Năm 2015, do khó khăn trong tiêu thụ nên lượng muối tồn đọng trong tỉnh lên đến hàng ngàn tấn. Để giảm bớt khó khăn cho diêm dân, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan triển khai việc hỗ trợ thu mua muối tạm trữ cho người dân.
Năm 2015, do khó khăn trong tiêu thụ nên lượng muối tồn đọng trong tỉnh lên đến hàng ngàn tấn. Để giảm bớt khó khăn cho diêm dân, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan triển khai việc hỗ trợ thu mua muối tạm trữ cho người dân. Tuy nhiên, việc triển khai thu mua muối của doanh nghiệp đã để lại nhiều hoài nghi...
Có danh sách nhưng không được hỗ trợ
Tháng 8-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc hỗ trợ thu mua muối tạm trữ cho diêm dân trong tỉnh. Theo đó, Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh là đơn vị được chỉ định trực tiếp thu mua muối tạm trữ. Khoảng giữa tháng 9-2015, người dân thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, chính quyền xã thông báo và yêu cầu thôn lập danh sách từng hộ còn lượng muối tồn đọng để bán cho Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh. “Khi biết được chủ trương đó, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tôi đã đi đến từng hộ để lấy thông tin về lượng muối còn tồn đọng. Theo danh sách tôi lập để gửi lên xã có 34 hộ đăng ký, với lượng muối còn tồn khoảng 3.000 tấn”, ông Trần Văn Lực - Trưởng thôn Xuân Mỹ cho biết.
Diêm dân thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ sản xuất muối |
Còn bà Nguyễn Thị Hợp - thôn Xuân Mỹ chia sẻ: “Mấy năm gần đây, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ muối vì giá quá thấp, lượng muối tồn đọng hàng năm rất lớn. Vì thế, khi tỉnh có chủ trương thu mua muối tạm trữ cho người dân, chúng tôi rất vui. Vào thời điểm thôn đi lập danh sách, giá muối chúng tôi bán cho thương lái khoảng 600.000 đồng/tấn muối lót bạt. Nhưng tôi quyết định để muối lại bán cho công ty vì nghe thông tin giá sẽ cao hơn”.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, các hộ sau khi đăng ký đã phải chờ đợi mấy tháng liền mà vẫn không bán được muối. Lượng muối sau thời gian dự trữ tại gò qua các đợt mưa, nắng cũng thất thoát khá nhiều. Đến cuối năm 2015, các hộ thôn Xuân Mỹ đành bán tống bán tháo lượng muối còn tồn đọng cho thương lái, với giá thấp hơn nhiều so với trước đó.
Một gò muối được Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh thu mua và đang lưu tại thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ |
Ngày 2-6, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh về xã Ninh Thọ để thông báo kế hoạch thu mua muối tạm trữ năm 2016 cho diêm dân. Lúc này, diêm dân mới biết trong năm 2015, Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh đã thu mua muối tạm trữ cho người dân thôn Xuân Mỹ với tổng lượng muối 6.250 tấn, số tiền đã thanh toán hơn 3,6 tỷ đồng. Điều bất ngờ là tên những người đã bán muối cho công ty hoàn toàn không có trong danh sách thôn đã lập trước đó.
Những ai được thu mua muối?
Trong thông báo số 1628, ngày 1-9-2015 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc sở đã yêu cầu Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh mua hết sản lượng muối tồn đọng của diêm dân, hợp tác xã diêm nghiệp niên vụ 2015. Để tránh kiện tụng, yêu cầu công ty phải thu mua đúng đối tượng. Giá muối phải theo giá thị trường, nhưng đảm bảo thu nhập cho diêm dân, tránh tình trạng tranh mua, tạo giá ảo gây bất ổn định thị trường. |
Chúng tôi được lãnh đạo Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh cung cấp danh sách 8 người đã bán 6.250 tấn muối cho công ty trong năm 2015. Trong đó, có 4 người ở Nha Trang, gồm: ông Nguyễn Văn Trúng, bà Trương Thị Kim Loan, bà Trương Thị Phương Liên, bà Trương Thị Như Hồng. Còn 4 người khác ở thôn Xuân Mỹ, gồm: ông Đặng Kim Hoàng, ông Võ Minh Mẫn, ông Trần Nghiệm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Theo bảng kê thu mua hàng hóa của công ty được lập vào ngày 27-10-2015, giá muối lót bạt được thu mua là 650.000 đồng/tấn, giá muối đất 520.000 đồng/tấn. Người có lượng muối bán nhiều nhất là ông Trúng với 1.060 tấn, người bán ít nhất là bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo với 500 tấn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Kim Hoàng (thôn Xuân Mỹ) không khỏi ngạc nhiên khi biết mình có tên trong danh sách bán muối cho Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh với số lượng 680 tấn. “Tôi chưa hề bán một hạt muối nào cho công ty trong năm 2015. Nhà tôi mỗi năm sản xuất được 100 tấn muối đất, đều bán hết cho thương lái chứ có tồn đọng đâu mà bán cho công ty”, ông Hoàng khẳng định. Tương tự, ông Võ Minh Mẫn cho biết: “Tôi hiện đang làm công cho ruộng muối của nhà ông Trúng. Gia đình tôi cũng làm muối, nhưng mỗi năm chỉ sản xuất được 100 tấn, đã bán hết trước tháng 9-2015. Không có chuyện tôi bán cho công ty 740 tấn muối như trong danh sách”. Còn ông Lực khẳng định: “Chuyện ông Nghiệm bán 620 tấn muối cho công ty là điều khó tin vì gia đình ông Nghiệm sản xuất muối hàng năm đạt sản lượng rất thấp”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao có tên trong danh sách bán muối cho Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh, ông Hoàng và ông Mẫn cho biết, khoảng tháng 10-2015, ông Trúng có gọi điện cho mỗi người bảo đọc số chứng minh nhân dân, nói là để đăng ký bán muối.
