11:07, 19/07/2016

Nỗi khổ rau an toàn

Nhu cầu về rau an toàn đang ngày một tăng, thậm chí nhiều gia đình còn dày công tự trồng rau với mong muốn có được sản phẩm sạch. Tuy nhiên, làm thế nào để có rau an toàn, rau sạch vẫn là câu chuyện dài...

Nhu cầu về rau an toàn đang ngày một tăng, thậm chí nhiều gia đình còn dày công tự trồng rau với mong muốn có được sản phẩm sạch. Tuy nhiên, làm thế nào để có rau an toàn, rau sạch vẫn là câu chuyện dài...


Nở rộ trồng rau an toàn


Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có mặt ở cánh đồng Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi người nông dân đang tất bật thu hoạch rau. Trên cánh đồng xanh mướt, người tưới nước, người cặm cụi hái rau, cân rau. Bà Lê Thị Phương (tổ dân phố 16, Ninh Hiệp) tay thoăn thoắt nhổ rau vừa vui vẻ nói: “Từ hồi làm VietGAP, tôi làm thuê không hết việc, mỗi ngày công được 120.000 đồng, cũng đủ sống”.  

 

Chăm sóc rau an toàn ở Ninh Đông
Chăm sóc rau an toàn ở Ninh Đông


Gần chỗ bà Phương ngồi là vườn rau VietGAP trồng trong nhà kính 1.000m2 của bà Lê Thị Hoa Khánh (thôn Văn Định, xã Ninh Đông) được đầu tư quy mô với hệ thống ống và béc tưới phun, nilon bao kín bốn bề… Trong nhà kính, đủ loại rau đang lên mơn mởn: dền tía, cải ngọt, cải xanh, rau muống... Bà Khánh khoe: “Tôi đầu tư hết 250 triệu đồng đấy! Hồi đầu, có người còn bảo tôi... khùng, trồng rau được mấy đồng mà đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nhưng mùa mưa đến, trong khi rau ngoài trời bị hư hại đáng kể thì rau trong nhà kính vẫn lên đều, năng suất còn cao hơn bên ngoài nữa!”. Bà Khánh trồng rau theo quy trình VietGAP trong nhà kính từ tháng 7-2014. Đây cũng là mô hình đầu tiên trong tổ liên kết sản xuất rau an toàn Ninh Đông. Mỗi lứa rau (20 ngày) trồng ở đây, bà thu hoạch khoảng 700kg, nhiều hơn 200kg so với rau trồng ngoài trời. Ngoài diện tích trồng trong nhà kính, bà Khánh còn 1,9ha rau ngoài trời trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi ngày, bà cung cấp hơn 400kg rau cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Nha Trang và quầy rau sạch chợ Dinh (Ninh Hòa). Trừ chi phí, bà lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.  

 

Giàn rau của anh Tuấn và anh Bảo
Giàn rau của anh Tuấn và anh Bảo


Ông Phạm Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Đông chia sẻ: “Hiện nay, toàn xã có hơn 200 hộ trồng rau trên diện tích 70ha. Trong đó, có 18 hộ tham gia tổ liên kết sản xuất rau an toàn trên diện tích khoảng 2,7ha. Tháng 7-2014, sản phẩm rau, quả của tổ liên kết sản xuất rau an toàn Ninh Đông đã được Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP”.  

 


Hiện nay, Khánh Hòa mới có 2 vùng sản xuất rau quả được cấp chứng nhận VietGAP, gồm 2,7ha ở xã Ninh Đông (Ninh Hòa) và 1,7ha ở xã Vĩnh Phương (Nha Trang) gồm 9 thành viên. Ngoài ra, còn nhiều vùng trồng rau theo phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) nhưng chưa được công nhận VietGAP như: xã Vĩnh Thạnh (Nha Trang), xã Cam Phước Đông (Cam Ranh), Diên Điền, Diên Sơn (Diên Khánh)…

 

Thu hoạch rau VietGAP ở Ninh Đông
Thu hoạch rau VietGAP ở Ninh Đông


Nhu cầu về rau an toàn đang ngày càng tăng nên ngoài các địa điểm trên nhiều gia đình đã mày mò tự trồng rau. Anh Phạm Ngọc Bảo và Nguyễn Quang Tuấn (đường số 6, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) là ví dụ. Thấy rau mua về khó kiểm soát lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, hai anh lên mạng, tự tìm hiểu phương pháp trồng rau thủy canh ở TP. Hồ Chí Minh, rồi mua thùng xốp, giống..., tự tay gieo trồng. Đến nay, hai anh không chỉ cung cấp rau, củ, quả cho nhiều khách hàng, mà còn tư vấn, thiết kế, thi công, lắp ráp giàn rau cho gần 20 khách hàng. Đây là động lực để hai anh triển khai tiếp mô hình trồng rau Aquaponics (hệ canh tác kết hợp nuôi trồng thủy sản và thủy canh), bên cạnh các hệ thống trồng rau thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu và béc phun.


