Hiện nay, dọc các con phố hay ở các quán nước, quán giải khát, không khó để tìm những trái dừa đã gọt vỏ trắng nõn nà, rất bắt mắt. "Công nghệ" tẩy trắng bằng hóa chất đã cho ra đời những quả dừa vừa đẹp mắt, vừa lâu hỏng, nhưng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, dọc các con phố hay ở các quán nước, quán giải khát, không khó để tìm những trái dừa đã gọt vỏ trắng nõn nà, rất bắt mắt. “Công nghệ” tẩy trắng bằng hóa chất đã cho ra đời những quả dừa vừa đẹp mắt, vừa lâu hỏng, nhưng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Những trái dừa bắt mắt
Trong vai khách hàng khó tính, chúng tôi tới điểm bán dừa trên đường Bạch Đằng. Người bán đang cặm cụi lột vỏ hết trái dừa này tới trái dừa khác rồi bỏ vào một khay nhựa. Được chừng chục trái, người này nhón tay lấy từng trái dừa ngâm trong thùng nước trắng lờ bỏ vào thau bên cạnh, rồi lại thả tiếp những trái dừa vừa lột vỏ vào thùng ngâm. Những trái dừa đã ngâm đều sáng trắng hơn hẳn. Đứng gần, có thể thấy mùi hắc rất khó chịu từ thùng nước ngâm dừa. Thấy chúng tôi tỏ ý nghi ngờ tính an toàn của những trái dừa trắng, người bán hàng cười lớn: “Mấy nhà hàng, khách sạn ngày nào chẳng qua lấy, họ có kêu ca gì đâu!”.
Đường 23-10 có nhiều hàng bán dừa trái tẩy trắng |
Một người bán dừa lâu năm tại chợ Phước Hải (TP. Nha Trang) cho biết, hồi trước ai kêu bao nhiêu thì lột vỏ bấy nhiêu, nhưng từ năm ngoái, quán có thêm một thùng nước ngâm dừa, ai kêu thì ngâm. Bởi lẽ, mấy mối bán giải khát đặt mua sỉ đều yêu cầu phải lột vỏ, ngâm trắng; ngoài ra, vào ngày rằm, mùng 1, nhiều bà nội trợ cũng đòi mua trái dừa trắng bóc để về bày ban thờ. “Bây giờ, hầu như hàng dừa nào cũng có nước ngâm. Khách hàng là thượng đế mà!”, chị bán hàng nói. Chị T.T.L.H (đường Đồng Nai, Nha Trang) vô tư: “Chẳng rõ độc hại hay không nhưng dừa để cúng phải trắng mới đẹp. Với lại, hóa chất nào ngấm qua được gáo dừa!”.
Đáp ứng nhu cầu này, nhiều tiệm bán dừa trên đường 23-10, Bạch Đằng, Lê Hồng Phong, Vân Đồn, hoặc các khu vực Chợ Đầm, chợ Xóm Mới… (TP. Nha Trang), chợ Thành (Diên Khánh), xã Ninh Quang, Ninh Đa (Ninh Hòa), cả các nhà hàng đều có dừa trái tẩy trắng để phục vụ. Theo những người bán dừa, chỉ cần pha một ít bột tẩy với nước rồi ngâm trái dừa vài phút là có ngay trái dừa trắng như ý khách hàng.
Nhiều hàng bán dừa nhỏ cũng dự trữ thùng nước tẩy trắng (trong hộc bàn) để phục vụ khách có nhu cầu |
Tại tiệm hóa chất Tam Hưng (đường 2-4, Nha Trang), chúng tôi được một nhân viên giải thích, thuốc tẩy dừa tên là Sodium Hydrogen Sulfite, vốn là loại chất tẩy rửa dạng bột, dùng tẩy khung vải, giấy, da… Trước đây, không ai dùng tẩy dừa, nhưng do nhu cầu người tiêu dùng nên người bán tự nghĩ ra cách này để tẩy trắng trái dừa; nếu không dùng chất này thì không cách gì tẩy trắng trái dừa được. Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, chị này thẳng thắn: “Nếu sợ thì đừng dùng, cái đó rất hôi”. Tại tiệm hóa chất Tiến Nga (đường 23-10), nghe hỏi bột tẩy trắng dừa, nhân viên liền gọi chủ tiệm xuống. Bà này nhìn chúng tôi một lúc đầy dò xét rồi lắc đầu, xua tay: “Ở đây không bán”.
Qua tìm hiểu được biết, Sodium Hydrogen Sulfite không phải là hóa chất cấm, nhưng không quen rất khó mua. Qua một người quen, chúng tôi dễ dàng mua được 1kg bột tẩy dừa không hề có nhãn mác tại tiệm hóa chất này với giá 70.000 đồng. Những người mới bán dừa cũng thoải mái mua thuốc tẩy dừa sau khi được mối cũ “bảo lãnh”.
