Tuy ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng với ký ức, tình cảm vẹn nguyên về Bác Hồ, 2 cựu binh già vẫn ngày ngày truyền gửi tới mọi người lòng kính yêu Người vô hạn.
Tuy ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với ký ức, tình cảm vẹn nguyên về Bác Hồ, 2 cựu binh già vẫn ngày ngày truyền gửi tới mọi người lòng kính yêu Người vô hạn.
Người lưu giữ hình ảnh Bác Hồ
Theo ông Bùi Xuân Phước (82 tuổi) vào căn nhà ở thôn Phước Điền, xã Phước Đồng (Nha Trang), đi giữa hai hàng cây xanh mát, chúng tôi có cảm giác cái nắng gay gắt trưa tháng 5 như dịu lại, và bỗng nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài Thăm cõi Bác xưa: “Có rào râm bụt đỏ hoa quê/Như cổng nhà xưa Bác trở về”...
Nhà trưng bày và tượng Bác Hồ tại nhà ông Phước |
Trên diện tích chừng 2.500m2, phần lớn diện tích dành cho khu vực tượng đài chiến sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, “Cây 79 mùa xuân tưới mát cho đời” (hệ thống cột phun nước hình hoa sen), nhà trưng bày về Bác Hồ... Lối vào có hàng râm bụt thẳng tắp dẫn tới bức tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc (thời kỳ 1941 - 1945) đặt trên đài sen. Ý tưởng xây dựng một khu trưng bày để thể hiện lòng kính yêu Bác, giúp người già, người trẻ hiểu thêm về con đường Người đã chọn, được ông Phước ấp ủ từ những ngày còn công tác và kết tinh từ những năm tháng trưởng thành qua quân ngũ.
Rót chén trà nóng, ông Phước kể, từ năm 1976, khi còn làm ở Bảo tàng Phú Khánh, hễ nghe ở đâu có hiện vật hay tư liệu liên quan đến Bác Hồ, ông đều tìm đến, xin được in sao. Năm 1994 về hưu, ông Phước quyết tâm xây dựng khu trưng bày về Bác tại tư gia. Ông đi xe máy khắp trong nam ngoài bắc tìm gặp đồng đội cũ, nêu ý tưởng, nhờ giúp đỡ. Với 5 cây vàng tích lũy được cùng tiền vay mượn của đồng đội xưa, năm 1997, ông bắt tay vào việc. Công việc đôi lúc bị dừng vì thiếu kinh phí nhưng ông vẫn luôn nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình, bạn bè. Hồi đó, ông Phước đã thực hiện 4 chuyến xuyên Việt bằng xe máy để nhờ giúp đỡ và sưu tầm tư liệu. Nhờ vậy mà đến năm 2000, đền thờ về Bác Hồ tại nhà ông Phước được khai trương và đến năm 2010, nhà trưng bày về Bác cũng chính thức hoàn thành. Mới đây, ông Phước xây dựng thêm khu nhà hội họp làm chỗ nghỉ ngơi và giao lưu của đồng đội, người tham quan.
Ông Phước lần giở tư liệu ghi chép về Bác |
Trong hơn 100 bức ảnh, hiện vật (được phục chế từ hiện vật gốc) về Bác Hồ, đáng chú ý có bức ảnh về thời khắc Bác lâm chung. Bức ảnh có khổ gốc 18x24 cm, được vợ của một cán bộ từng ở bên Bác lúc lâm chung, mang tới tận nhà tặng khi biết ông đang xây nhà trưng bày. Bức ảnh được phóng khổ lớn, đặt trang trọng trong hộp kính chính giữa nhà trưng bày.
Từ khi khu trưng bày về Bác của ông Phước hoàn thành, người dân các nơi đến thăm ngày một đông. Có người tới thăm xong nói sẽ học tập mô hình của ông Phước. Một số trường học trong khu vực còn đưa học sinh đến học ngoại khóa. Em Lê Thị Tường Vy (lớp 6/1 Trường THCS Lam Sơn, xã Phước Đồng) nói: “Được tận mắt nhìn ảnh, hiện vật, em thấy những bài học lịch sử về Bác sinh động hơn nhiều”. Nhiều sinh viên do ông Phước hướng dẫn cũng đang làm việc tại các bảo tàng về Bác.
Những người có công mừng vui trò chuyện cùng ông Đảng (thứ 4 từ trái qua) |
Hiện nay, mỗi tháng ông Phước đều đặn trích 2 triệu đồng lương hưu trả dần khoản nợ xây dựng. Dù vậy, ông vẫn chưa nguôi kế hoạch hoàn thiện tiếp khu trưng bày: cần làm thêm hang Pác Bó; xây phù điêu dãy Trường Sơn phía sau tượng đài chiến sĩ; tập hợp tư liệu âm thanh về những câu nói của Người ở từng sự kiện lịch sử, từng chủ đề... Ông còn mong mỏi năm nay sẽ thực hiện tiếp chuyến xuyên Việt bằng xe máy. “Ở cái tuổi lúc nào cũng có thể “lên bệ phóng”, tôi vẫn muốn thực hiện chuyến đi gọi là “dối già”, trở lại các chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh, sưu tầm thêm tư liệu, cũng là thêm chút tài sản để lại cho con cháu”, ông Phước nói.
