Không quản ngày đêm, bất kể thời tiết nắng mưa, những công nhân làm gác chắn, sửa chữa đường sắt, tuần đường… luôn có mặt trên những cung đường sắt kiểm tra, khắc phục sự cố để đem lại sự bình an cho những chuyến tàu.
Không quản ngày đêm, bất kể thời tiết nắng mưa, những công nhân làm gác chắn, sửa chữa đường sắt, tuần đường… luôn có mặt trên những cung đường sắt kiểm tra, khắc phục sự cố để đem lại sự bình an cho những chuyến tàu.
Con đường này luôn có chúng tôi
Các công nhân vận chuyển đá mới vào để thay thế đá cũ mặt đường sắt ở hầm Đá Đen |
Giữa tháng 4, chúng tôi có mặt tại Đội đường sắt Đèo Cả. Hơn 40 công nhân đang chuẩn bị xuống hầm Đá Đen (hầm số 19, Vũng Rô 4) dài gần 1.000m để đại duy tu lại đoạn đường chạy qua hầm. Anh Nguyễn Văn Định - Đội trưởng giới thiệu với chúng tôi: “Đội có 95 người, chia thành 4 tổ, có nhiệm vụ duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng, sửa chữa đường sắt theo định kỳ và trong những trường hợp khẩn cấp, đột xuất; thực hiện tuần cầu; tuần hầm; gác chắn đường ngang. Cung đường sắt đội quản lý chạy từ xã Hòa Xuân Nam, (Đông Hòa, Phú Yên) đến xã Vạn Thắng, (Vạn Ninh, Khánh Hòa) với chiều dài 35km, trong đó có 7 hầm, 26 cầu và 109 cống”. Nghe thì đơn giản, nhưng có chứng kiến công việc của đội mới thấy hết được sự vất vả của nghề này.
Công nhân đường sắt đang duy tu hầm Đá Đen |
Công nhân đang khơi thông rãnh nước trong hầm Đá Đen |
Đến hầm, các công nhân khẩn trương chia ra từng tốp, người nào việc nấy. Bụi đá, tiếng ồn của nhiều loại búa vang cả một góc hầm. Hơi nóng trong hầm mỗi lúc một tăng lên. Gần 11 giờ, nhận thông tin có tàu chạy qua, anh em công nhân chia nhau đứng nép vào các hốc thoát hiểm. Trong hơn 3 phút tàu chạy qua, chúng tôi như không thở nổi khi khói của đoàn tàu SE9 xả ra che kín cả đường hầm. Anh Phạm Đình Nhiêu - Tổ trưởng tổ phụ trách thi công cho biết: “Mấy ngày nay, đội đang thực hiện đợt đại tu lớn ở cung đường này, thay lớp đá cũ bị phân hủy bằng lớp đá mới để đảm bảo cho tàu chạy an toàn. Làm trong hầm rất vất vả, ánh sáng không đủ, điều kiện thi công tối tăm chật hẹp, ẩm thấp. Nhưng độc hại nhất là khói tàu lửa xả ra khi vào hầm, phải mất cả tiếng đồng hồ mới hết mùi”. Nói rồi, anh Nhiêu chỉ cho chúng tôi thấy màu đen kịt của vách hầm và lớp đá dưới đường ray bởi khói tàu phả ra hàng ngày.
Công nhân đường sắt bảo dưỡng đường đảm bảo an toàn chạy qua đoạn thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) |
Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi thì hầu như ai cũng không muốn bỏ nghề. Bởi với họ, những khó khăn, cực nhọc đó không xá chi so với niềm hạnh phúc khi hàng ngày được chứng kiến những đoàn tàu được thông suốt, an toàn chạy qua những cung đường do họ duy tu, bảo dưỡng. Gắn bó với nghề hơn 20 năm, thức trắng đêm cùng anh em trong đội thực hiện nhiều đợt duy tu, sửa chữa ở các cung đường sắt bị mưa lũ lấp kín, đã gặp không ít tai nạn nghề nghiệp, bị trầy tay, trật chân khi tham gia duy tu, sửa chữa trong điều kiện mưa lũ, đêm tối nhưng các anh: Nguyễn Văn Định, Phan Văn Thoản, Nguyễn Minh Thư… khi được hỏi đều khẳng định không bỏ được nghề. “Biết là vất vả, cực khổ, độc hại nhưng 2 ngày ở nhà không nghe tiếng tàu là thấy… nhớ”, anh Định nói.
Anh Lê Trọng Tấn (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) vào ngành được gần 4 năm kể, những ngày đầu đi làm ngồi vặn từng con ốc, nhặt từng cục đá trên các đường ray thấy chán. Nhưng rồi vài lần được trực tiếp cùng anh em trong đội tham gia dọn đất đá ở những cung đường bị mưa lũ lấp. “Khi đoạn đường được thông, nhìn các đôi bàn tay vẫy chào của hành khách khi tàu chạy qua, bao nhiêu mệt nhọc trước đó trong tôi đều tan biến, rồi dần dần tôi yêu luôn các con ốc, cái vít lúc nào cũng không hay”.
