09:07, 04/07/2016

Kỳ 1: Khó quản lý?

Làn sóng khách Nga và Trung Quốc đến Nha Trang ngày càng đông, kéo theo một bộ phận công dân của các nước này đến làm việc. Điều đáng quan ngại, đa số họ mang danh nghĩa đi du lịch, nhưng đã tìm cách ở lại và chọn những công việc phổ thông để kiếm sống.
 

Làn sóng khách Nga và Trung Quốc đến Nha Trang ngày càng đông, kéo theo một bộ phận công dân của các nước này đến làm việc. Điều đáng quan ngại, đa số họ mang danh nghĩa đi du lịch, nhưng đã tìm cách ở lại và chọn những công việc phổ thông để kiếm sống. 
 
 
Hướng dẫn viên người Trung Quốc (đeo kính) đang giới thiệu cho khách về danh thắng Hòn Chồng.
Hướng dẫn viên người Trung Quốc (áo trắng, đeo kính) đang giới thiệu cho khách về danh thắng Hòn Chồng.
 
 
Đi du lịch và… ở lại
 
Theo chân anh Alexey Filimonov ra đứng ở vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai để phát tờ rơi quảng cáo cho một nhà hàng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước kỹ năng của anh ta. Hễ thấy nhóm khách Nga nào đi tới, anh đều đon đả mời chào nhiệt tình. Anh Alexey Filimonov cho biết: “Tôi làm công việc này được mấy tháng rồi. Do thu nhập thấp nên tôi phải nhận đi phát tờ rơi cho 3 nhà hàng và chạy bàn ở 1 quán bar mới đủ tiền thuê nhà và sinh hoạt. Tôi bắt đầu làm việc từ lúc 10 giờ và kết thúc lúc 5 giờ sáng hôm sau”. 
 
Được biết, Alexey Filimonov đến Nha Trang bằng con đường đi du lịch, thấy nơi đây bắt đầu mở rộng thị trường khách Nga nên Alexey muốn trở thành tour guide (hướng dẫn viên du lịch). Được một doanh nghiệp đón khách Nga nhận vào làm với mức lương khá, tưởng đâu đã “an cư lạc nghiệp”, nào ngờ từ giữa năm 2015, anh lại rơi vào cảnh thất nghiệp vì thỏa thuận làm việc giữa anh với công ty hết hiệu lực và công ty cũng không đề nghị hợp tác lại. Ban đầu, anh cùng với một đồng hương khác đặt bàn bán tour trái phép ở vỉa hè cho khách Nga, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì bị các lực lượng chức năng phát hiện. Đã thế, số tiền ít ỏi mà anh tích góp được cũng bị người đồng hương kia tìm cách chiếm đoạt. Thất  nghiệp, lại không có tiền để về nước, Alexey phải tìm các công việc lao động phổ thông để kiếm sống.
 
Một thanh niên người Nga biểu diễn nhạc cụ để kiếm tiền tại Quảng trường 2-4.
Một thanh niên người Nga biểu diễn nhạc cụ để kiếm tiền tại Quảng trường 2-4, Nha Trang.
 
May mắn hơn anh Alexey Filimonov, chị Chumicheva Ekaterina được làm nhân viên cho một cửa hàng bán nông sản trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Chị Chumicheva cho biết, chủ cửa hàng là người Việt Nam, nhưng họ muốn bán sản phẩm cho du khách Nga nên đã thuê người Nga đứng bán. “Mỗi tháng, tôi được trả lương theo tỷ lệ hàng hóa bán được. Tôi đã làm ở đây được gần 6 tháng. Mức thu nhập ở đây không bằng khi tôi làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách Nga của công ty P. nhưng dù sao cũng tạm ổn”, chị Chumicheva chia sẻ. 
 