Người 3 lần được gặp Bác
Sáng tháng 5, hội trường Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh rộn ràng hơn mọi khi. Hơn 60 cán bộ có công 2 tỉnh Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế lắng nghe ông Phạm Thanh Đảng (81 tuổi, trú 39/84 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), nguyên Trưởng khoa Mác - Lê-nin - Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hải quân nói chuyện về cuộc đời cách mạng của Bác Hồ. Ông Đảng vừa ngừng lời, cả hội trường lặng một lúc rồi ào lên tiếng vỗ tay. Kỷ niệm 3 lần được gặp Bác Hồ của ông Đảng khiến ai cũng rưng rưng. Ông Nguyễn Văn Sủng (89 tuổi, đoàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) bùi ngùi: “Tôi cũng vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần, được nghe nhiều người kể chuyện về Bác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một báo cáo viên lớn tuổi kể chuyện về Người hấp dẫn, cảm động đến vậy”.
Tấm hình Bác Hồ phút lâm chung được ông Phước bố trí trang trọng giữa nhà trưng bày. |
Hồi đó, năm 1961, đang học khóa 13 Trường Sĩ quan Lục quân, ông Đảng vinh dự được bầu đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3. Sau đại hội, Bác Hồ điện thoại cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đoàn đại biểu thanh niên quân đội đến nhà Bác chơi. 13 giờ ngày 28-3-1961, đoàn có mặt trước nhà Bác ở Hà Nội. Bác Hồ mặc bộ quần áo màu nâu ra tận cổng râm bụt vui vẻ nói: “Mời các cháu vào nhà Bác chơi”. Vào nhà, Bác ân cần rót nước cho từng người và nói: “Các cháu tới nhà, đáng lý Bác phải ở nhà chơi, nhưng Bác lại có cuộc họp với Bộ Chính trị”, rồi Bác quay sang dặn ông Vũ Kỳ, thư ký của Người: “Chú phải để các cháu chơi tự nhiên nhé”. Cả đoàn lên gác tham quan nhà Bác. Ông cũng không quên sự quan tâm của Người tối đó. Thấy các chiến sĩ chỉ cầm điếu thuốc Điện Biên trên tay rồi tìm cách bỏ vào túi áo để mang về làm kỷ niệm, Bác nhẹ nhàng bảo: “Các cháu cứ hút đi, Bác đã chuẩn bị cho mỗi cháu trai 1 điếu thuốc lá, mỗi cháu gái một nhành phong lan mang về rồi”. “Sự quan tâm của Người khiến ai cũng xúc động”, ông Đảng kể.
Năm 1964, ông Đảng vinh dự được gặp Bác lần thứ hai khi Bác về thăm Trường Sĩ quan Lục quân. Đội danh dự của ông Đảng được phân công đón Bác ngoài cổng đúng sáng 16-4-1964, theo lời Người hẹn. Khi hơn 400 học viên toàn khóa tập hợp đông đủ, Bác bảo ông Vũ Kỳ mang kẹo ra hỏi: “Các cháu thích ăn kẹo không?”. Nghe tất cả đồng thanh trả lời: “Dạ thưa Bác, có ạ”, Bác nói: “Hôm nay Bác mang kẹo đến tặng các cháu nhà trẻ của Trường Sĩ quan Lục quân. Bác biết Nhà nước đã phát lương rồi nên các cháu tự mua kẹo ăn nhé”. Thì ra Bác đã biết được chuyện trong thời gian nghỉ chờ ra trường, học viên thường vào xóm tiêu tiền lương phí phạm. Hiểu rồi, tất cả càng thấm thía bài học Người dạy: Không được phung phí tiền lương Nhà nước trả, bởi đây cũng là tiền của nhân dân.
Lần thứ ba, khi đang là Trung úy thuộc Lữ đoàn dù 305, ông Đảng được điều động là chính trị viên đội mẫu Trường Đào tạo cán bộ thuộc Cục Nghiên cứu. Ngày 19-3-1967, Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến trường xem chiến sĩ trình bày kỹ, chiến thuật đặc công để quyết định sự ra đời của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ. Ông Đảng nhắc lại từng chữ Bác căn dặn chiến sĩ bấy giờ: “Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cho nên phải cố gắng đặc biệt; đối với Đảng, phải đặc biệt trung thành; đối với dân, phải đặc biệt thân ái; đối với đồng chí, đồng đội, phải đặc biệt đoàn kết; đối với kẻ thù, phải đặc biệt thông minh và dũng cảm”. Ông Đảng tự hào cho biết, sau này, ngày Bác đến thăm trường trở thành ngày thành lập lực lượng đặc công.
***
Tại khu trưng bày của ông Phước có treo một câu: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời!”. Tình cảm của ông Đảng, ông Phước cũng chính là của nhiều người con Việt Nam mong muốn nhân lên lòng biết ơn Bác Hồ, biết ơn nguồn cội.
Kim Thao - Thiều Hoa