11:06, 03/06/2016

Chuyện về những người quản giáo

Công việc quản lý, cảm hóa, giáo dục những phạm nhân đầy vất vả, khó khăn nhưng với lương tâm và trách nhiệm, những cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo ở Trại giam A2 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) đã nhẫn nại từng ngày đánh thức, nuôi dưỡng mầm thiện...

Công việc quản lý, cảm hóa, giáo dục những phạm nhân đầy vất vả, khó khăn nhưng với lương tâm và trách nhiệm, những cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo ở Trại giam A2 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) đã nhẫn nại từng ngày đánh thức, nuôi dưỡng mầm thiện trong những con người tội lỗi để góp phần giúp họ con đường trở về với xã hội…


Những người thầy đặc biệt…


Có thể nói, các quản giáo như những người thầy đặc biệt bởi đối tượng giáo dục là những người vi phạm pháp luật, giúp họ nhận ra sai lầm, cải tạo tốt.

 

Thiếu úy Trong khám bệnh cho phạm nhân
Thiếu úy Trong khám bệnh cho phạm nhân


Trong suốt 30 năm gắn bó với công tác quản giáo ở Trại giam A2, Trung tá Võ Viết Hiền, Phó Đội trưởng đội quản giáo không nhớ hết bao nhiêu trường hợp nhờ sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của các cán bộ quản giáo đã cải tạo, trở lại con đường lương thiện. Anh Hiền nhớ về trường hợp phạm nhân N.T.V (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Gia đình phạm nhân V. rất nghèo, sau hơn 9 năm chấp hành án, chỉ còn 435.000 đồng tiền bồi thường cho gia đình người bị hại mà vẫn chưa trả được. Theo quy định, phạm nhân và gia đình bắt buộc phải bồi thường hết mới được hưởng đặc xá. Thế nhưng, mẹ phạm nhân lên trại khóc bảo gia đình không có số tiền này. Thế là anh Hiền đã không ngần ngại cho 450.000 đồng trả nốt tiền bồi thường để anh V. được trở về. Ra trại, anh V. đi làm thợ hồ, thỉnh thoảng vẫn ghé thăm người cán bộ quản giáo cũ với tình cảm biết ơn chân thành. Anh Hiền chia sẻ niềm vui khi anh V. đã tu chí làm ăn và có gia đình hạnh phúc.


Đội anh Hiền quản lý là đội có nhiều phạm nhân phạm tội thuộc loại rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, không thiếu những “đầu gấu”, “đại bàng” trước khi vào trại cũng như có nhiều phạm nhân các trại giam khác chuyển đến nhưng qua thời gian cải tạo ở đây đều có tiến bộ. Với những cán bộ quản giáo như anh Hiền, phạm nhân tiến bộ, dù chỉ là một chút thay đổi tích cực rất nhỏ cũng rất đáng khích lệ.


Trung tá Hiền kể về trường hợp phạm nhân P. đã từng ở mấy trại giam trước khi chuyển về Trại giam A2. Phạm nhân này có hồ sơ “lẫy lừng” với 2 lần gây án trong trại, 16 lần vi phạm ở các trại giam; từng phạm tội giết người và chống người thi hành công vụ khi đang thụ án trong trại giam. Từ bản án đầu tiên 8 năm, giờ phạm nhân này phải thụ án 33 năm. Phạm nhân P. được chuyển vào Trại giam A2 được hơn 2 năm. Những ngày mới nhập trại, phạm nhân P. tỏ thái độ bất cần. Cán bộ quản giáo vừa quan tâm, hỏi han, động viên cải tạo vừa giao phạm nhân tốt kèm cặp, khuyên nhủ, tâm sự. Mưa dầm thấm lâu, hiện nay phạm nhân P. đã chấp hành nội quy, được xếp loại từ yếu lên trung bình.