Khó phân biệt


Hiện nay, sản phẩm rau VietGAP được bán tại siêu thị Co.opmart, Metro, Big C, Cửa hàng 3F (số 9 Pasteur, Nha Trang); cửa hàng thực phẩm sạch (số 10 Lý Tự Trọng, Nha Trang); chợ Dinh (Ninh Hòa). Tại một số chợ như: Phước Hải, Vĩnh Hải, Xóm Mới, người bán rau luôn khẳng định hàng của họ là rau sạch Ninh Đông. Nhưng nhìn bó rau không nhãn mác, thật khó mà biết nguồn gốc của rau. Và cho dù rau Ninh Đông, cũng chưa hẳn là rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quan sát tại cửa hàng thực phẩm sạch ở đường Lý Tự Trọng, rau xanh bán tại đây cũng chỉ được bỏ trong túi nilon trong suốt, không in bất kỳ thông tin gì.

 

Rau VietGAP trồng trong nhà kính của bà Khánh cũng được bó như các loại rau thông thường
Rau VietGAP trồng trong nhà kính của bà Khánh cũng được bó như các loại rau thông thường


Theo ông Trần Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Đông, ngoài 2,7ha rau VietGAP, 67ha rau còn lại của xã đang sản xuất theo quy trình IPM. Nhưng trong tổng số rau VietGAP đang thu hoạch mỗi ngày, chỉ khoảng 30 - 40% được đưa vào các siêu thị ở Nha Trang, còn lại cung cấp cho quầy rau sạch chợ Dinh (Ninh Hòa) và bán cho những người buôn cùng với rau sản xuất ở vùng chưa được cấp chứng nhận VietGAP. “Rau từ tay người trồng ở Ninh Đông bán đi cũng chỉ được bó thủ công như các bó rau thường thấy ở chợ, không bao gói, tem nhãn. Việc những người buôn xuất rau đi đâu, có bao gói, dán nhãn gì khó biết được. Giá rau VietGAP và rau IPM bán tại xã cũng không chênh lệch đáng kể. Vì vậy, xã đang đề nghị thị xã hỗ trợ một phần để xây dựng nhà sơ chế rau củ. Tại đây, rau củ VietGAP của Ninh Đông sẽ được đóng gói, dán tem của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trước khi bán đi”, ông Đăng nói.


Ông Cao Hữu Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là chứng nhận rau đảm bảo an toàn. Người dân có thể đầu tư sản xuất rau an toàn nhưng khi đưa rau ra chợ bán lại bị đánh đồng với rau không an toàn. Anh Bảo và anh Tuấn cũng cho biết, hai anh chỉ học hỏi phương pháp qua mạng và bạn bè, chưa hề làm hồ sơ xin công nhận rau an toàn. Thực tế, rau do các anh trồng cũng chỉ khác biệt khi còn trên giàn thủy canh, chưa thu hoạch.


Còn gian nan

 

- Rau an toàn (trong đó có rau theo tiêu chuẩn VietGAP) là rau đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người sử dụng với 4 tiêu chuẩn: hàm lượng NO3-, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng dưới mức cho phép, không có vi sinh vật gây bệnh. Tiêu chuẩn rau an toàn và rau VietGAP cơ bản giống nhau, nhưng trồng rau VietGAP phải có sổ ghi chép (phân, thuốc…) và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.

- Rau hữu cơ (rau sạch) được sản xuất theo hướng tự nhiên, không dùng thuốc cỏ, không dùng phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, giống biến đổi gen.