Không chỉ có người Nga, rất nhiều người Trung Quốc cũng nhập cảnh vào Nha Trang dưới danh nghĩa đi du lịch rồi tìm cách làm việc trái phép. Wang Dan - người quốc tịch Trung Quốc đang làm cho công ty du lịch K.T cho biết, anh làm việc ở Nha Trang được gần 1 năm với vai trò là hướng dẫn viên cho các đoàn khách Trung Quốc. “Vì ở đây cấm người nước ngoài làm hướng dẫn viên nên tôi phải đổi vai trò là trưởng các đoàn khách du lịch. Tôi giả vờ mình là khách du lịch, nhưng nhiệm vụ của tôi là đưa đón khách tại sân bay, dẫn khách đến các điểm tham quan, giới thiệu cho họ về những nơi đó, dẫn khách đến các cửa hàng mua sắm. Cứ 3 tháng hết thị thực, tôi lại được công ty thu xếp cho về Trung Quốc, sau đó lại nhập cảnh vào Nha Trang dưới danh nghĩa đi du lịch”, Wang Dan nói.
 
Những nhân vật mà chúng tôi đã gặp được chỉ là số ít trong số rất nhiều người nước ngoài đang làm việc trái phép ở Nha Trang. Sự xuất hiện của các đối tượng lao động trái phép này đã khiến cho cơ hội tìm việc của người Việt Nam càng bị thu hẹp lại. “Trước đây, khi khách Tây Âu, Bắc Mỹ còn nhiều, lao động người Việt ở Nha Trang hoàn toàn đảm nhận tốt các phần việc phổ thông. Nhưng khi khách Nga, khách Trung Quốc tới, các doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hụt nhân sự biết nói các tiếng trên để đưa người của nước họ vào làm việc. Còn các chủ doanh nghiệp người Việt để kinh doanh được cũng sử dụng người nước ngoài lao động trái phép”, giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Nha Trang cho biết.   
 
Vật vờ tìm kiếm việc làm
 
Tuy nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng may mắn tìm được việc tại Nha Trang. Trong mấy tháng qua, cứ vào mỗi buổi tối, người dân và du khách lại thấy một người Nga vóc dáng cao gầy ngồi ở khu vực Quảng trường 2-4 để chơi nhạc; trước mặt anh ta đặt một cái mũ để mọi người cho tiền. Hỏi chuyện mới biết, anh ta đến Nha Trang từ cuối năm 2014. Ở bên Nga, anh cũng chơi nhạc trên đường phố, một lần có người rủ anh qua Nha Trang để chơi nhạc trong các quán bar lớn. Sau mấy lần đi thử việc đều không được chỗ nào nhận, trong khi tiền thì hết nên anh đành làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Nhưng do các công việc đó thu nhập cũng không cao, nên anh quyết định biểu diễn nhạc đường phố để vừa có tiền, vừa được sống với niềm yêu thích âm nhạc của mình. Thu nhập ngày nhiều ngày ít, nhưng anh cũng đủ trang trải cho cuộc sống.
 
Một người Nga phát tờ rơi giới thiệu tour du lịch  trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một người Nga phát tờ rơi giới thiệu tour du lịch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
 

Theo Nghị định số 11, ngày 3-2-2016, của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài muốn được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam thì một trong những điều kiện bắt buộc đó phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

Trước khi đến Nha Trang chị Smailova Diana là nhân viên của một công ty du lịch ở Nga. Sau đó, chị được cử sang làm đại diện của công ty ở Nha Trang, nhưng do một lần vi phạm hợp đồng nên bị sa thải. Chị cố gắng đi xin việc, nhưng do trong giai đoạn khủng hoảng khách Nga nên không có công ty du lịch nào nhận. Cuối cùng chị đành vào làm nhân viên đứng đón khách ở một quán bar có đông khách Nga, rồi trở thành vũ công trong quán bar đó. Một lần bị khách sàm sỡ, chị quyết định nghỉ công việc đó và gia nhập vào một nhóm múa thường đi diễn ở một số khách sạn, khu du lịch. Theo lời chia sẻ của chị, dù sao chị vẫn còn may mắn hơn một số người bạn của mình đang ở Nha Trang, vì không kiếm được việc làm nên chấp nhận làm gái quán bar và sẵn sàng đi khách. 
 