 

Trung tá Lan (bìa trái) tại phòng lưu trữ hồ sơ
Trung tá Lan (bìa trái) tại phòng lưu trữ hồ sơ


Từ năm 1989, Trung tá Võ Viết Hiền đã bắt đầu gắn bó với công việc ở Trại giam A2. Khó ai có thể hiểu được hết những vất vả của người trong cuộc bởi thời gian làm việc nhiều, luôn luôn căng thẳng bởi số đối tượng ngày càng nguy hiểm, nhất là những đối tượng tái phạm càng khó giáo dục, cải tạo. Anh Hiền bảo, có trường hợp đến gia đình phạm nhân cũng bỏ mặc nhưng cán bộ quản giáo vẫn lấy hết cái tâm để cảm hóa phạm nhân. Trung tá Hiền có hơn 10 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, từng được Trung ương Đoàn tặng bằng khen, 3 lần được Bộ Công an tặng bằng khen.


Trung tá Nguyễn Ngọc Lan, Đội trưởng đội Giáo dục, hồ sơ cũng gắn bó với Trại giam A2 hơn 30 năm. Trong suốt thời gian này, anh đã giáo dục, cảm hóa được rất nhiều phạm nhân trở về con đường lương thiện. Đặc biệt, với vai trò Đội trưởng đội Giáo dục, hồ sơ và thư ký Hội đồng xét đề nghị đặc xá giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại, anh đã luôn làm tốt công tác tham mưu giúp việc cho Giám thị tổ chức phổ biến, tuyên truyền giáo dục để phạm nhân nhận thức đúng đắn về đặc xá tha tù là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện chính sách khoan hồng nhân đạo đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để hưởng đặc xá sớm trở về với gia đình, mặc dù thời gian triển khai làm công tác đặc xá ngắn, vừa làm công tác tuyên truyền giáo dục để phạm nhân học tập, niêm yết điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá và hoàn thành hồ sơ tài liệu để Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam họp. “Sau khi họp xong, tôi đã trực tiếp chỉ đạo và cùng cán bộ hồ sơ không quản ngại giờ giấc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không để sai sót nên các hồ sơ do Trại giam đề nghị xét đặc xá đều được tổ liên ngành thẩm định đánh giá cao và đều được Chủ tịch nước ký tha đặc xá”, Trung tá Lan kể.


Bên cạnh Trung tá Hiền, Trung tá Lan, Đại úy Phạm Quốc Thái, Đại úy Đinh Văn Duẩn, Thiếu úy Trịnh Bá Hải… cũng là những người tận tụy với công việc.


Yêu thương và trách nhiệm


Còn trẻ, vừa cứng cỏi, bản lĩnh vừa tình cảm, nhẹ nhàng là ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Thiếu úy Nguyễn Thị Trong, cán bộ y tế Trại giam A2. Chị vốn từ ngành Y chuyển vào ngành Công an được 5 năm. Chị Trong kể, ban đầu khi tiếp xúc công việc chị rất bỡ ngỡ, khó khăn bởi bệnh nhân toàn là phạm nhân, trong đó, nhiều người từng là tội phạm nguy hiểm, mang trong mình nhiều bệnh nặng như: HIV, gan, lao. Sau nhiều đêm trằn trọc, chị Trong xác định, phải kết hợp trị bệnh bằng thuốc với trị bệnh bằng tình người. Chị Trong tâm sự: “Tôi không né tránh, kỳ thị mà luôn ở cạnh bệnh nhân, động viên, khích lệ họ vượt qua hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật, yên tâm cải tạo để trở về đoàn tụ gia đình. Mỗi lần cứu được bệnh nhân là hạnh phúc lắm nên bao khó khăn tôi đều vượt qua hết”.


