10:05, 20/05/2016

Ồ ạt trồng xoài Úc

Một thời, các loại xoài bồ, cát Hòa Lộc, tứ quý được trồng nhiều ở Cam Lâm (Khánh Hòa). Còn bây giờ, trên vùng xoài rộng lớn này, xoài Úc đã "lên ngôi" khi nhà nhà cưa hạ các giống xoài hiện có để ghép xoài Úc.

Một thời, các loại xoài bồ, cát Hòa Lộc, tứ quý được trồng nhiều ở Cam Lâm (Khánh Hòa). Còn bây giờ, trên vùng xoài rộng lớn này, xoài Úc đã “lên ngôi” khi nhà nhà cưa hạ các giống xoài hiện có để ghép xoài Úc. Sự gia tăng đột biến của xoài Úc tại Cam Lâm khiến nhiều người không giấu được sự lo lắng.


Diện tích tăng đột biến


Trong lần ghé thăm một người quen ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) mới đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi gia đình anh quyết định cắt ngọn, hạ cành hàng trăm gốc xoài tây, xoài cát Hòa Lộc đã hàng chục năm tuổi, tán xum xuê để ghép xoài Úc. Hỏi chuyện mới biết, phong trào chuyển đổi sang trồng xoài Úc đã xuất hiện ở Cam Lâm từ vài năm trở lại đây, rộ lên từ đầu năm 2015 đến nay. Ông Nguyễn Hải - người đã mấy chục năm gắn bó với cây xoài tại thôn Bãi Giếng 1 (thị trấn Cam Đức) cho hay: “Trước đây, ở Cam Lâm chỉ có xoài tây, sau đó nông dân chuyển đổi sang trồng một số giống xoài mới như: bồ trắng, tứ quý, cát Hòa Lộc. Đối với xoài Úc, đến năm 2007 thì nông dân mới bắt đầu trồng nhưng diện tích khá hạn chế. Từ năm 2015 đến nay, phong trào chuyển đổi sang xoài Úc rộ lên, diện tích loại xoài này đang tăng lên từng ngày”.

 

Cây xoài Úc tốn ít công chăm sóc hơn trong khi giá thành cao hơn
Cây xoài Úc tốn ít công chăm sóc hơn trong khi giá thành cao hơn


Đến thôn Bãi Giếng 2 (xã Cam Hải Tây), chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Bảy đang chăm sóc vườn xoài Úc rộng 2ha vừa mới được ghép xong chưa lâu. Ông Bảy nói: “Gia đình tôi đã cắt ngọn, hạ cành gần 300 gốc xoài tây, cát Hòa Lộc để chuyển sang ghép xoài Úc. Nhiều gia đình khác trong vùng cũng cắt các loại xoài khác để chuyển sang ghép xoài Úc, bởi xoài Úc bây giờ là số 1”.


Theo ông Đoàn Ngọc Phước - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, toàn xã có 975ha trồng xoài các loại. Cuối năm 2014, diện tích xoài Úc tại địa phương vẫn còn hạn chế, đến nay đã có 750ha. Trong khi đó, ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: “Trên địa bàn huyện có 4.663ha trồng xoài, nếu như năm 2014, diện tích xoài Úc chỉ mới có 275ha (trồng mới) thì đến cuối năm 2015, diện tích xoài Úc đã lên đến gần 1.800ha (trồng mới và ghép). Chắc chắn diện tích xoài Úc sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, bởi nhiều vườn xoài tây, cát Hòa Lộc đang được người dân tiếp tục cắt để ghép xoài Úc. Việc chuyển đổi này là tự phát trong nông dân”.


Đâu là nguyên nhân?


Để tìm hiểu nguyên nhân của việc chuyển đổi các loại xoài khác sang trồng xoài Úc ở huyện Cam Lâm, chúng tôi đã trò chuyện với nhiều người dân địa phương và được biết, động lực của sự chuyển đổi ồ ạt sang xoài Úc là do giá bán của loại xoài này mấy năm trở lại đây luôn duy trì ở mức cao, lợi nhuận thu được lớn; trong khi đó, các loại xoài tây, xoài bồ hay xoài cát Hòa Lộc… đều giảm sút hiệu quả.

 


Ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây so sánh: “Năm nay, 1ha xoài Úc cho thu hoạch trung bình 4 tấn quả, với giá 55 ngàn đồng/kg như hiện nay, người nông dân thu về 220 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi đến hơn 150 triệu đồng. Còn với xoài tây, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc giá bán thấp hơn nhiều nên hiệu quả chưa bằng 50% so với xoài Úc. Đó là chưa kể năm nay, hầu hết các vườn trồng xoài tây, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc đều có sản lượng thấp do ảnh hưởng của sương muối, bọ, rầy tấn công và nắng hạn. Đây là nguyên nhân chính khiến nông dân ồ ạt chuyển sang trồng, ghép xoài Úc trong 2 năm nay”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước năm 2012, xoài Úc ở Cam Lâm chủ yếu được tiêu thụ nội địa và được duy nhất Công ty TNHH MTV EMU (Việt Nam) đóng tại thị trấn Cam Đức thu mua để xuất khẩu. Nhưng từ năm 2012, xoài Úc được thương lái Trung Quốc lùng mua. Nhiều chủ vựa xoài ở Cam Lâm cho biết, từ năm 2012 đến nay, cứ vào vụ xoài là có thương lái Trung Quốc đến Cam Lâm nhờ các vựa xoài thu gom xoài Úc, xoài Đài Loan cho họ. Để cạnh tranh với Công ty TNHH MTV EMU (Việt Nam), họ sẵn sàng đẩy giá lên cao, chính vụ thu hoạch có thời điểm họ thu mua với giá hơn 60.000 đồng/kg. “Các vựa xoài ở Cam Lâm chỉ là người thu gom cho thương lái Trung Quốc; cứ gom đủ xe là chở ra cửa khẩu phía bắc để xuất sang Trung Quốc; mỗi ngày có hàng chục xe chở xoài từ Cam Lâm đi Trung Quốc”, chủ vựa xoài Thuê Phu ở thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) nói. Được biết, ở vựa xoài này, do vụ xoài năm nay thất thu nên số lượng thu mua được không nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ gom được 3 tấn xoài các loại, trong đó có khoảng 1 tấn xoài Úc và khoảng 0,5 tấn xoài Đài Loan.


