Hơn 30 năm nay, hơn 40 hộ với gần 200 nhân khẩu ở hai thôn Bến Khế (xã Khánh Bình), Suối Cắt (xã Khánh Thượng) của huyện Khánh Vĩnh vẫn sống trong cảnh thắp đèn dầu. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt...
VĂN KỲ - CÔNG ĐỊNH
Hơn 30 năm nay, hơn 40 hộ với gần 200 nhân khẩu ở hai thôn Bến Khế (xã Khánh Bình), Suối Cắt (xã Khánh Thượng) của huyện Khánh Vĩnh vẫn sống trong cảnh thắp đèn dầu. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt...
Xóm “ba không”
Chúng tôi đến khu vực Suối Phèn (thôn Bến Khế) khi mặt trời đang khuất dần ở lưng chừng núi. Tuy nằm ở mặt tiền Tỉnh lộ 8B với lộ giới khá lớn, xe cộ qua lại nhiều, nhưng Suối Phèn dường như tách biệt với phần còn lại của thôn. Không có ánh đèn điện, không ồn ào bởi những thiết bị giải trí như tivi, radio, Suối Phèn lặng lẽ chìm dần vào bóng tối…
Các em nhỏ ở Suối Phèn (xã Khánh Bình) luôn phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét. |
Những hộ dân ở đây chủ yếu làm thuê cho Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh (nay là Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương) từ năm 1986 - 1987, rồi lập những căn nhà tạm trên đất lâm nghiệp sinh sống qua ngày. Từ đó đến nay, hơn 30 hộ ở khu vực này chưa hề biết đến điện lưới quốc gia. Đang tất bật giúp vợ chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình, ông Cao Văn Kiệt cho biết, ngày nào nhà ông cũng phải nấu cơm từ lúc hơn 4 giờ chiều, ăn sớm cho khỏi phải thắp đèn dầu vừa tối vừa tốn kém. “Chúng tôi sống ở đây từ nhỏ, lớn lên rồi lập gia đình, sinh con cái mà đến giờ vẫn chưa thấy điện. Cuộc sống vất vả, tối tăm mặt mũi, cái nghèo, cái khổ vây quanh. Chúng tôi chỉ mong có điện để thay đổi cuộc đời”, ông Kiệt tâm sự.
Theo người dân, do đi làm thuê cho lâm trường nên họ không có đất sản xuất. Nay lâm trường không còn nhận người làm thuê nên họ phải đi làm mướn khắp xã để kiếm tiền mua gạo. Cuộc sống cực khổ nên cách nay khoảng 5 năm, Nhà nước đã xây cho mỗi hộ một căn nhà kiên cố để ở. Nhưng ngay cả miếng đất xây nhà mà họ đang ở cũng là đất của lâm trường. Người dân ở đây còn không có nước uống. Đất ở đây chủ yếu là sỏi đá, sức người chỉ đào được khoảng 5m là đuối. Muốn khoan giếng nhưng không có điện nên người dân đành chịu. Thế là năm này qua năm khác, họ chắt nước từ con suối gần đó để uống. “Nước suối từ nguồn đổ về chắc chắn ô nhiễm, khi mưa đục ngầu, nắng cạn khô, nhưng không uống thì lấy nước ở đâu?”, bà Trần Thị Lệ Dung, trưởng thôn Bến Khế nói. Theo bà Dung, người dân ở khu vực này được xem như xóm “ba không”: không điện, không nước, không đất sản xuất nên cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Cách Suối Phèn khoảng 30km, 12 hộ ở thôn Suối Cắt (xã Khánh Thượng) cũng chịu chung cảnh không có điện từ hàng chục năm nay. Ngồi trong căn nhà lụp xụp, chị Pi Năng Thị Nhuận cho biết, không điện, người dân ở đây phải dùng đèn được chạy bằng pin để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. “Nếu thắp để ăn cơm rồi cho con học thì đèn chạy 3 cục pin này chỉ dùng được 2 đêm là phải thay pin mới. Đèn thì thỉnh thoảng bị hư hỏng, rất tốn kém, trong khi người dân ở đây chỉ có vài sào rẫy, phải đi làm thuê kiếm ăn từng ngày. Nhà có điện thoại di động, nhưng mỗi lần đi sạc pin nhờ ngoài xóm thì họ cũng lấy 10.000 đồng/lần”, chị Nhuận cho biết.
