05:07, 18/07/2016

"Nước mắt"… căm xe!

Thời gian qua, việc bảo vệ rừng căm xe tự nhiên ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, hiện nay, rừng căm xe ở địa phương này vẫn tiếp tục bị xâm lấn...

Thời gian qua, việc bảo vệ rừng căm xe tự nhiên ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, hiện nay, rừng căm xe ở địa phương này vẫn tiếp tục bị xâm lấn...


Rừng tiếp tục mất


Sau những cơn mưa liên tiếp, rừng căm xe Ninh Tây đã bắt đầu xanh trở lại. Nhưng ở ven rừng, trong lõi rừng, những nơi sát các rẫy mía, hàng loạt cây căm xe cao lớn vẫn khô héo, chết đứng.

 

Những cây căm xe
Những cây căm xe "chết đứng" giữa nương rẫy


Hỏi chuyện, một người dân ở thôn Buôn Đung cho chúng tôi biết, rừng bị phá để lấy gỗ thì ít mà lấy đất trồng mía thì nhiều. Mấy năm gần đây, hiệu quả cây mía tuy có giảm sút, nhưng việc phá rừng căm xe không giảm. Theo chỉ dẫn của người này, chúng tôi chạy xe máy theo những con đường dọc ngang khắp rừng căm xe và bắt gặp rất nhiều rẫy mía của người dân địa phương nằm lẫn trong rừng; ven các rẫy mía là những cây căm xe bị ken gốc đã chết, có những cây đã bị chặt hạ còn trơ gốc và cả những mảng rừng đã được phát đốt chưa lâu.


Tiếp cận ông Y Vong ở thôn Buôn Tương, sau một hồi dò xét về chúng tôi, ông mới nói: “Những rẫy mía đó là của người dân ở xã Ninh Tây. Ban đầu, mỗi rẫy chỉ có vài sào, về sau cứ mở rộng dần lên hơn cả héc-ta, bởi đất trong rừng căm xe rất tốt. Hiện nay, trong rừng căm xe có rất nhiều rẫy mía như thế”. Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để phá rừng, lấy đất mà không để lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa phát hiện, ông Vong cho biết: “Cây căm xe chỉ cần ken vỏ một vòng xung quanh gốc, độ cao khoảng 30 - 40cm, rồi dùng dao hoặc rựa cạo sạch nhựa đi thì cây sẽ chết dần; muốn cây chết nhanh thì ken hoặc khoan gốc rồi đổ muối vào. Để tránh chính quyền, cơ quan chức năng phát hiện, người dân cứ ken dần từng cây”.

 

Hoạt động sản xuất ngay trong vùng lõi rừng căm xe
Hoạt động sản xuất ngay trong vùng lõi rừng căm xe


Trong vai những người tìm mua đất rẫy trong rừng căm xe để trồng mía, chúng tôi tiếp cận những người trong gia đình ông Y Hiu (thôn Buôn Đung) đang dọn đất để chuẩn bị trồng lúa rẫy. Chỉ tay về phía phần đất trống với những bụi tre gai xen lẫn với cây căm xe đã được phát dọn, một thanh niên là người thân của ông Y Hiu nói: “Rất nhiều người hỏi mua đất để trồng mía, nhưng gia đình tôi chỉ đồng ý bán với giá 100 triệu đồng/ha. Nếu các anh mua diện tích lớn, tôi sẽ giới thiệu thêm mấy hộ lân cận, cũng với giá đó”. Khi chúng tôi hỏi chuyện giấy tờ đất, người thanh niên này nói: “Rẫy ở trong rừng thì lấy đâu ra sổ”.

 
Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết, tuy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, lập biên bản xử phạt các trường hợp chặt phá, lấn chiếm rừng căm xe nhưng tình trạng “bức tử” rừng để lấy đất làm rẫy vẫn không thuyên giảm. Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: “Với cách thức ken gốc, “gặm nhấm” ấy, diện tích rừng căm xe Ninh Tây cứ thế bị thu hẹp dần. Trước đây, diện tích rừng căm xe trên địa bàn xã lên đến 600ha, hiện nay chỉ còn khoảng 300ha”.


Có xử lý nhưng… không ai nộp phạt


Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết, diện tích rừng căm xe ở thị xã Ninh Hòa trước đây kéo dài từ chân đèo Phượng Hoàng đến xã Ninh Tân, đâu đâu cũng có cây căm xe. Tuy nhiên, những cánh rừng cứ bị thu hẹp dần, thay vào đó là những rẫy mía ngút ngàn. “Khu vực rừng căm xe có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm sát Quốc lộ 26, giao thông thuận lợi, đan xen với các khu vực dân cư sinh sống nên các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng dễ dàng xâm nhập, triệt hạ cây rừng để lấy đất sản xuất, chủ yếu là trồng mía. Những năm cây mía cho lợi nhuận cao, rừng căm xe càng bị xâm lấn nghiêm trọng”.