Trong thông báo số 1628, ngày 1-9-2015 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc sở đã yêu cầu Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh mua hết sản lượng muối tồn đọng của diêm dân, hợp tác xã diêm nghiệp niên vụ 2015. Để tránh kiện tụng, yêu cầu công ty phải thu mua đúng đối tượng. Giá muối phải theo giá thị trường, nhưng đảm bảo thu nhập cho diêm dân, tránh tình trạng tranh mua, tạo giá ảo gây bất ổn định thị trường. |
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với ông Trúng - người có lượng muối bán nhiều nhất và được ông cho biết, những người ở Nha Trang có trong danh sách của công ty là vợ, chị, em vợ của ông, còn những người ở thôn Xuân Mỹ có người là họ hàng, có người đang làm công cho ông. “Toàn bộ số muối trên đều là của tôi, tôi mượn tên những người này để lập danh sách cho bài bản. Các chữ ký của những người này đều do tôi ký, tiền thì tôi cũng nhận”, ông Trúng xác nhận.
Giải thích với chúng tôi về việc này, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh cho rằng: “Những người này tập hợp lại với nhau làm ăn theo kiểu kinh tế hộ gia đình. Vậy nên, chúng tôi mua muối của họ thì cũng như mua muối của diêm dân, vì họ thực tế cũng là diêm dân (?)”. Cũng theo ông Châu, sở dĩ công ty mua muối của gia đình ông Trúng vì đã có mối quan hệ làm ăn từ năm 2010. Một lý do khác là ông Trúng có kho chứa muối, hiện số muối công ty mua vẫn còn khoảng 5.000 tấn đang nằm trong kho của ông Trúng!?.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được chỉ định mua muối tạm trữ cho diêm dân, Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh đã lập đề án thu mua muối trong năm 2015 với số lượng 14.000 tấn, số vốn khoảng 12 tỷ đồng. Số tiền này công ty vay của ngân hàng và được tỉnh hỗ trợ lãi suất 100% trong khoảng thời gian 1 năm. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương hỗ trợ mua muối tạm trữ cho diêm dân diễn ra chậm hơn so với thời gian dự kiến, nên đến hết năm 2015, công ty mới chỉ thu mua được tổng cộng 8.300 tấn muối. Trong đó, có 6.250 tấn mua ở xã Ninh Thọ và 2.050 tấn thu mua của diêm dân TP. Cam Ranh.
Ông Châu cho biết: “Ngày 10-11-2015, công ty đã cử người khảo sát thực tế ở xã Ninh Thọ, qua đó nhận thấy, còn khoảng 3.000 tấn muối còn tồn trong dân. Sau khi lấy vài mẫu muối ở đây để đi chào hàng với các đối tác, khách hàng của chúng tôi trả lời những mẫu muối này không đáp ứng chất lượng nên họ không mua. Do phải tự hạch toán lãi, lỗ nên chúng tôi quyết định không mua lượng muối tồn đó”.
Ông Phạm Mạnh Cường - cán bộ quản lý nhà nước về nghề muối của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Nếu có việc Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh lập danh sách khống đối với việc thu mua muối thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Theo tôi, chính quyền địa phương cũng cần phải phát huy vai trò giám sát trong việc này. |
Tuy nhiên, nhìn vào bảng kê thu mua hàng hóa của công ty, tổng số 6.250 tấn muối mua ở xã Ninh Thọ đều được thực hiện từ trước đó (vào ngày 27-10-2015) (?). Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, nếu dựa vào cảm quan thì có thể thấy muối mà công ty đã thu mua của ông Trúng không đẹp bằng muối của một số hộ khác trong thôn Xuân Mỹ. Về vấn đề này, ông Châu cũng thừa nhận, muối mua của ông Trúng không phải đạt 100% chất lượng, mà có khoảng 30% là không đạt yêu cầu, nhưng công ty vẫn thu mua. Việc công ty sau khi đã mua muối xong mới tiến hành lấy mẫu, đi chào hàng rồi đưa ra thông báo muối của người dân không đạt chất lượng liệu có khách quan?
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trách nhiệm của công ty trong việc thực hiện chủ trương của tỉnh, ông Châu cho rằng, phía công ty cũng thấy thiếu trách nhiệm một phần trong vấn đề phối kết hợp. Cụ thể, công ty mới chỉ làm việc với xã mà chưa làm việc trực tiếp với dân nên chưa thông báo cụ thể cho diêm dân biết rõ về chủ trương trên. Còn ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ nói: “Chúng tôi chỉ biết có chủ trương trên và số lượng muối của công ty đã mua trong dân, từ đó làm báo cáo gửi lên cấp trên với nội dung tương tự. Còn về vấn đề công ty mua muối của những ai, mua vào thời điểm nào thì tôi nghĩ đó là chuyện của công ty”. '
Trong câu chuyện này, dư luận đang đặt ra nhiều nghi vấn đối với Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh. Liệu công ty đã thực sự khách quan trong quá trình thu mua muối? Tại sao công ty mua muối của 1 người lại phải lập danh sách nhiều người? Liệu công ty có “bắt tay” với cá nhân để trục lợi? Xin được gửi những câu hỏi đó đến các cơ quan chức năng để giải tỏa mối hoài nghi này của diêm dân.
Nhân Tâm