11:06, 21/06/2016

Vẫn ngóng về biển...

Bên cạnh những tiếng thở dài, ánh mắt tiếc nuối vì dang dở giấc mơ mưu sinh của những ngư dân không còn được vẫy vùng biển khơi, còn có những tiếng cười lạc quan, thể hiện nghị lực mạnh mẽ ở một làng biển. 

Bên cạnh những tiếng thở dài, ánh mắt tiếc nuối vì dang dở giấc mơ mưu sinh của những ngư dân không còn được vẫy vùng biển khơi, còn có những tiếng cười lạc quan, thể hiện nghị lực mạnh mẽ ở một làng biển.  


Dang dở giấc mơ biển


Phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mang đặc trưng làng biển với những lối đi nhỏ quanh co, dốc thẳng ra biển và luôn ầm ào tiếng sóng. Gần trưa, tổ dân phố Thủy Đầm khá yên ắng vì đàn ông trai tráng đi biển hết, chỉ còn phụ nữ, trẻ em và những người bị nạn, không thể ra biển ở nhà.

 

Tổ ấm của anh Nước
Tổ ấm của anh Nước


Đặt tô cháo đang bón dở cho ông Nguyễn Phong (47 tuổi) xuống ghế, bà Nguyễn Thị Thu (51 tuổi) kể: “Tháng 2-2014, thuyền về đến biển Bình Thuận thì gặp gió to, chao đảo. Đúng lúc này anh Phong bị đột quỵ, ngã xuống biển, lúc đưa được lên thuyền thì ngực anh đã phình to. Tuy được cứu chữa tận tình nhưng anh Phong vẫn bị liệt nửa người và được chuyển đi phục hồi chức năng”. 1 ngày sau khi hay tin chồng gặp nạn, con trai út của ông bà cũng bị té xe, ảnh hưởng đến thần kinh. Bà Thu nói như khóc: “Dẫu biết người còn sống là may rồi nhưng hai cha con nằm một chỗ, tiền thuốc vài trăm ngàn đồng/tháng. 4 đợt điều trị cho con mất hơn 100 triệu đồng, tổng tiền thuốc nợ tới giờ hơn 60 triệu đồng”. Căn nhà đang ở có được là do xin mỗi người một ít. Cái mái tôn vá víu nhiều loại cũng nhờ xin mỗi người một miếng mà thành. Năm 2015, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, được vay 20 triệu đồng để mở tiệm tạp hóa, cộng với tiền hỗ trợ hàng tháng gần 1 triệu đồng để lần hồi sống, chăm hai cha con. Tết vừa rồi, bà muốn mua chiếc xe đạp để chở hàng cho bớt cực, nhưng tiếc 150.000 đồng nên lại thôi.


Dẫn chúng tôi sang nhà bà Trần Thị Liền (56 tuổi), bà Trịnh Thị Lạnh - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thủy Đầm cho biết, các hộ ngư dân ở đây bám biển kiểu cha truyền con nối và chấp nhận đương đầu với rủi ro. Trường hợp con trai bà Liền là ví dụ.

 

Công việc và các con đã giúp bà Linh gác lại nỗi buồn
Công việc và các con đã giúp bà Linh gác lại nỗi buồn


Gần 12 giờ trưa, khoác chiếc áo bạc màu chuẩn bị đi khâu lưới thuê kiếm 60.000 đồng/ngày, bà Liền vỗ vỗ cháu nội thứ ba (4 tuổi) vừa cựa mình trong giấc ngủ, nhìn sang anh con trai nằm bất động rồi xoa đầu cháu gái đầu Trần Tuyết Ngân (8 tuổi) nói: “Chị nó đi học về trông em tiếp để tôi và mẹ nó đi làm, không thì cả nhà chết đói”. Anh Trần Văn Xương (34 tuổi) bị tai nạn trên biển khi Tết Nguyên đán 2015 đã cận kề. Hôm đó, anh Xương lặn tìm tôm hùm, bạn thuyền thấy dây giật liên tục, vội kéo lên thì tay chân anh đã co quắp, hàm cứng lại, tới giờ vẫn liệt tay chân.


