09:06, 05/06/2016

Kỳ 1: "Điểm tựa" giữa trùng khơi

Thật khó để diễn tả cảm xúc khi đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đứng cạnh cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong nắng, gió Trường Sa, mỗi người con đất Việt đều rưng rưng niềm xúc động.

Thật khó để diễn tả cảm xúc khi đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đứng cạnh cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong nắng, gió Trường Sa, mỗi người con đất Việt đều rưng rưng niềm xúc động.

 

Canh giữ biển trời Trường Sa
Canh giữ biển trời Trường Sa


 

Kỳ 1: “Điểm tựa” giữa trùng khơi

 

Hôm tôi lên đảo Đá Lớn C, cậu lính trẻ trên đảo tặng tôi chiếc vỏ ốc, rồi bảo: “Chỉ cần áp vào tai là anh có thể nghe tiếng của biển”. Và tôi không chỉ nghe được chuyện của biển, đảo thiêng liêng mà còn nhiều câu chuyện thú vị khác…

 

“Bệnh viện di động” trên biển


Còn nhớ, hôm họp đoàn công tác của tỉnh chuẩn bị đi thăm và làm việc tại Trường Sa, chúng tôi được ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông báo, trong chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, đoàn sẽ được đi trên con tàu 561 (mang tên Khánh Hòa - 01). Nhiều thành viên trong đoàn cảm thấy thú vị xen lẫn tự hào khi được ra Trường Sa trên con tàu mang tên quê hương Khánh Hòa. Nghe một số đồng nghiệp từng đi Trường Sa kể: Tàu 561 là tàu “bệnh viện” hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tôi càng tò mò hơn.


Biển mùa này không mấy sóng gió, nhưng với những người mới đi biển lần đầu vẫn có cảm giác nôn nao, ruột gan chỉ chực lắc lư theo con tàu. Một vài thành viên nữ trong đoàn 2 ngày đầu nôn mật xanh, mật vàng, phải lên phòng bệnh trên tàu để được các y, bác sĩ chăm sóc. Khi chúng tôi lên thăm bệnh, nhiều người đã khá bất ngờ khi tận mắt chứng kiến trang thiết bị y tế hiện đại bên trong “bệnh viện trên biển”. Tìm hiểu được biết, tàu có nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Ngoài ra, tàu còn thực hiện việc cấp cứu, hỗ trợ ngư dân khi khai thác thủy sản trên biển, tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế…


Đưa chúng tôi tham quan “bệnh viện trên biển”, bác sĩ Thái Đàm Lương - Trưởng ngành Quân y tàu 561 giới thiệu: “Tàu 561 có 9 phòng chức năng với 20 giường bệnh, có trang thiết bị y tế hiện đại tương đương một bệnh viện tuyến huyện”. Nói rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những ca cấp cứu ngư dân: “Mới đây, trưa 14-5, khi tàu đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa, chúng tôi phát hiện một tàu ngư dân chạy theo, phát tín hiệu cấp cứu. Chỉ huy tàu đã cho tàu dừng lại để cấp cứu ngư dân Nguyễn Liên (ở Long Hải, Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) trên tàu BTh 96777 TS. Sau một hồi vật lộn với sóng gió, chúng tôi mới đưa được ngư dân này lên tàu. Anh Liên bị hội chứng giảm áp, liệt nửa người dưới, bàng quang có nguy cơ vỡ. Sau khi cấp cứu, điều trị tích cực cho ngư dân, chúng tôi đã đưa anh lên đảo Song Tử Tây để tiếp tục điều trị”.

 

Khám bệnh trên tàu 561
Khám bệnh trên tàu 561

 

Hôm tàu 561 đưa đoàn công tác đến thăm đảo Cô Lin, tàu cá Bình Thuận mang số hiệu BTh 97669 TS cũng phát tín hiệu cấp cứu, cán bộ, chiến sĩ tàu 561 liền hạ xuồng, tiếp cận tàu cá để hỗ trợ, đưa 4 ngư dân lên khám, chữa bệnh. Trong số 4 ngư dân có 1 người bị viêm tuyến nước bọt mang tai, 1 người bị viêm quai vai, 2 người có triệu chứng đau cột sống. Bác sĩ Lương đã thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho các ngư dân; đồng thời hướng dẫn thêm cho ngư dân cách sơ cứu một số tai nạn thường gặp trên biển. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ca cấp cứu, khám chữa bệnh mà các y, bác sĩ tàu 561 đã thực hiện, giúp ngư dân vững tâm bám biển, bám ngư trường.


Tận mắt chứng kiến các y, bác sĩ tàu 561 khám, chữa bệnh, quan sát những trang thiết bị trên tàu, bác sĩ Trần Thị Xuân Lan - Trưởng khoa Nội cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Với trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, tôi tin các y, bác sĩ trên tàu sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và ngư dân Khánh Hòa cũng như các tỉnh lân cận khi khai thác xa bờ mà gặp nạn”.