Khu vực 12 hộ đang sinh sống chỉ nằm cách điểm có điện gần nhất khoảng 500m. Đối diện nhà chị Nhuận là một căn nhà kiên cố bỏ hoang. Hỏi ra mới biết, đó là nhà của một người Kinh. Ông này đến đây ở để thuận tiện cho canh tác mấy héc-ta rẫy gần đó, nhưng đợi mãi không có điện nên bỏ đi, rẫy cũng gần như bỏ hoang đến bây giờ. Cách đó không xa cũng là một căn nhà kiên cố để hoang hóa. Bà Pi Năng Thị Điệp, Phó thôn Suối Cắt cho biết, năm 2011, Nhà nước có xây cho ông Pi Năng Chấn một căn nhà kiên cố để ông đến ở vì gia đình ông có đến 11 người con nheo nhóc, chật chội. Đến ở được vài năm, nhưng cuộc sống quá khó khăn do không có điện nên ông Chấn cũng bỏ đi.
Ông Nguyễn Đức Trí, quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, trừ 2 hộ mới chuyển ra trung tâm xã, khu vực Suối Phèn còn 30 hộ với 151 nhân khẩu. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nhà cách trường học đến 4km, lại không có điện nên học sinh ở đây đa số bỏ học giữa chừng. Trong số 60 em còn đi học, chủ yếu là học sinh từ cấp II trở xuống, chỉ lác đác vài em là học sinh cấp III. Nhiều học sinh bỏ học từ cấp I do trường ở quá xa, bố mẹ bận đi rẫy.
Học sinh bỏ học, học lực yếu, người dân thì không được tiếp cận với các thông tin thời sự hàng ngày. Không điện nên không có nhà nào sắm ti vi hay radio. Thỉnh thoảng có gia đình dùng điện thoại di động, nhưng cũng hạn chế vì muốn sạc pin phải đi rất xa. “Thời buổi này mà người dân vẫn không có điện để dùng là một thiệt thòi quá lớn. Họ không tiếp cận được tri thức do không có các phương tiện nghe nhìn. Trẻ em thì bỏ học, người lớn chỉ biết làm nương rẫy. Cái nghèo cứ luẩn quẩn, đeo bám họ không biết đến khi nào...”, ông Trí nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hai khu vực không có điện lưới chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Không điện kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, cuộc sống người dân trăm bề khổ. Rất mong Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa sớm đầu tư đường dây để người dân chấm dứt cảnh không điện kéo dài mấy chục năm nay”.
Cố gắng có điện trong năm nay
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, cách đây vài năm, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã khảo sát tính toán chi phí kéo điện từ trung tâm xã Khánh Bình về khu vực Suối Phèn. Tuy nhiên, do ngành điện tính đến đường dây loại 22kv, xây thêm trạm biến áp nên chi phí rất lớn. Với số tiền quá lớn, dân số khu vực không đông nên ngành điện tạm dừng dự án đầu tư. Trong khi đó, ở khu vực thôn Suối Cắt do chỉ có 12 hộ nên nhiều năm nay ngành điện vẫn chần chừ chưa đầu tư đường dây.
Không chỉ thiếu điện, người dân Suối Phèn còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. |
Ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng phòng Đầu tư xây dựng Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã có kế hoạch cung cấp điện cho người dân 2 khu vực Suối Phèn và Suối Cắt. Theo đó, công ty đang thiết kế dự án đầu tư đường dây vào thôn Suối Cắt với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 10-2016, dự án sẽ hoàn thành, đóng điện cho 12 hộ khu vực này dùng. Tại Suối Phèn, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã đưa dự án cấp điện vào kế hoạch cấp điện nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách của Chính phủ, đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Khu vực này sẽ kéo 4km đường dây 22kv, 1,2km đường dây 0,2kv, 1 trạm biến áp 37,5KVA. Tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. “Nếu đợi nguồn vốn ngân sách thì chưa biết khi nào Suối Phèn mới có điện. Vì vậy, tôi đã lập báo cáo trình Hội đồng quản trị công ty để xin bố trí nguồn vốn đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đất khu vực này đều thuộc đất lâm nghiệp. Trong khi ngành giao thông yêu cầu làm trụ điện phải cách đường 10m. Vì vậy, chúng tôi mong UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị lâm nghiệp tạo điều kiện cho chúng tôi thi công”, ông Tài nói.
Rời Suối Phèn, Suối Cắt trong bóng đêm đen mịt, chúng tôi còn văng vẳng câu nói của một cụ bà ở Suối Phèn năm nay đã ngoài 80 tuổi: “Đời tôi coi như bỏ đi, nhưng mong Nhà nước sớm cấp điện để đời cháu tôi được thay đổi”!
V.K - C.Đ