 

Bằng việc ken vỏ đơn giản, cây căm xe không thể sống sót
Bằng việc ken vỏ đơn giản, cây căm xe không thể sống sót

 

Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa phối hợp chặt chẽ với chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng căm xe. Để bảo vệ được rừng căm xe, cần phải có biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất; cần khởi tố, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm vượt khung xử lý vi phạm hành chính. 

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, sở dĩ rừng căm xe Ninh Tây bị xâm lấn là do người dân địa phương thiếu đất sản xuất, nhưng qua tìm hiểu, thực tế không hẳn như vậy. Ông Lê Xuân Tuyên lý giải: “Những hộ lấn chiếm rừng căm xe đều có đất sản xuất. Năm 2015, những hộ thiếu đất ở địa phương đã được cấp 5.000m2 (0,5ha) đất sản xuất. Tuy nhiên, với định mức này và điều kiện canh tác hiện nay chỉ cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng/hộ/năm, không đủ chi phí sinh hoạt nên nhiều hộ tiếp tục lấn chiếm rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng mua bán đất trồng mía trong rừng căm xe vẫn diễn ra âm thầm, liên tục. Bằng chứng là khi chúng tôi đặt vấn đề mua lại đất trong vùng lõi rừng căm xe để trồng mía, nhiều người không cần suy nghĩ mà ra giá ngay, nếu đồng ý mua thì viết giấy tay.


Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, rừng căm xe được Nhà nước giao cho đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng ít, công tác tuần tra, kiểm soát tuy có thực hiện nhưng không thường xuyên nên khó phát hiện. Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho rằng, Nhà nước giao đất cho đơn vị quản lý nhưng không giao đất sạch, mà trong rừng căm xe còn xen lẫn cả nương rẫy của người dân. Người dân khi vào sản xuất nương rẫy đã sử dụng nhiều thủ đoạn để bức tử rừng căm xe, điều này khiến cho việc quản lý, bảo vệ rừng căm xe gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, một số trường hợp chặt phá, xâm lấn rừng căm xe đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, xử phạt với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng nhưng không ai nộp phạt. Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa đã khởi kiện mấy chục trường hợp có hành vi phá rừng, nhưng tòa án chưa xét xử được vụ việc nào. “Việc tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng không hiệu quả, xử lý hành chính thì không ai nộp phạt, khởi kiện rồi cũng rơi vào im lặng…!”, ông Nguyễn Công Hà tỏ ra bất lực.


Làm gì để giữ rừng?


Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương quyết liệt bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây. Cụ thể, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, lựa chọn 1 trong 3 phương án: giao rừng cho đơn vị quân đội, doanh nghiệp, hoặc hộ dân để giữ và phát triển rừng căm xe hiện hữu.

 

Rất nhiều diện tích căm xe đã biến mất theo thời gian
Rất nhiều diện tích căm xe đã biến mất theo thời gian


Ông Tuyên cho rằng, rừng căm xe ở Ninh Tây là rừng tự nhiên duy nhất còn sót lại ở Việt Nam nên phải đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, với cách thức quản lý, bảo vệ rừng căm xe như hiện nay thì rất khó để giữ rừng. Phương án giao rừng căm xe cho doanh nghiệp bảo vệ và khai thác dưới tán rừng là hợp lý hơn cả. Bởi hiện nay có nhiều dự án được Nhà nước giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp để khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng và phát triển các dự án du lịch sinh thái cho thấy hiệu quả. Ninh Tây có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng căm xe khi có suối nước nóng, có nét văn hóa của người Ê đê độc đáo… Cũng theo ông Tuyên, tuy UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xúc tiến phương án này nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển.   


Ông Nguyễn Công Hà đề nghị: “Các cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn trong xử lý các đối tượng phá, lấn chiếm rừng; thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức tuần tra kiểm soát thường xuyên, liên tục trong khu vực rừng căm xe. Để giải quyết tình trạng đất rẫy xen lẫn trong rừng căm xe, một là thu hồi đất của ban quản lý, rồi cấp lại cho người dân; còn nếu không thì kiên quyết cưỡng chế đối với tất cả các trường hợp vi phạm, thu hồi đất đối với các nương rẫy bất hợp pháp. Có như vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng căm xe mới thuận lợi”.


HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG