Trở lại xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi thấy không khí sản xuất của vùng được coi là trung tâm gạch nung thủ công của tỉnh vẫn nhộn nhịp...
Trở lại xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi thấy không khí sản xuất của vùng được coi là trung tâm gạch nung thủ công của tỉnh vẫn nhộn nhịp, như chưa hề có Chỉ thị số 22 ngày 23-12-2013 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung.
Gạch nung vẫn ra lò
Chiều 30-5, cơ sở sản xuất gạch nung Ngọc Sở của bà Phạm Ngọc Sở (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân) vẫn hoạt động bình thường với 3 nhân công trực xếp gạch lên xe mang đi phơi. Bà Sở cho biết đang mùa xây dựng nên lượng gạch bán ra tăng cao. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của bà bán được hơn 300.000 viên gạch nung. “Tôi có nghe đến việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công nung từ hơn 2 năm trước nhưng không thấy nói gì đến chuyện bồi thường, hỗ trợ. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nung gạch. Gia đình tôi làm gạch 19 năm nay, trong nhà lúc nào cũng nuôi vài chục thợ. Nếu chấm dứt hoạt động mà không có hỗ trợ gì thì chúng tôi không biết sống thế nào”, bà Sở nói.
Một lò gạch nung thủ công ở xã Ninh Xuân.
|
Ông Lê Văn Hài (thôn Phước Lâm) cho biết, sau 15 năm hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất của ông đã mở rộng với tổng vốn đầu tư ở thời điểm hiện tại ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh nhưng việc chấm dứt cần có lộ trình cụ thể và quan trọng nhất là hỗ trợ xứng đáng để các chủ lò gạch không rơi vào cảnh vỡ nợ, người lao động không bị thất nghiệp.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa, hiện nay, trên địa bàn xã Ninh Xuân có 54 cơ sở sản xuất gạch thủ công với 106 lò (98 lò đứng, 8 lò vòng), tạo việc làm cho hơn 800 nhân công. Mỗi ngày, các lò gạch sản xuất hơn 800 triệu viên, đáp ứng lượng lớn nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nếu chấm dứt sản xuất gạch nung thủ công thì cần có lộ trình cụ thể sao cho lượng vật liệu xây không nung có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, sau hơn 2 năm có chỉ thị về lộ trình chấm dứt gạch nung thủ công, đến nay, UBND tỉnh và UBND thị xã Ninh Hòa vẫn chưa có động thái nào mới để thực hiện đúng theo tinh thần của chỉ thị. Trong khi đó, ở địa phương các lò gạch vẫn sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giải quyết kinh tế cho từng hộ gia đình. “Chúng tôi chỉ vận động người dân không đầu tư thêm máy móc thiết bị, mở rộng cơ sở sản xuất, còn việc khi nào chấm dứt thì tôi cũng không nắm được. Tuy nhiên, theo tôi cần phải có chính sách đặc thù để hỗ trợ, nếu không rất khó chấm dứt”, ông Trinh nói.
Hết đất sản xuất, ô nhiễm môi trường
Dọc theo Quốc lộ 26 qua địa bàn các xã: Ninh Phụng, Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi bắt gặp không ít ao hồ nằm xen lẫn với những ruộng lúa của người dân. Đây chính là hệ quả của việc khai thác quá mức nguồn đất sét để làm nguyên liệu cho các lò gạch thủ công. Những năm qua, để có nguồn nguyên liệu hoạt động, các lò gạch thủ công phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm nên đã nuốt khá nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các địa phương.
Mỗi tháng, trung bình một lò gạch nung tiêu thụ hết hơn 5 tấn đất sét nguyên liệu. |
Tại cơ sở sản xuất gạch Ngọc Anh (thôn Phước Lâm), ông Võ Hùng Tín - chủ cơ sở cho biết, để sản xuất 1.000 viên gạch đất sét nung cần khoảng 1,5m3 đất sét nguyên liệu. Mỗi tháng, cơ sở Ngọc Anh sản xuất được khoảng 200.000 viên gạch, phải cần đến 300m3 đất sét nguyên liệu. Trong khi đó, cơ sở sản xuất gạch Ngọc Sở cũng nhập về mỗi tháng khoảng 30 xe (mỗi xe 5 tấn) đất. Chúng tôi thử nhẩm tính, thị xã Ninh Hòa hiện nay có hơn 50 cơ sở sản xuất gạch nung, cần khoảng 10.000 tấn đất nguyên liệu mỗi tháng. Đây là một lượng đất rất lớn nếu sản xuất từ năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Trinh thừa nhận ở xã Ninh Xuân hiện không còn đất nguyên liệu để khai thác. Vì vậy, các chủ lò gạch phải đi mua đất từ các xã: Ninh Hưng, Ninh Bình. “Vài năm trở lại đây, thị xã Ninh Hòa đã cấp phép cho các Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành, Thu Hà… khai thác đất ở một số điểm nhất định để bán lại cho các chủ lò gạch. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Ninh Xuân vẫn còn một số trường hợp lén lút khai thác đất trái phép ở các cánh đồng hoặc các ụ đất bỏ hoang. Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính để cố gắng giữ đất lại cho người dân sản xuất nông nghiệp”, ông Trinh cho biết.
Bên cạnh đó, hàng chục năm nay người dân ở xã Ninh Xuân và các vùng lân cận còn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khói từ các lò gạch bay ra. Ông Nguyễn Tình, người dân thôn Phước Lâm cho biết: “Việc người dân sống chung với ô nhiễm do các lò gạch gây ra là điều khó tránh khỏi. Ở đây, nhà nhà làm gạch, người người làm gạch, sống được nhờ gạch thì chúng tôi cũng đành chấp nhận”.
Chưa tìm được giải pháp
Nhằm tìm giải pháp chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung trên địa bàn xã Ninh Xuân, tháng 10-2014, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa đã mời Công ty Cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (TP. Hồ Chí Minh) đến tổ chức hội thảo giới thiệu gạch không nung cho hơn 50 hộ sản xuất gạch thủ công. Buổi hội thảo nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về dây chuyền sản xuất gạch không nung để người dân tham khảo, lựa chọn chuyển đổi trước khi Nhà nước cấm hẳn việc sản xuất gạch thủ công. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, buổi hội thảo không đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là tại xã Ninh Xuân không có nguyên liệu để sản xuất gạch không nung. Tại Ninh Hòa có mỏ đá Núi Sầm nhưng ở xa xã Ninh Xuân và đá ở đây không phù hợp để sản xuất loại gạch này. Do không có nguyên liệu tại chỗ nên chắc chắn việc sản xuất sẽ dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với gạch nung truyền thống. Ngoài ra, với vốn đầu tư hệ thống máy lên đến hơn 7 tỷ đồng cho một cơ sở, người dân Ninh Xuân cũng không dám mơ đến việc chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung.
Các lò gạch nung thủ công ở xã Ninh Xuân vẫn đang hoạt động bình thường. |
Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản về việc ban hành quy định hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trình UBND tỉnh. Kèm theo văn bản là dự thảo nghị quyết, quyết định chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, HĐND tỉnh đã không thông qua nghị quyết này.
Ông Trinh cho rằng, mục đích việc cấm sản xuất gạch thủ công truyền thống là vì vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cấm những hộ gia đình, còn các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn xã lại chưa có lộ trình cấm, trong khi những nhà máy này nung gạch bằng than, gây ô nhiễm hơn những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Nếu muốn gạch không nung phát triển thì phải cấm đồng loạt gạch nung truyền thống.
Thiết nghĩ, để cấm hẳn sản xuất gạch thủ công thì bên cạnh việc hỗ trợ cho người dân, cơ quan chức năng cần có những giải pháp dứt khoát vừa chấm dứt gạch thủ công vừa tạo điều kiện để gạch không nung phát triển.
V.K - B.L