Đi cùng bác sĩ Lương qua các phòng chức năng trên tàu bệnh viện, chúng tôi được ông cho biết: “Trên tàu 561, các y, bác sĩ đặc biệt chú ý đến phòng giảm áp bởi hệ thống giảm áp cấp cứu này hiện đại nhất Việt Nam, một lúc có thể cấp cứu 8 - 10 người. Một khi ngư dân gặp tai nạn trong quá trình lặn, nếu máy móc không ổn định, cấp cứu không kịp thời sẽ nguy đến tính mạng. Ngoài ra, việc cứu chữa bệnh nhân trên biển khó hơn gấp bội so với trên đất liền; khi cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân trong điều kiện sóng to gió lớn, tàu phải giương hai cánh giảm sóng để giảm bớt độ rung, các y, bác sĩ cũng phải hết sức cẩn trọng, chính xác trong từng vết mổ”.


Điểm tựa của ngư dân


Chiều Đá Lớn yên bình. Sóng lăn tăn. Giữa ngư trường Trường Sa, phóng tầm mắt ra xa là tàu cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Văn Đẩu - cán bộ thâm niên trong ngành khai thác thủy sản tỉnh chia sẻ: “Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ. Với nguồn lợi phong phú, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, ngư trường Trường Sa đã thu hút ngư dân ra đánh bắt với các nghề chủ lực như: lưới vây, lưới rút, câu mực, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Hiện nay, Khánh Hòa có khoảng 500 tàu câu cá ngừ đại dương, tàu hoạt động nghề lưới vây tại ngư trường Trường Sa và DK1”.


Lên thăm đảo Đá Lớn C, chúng tôi được chỉ huy đảo chia sẻ, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương; còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc”. Bên cạnh đó, các đảo, điểm đảo ở Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khai thác hải sản, nhất là việc hỗ trợ nước ngọt, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền, khám chữa bệnh cho ngư dân… Tại đảo Đá Lớn C, trong năm 2015, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã giúp đỡ 19 tàu cá; 5 tháng đầu năm nay đã giúp đỡ 22 tàu cá các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, qua đó góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân trên biển…

 

“Bệnh viện di động” trên biển
“Bệnh viện di động” trên biển


Đến thăm đảo Sinh Tồn Đông, tôi được Trung tá Lê Ngọc Dũng - chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông tâm sự: “Mỗi chuyến vươn khơi ra Trường Sa khai thác thủy sản, ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ thường ghé thăm đảo Sinh Tồn Đông. Tình cảm quân - dân trên biển gắn bó hết sức mật thiết. Mỗi năm, chúng tôi hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng trăm lượt ngư dân về thực phẩm, nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền, khám chữa bệnh… Còn với ngư dân, mỗi lần ra Trường Sa họ đều ghé thăm chúng tôi và tặng những món quà quê hương thắm đượm nghĩa tình như: mớ rau, quả bí, quả bầu…”.


Ngày đến thăm đảo Phan Vinh A, trên đường trở lại tàu 561, chúng tôi cùng ông Nguyễn Duy Bắc lên thăm tàu cá của ngư dân Bình Thuận, số hiệu BTh 97887 TS đang khai thác thủy sản tại vùng biển đảo Phan Vinh A. Ông Đặng Bi, thuyền trưởng tâm sự: “Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, dù các tàu nước ngoài có hung hăng đến đâu, chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển, bám ngư trường của cha ông để lại”. Cũng theo chia sẻ của ông Bi, khi khai thác ở Trường Sa, ngư dân có điểm tựa là các đảo, điểm đảo, có tàu bệnh viện, tàu trực sẵn sàng hỗ trợ khi ngư dân gặp nạn. Ngoài ra, tại một số đảo còn có các âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá như ở Đá Tây, Song Tử Tây… Ở những nơi này, ngư dân có thể lấy nước ngọt, mua nhu yếu phẩm, xăng dầu, bán hải sản… như ở trong bờ nên ngư dân có thể gia tăng thời gian bám biển.


Đêm Đá Tây yên bình, hàng trăm ánh đèn tàu cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ lung linh khắp quần đảo Trường Sa. Sự hiện diện ấy đã góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.


HẢI LĂNG


    



Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Tôi mong muốn tập thể cán bộ, y, bác sĩ tàu  Khánh Hòa - 01 với trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân huyện Trường Sa, nhà giàn DK1 cũng như ngư dân Khánh Hòa, các tỉnh lân cận khi khai thác thủy sản xa bờ; tạo thành điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân: Bộ đội Hải quân trên khắp quần đảo Trường Sa luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ. Khi ngư dân ốm đau, gặp tai nạn trên biển, các y, bác sĩ trên đảo khẩn trương cứu chữa, trường hợp nặng được tàu, máy bay của Hải quân kịp thời đưa về đất liền điều trị… Cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên quần đảo Trường Sa luôn hết mình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân vươn khơi, bám biển, bám ngư trường. Sự hiện diện của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa sẽ góp phần cùng với Hải quân giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 


 

 

Kỳ 2: Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
 

Kỳ cuối: Trường Sa sâu nặng nghĩa tình