Khi kể về những trường hợp cùng bệnh nhân giành giật sự sống, giọng chị Trong chùng xuống vì xúc động. Như trường hợp bệnh nhân - phạm nhân H.A.H. mang căn bệnh AIDS ở giai đoạn cuối, có khả năng không qua khỏi. Cha mẹ H. đã ngoài 80 tuổi đành phó mặc con trai cho số phận, cho trại giam. “Nhìn bệnh nhân cận kề cái chết, tôi không đành lòng, quyết tâm bằng mọi giá để cứu được H. Tôi đã tận tình cứu chữa, trực tiếp đưa thuốc ARV vào chữa trị kết hợp chăm sóc, động viên. Sau một thời gian ngắn, bệnh nhân đã khỏe mạnh. Nhìn nụ cười rạng rỡ của H. và giọt nước mắt của bố mẹ H. khi con trai được cứu sống, bao mệt mỏi trong tôi tan biến, chỉ còn lại sự thanh thản và hạnh phúc của người thầy thuốc khi đã làm tròn trách nhiệm cứu người”, chị Trong tâm sự.


Hay như trường hợp phạm nhân T.X.D sức khỏe rất yếu khi CD4 (tế bào bạch cầu được tạo ra do đáp ứng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân vi sinh) chỉ còn 12 tế bào nhưng sau khi điều trị đã được 300 tế bào. Bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi không nơi nương tựa; có tư tưởng tiêu cực, không chấp hành nội quy trại giam. Với tình người chân thành, chị Trong đã tận tình chăm sóc, quan tâm, động viên mà cảm hóa được phạm nhân. Hiện nay, phạm nhân này khỏe mạnh, lao động bình thường cùng các phạm nhân khác.


Có phạm nhân ngày đầu lên trại ghẻ lở đầy người, không kiểm soát được tiểu tiện, tâm tình hoảng loạn cứ chắp tay quỳ lạy, không ai cho ăn uống được. Thế nhưng, khi chị Trong nhẹ nhàng gọi tên rồi tự tay đút sữa thì phạm nhân chịu. Những ngày đầu, chị Trong phải tự đút cho phạm nhân ăn. Sau 1 tháng, phạm nhân phục hồi sức khỏe, người nhà vào thăm nuôi bật khóc vì xúc động. Kết hợp điều trị, tập thể dục, phạm nhân đã ổn định sức khỏe và tâm lý, lao động tốt.


Thiếu úy Nguyễn Thị Trong phụ trách chung y tế, phụ trách và trực tiếp khám, điều trị cho các bệnh nhân lao, HIV/AIDS cả 2 phân trại. Mỗi ngày, đều đặn buổi sáng chị khám bệnh cho phạm nhân xuất công đi làm; rồi thăm khám, phát thuốc cho những phạm nhân nghỉ bệnh không xuất công; kiểm tra, cho số phạm nhân bị lao ra ngoài phơi nắng… Nhờ quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt, nhiều năm trở lại đây, không có phạm nhân nào chết trong trại. Ngay cả những phạm nhân HIV cũng không còn bị ghẻ lở bởi khi phạm nhân mới vào đều xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện ra trường hợp nào là tiến hành điều trị ARV, dự phòng lao để những phạm nhân đó giữ được ổn định CD4. Hàng năm, số bệnh nhân lao điều trị giảm do kịp thời phát hiện, cách ly, uống thuốc điều độ.


Gắn bó với Trại giam A2 đã 38 năm, Đại tá Phạm Văn Tiến - Phó Giám thị chia sẻ, những cán bộ quản giáo dùng cái tâm và tình người trong giáo dục, cảm hóa phạm nhân sớm quay về hướng thiện. Đảng ủy, Ban Giám thị trại giam luôn tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên lĩnh vực giam giữ, quản lý và cải tạo, giáo dục phạm nhân. Trại giam A2 đã thực hiện nghiêm túc các chính sách dành cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; công tác xét đặc xá đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai; công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ngày càng hiệu quả. Trại cũng đã tổ chức tốt cho phạm nhân lao động học nghề… Nhiều năm liền, Trại giam A2 đều đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.


N.D - T.A