Những người gác chắn
Trong ngành đường sắt, công việc gác chắn đường tàu không được mấy người lựa chọn, bởi đơn điệu và thu nhập thấp. Nhìn qua, hầu hết sẽ cho rằng đây là một công việc đơn giản và nhàn nhã, nhưng thực tế ẩn sau đó là những nhọc nhằn và trách nhiệm nặng nề mà ít ai hiểu được.
Công việc đóng chắn cho các đoàn tàu chạy qua nhìn đơn giản nhưng không dễ |
Hơn 5 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Trọng Hồng - Cung phó cung chắn Đội Quản lý đường sắt Nha Trang cho biết, công việc chính của người làm gắc chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Theo anh Hồng, tuy công việc không quá vất vả nhưng nhân viên gác chắn đường tàu lại phải chịu áp lực về thời gian và những quy định rất nghiêm ngặt trong nghề. Mỗi ca trực của công nhân kéo dài 12 tiếng liên tục, mỗi tháng làm 10 ca ngày và 10 ca tối. Khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời nhiệm sở hoặc ngủ.
“Tôi phụ trách gác chắn khu vực Mả Vòng, khu vực này mật độ xe qua lại nhiều, nếu mình sơ sẩy, không đóng chắn kịp dễ gây tai nạn, mất an toàn, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Theo quy định, nếu mật độ xe cộ đông thì thời gian đóng chắn không được sớm quá 3 phút, nếu đường thưa thì không quá 5 phút. Nhiều người không hiểu, chờ lâu một chút có khi to tiếng hoặc văng tục. Chưa kể khi trực buổi tối, nhân viên nữ còn hay bị các đối tượng say rượu hoặc nghiện ma túy, thành phần bất hảo quấy rối, trêu chọc”, anh Hồng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, người làm gác chắn nếu không vững nghiệp vụ, không xử lý kịp các tình huống thì sẽ gây ra tai nạn mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Anh Hồng kể, đầu năm 2015, ban trực của anh một phen “đứng tim” khi chiều tối, tàu sắp vào ga nhưng có xe đưa đón công nhân cố rướn qua đường sắt thì bị chết máy nằm ngay trên đường ray. Gác đóng không được, tình huống cực kỳ nguy cấp, anh và một người trong ban trực phải chia nhau cầm cờ, đèn chạy về hướng tàu để phát tín hiệu cho tàu dừng, đồng thời những người còn lại phải nhờ người dân đẩy chiếc xe ra khỏi đường ray. Sau 5 phút, xe được đẩy xuống đường, tàu về ga an toàn. “Khi tàu vào đến ga, anh em trong ban trực vẫn chưa hết hoàn hồn. Những tình huống trên nếu những người gác chắn không xử lý kịp thì không biết điều gì sẽ xảy ra”, anh Hồng nói.
Ông Nguyễn Như Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh: Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài gần 150km và phần lớn là các khu vực đông dân cư. Để những đoàn tàu bình an về ga, các công nhân đường sắt không quản ngại ngày đêm, hay thời tiết khắc nghiệt, họ lặng lẽ làm việc bảo vệ sự an toàn cho những chuyến tàu. Họ luôn tận tâm, yêu nghề, có trách nhiệm với công việc. |
Có thâm niên hơn 29 năm trong ngành đường sắt, trong đó 15 năm làm gác chắn, anh Diệp Duy Ngãi - phụ trách gác chắn Vĩnh Thái kể: “Mỗi ca trực bình quân anh đón 17 chuyến tàu ra, vào. Tại chắn Vĩnh Thái, chúng tôi thường nhận tin báo có tàu trước khoảng 10 phút bằng điện thoại bàn. Tuy nhiên, cũng có lúc điện thoại bị trục trặc, mất tín hiệu liên lạc, khi đó nhân viên gác chắn buộc phải ra đường đứng trước, canh thời gian để chờ còi tàu báo tín hiệu. Có lần giữa đêm mưa bão, chúng tôi phải khoác áo mưa chờ gần nửa tiếng đồng hồ bởi tàu gặp sự cố nên không đến đúng giờ. Những lúc như thế, mặc dù đường rất vắng, hầu như không có phương tiện tham gia giao thông nhưng chúng tôi vẫn phải tuân thủ tuyệt đối quy trình làm việc. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Bây giờ có điện thoại di động nên cũng đỡ vất vả hơn”.
Có một điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những nhân viên gác chắn là họ rất gắn bó với nghề, dù thu nhập khá thấp (chỉ gần 3 triệu đồng/tháng). Chị Nguyễn Thị Lê, nhân viên tại gác chắn Mả Vòng cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm cùng ngành, tổng lương mỗi tháng khoảng hơn 6 triệu đồng, chỉ đủ chi tiêu. Tuy thu nhập thấp nhưng đây cũng là một nghề ổn định”.
Chia tay với họ, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người làm nghề này. Dù hàng ngày phải hứng cái nắng rát da, mưa tấp rát mặt nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân kiên trì của họ chỉ vì sự an toàn cho những chuyến tàu qua.
THẢO LY - CẨM VÂN