12:04, 09/04/2016

Nỗi lo mất an toàn lao động

Chứng kiến những công nhân đang ngày đêm làm việc ở các công trình xây dựng và mỏ đá trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mới thấy những rủi ro luôn rình rập họ. Tuy là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng đa số công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo các chính sách...

Chứng kiến những công nhân đang ngày đêm làm việc ở các công trình xây dựng và mỏ đá trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mới thấy những rủi ro luôn rình rập họ. Tuy là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng đa số công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo các chính sách...


Từ mỏ đá…


Sáng cuối tuần, chúng tôi đến một điểm khai thác đá nằm cheo leo trên lưng chừng núi Ghềnh Bà (thuộc thôn Tân Dân, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh). Lúc này, quanh những túp lều bạt tạm bợ, hàng chục người thợ đang hì hục đục đẽo những tảng đá bằng những dụng cụ rất thô sơ như: xà beng, đục, búa… Ở khu vực cao hơn, một số người dùng khoan để khai thác những tảng đá lớn. Họ làm việc trong tiếng máy nổ, máy khoan ầm ầm không ngớt. Ông Trần Văn Bốn (thôn Tân Dân) cho biết, khoảng 5 năm trước, khi tốp thợ đang làm việc thì một tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống làm 1 người thiệt mạng tại chỗ, 2 người bị thương nặng, trong đó ông Bốn bị gãy tay và mù 1 mắt. “Tôi làm nghề này từ năm 19 tuổi. Trước đây, tôi tự lên núi tìm hầm chẻ đá, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Hiện nay, chúng tôi làm thuê cho công ty khai thác để lấy tiền công. Công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm, tiền công cũng chẳng bao nhiêu, nhưng không có việc làm nên tôi vẫn phải bám nghề này dù bị thương tật”, ông Bốn chia sẻ.  

 

Công việc hàng ngày của một thợ sơn
Công việc hàng ngày của một thợ sơn


Đang nghe ông Bốn kể chuyện, chúng tôi bỗng giật mình khi có tiếng thét lớn “tránh mau” phát ra từ trên đỉnh núi. Chỉ ít giây sau, 2 tảng đá lớn ầm ầm lăn xuống cách căn lều của ông Bốn khoảng 5m. Khi không còn đá lăn, một người đàn ông vác chiếc khoan cỡ lớn từ trên đi xuống, nói với ông Bốn: “Tôi cũng không ngờ nó bể nhanh như vậy. May mà còn kịp nhảy ra không thì tôi lăn theo đá xuống đây rồi!”. Người đàn ông này tên là Trần Cao Thế (57 tuổi, trú thôn Ninh Lâm, xã Vạn Khánh). Ông Thế cho biết: “Hôm nay hết đá nhỏ nên tôi phải khoan, bẩy những tảng đá lớn trên cao xuống để chẻ. Đây là công đoạn nguy hiểm nhất của những người thợ đá. Vậy mà ngay cả dụng cụ từ cái đục nhỏ cho đến máy khoan trị giá mấy triệu đồng chúng tôi đều phải tự sắm”.

 

1
Công việc khai thác đá nặng nhọc và nguy hiểm


Tại những điểm khai thác đá ở thôn Hòn Nghê (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), những người thợ cũng quần quật lao động ở khu vực lưng chừng đồi mà không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào, dù họ luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đá. Một người thợ tại đây cho biết: “Cả ngọn đồi này có gần chục khu vực khai thác đá chẻ với cả trăm người thợ làm thuê như tôi. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng may không ai thiệt mạng. Chúng tôi chỉ có dụng cụ làm nghề chứ không có đồ bảo hộ. Hơn nữa ở đây đều là khai thác trái phép nên lỡ gặp tai nạn thì chúng tôi phải tự chịu”. Theo quan sát của chúng tôi, các điểm khai thác đá chẻ nơi đây đều nằm ở lưng chừng núi, phía trên là vô số tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau trông rất chênh vênh, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.


… đến công trình xây dựng


Hàng ngày, tại một công trình xây dựng căn hộ cho thuê ở phường Tân Lập, TP. Nha Trang có hàng chục công nhân làm việc ở độ cao hơn 30m nhưng không có dây đai an toàn. Trang phục bảo hộ lao động của họ rất sơ sài, thậm chí có người không mặc áo. Đặc biệt, ở tầng thứ 10 của công trình, các thợ sơn đứng chênh vênh trên những tấm ván gỗ, cật lực làm việc, bụi bay mù mịt, nhưng họ chỉ mang một chiếc khẩu trang mỏng. Vì thế, khuôn mặt ai nấy đều lấm lem bụi sơn, mắt đỏ ngầu. Anh Toàn, một công nhân làm việc tại đây chia sẻ: “Tôi làm thợ sơn được 5 năm, mỗi ngày được trả công 150.000 đồng, ăn uống chủ lo. Chúng tôi không có hợp đồng lao động, không được trang bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ hay chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại. Cả ngày làm việc trong môi trường bụi sơn nên tối về tôi thường bị ho và khó thở, mắt thì đau rát. Biết là nghề nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên chúng tôi phải bám trụ”.

