Dù UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các địa phương cũng quyết liệt vào cuộc, song tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái vẫn diễn biến hết sức phức tạp…
Dù UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các địa phương cũng quyết liệt vào cuộc, song tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái vẫn diễn biến hết sức phức tạp…
Sông thành… công trường
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến khu vực thác Ngựa tại thôn Tây, xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh), nơi đang là điểm nóng của tình trạng khai thác cát trái phép. Tại bãi cát vàng cách thác Ngựa chừng 50m, chúng tôi thấy chiếc xe múc cỡ lớn đang liên tục múc những gầu cát đầy đổ lên chiếc xe tải cỡ 12 tấn. Chừng 10 phút, khi xe tải này đầy cát, lăn bánh rời khỏi bãi, một chiếc xe tải khác lại chạy tới “ăn” hàng… Bãi cát vàng bỗng chốc trở thành công trường, tiếng động cơ gầm rú của xe múc, xe tải như xé toang khung cảnh bình yên vốn có của dòng sông Cái.
Các xe tải loại 12 tấn đang đợi lấy cát ở gần đèo Đá Lửa, Diên Thọ |
Người dân cho chúng tôi biết, để khai thác bãi cát trên, ngày 16-4, “cát tặc” đã huy động xe ủi, máy múc, ô tô để san ủi làm một con đường đi từ khu vực vườn ươm, cạnh Tỉnh lộ 2 xuống tận mép sông Cái dài hơn 200m. Chỉ tay về phía chiếc xe múc đang ngoạm từng gầu cát đầy, ông C. người dân địa phương nói: “Việc khai thác cát ở đây diễn ra công khai, trong thời gian dài nhưng tôi không thấy chính quyền địa phương xử lý”.
Sông Cái đoạn qua xã Diên Thọ biến thành công trường |
Men theo con đường dẫn ra sông Cái tại thôn Cẩm Sơn (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), giữa mùa khô, dòng sông Cái nhiều đoạn trơ đáy, giờ đây đã biến dạng thành những hầm hố. Dưới sông, hơn chục ghe hút cát nằm im phơi nắng. Trên ghe, vẫn còn nguyên ống hút chứng tỏ việc hút cát chỉ vừa mới tạm dừng. Con đường không bị ngắt mà tiếp tục chạy xuyên qua mặt sông bởi người ta đã làm đường để đưa máy múc vào khai thác. Hai chiếc máy múc nằm giữa sông. Mặt sông được ngăn dòng, chia ô để máy múc dễ bề nạo vét. Một tấm lưới dựng sẵn để sàng cát vẫn còn nguyên dấu vết như vừa mới làm đêm qua.
Để tiếp cận bãi cát trên thác Ngựa, “cát tặc” đã mở con đường này |
Rời thôn Cẩm Sơn, chúng tôi tiếp tục đi lên đoạn sông đỉnh đèo Đá Lửa, cũng thuộc địa bàn xã Diên Thọ. Từ trên nhìn xuống, đoạn sông này như một cánh đồng với nhiều ô thửa. Một chiếc máy múc vẫn đang cặm cụi hoạt động, nhanh chóng múc từng gàu cát đưa lên chiếc xe tải loại 12 tấn. Gần đó, 4 chiếc xe tải cùng loại đang đợi “ăn” cát. Công việc khai thác diễn ra công khai giữa ban ngày.
Tăng cường tuần tra, truy quét
Ông Lại Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ cho biết, trước nạn khai thác cát trái phép, xã đã thành lập đội kiểm tra gồm 10 người, chủ yếu là dân quân và công an hoạt động liên tục không kể ngày nghỉ. Đội đã bắt giữ 1 xe chở cát (cát không có nguồn gốc), phạt 300.000 đồng; phối hợp cùng đội liên ngành của huyện mật phục bắt 2 xe tải chở cát và 1 xe múc, phạt mỗi xe tải 300.000 đồng, xe múc 4 triệu đồng. Đồng thời, xã yêu cầu một chủ vựa cát tại khu vực Cẩm Sơn phải di dời toàn bộ số cát tại vựa để trả lại nguyên trạng và không được hoạt động tại địa bàn. “Ghe không chở cát thì không thể xử lý, bởi muốn xử lý thì phải có tang vật. Nhưng khi có tang vật, ghe lại chạy sang địa bàn xã khác thì cũng không thể làm gì được nếu không có sự phối hợp. Do lực lượng của xã mỏng, khó bề giám sát, trong khi địa bàn rộng, đoạn sông chạy qua xã hơn 10km. Vì tình thế cấp bách, được sự chỉ đạo của huyện, xã vừa cho “đóng” các tuyến đường vận chuyển cát trái phép …”, ông Tài nói.
Xe tải đang “ăn” cát trái phép ở thôn Tây, xã Sông Cầu |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Diên Khánh có 4 doanh nghiệp được cấp phép nạo vét, thu hồi cát sông Cái. Trong đó, 2 đơn vị đã triển khai là Công ty Khánh Vĩnh (nạo vét tại xã Diên An) và Công ty Tân Khánh Hòa (nạo vét tại xã Diên Đồng). Tuy nhiên, hiện tượng khai thác ăn theo, lén lút vẫn xảy ra. Khi lực lượng chức năng ra quân thì tình hình rất yên ắng, nhưng vừa rút đi thì “cát tặc” tiếp tục khai thác, tranh thủ buổi trưa, đêm khuya, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Qua các đợt truy quét gần đây, toàn huyện Diên Khánh đã xử phạt 5 ghe hút cát, tổng trị giá xử lý hơn 200 triệu đồng.
Bị truy quét, các ghe hút cát nằm chờ thời |
Sau khi nhận được phản ánh của phóng viên Báo Khánh Hòa, chiều 22-4, lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh đã huy động lực lượng chức năng gồm: Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế (Công an huyện), Phòng TN-MT cơ động đến bãi khai thác cát ở thôn Tây, xã Sông Cầu. Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 1 xe múc loại lớn và 1 xe tải loại 12 tấn đang khai thác cát trái phép. Ông Nguyễn Phúc Thụy (sinh năm 1976, trú tại Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) tự nhận là người đã đứng ra tổ chức làm đường, khai thác cát trái phép đã bị đoàn công tác huyện Khánh Vĩnh lập biên bản để xử lý. |
ng Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Diên Khánh cho biết: “Công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tượng lén lút khai thác trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Trước tình hình đó, huyện đã mời Sở TN-MT, Công an tỉnh tham vấn, đưa ra các giải pháp như: huy động lực lượng công an sở tại, chốt chặn trên bờ; xin cơ chế không cho ghe lưu thông trên sông Cái; dùng máy đào ngăn đường không cho vận chuyển cát trái phép (đường tự phát ra sông) để tạm thời ngăn chặn tình trạng này…”.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, lưu ý xử lý nghiêm tình trạng khai thác không phép; khai thác sai thiết kế, vị trí; gây ô nhiễm môi trường; sạt lở bờ sông, suối. Hạn chế cấp phép, khai thác, nạo vét thu hồi cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Các địa bàn khác, việc cấp phép trên cơ sở cân đối cung cầu, không chấp nhận việc chuyển nhượng hay chuyển quyền khai thác khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh; giao UBND các huyện và UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khai thác cát, kịp thời xử lý theo thẩm quyền. Sở TN-MT phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định phương án nạo vét, thu hồi sản phẩm đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật việc khơi thông luồng, dòng chảy phục vụ giao thông đường thủy nội địa hoặc đảm bảo an toàn công trình phục vụ nông nghiệp…
Nhóm phóng viên