Nguy cơ độc hại
Trong vai một người mới mở tiệm giải khát muốn học bí quyết làm trắng dừa, chúng tôi đến một điểm bán dừa trái tẩy trắng trên đường 23-10. Người chủ cho biết, mỗi thùng nước chỉ cần cho khoảng 3 muỗng canh bột tẩy vào quậy đều là xong. Muốn trắng nhanh hơn thì cho thêm bột tẩy vào. Thấy chúng tôi thò tay vào thùng nước ngâm vớt ra một trái để xem thử độ trắng, một nữ nhân viên vội ngăn lại: “Đừng bỏ tay vào, nó ăn tay đó”. Chưa biết độc hay không nhưng cảm giác rát toàn bàn tay thì chúng tôi đã thấy ngay.
Pha thử hóa chất theo cách được bày, chúng tôi có thùng nước ngâm với mùi hôi và hắc rất khó chịu. Những trái dừa vừa lột sau khi ngâm vài phút, vớt ra để ráo lại hết mùi và trắng sáng, dù để ngoài trời cả ngày. Theo những người bán dừa, ngay cả đồ chơi bằng gỗ bị trẻ nhỏ vẽ bậy lên, nếu pha sệt chất này với nước, quết lên chừng 10 phút rồi rửa nước cũng sạch! Và người nào cũng dặn: Nhớ dùng bao tay!
Theo TS.Nguyễn Thuần Anh - Trưởng bộ môn Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Khoa Công nghệ Thực phẩm (Đại học Nha Trang), cơ chế tẩy trắng dừa diễn ra như sau: Chất polyphenol trong vỏ trái dừa khi lột ra sẽ tiếp xúc với oxy và bị oxy hóa để tạo thành chất có màu đen, bản chất không độc. Việc pha chất trên để ngâm trái dừa sẽ làm ngăn chặn quá trình oxy hóa, khiến trái dừa không thâm đen. Liều lượng nhập các hóa chất trên vào cơ thể nếu vượt quá mức cho phép hoặc dùng lâu dài có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, liều vượt cao hơn nữa có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch... Người lao động tiếp xúc trực tiếp, liên tục với chất này có thể bị kích ứng da, viêm phổi, khó thở. Hóa chất này khó có khả năng ngấm qua lớp gáo dừa, nhưng có thể ngấm qua 2 lỗ mầm rất mỏng ở đầu trái dừa.
Ai kiểm tra, xử lý?
Ông Nguyễn Ngọc Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, chi cục chỉ quản lý các cơ sở có đăng ký đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nếu là cơ sở kinh doanh dừa có đăng ký, chi cục có thể kiểm tra nguồn gốc trái dừa, kể cả công đoạn lột vỏ tẩy trắng. Nhưng cho đến nay, chưa hề có cơ sở kinh doanh dừa trái nào tới đăng ký chất lượng ATVSTP.
Trả lời câu hỏi về khâu quản lý nông sản trước khi đến tay người tiêu dùng, ông Lê Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với việc tẩy trắng trái dừa, không riêng thanh tra ngành Nông nghiệp mà nhiều cơ quan khác cũng có thể xử lý như: Công Thương, Quản lý thị trường, ATVSTP. Nhưng cho tới nay, thanh tra sở chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm nên chưa xử lý.
Theo ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc kiểm soát sản phẩm có ngâm tẩm chất gì thuộc về cơ quan ATVSTP. Sở Công Thương không có công cụ, dụng cụ để đánh giá độc hại hay không. Sở chỉ xử lý những vi phạm liên quan đến kinh doanh.
TS. Nguyễn Thuần Anh - Đại học Nha Trang: Natri sulfit (còn gọi là Sodium Sulfite) và Natri bisulfit (Sodium Hydrogen Sulfite)…, công thức hóa học là Na2HSO3, Na2SO3, thuộc nhóm sulfit, có chức năng bảo quản, chống oxy hóa, tẩy màu… và được phép sử dụng trong công nghệ thực phẩm nhưng với lượng hạn chế. |
Về phía Chi cục ATVSTP tỉnh, ông Lê Đình Đờn - Chi cục trưởng thừa nhận, chi cục có quyền kiểm tra, xử lý nhưng những vấn đề liên quan đến thức ăn đường phố đã được phân cấp cho cấp quận, huyện, cụ thể giao trưởng phòng y tế; chi cục có quyền kiểm tra cấp dưới. Nhưng từ trước đến nay, với nhân lực mỏng, khối lượng công việc quá nhiều nên chi cục chưa kiểm tra đến trái dừa tẩy trắng.
Ông Trương Hải Đắc - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, theo Thông tư liên tịch 13/2014 của liên Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, các mặt hàng nông sản trước khi đến tay người tiêu dùng do ngành Nông nghiệp quản lý. Chi cục chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra đột xuất cũng phải mua mẫu về, đưa đi kiểm nghiệm, xác định có vi phạm mới xử lý. Chi cục chưa khi nào mua mẫu dừa để kiểm tra vì chưa có ai tố cáo, chưa có căn cứ kiểm tra đột xuất.
Với cách pha chế hóa chất cảm tính của một số người bán dừa, trong khi đó các cơ quan quản lý vì nhiều lý do lại chưa kiểm tra, xử lý; vì vậy, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên cân nhắc giữa vẻ ngoài bắt mắt của trái dừa tẩy trắng với những rủi ro khó lường về sức khỏe.
N.V