 

Làm việc ở trên cao nhưng các công nhân xây dựng không có bảo hộ lao động
Làm việc ở trên cao nhưng các công nhân xây dựng không có bảo hộ lao động


Tại Khu đô thị mới Phước Long (TP. Nha Trang) cũng có nhiều công trình xây dựng nhà ở đang được thi công. Tại đây, chúng tôi chứng kiến những người thợ xây đi trên những tấm gỗ dài gác từ đầu tường bên này sang đầu tường bên kia như diễn viên xiếc. Để xây tường, hầu hết công nhân phải đứng cheo leo trên những giàn giáo bằng gỗ và không có dây đai an toàn. Nhóm thợ này chủ yếu đầu trần hoặc đội mũ vải, chân đi dép tổ ong, quần áo mỏng và cũ. Các công trình cũng không có lưới bảo hộ cho công nhân thi công trên cao. Vật liệu được chuyển lên bằng dây tời với 2 cây gỗ buộc chéo nhau cắm chênh vênh rất nguy hiểm.


Ông Hoàng Văn Hùng, một thợ xây cho biết: “Làm việc ở độ cao, lại không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, người mới vào nghề thì hơi sợ, nhưng chúng tôi làm lâu nên quen. Kể ra có giàn giáo sắt thì yên tâm hơn, nhưng di chuyển nó vừa nặng, vừa phải tháo lắp rất mất thời gian. Chính vì vậy, chủ thầu thường dùng giàn giáo gỗ để bớt chi phí và công vận chuyển. Mọi người làm việc ở đây không có hợp đồng lao động, làm ngày nào tính công ngày đó, cuối tháng chủ trả đủ công là mừng rồi”.


Theo ông Đào Quốc Trưởng - chuyên viên An toàn lao động Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm gần đây, nhu cầu xây dựng hạ tầng, nhà ở trên địa bàn tỉnh gia tăng nên nghề xây dựng phát triển mạnh. Tuy nhiên, vấn đề mất an toàn lao động trên những công trình xây dựng cũng đang diễn ra hàng ngày. Đặc biệt là những công trình xây dựng dân dụng rất mất an toàn lao động nhưng lại bị bỏ ngỏ.


Tăng cường kiểm tra xử lý, chấn chỉnh


Được biết, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động ở 2 lĩnh vực khai thác đá và xây dựng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp này vẫn còn thờ ơ với công tác an toàn lao động, nhất là những công ty tư nhân, quy mô nhỏ. Tại một số công trình xây dựng, dù thi công ở trên cao nguy hiểm nhưng công nhân vẫn không có dây an toàn. Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng chưa tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân; việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy chưa được chú trọng. Người lao động không được khám sức khỏe định kỳ; trang thiết bị bảo hộ lao động còn sơ sài. Đặc biệt, ở những công trình xây dựng có độ cao từ 30m trở lên, khu vực nguy hiểm không được che chắn, cắm biển cảnh báo; các quy định về an toàn điện, giàn giáo, vận hành các thiết bị máy móc đều có vi phạm. Ngoài ra, có không ít công trình sử dụng thang lồng và cẩu tháp, nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý. Còn ở mỏ đá, nhiều thiết bị khai thác chưa được kiểm định an toàn nhưng các doanh nghiệp vẫn đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, do nhận thức của công nhân về an toàn lao động còn hạn chế nên không ít người lao động đã bỏ qua các nguyên tắc an toàn, khoa học trong quá trình làm việc.


 Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp nào vi phạm chúng tôi đều yêu cầu nhanh chóng khắc phục. Trong vòng 3 tháng, nếu doanh nghiệp không khắc phục, chúng tôi sẽ đề nghị dừng hoạt động và xử lý theo từng mức độ vi phạm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh kịp thời những đơn vị hoạt động xây dựng và khai thác đá thiếu an toàn. Bởi đây là 2 lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao nhất”.



VĂN GIANG - THẾ ANH

 

 



Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ tai nạn lao động làm 22 người chết, 61 người bị thương nặng, gây thiệt hại hơn 2,9 tỷ đồng. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực xây dựng và khai thác đá. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị thi công chưa quan tâm tới công tác an toàn lao động, chưa trang bị bảo hộ lao động; ý thức của người lao động còn kém, họ chưa được khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn lao động.



Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 công ty hoạt động khai thác đá với hàng nghìn lao động. Tại hầu hết các mỏ đá, vấn đề an toàn lao động dường như bị bỏ ngỏ. Người lao động phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, ô nhiễm về bụi, tiếng ồn nhưng ít được doanh nghiệp trang bị bảo hộ lao động nên rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đa số công nhân đều chưa được đào tạo nghề, tập huấn về an toàn lao động nên ý thức và các kỹ năng an toàn rất kém.