05:06, 15/06/2016

Rộ dịch vụ khoan giếng "chui"

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có giấy phép, nhưng hiện nay, việc khoan giếng vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm; các địa phương lúng túng trong công tác quản lý, kiểm tra.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có giấy phép, nhưng hiện nay, việc khoan giếng vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm; các địa phương lúng túng trong công tác quản lý, kiểm tra.  


Đua nhau hành nghề khoan giếng


Nghe tiếng máy nổ xình xịch, chúng tôi dừng lại bên con đường bê tông. Trong vườn chuối nhà anh T.A.H (tổ 6, thị trấn Khánh Vĩnh), 2 thợ khoan giếng đang ngồi nghỉ dưới tấm bạt che tạm, bên ngoài chiếc máy khoan vẫn nổ giòn, thỉnh thoảng rít lên vài tiếng lạch cạch. Làm quen mới biết, 2 người này đều ở Khánh Vĩnh, mới học lóm nghề khoảng vài tháng trước và được ông chủ ở tận Đồng Nai giao nhiệm vụ quản lý giàn khoan. Lâu lâu, ông chủ ghé lại thanh toán tiền và hỏi thăm công việc. Thù lao ông trả thợ mỗi ngày 200.000 đồng/người. H.H.T - một trong hai thợ khoan giếng cho biết: “Từ đầu mùa hạn tới nay, nhóm của tôi đã khoan được 5 giếng. Hiện nay, mũi khoan đã xuống tới 19m nhưng vẫn chưa có nước, chắc phải khoan tới 60 - 70m. Xuống sâu gặp đá cứng rất khó khoan, có khi mũi khoan bị gãy. Nghề này cũng nhọc lắm!”. C.V.N - người thợ cùng làm, giải thích: “Trước đây, ông chủ kêu em chạy cần (cần khoan), lâu quen dần nên giao luôn việc đứng máy. Khi gặp sự cố kẹt cần, gãy mũi phải lấy lên, có khi khó quá thì bỏ luôn... Em mới học lớp 9, nhưng nhờ tiếp thu tốt nên ông chủ rất tin tưởng”. N. cho biết, từ ngày hành nghề đến nay không thấy ai tới kiểm tra.

 

Dịch vụ khoan giếng đắt hàng. Ảnh minh họa
Dịch vụ khoan giếng đắt hàng. Ảnh minh họa


Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm tới nhà anh H.H.T. (xã Khánh Nam), người trực tiếp nhận các đơn hàng khoan giếng. T. không có nhà nhưng theo lời mẹ vợ của anh: “T. đại diện cho ông chủ đứng ra nhận hợp đồng, điều thợ. Ông chủ ở Đồng Nai có công việc gấp nên về ngay, giao lại cho T. trông coi. Khu vực này có 2 người đều ở Đồng Nai ra hành nghề, con rể tôi đang làm quản lý cho một người, điều hành một lúc 3 giàn khoan tại Khánh Vĩnh”.


Khánh Vĩnh là vùng đồi núi, nhu cầu tưới vườn, khoan giếng rất cao. Một người dân thôn A Xay, xã Khánh Nam cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ đang khoan giếng lấy nước sinh hoạt và tưới cây, nhưng chủ dịch vụ đều là người nơi khác đến như: Đồng Nai, Đắk Lắk...

 

Hiện tượng khai thác “chui” không hiếm
Hiện tượng khai thác “chui” không hiếm


Dừng xe trên con đường liên thôn Tân Sinh Đông - Tân Sinh Tây (Cam Thành Bắc, Cam Lâm), không khó để hỏi thăm dịch vụ khoan giếng. Đang nằm nghỉ trên võng, bên ngoài giàn khoan vẫn nổ, anh L. (Cam Thành Bắc) cho hay: “Tôi học nghề này 2 năm ở Lâm Đồng và hành nghề được một năm nay. Nghề này nếu gặp thuận lợi, khoan giếng có nước dễ có thu nhập nhưng nếu xui thì coi như công dã tràng”. Khi chúng tôi nhắc tới chuyện đăng ký kinh doanh, anh này ngỡ ngàng: “Nghề này kiếm cơm thôi chứ thu nhập bao nhiêu đâu mà đăng ký. Công việc này Nhà nước cũng đang khuyến khích mà”.