Để tìm hiểu thông tin đó, chúng tôi đến một quán bar trên đường Trần Phú. Quả thực, bên trong quán, chúng tôi thấy có khoảng 10 cô gái người Nga đang ngồi ở các bàn. Khi thấy chúng tôi, các cô liền chủ động đến làm quen bằng mấy câu tiếng Việt đại loại như: “Em có thể ngồi đây với anh được không?”, “Anh mời em một ly nhé?”... Một nhân viên trong quán bar này cho chúng tôi biết, khoảng sau 1 giờ sáng, nếu khách nào có nhu cầu thì những cô nàng này sẵn sàng đi qua đêm với khách. Trong quá trình đi thu thập tư liệu cho bài viết này, chúng tôi còn được nghe câu chuyện từ nhân viên bảo vệ ở một công trình xây dựng khách sạn. Cách đây khoảng 1 tháng, họ phát hiện 2 người Nga đang cố bưng một tấm sắt từ trong khu vực công trình ra ngoài. Khi bị phát hiện, họ liên tục đề nghị đừng đưa họ lên công an, hỏi ra mới biết do không tìm được việc làm nên đánh liều đi ăn trộm. Họ hy vọng nếu lấy được tấm sắt đó bán khoảng 200.000 đồng là có thể sống qua ngày!
 
Vì sao cố bám trụ ở Nha Trang?
 
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành thẩm định 79 vị trí công việc của hơn 130 lao động nước ngoài tại 49 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thực hiện cấp mới 86 và cấp lại 36 giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 627 người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động.
Vì sao nhiều người Nga và người Trung Quốc cố tình vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam để bám trụ ở Nha Trang? Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, với người Trung Quốc, mảnh đất Nha Trang hiện đang là một địa chỉ du lịch “hot” ở bên đất nước họ. Trên thực tế, trong khoảng hơn 1 năm nay, lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang rất đông. Đó chính là cơ hội tốt để những người Trung Quốc có đất làm ăn. Họ không chỉ làm hướng dẫn viên chui, bán hàng trái quy định, mà còn là những người đi buôn thực sự. Họ lấy hàng hóa từ Trung Quốc qua rồi dán nhãn mác Việt Nam để bán lại cho chính những người đồng hương của họ. Thậm chí, các mặt hàng của Việt Nam thực sự cũng được họ buôn qua bán lại với giá cao ngất ngưởng so với mức giá ban đầu để thu lợi nhuận cao.
 
Còn với người Nga, cũng có nhiều nguyên nhân khiến họ không muốn về nước. Theo ông Lê Kim Nhựt - Chủ tịch Diễn đàn xúc tiến du lịch Nha Trang, người Nga đang làm việc trái phép ở Nha Trang là những người thích đi du lịch tự do. Nghĩa là họ đến Nha Trang du lịch với túi tiền hạn hẹp, nên để có thể tiếp tục thỏa mãn sở thích thì họ kiếm việc làm để có kinh phí trang trải cho chuyến đi. Tuy nhiên, trường hợp này cũng không đáng ngại vì họ chỉ lưu trú ở Nha Trang thời gian ngắn. Trường hợp phổ biến hơn là những người chọn Nha Trang như một miền đất hứa để làm việc. “Những người này ở đất nước của họ có thể gặp khó khăn về vấn đề xin việc làm nên họ chọn Nha Trang như một nơi để kiếm vận may. Thế nhưng, họ cũng chỉ có thể làm được những công việc phổ thông; thậm chí có những người đến bước đường cùng đành liều mình làm những việc phạm pháp”, ông Nhựt nói. 
 
Một điều khiến chúng tôi băn khoăn là tại sao có nhiều người nước ngoài làm việc trái phép nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý? 
 
Nhóm Phóng viên
 
 
Video clip về người nước ngoài lao động “chui” ở Nha Trang