốn giải quyết việc này cần phải điều tra, khảo sát để biết chính xác trữ lượng cũng như công bố chất lượng loại nước khoáng này. Sau đó, lãnh đạo thành phố cần có những giải pháp kêu gọi nhà đầu tư vào khu vực này”.
VĂN KỲ