Khi chồng chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh, chị Phan Thị Thu Thảo đành để 3 con cho mẹ chồng chăm, ngày đêm ở cạnh chồng. Ở nhà, ngoài giờ học, cháu Ngân lại tranh thủ trông em hoặc đi vá lưới, làm thuê với bà nội. Nhà anh Xương hiện vẫn là hộ nghèo. Cũng do quá khó khăn nên sau một thời gian điều trị, chị Thảo phải đưa chồng về nhà. Bây giờ, chị Thảo và bà Liền vừa làm thuê, vừa chăm anh Xương và mấy đứa nhỏ. Bà Liền buồn bã: “Có việc còn hên, chứ ngày biển động, chẳng ai mướn gánh cá, mấy bà cháu chỉ ôm nhau khóc. Cũng có người biết hoàn cảnh nên biếu tôi vài chục ngàn đồng mua gạo”.


Cồn cào ước mong trở lại biển


Đỡ ông Nguyễn Văn Sang (45 tuổi, tổ dân phố Bá Hà 2) ngồi tựa vào tường, bà Nguyễn Thị Nhành (41 tuổi) kể: “Chồng tôi lặn giỏi như rái cá. Có lần, anh bắt được 3 - 4 con tôm sao, thu tiền triệu; lần khác bắt được con tôm hùm 7 - 8kg, rủng rỉnh tiền mang về. Tháng 5-2015, anh ấy bị tai nạn tại vùng biển Vũng Tàu…”.


Khi ông Sang còn khỏe, nhà ông bà thuộc dạng khá ở Bá Hà 2. Sau chuyến lặn biển bị nước ép, phổi ông bị tổn thương nghiêm trọng, nói rất khó nhọc. Sau gần 2 năm điều trị, hầu hết những gì có được trong 22 năm lặn biển của ông Sang cũng ra đi. Con gái đầu học hết lớp 11, con thứ hai cũng nghỉ học, chỉ còn con út đang học lớp 6. Khoản vay 100 triệu đồng định góp tiền đi biển bỗng thành khoản nợ xấu. Bà Nhành tâm sự: “Nghĩ lặn mãi cũng nguy hiểm nên hai vợ chồng bàn nhau vay vốn mua lưới đánh cá, nào ngờ vừa vay xong thì gặp nạn. Năm 2015, nhà tôi là hộ cận nghèo, được vay 30 triệu đồng trả bớt rồi ngân hàng khoanh nợ trả dần. Tôi chuyển sang dùng thuốc nam cho anh ấy để tiết kiệm. Giờ sáng, tối, tôi đi phụ bán cơm, tuy vất vả nhưng cũng được vài chục ngàn đồng/ngày, buổi trưa tranh thủ về chăm chồng. Có điều, anh ấy vẫn ước được đi biển lại, thỉnh thoảng còn bắt tôi đưa ra biển cho đỡ nhớ”. Chỉ ngăn tủ để đầy vỏ ốc to bự, ông Sang nói đứt quãng: “Đài Loan…, Hải Nam…, Hoàng Sa, Trường Sa...”. Đó là những con ốc ông lặn tìm được và đặt tên theo vùng biển bắt được. “Có lúc anh ấy nhìn mấy vỏ ốc rồi khóc, tôi cũng khóc theo. Thương chồng, tôi chỉ biết cố gắng chăm cho chồng mau khỏi”, bà Nhành trầm giọng.


Bà Thu cũng bùi ngùi cho biết, ông Phong chuyên lặn tìm ốc tai tượng, hải sâm, tôm hùm. Có lần, ông mò được cả chục con ốc tai tượng loại to, bán vài triệu đồng, nhưng bà chỉ mong ông trở về bình an. Giờ ông nằm một chỗ, hỏi thì biết nhưng không nói được. Dẫu vậy mỗi sáng, ông vẫn đòi bà cho ra võng nằm ngoài sân để được nghe rõ tiếng sóng biển. Nhìn đôi mắt ông Phong thẫn thờ hướng về phía biển, có thể thấy nỗi khao khát trở lại biển vẫn rất cồn cào.


Gắng gỏi vươn lên  


Chiều xuống, trong căn nhà xây khang trang ở tổ dân phố Bá Hà 1 vọng lại tiếng máy khâu đều đều và tiếng cười nói của mẹ con bà Lê Thị Hữu Linh (54 tuổi). 12 năm đã qua, bà Linh vẫn không tin có ngày mình vực dậy sau khi hay tin ông Trần Văn Dũng - chồng bà, vĩnh viễn không trở về sau chuyến lặn biển. Tin dữ đột ngột khiến bà Linh tưởng chừng gục ngã. Nhưng cùng với sự động viên của bà con lối xóm, ánh mắt trông chờ của 5 đứa con, bà gắng gỏi vượt qua nỗi đau, chật vật vừa làm mẹ vừa làm cha, hết bán bún, đến bán bánh mì, nuôi con ăn học. Giờ đây, con trai đầu của bà đã có việc làm ở Nha Trang, con trai thứ hai làm trong TP. Hồ Chí Minh, con gái thứ ba và thứ tư theo mẹ làm nghề may, con út vừa tốt nghiệp cao đẳng dược. “Thấy các con khôn lớn trưởng thành, tôi như có thêm nghị lực quên đi nỗi buồn. Các con cứ duy trì công việc ổn định là tôi mừng”, bà Linh nói.

 

Ông Trần Minh Thế - Bí thư Đảng ủy phường Ninh Thủy: Ninh Thủy có 2.630 hộ với 1.890 hộ làm nghề biển; trong đó có 11 trường hợp bị tai nạn trên biển nặng, hiện nay phải nằm nhà, hỗ trợ hoàn toàn. Các trường hợp này đã được nhận 405.000 đồng tiền trợ cấp xã hội hàng tháng. Phường cũng vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thăm hỏi, động viên dịp lễ, Tết và hỗ trợ đột xuất 3 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, khả năng của địa phương vẫn chưa thể giúp các hộ này thoát khỏi khó khăn.

May mắn hơn bà Linh, bà Nguyễn Thị Sớm (35 tuổi) vẫn có ông Hồ Văn Nước (42 tuổi) bên cạnh. Sau 2 năm kết hôn, trong căn nhà nhỏ hơn 10m2 ngay sát đình làng Bá Hà 1 của ông Nước đã có tiếng trẻ thơ ê a, đó là bé gái Hồ Thị Như Ý (sinh tháng 4-2015). Hồi 10 tuổi, khi đang lặn biển Ninh Thuận, ông Nước bất ngờ bị nước cuốn vào chân vịt tàu, đôi chân tàn phế. Nhưng tai nạn không làm nhụt chí, ông vẫn xin đi biển, mỗi lần lên thuyền đều đu dây quăng mình lên. Thương chàng ngư dân đầy nghị lực nhưng rụt rè trong  tình duyên, bà Sớm đã đến với ông. Âu yếm nhìn vợ con, nguồn hạnh phúc muộn màng của mình, ông Nước ao ước: “Phải chi tôi khỏe hơn để kiếm nhiều tiền nuôi vợ con!”. Nghe vậy, bà Sớm xúc động gục đầu vào vai chồng: “Giờ có Như Ý, chỉ cần còn đôi tay, vợ chồng tôi vất vả mấy cũng cố gắng lo cho cháu!”.


Những giọt nước mắt, những tâm sự mặn mòi như nước biển, và cả nụ cười hạnh phúc của những ngư dân nơi đây minh chứng cho cuộc mưu sinh bám biển đầy khó nhọc nhưng không hiếm hy vọng, yêu thương và hạnh phúc. Rời Ninh Thủy, chúng tôi hiểu, cuộc chinh phục biển sẽ không mất đi ở làng biển này.


 N.V- M.C