Một khu vực thung lũng rộng lớn và nhiều sườn đồi trên dãy núi Hòn Rớ (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) thuộc đất rừng sản xuất, nhưng từ nhiều năm nay, tình trạng san ủi, phân lô bán đất nền ở tại đây ngày càng gia tăng. Núi bạt đến đâu, nhà xây dựng trái phép mọc lên đến đó…
Một khu vực thung lũng rộng lớn và nhiều sườn đồi trên dãy núi Hòn Rớ (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) thuộc đất rừng sản xuất, nhưng từ nhiều năm nay, tình trạng san ủi, phân lô bán đất nền ở tại đây ngày càng gia tăng. Núi bạt đến đâu, nhà xây dựng trái phép mọc lên đến đó…
Lên núi mua đất ở
|
Khu đất này được chia thành nhiều lô nhỏ, đang được rao bán. |
Trong vai những người tìm mua đất, chúng tôi lần theo con đường mòn ở cuối Khu tái định cư Hòn Rớ về phía đông nam hướng lên khu dân cư nằm cheo leo trên lưng chừng núi Hòn Rớ. Vượt qua nhiều con dốc, hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng loạt thửa đất đã được ban phẳng, phân lô, kè móng đá, trên đó cắm bảng rao bán có ghi tên và số điện thoại của chủ đất. Thấy người lạ, một người đàn ông tạm dừng việc dựng căn nhà tôn ở bên mép suối cạn, tiến đến hỏi: “Mấy chú hỏi mua đất hay làm gì mà leo lên tận đây?”. Nghe chúng tôi nói tìm mua đất để xây nhà ở, người này vui vẻ ra mặt, liền giới thiệu tên là Hùng và cho biết: “Tôi ở trên núi này hơn chục năm nay nên ai bán đất, giá cả bao nhiêu tôi điều biết hết. Tôi chỉ cho mà mua, cốt để có thêm hàng xóm đến ở cho vui chứ không cò cuốc gì đâu”. Nói rồi, ông Hùng dẫn chúng tôi leo sang sườn đồi gần đó, nơi có rất nhiều khuôn đất đã được ban bằng phẳng, nằm kế tiếp nhau theo dạng bậc thang. Tại đây, ông Hùng gọi điện thoại cho chủ đất, bảo đến ngay vì có khách hỏi mua với diện tích lớn. “Chủ khu đất này là bà Chính, cô ruột của tôi đấy! Vì nhà ở tận bên phường Vĩnh Hòa nên khoảng một giờ nữa bà ấy mới qua được. Các chú yên tâm, tôi đã giới thiệu thì sẽ mua được đất đẹp mà giá cả phải chăng!”, ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích đất ở khu vực thung lũng và các sườn đồi nơi đây, trước năm 2000 thuộc quyền sử dụng của khoảng 4 - 5 cá nhân. Ban đầu, họ chỉ dựng trại trên núi để làm rẫy; nhưng từ khi có “làn sóng” lên núi mua đất ở, họ đã ồ ạt thuê máy xúc mở đường, bạt núi để phân lô bán nền. Khi chính quyền địa phương phát hiện, cấm đưa máy xúc lên mở đường và ban núi, thì họ chuyển sang ban đất nền theo kiểu thủ công. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài hàng loạt lô đất nằm kế tiếp khu dân cư tự phát ở khu vực thung lũng, từ lưng chừng các sườn đồi lân cận ngược lên phía đỉnh, hoạt động chặt đốt cây, ban núi, phân lô đất nền vẫn diễn ra hàng ngày. Càng lên cao, những lô đất có diện tích càng nhỏ do độ dốc lớn; nhìn từ dưới lên trông như một dãy bậc thang.
Theo chân người đàn ông tên Hải leo lên đỉnh ngọn đồi phía đối diện đất của bà Chính, chúng tôi được người này báo giá: “Hiện tại, đất nền của tôi ở vị trí cao nhất vùng này, đi lại hơi khó khăn, nhưng giá lại rẻ nhất. Ở đây tôi còn 4 lô, mỗi lô từ 30 - 45m2, cứ tính 1 triệu đồng/m2, muốn mua lô nào cũng được”. Không chỉ vậy, ông Hải còn cho biết, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục san bằng hết diện tích hơn 1 sào đất còn lại của mình trên sườn núi này để bán đất ở!