Tại đường số 7, Cam Thành Bắc, chúng tôi gặp một hộ đang khoan giếng. Người thợ đang nằm nghỉ trên chiếc võng kê sát máy khoan cho biết, anh đang làm thuê cho một ông chủ trại heo. Từ đầu mùa hạn tới nay, ông này đã làm dịch vụ khoan 3 giếng và đây là cái thứ 4.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề khoan giếng là nghề hái ra tiền. Chi phí một giàn khoan khoảng 250 triệu đồng (chưa tính vật tư, phụ tùng thay thế). Các ông chủ chỉ cần thuê thợ khoan, 2 - 3 người/máy, trả công 200.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó, hợp đồng với dân, nếu bao trọn gói 30 - 50 triệu đồng/giếng hoặc tính theo mét 370.000 - 600.000 đồng/m (tùy theo khu vực đá nhiều hay ít). Làm một giếng mất 5 - 10 ngày, chủ thầu bỏ túi ít nhất 5 - 10 triệu đồng.


Cần tăng cường tuyên truyền, xử lý


Dịch vụ khoan giếng nở rộ nhưng việc quản lý của chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ. Ông Lương Văn Hùng - cán bộ Địa chính xã Khánh Nam cho biết, ông vừa được bổ nhiệm về xã thay người cũ nên không biết vấn đề này. Còn ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam thì tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe nói đến chuyện xử lý việc khoan giếng. “Tôi thấy vấn đề này quá mới mẻ và cấp xã cũng chưa biết làm gì để quản lý tài nguyên nước. Tôi mong được các cấp, ngành quan tâm tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật về lĩnh vực này để chính quyền xã triển khai tốt hơn”, ông Minh nói.


Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, năm 2015, người dân đào hơn 30 giếng khoan phục vụ chống hạn. Năm 2016, chủ trương của tỉnh, huyện khi đào, khoan giếng là phải được phép của cơ quan chức năng. Xã đã họp triển khai vấn đề này, yêu cầu người dân khi khoan giếng phải có đơn, các cấp xem xét về việc đảm bảo địa chất công trình. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa nhận được đơn đăng ký nào. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý vấn đề này.  


Theo ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Cam Lâm, từ năm 2014 đến nay, do hạn hán kéo dài nên một số hộ đã tự đào giếng, khoan giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đa số các trường hợp này thuộc quy định tại Điều 44, 45 Luật Tài nguyên nước quy định các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không xin phép. Các cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng phần lớn là dân địa phương tự chế tạo thiết bị, giàn khoan để hành nghề. Tuy nhiên, việc khoan giếng chủ yếu ở các vùng đất xa khu dân cư, trong thửa đất sản xuất nông nghiệp và tiến hành trong thời gian ngắn nên việc phát hiện và xử lý vi phạm chưa kịp thời.


Ông Hoàng Anh Hào - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nước và khí tượng thủy văn, Sở TN-MT cho biết, tổ chức, cá nhân hành nghề khai thác nước dưới đất phải xin cấp giấy phép hành nghề. Những trường hợp khai thác “chui” không có giấy phép sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 142/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, các trường hợp này áp dụng cho những người khai thác theo mục đích kinh doanh và lưu lượng mỗi ngày trên 10m3/ngày đêm, dưới 10m3/ngày đêm không phải xin giấy phép. “Các trường hợp khai thác chui hay núp bóng sẽ bị các cơ quan chức năng như: cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương, đội liên ngành kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động, tịch thu máy móc, phương tiện hành nghề nếu vi phạm”, ông Hào nói.  


Được biết, Quyết định 33 của UBND tỉnh (15-12-2015) quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm, tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương. Theo đó, thẩm quyền của UBND cấp huyện: quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước; xác nhận bản đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định; kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khoan nước dưới đất chưa có giấy phép hành nghề... Thẩm quyền của UBND cấp xã: thống kê, theo dõi, giám sát tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất để cấp huyện xác nhận… Bên cạnh đó, hàng năm, Sở TN-MT thường xuyên tập huấn cho cán bộ TN-MT về vấn đề này. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản về tăng cường công tác cấp phép tài nguyên nước trong giai đoạn chưa lập được quy hoạch. Văn bản này quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện.


Có thể nói, vấn đề quản lý tài nguyên nước tuy đã có luật và văn bản dưới luật song vẫn còn mới mẻ đối với nhiều người, đặc biệt là chính quyền cơ sở, đòi hỏi các ngành, các cấp, nhất là Sở TN-MT cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền để công tác quản lý tài nguyên nước đi vào nề nếp.


P. L