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, nông dân vẫn còn tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự quyết định phương thức canh tác trên đồng ruộng của mình, không thích sản xuất đúng quy trình, chủng loại dưới sự tổ chức của tập thể. Đa số nông dân chưa mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, không quen ghi chép sổ sách đồng ruộng… nên khó huy động họ tham gia mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP. Bà Nguyễn Thị Chi (thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, Cam Lâm) - người có 26 năm trồng rau cho biết, bà không muốn trồng rau theo chuẩn VietGAP, bởi chi phí để đạt các điều kiện công nhận quá lớn so với điều kiện gia đình. Hơn nữa, lâu nay, 4 sào rau nhà bà trồng theo phương pháp thủ công, không dùng thuốc trừ sâu cũng đảm bảo an toàn, bán ra chợ hàng ngày đều được mua hết.


Trở lại câu chuyện về vùng rau VietGAP Ninh Đông. Thu nhập của người trồng rau nơi đây gấp rưỡi trồng lúa, nhưng nếu bà con bỏ toàn bộ chi phí để được cấp và duy trì chứng nhận VietGAP thì không có lãi. Ước tính, chi phí trồng rau VietGAP cao gấp 1,5 lần so với rau bình thường, nhưng giá bán cũng chỉ cao hơn 1.000 - 1.500 đồng/kg, có lúc ngang bằng. Đến nay, các cấp chính quyền đã hỗ trợ tuyên truyền gần 30 cuộc gặp gỡ, tập huấn cho mấy trăm lượt người ở Ninh Đông. Chưa kể chi phí liên hệ, chi phí xin cấp chứng nhận VietGAP, mở lớp tập huấn, gửi mẫu đất, mẫu nước để phân tích; mua đồ bảo hộ lao động, xây dựng khu vực tập trung thuốc bảo vệ thực vật, rác thải bảo vệ thực vật, khoảng 200 triệu đồng. Mỗi năm tiếp theo lại cần khoảng 7 triệu đồng chi phí đánh giá lại để được duy trì chứng nhận VietGAP, hiện xã đang hỗ trợ khoản này. Quá trình thực hiện các thủ tục để được cấp chứng nhận VietGAP của Ninh Đông hết 6 tháng; trường hợp muốn mở rộng, lại phải quay về bước phân tích mẫu đất, mẫu nước tại diện tích mới. Trong khi đó, để người tiêu dùng tiếp cận, chấp nhận thương hiệu rau Ninh Đông, theo ông Đăng, nhanh phải 3 năm, chậm 5 - 7 năm.


Thực tế cho thấy, khi triển khai mô hình rau VietGAP, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít, nhưng chi phí được công nhận chuẩn VietGAP, công chăm sóc, quản lý, xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn… lại khá lớn. Việc rau VietGAP chưa được bao gói, dán tem nhãn tại nơi sản xuất, dẫn tới sự nhập nhèm giữa rau an toàn và rau không an toàn khiến thu nhập của người trồng rau an toàn chưa cao cũng khiến nông dân không mặn mà.

 

Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện nay, đất sản xuất rau trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc chọn địa điểm làm theo mô hình rất khó. Bên cạnh đó, chưa có chính sách đầu tư lâu dài cho vùng sản xuất rau an toàn.

Xã Cam Phước Đông hiện có hơn 150 hộ trồng rau với khoảng 27ha. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 hộ sản xuất rau an toàn trên diện tích 14ha. 5 năm qua, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tiến Ra gồm 12 thành viên trồng trên diện tích 8ha, cung cấp khoảng 3 tấn rau mỗi ngày cho các chợ đầu mối, siêu thị Co.opmart Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân; thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Trà Sơn gồm 14 thành viên với 4ha cũng ra đời, nhưng đến năm 2015 đã giải thể do hoạt động không hiệu quả. “Tuy có diện tích đất sản xuất rau khá lớn, nhưng vùng rau của xã lại nằm rải rác trong khu dân cư, khó đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư sản xuất rau VietGAP rất lớn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, trong khi đầu ra còn bấp bênh nên xã khó triển khai. Chúng tôi cũng chưa được hướng dẫn cách làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm này…”, ông Cao Hữu Lý bày tỏ.  


Một số chuyên gia cho rằng, để mô hình trồng rau an toàn được nhân rộng, ngoài việc khuyến khích người tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn tiêu thụ sản phẩm, người trồng rau cần xây dựng thương hiệu bằng cách chủ động mở các tổ hợp, quầy bán rau sạch ở các chợ. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách ưu đãi cho vùng chuyên canh và tiêu thụ rau an toàn, hỗ trợ giá bán...


NGUYỄN KIM - TIỂU MAI