“Đục nước béo cò”
Ông Trần Xuân Tây - Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc người dân tự ý chuyển đổi đất rừng Hòn Rớ sang xây dựng nhà ở trái phép là vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Đất đai. Đất rừng chỉ được sử dụng trong việc trồng cây lâu năm, cây rừng. Chính quyền địa phương và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND TP. Nha Trang phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ. Sở chỉ giải quyết những vi phạm vượt quá thẩm quyền của địa phương và được địa phương báo cáo cụ thể.
|
Khoảng hơn 1 giờ sau cuộc điện thoại của ông Hùng, bà Chính xuất hiện. Bà này tự giới thiệu tên thật là Lê Thị Vân - hiện là chủ những lô đất mà chúng tôi đang hỏi mua. Thấy khách có vẻ ưng ý, bà Vân khoe: “Toàn bộ khu đất tôi mua rộng hơn 8.200m2, riêng phần đã ban phẳng rộng hơn 400m2 có thể phân thành 6 lô nhỏ để xây nhà; nếu các chú mua hết thì tôi bán với giá 450 triệu đồng, mua từng lô thì mỗi lô 75 triệu đồng. Ngày trước, tôi mua để định xây khu du lịch sinh thái, nhưng thấy nhiều người khó khăn cần đất xây nhà ở nên tôi chia nhỏ bán cho họ”. Thấy chúng tôi chê đắt và tỏ vẻ e ngại về những phiền phức khi mua đất rừng để xây nhà ở, bà Vân trấn an: “Các chú cứ yên tâm, đất của tôi có giấy tờ gốc hẳn hoi, có bản vẽ của cơ quan chức năng và giấy mua bán có xác nhận của xã. Tôi đã bán cho hàng chục người rồi, hơn 300 hộ ở xóm núi này đều ở trên đất rừng thì các chú còn lo gì?!”. Tuy nhiên, qua giấy tờ mà bà Vân cung cấp, chúng tôi thấy chỉ có bản vẽ tổng thể khu đất hơn 8.000m2 nhưng trong đó, cơ quan chức năng ghi rõ “bản vẽ này chưa có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất” và giấy viết tay bà Vân cùng một người khác mua khu đất này từ chủ cũ (năm 2000), nhưng trong đó có bút phê của lãnh đạo UBND xã Phước Đồng “chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới sang nhượng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ đất khác ở khu vực này thậm chí không có bất kỳ một giấy tờ gì về nguồn gốc những lô đất mà họ đang rao bán với giá xấp xỉ từ 1 đến gần 2 triệu đồng/m2. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao đất rừng mà bán với giá cao ngất ngưỡng, họ đều chỉ xuống khu dân cư tự phát nơi thung lũng và nói: “Ở đó cũng là đất rừng cả đấy. Không lâu nữa, phía trên này rồi dân cũng sẽ ở kín như vậy thôi, nên nói đất rừng là xưa rồi!”.
|
Phía sau tấm biển này, những hành vi bị cấm vẫn được thực hiện một cách công khai. |
Thực tế, khoảng hơn chục năm nay, khi người dân lên núi Hòn Rớ mua đất làm nhà ở ngày càng nhiều, những chủ đất nơi đây đã ồ ạt tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nâng giá bán lên cao. Không chỉ các chủ đất nơi đây “ăn theo” tình trạng dân cư tự phát mà ngay trong khu dân cư ở thung lũng này còn có rất nhiều cò đất. Hầu hết các trường hợp mua đất nơi đây đều phải thông qua các đối tượng này để tránh rắc rối khi xây nhà trái phép…
Khó kiểm soát?
Trao đổi về tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép ở khu vực nói trên với ông Nguyễn Khánh Nguyện - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang, chúng tôi được ông Nguyện cho biết: “Qua kiểm tra, toàn bộ khu vực đó thuộc đất rừng và hiện nay nằm trong quy hoạch đất trồng cây lâu năm. Người dân không được phép chuyển đổi sang bất cứ hình thức nào ngoài mục đích sử dụng trồng cây lâu năm. Chính vì vậy, việc người dân ở đây tự ý chuyển đổi sang xây nhà là sử dụng đất sai mục đích. Theo quy định, hành vi này sẽ bị phạt tiền và buộc tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng đất”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cũng khẳng định, khu vực nói trên hiện vẫn thuộc đất lâm nghiệp nên việc người dân ban thành đất nền để bán cho người khác xây nhà ở là trái phép. “Phần lớn khu vực đất đó có nguồn gốc đất khai hoang, trước đây thuộc quyền sử dụng của 3 - 4 cá nhân, đến nay chưa có trường hợp nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc người dân chuyển nhượng đều thông qua giấy viết tay nên chúng tôi không thể quản lý được. Mặt khác, họ san nền đều làm lén lút nên rất khó kiểm soát. Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát tình trạng xây dựng công trình trái phép để tránh phát sinh thêm”, ông Hưởng nói.
Rời núi Hòn Rớ khi bóng chiều dần xuống, thấp thoáng trên những sườn đồi phía xa, chúng tôi vẫn thấy người dân chặt cây, ban đất. Đọc biển cấm của UBND TP. Nha Trang ở gần con đường lên núi “cấm mua bán đất; cấm đào đất đá, san lấp mặt bằng; cấm lấn chiếm, xây dựng nhà và vật kiến trúc; cấm đốt rẫy”, chúng tôi tự hỏi, tình trạng trên có thật sự là do khó kiểm soát hay là hệ quả của sự buông lỏng quản lý?!
NHÓM PHÓNG VIÊN