Ngoài nguyên nhân giá xoài Úc mấy năm nay duy trì ở mức cao; còn nguyên nhân khác khiến nông dân không mặn mà lắm với các loại xoài tây, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc. “Với những giống xoài này, bọ trĩ, sâu rầy ngày càng khó trị, 1 vụ phải xịt 11 - 12 lần thuốc nhưng vẫn không trị được; bệnh dễ làm giảm chất lượng trái nên thương lái chê. Trong khi đó, xoài Úc ít bệnh hơn, cả vụ chỉ xịt 3 lần thuốc, chăm sóc dễ dàng, ít tốn công sức mà giá bán lại cao nên nông dân tự chuyển đổi giống”, ông Nguyễn Ta nói.


Cần thận trọng


Được biết, xoài Úc là một trong số những loại xoài có giá trị kinh tế cao nằm trong định hướng chuyển đổi của huyện nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng xoài. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt như hiện nay là rất đáng ngại, có thể làm mất cân đối giữa các loại xoài trên địa bàn, dẫn tới chuyện được mùa mất giá. Việc chuyển đổi ồ ạt cũng làm mất nguồn gen quý từ giống xoài Thủy Triều (giống xoài bản địa đã tồn tại cả trăm năm), gây khó khăn cho việc cấy ghép cũng như chọn giống về sau.


Một điều khiến nhiều người lo ngại, hiện xoài Úc ở Cam Lâm hầu hết được thương lái Trung Quốc thu mua, thị trường tiêu thụ đang lệ thuộc dần vào thị trường này thì cây xoài Úc khó phát triển bền vững. Ông Nguyễn Ta cho biết thêm: “Qua theo dõi từ năm 2012 đến nay, việc xuất khẩu xoài Úc sang thị trường Trung Quốc vẫn chưa có biến động bất thường. Nhưng thị trường này luôn tiềm ẩn rủi ro, bằng chứng là nhiều lần, các loại nông sản của Việt Nam đã bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía bắc. Chúng tôi lo lắng nếu nông dân tiếp tục chuyển đổi các loại xoài khác sang xoài Úc, khi nguồn cung nhiều, thương lái sẽ ép giá, nông dân sẽ thiệt hại nặng”.

 

Thu hoạch xoài Úc
Thu hoạch xoài Úc


Theo ông Dương Tôn Đoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV EMU (Việt Nam), công ty đã xây dựng được thị trường xuất khẩu xoài Úc sang 7 - 8 đầu mối, đơn hàng ngày một dày thêm. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện thương lái Trung Quốc đẩy giá để thu gom xoài Úc thì công ty không thể cạnh tranh. Có thời điểm, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty chấp nhận lỗ, đẩy giá lên đến 47.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thu mua được do phía thương lái Trung Quốc cũng mua với giá cao hơn. Để ổn định vùng nguyên liệu, công ty đã mời nông dân ký kết hợp đồng mua bán xoài với công ty nhưng không nông dân nào tham gia. “Công ty chúng tôi xuất khẩu theo đường chính ngạch, chi phí xuất khẩu cao hơn nhiều so với việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của thương lái Trung Quốc. Nếu họ cũng xuất khẩu theo đường chính ngạch như chúng tôi thì công ty sẵn sàng cạnh tranh và tin tưởng sẽ thu mua được xoài để xuất khẩu. Từ đầu vụ xoài đến nay, công ty không dám nhận bất cứ đơn hàng nào từ phía đối tác nhập khẩu, bởi thị trường xoài nguyên liệu đang biến động rất lớn, không thể chạy đua về giá với thương lái Trung Quốc nên chúng tôi không thu mua được trái xoài nào. Công ty đã sang Trung Quốc để tìm hiểu việc tiêu thụ xoài Úc ở thị trường này và được biết, có thời điểm, xoài Úc Cam Lâm họ thu mua về loại đẹp thì dán nhãn mác, bao bì lấy thương hiệu xoài của họ, còn loại kém chất lượng hơn thì lấy nhãn hiệu xoài Úc của Cam Lâm. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì công ty sẽ mất thị trường xuất khẩu, khi đó việc tiêu thụ xoài Úc sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc”, ông Đoàn nói.


Trước sự chuyển đổi ồ ạt sang trồng, ghép xoài Úc và những nguy cơ bất ổn từ thị trường đầu ra, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu xoài Cam Lâm (với 3 sản phẩm: xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc, xoài tây - Thủy Triều), chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Cam Lâm đã có cảnh báo và khuyến cáo người dân cần phải duy trì sự cân đối giữa các loại xoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quá trình chuyển đổi vẫn tiếp tục diễn ra khá rầm rộ. Thiết nghĩ, nông dân Cam Lâm cần thận trọng trước khi quyết định cắt bỏ các giống xoài khác để chuyển sang trồng, ghép xoài Úc.


HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG