41 năm đã qua, nhưng ký ức về cuộc chiến hào hùng, ngày thống nhất đất nước vẫn như thước phim quay chậm, rõ nét qua lời kể của những người cựu chiến binh.
41 năm đã qua, nhưng ký ức về cuộc chiến hào hùng, ngày thống nhất đất nước vẫn như thước phim quay chậm, rõ nét qua lời kể của những người cựu chiến binh.
Từ mặt trận Nha Trang… đến Sài Gòn
Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Quang Lâm - nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Biểu, TP. Nha Trang. Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng Đại tá Lâm còn rất minh mẫn, giọng nói khỏe khoắn. Ông cho biết đang chuẩn bị tư trang để đi Đắk Lắk cầu siêu cho đồng đội hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Chiếc ba lô đã cũ mèm cùng với mấy bộ quân phục bạc màu được ông gấp cẩn thận. Khi chúng tôi nhắc lại những trận chiến cách đây hơn 41 năm, nét mặt ông bừng sáng. Ông chậm rãi bắt đầu câu chuyện: “Sau khi vượt qua “lá chắn thép - đèo Phượng Hoàng”, chúng tôi thừa thắng xông lên làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa xuống đồng bằng, đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, đồi pháo binh Dục Mỹ. Đồng thời, được lệnh tiến thẳng về hướng nam giải phóng Nha Trang, chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng như: Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Sân bay Nha Trang, Tỉnh đường Khánh Hòa… vào ngày 2-4-1975”.
Hàng năm, cứ vào ngày thành lập Sư đoàn 10, ban liên lạc đơn vị tại Khánh Hòa đều tổ chức gặp mặt ôn lại truyền thống |
Sau những ngày lưu lại ổn định tình hình trật tự, đến ngày 8-4-1975, đơn vị của ông Lâm nhận lệnh gấp rút cơ động vào miền Đông Nam Bộ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 3 ngày khẩn trương làm công tác chuẩn bị, ngày 10-4-1975, Sư đoàn 10 chia làm 2 hướng tiến vào Nam. Đơn vị ông Lâm xuất phát từ Ba Ngòi (Cam Ranh) theo đường 450 sang Gia Nghĩa. Số còn lại ở phía bắc Nha Trang quay lại đèo Phượng Hoàng, dọc theo Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26) lên Buôn Ma Thuột. Hai cánh sẽ hội quân ở Kiến Đức (tỉnh Đắk Nông), phía tây bắc Sài Gòn.
Trong quá trình hành quân, địch chốt chặn ở các tuyến đường chính và đặc biệt vẫn đang chiếm giữ Phan Rang (Ninh Thuận), nơi có căn cứ không quân Sân bay Thành Sơn. Máy bay địch ném bom, đánh phá trục đường hành quân rất dữ dội - đường 450 trở thành “tọa độ lửa”. Mặc dù vậy, với khí thế thừa thắng xông lên cho kịp hành trình, đơn vị ông Lâm đã chiến đấu và vượt qua quãng đường đầy gian nan, ác liệt. “Đến ngày 23-4-1975, chúng tôi đã đến được vị trí tập kết cuối cùng là huyện Dầu Tiếng (tỉnh Thủ Dầu Một), cách Sài Gòn 70km về hướng tây bắc. Trải qua quãng đường dài hành quân đầy gian khổ, nhiều đêm không ngủ, gương mặt ai nấy đều xạm đen, áo quần nhuộm màu đất đỏ”, ông Lâm nhớ lại.
Đại tá Nguyễn Quang Lâm cùng vợ lần giở những bức ảnh chụp cùng đồng đội một thời chiến đấu |
Ngày 25-4-1975, Sư đoàn 10 triệu tập hội nghị quân chính, quán triệt và thống nhất phương án tác chiến, công việc được triển khai khẩn trương, hối hả. Đơn vị ông Lâm được giao nhiệm vụ tiến công hướng tây bắc Sài Gòn, đánh thẳng vào nội đô, chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Mục tiêu trọng điểm là các cơ quan chỉ huy quân sự đầu não của ngụy quân Sài Gòn nằm tại sân bay: Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù số 5, Bộ Tổng nha Cảnh sát, Bộ Chỉ huy Thủy quân Lục chiến và phát triển đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy. Sân bay Tân Sơn Nhất được bảo vệ 3 vòng. Mỗi vòng địch đều bố trí các chốt chặn phòng thủ vững chắc, nhất là các điểm trọng yếu vòng ngoài ta phải đánh chiếm để làm bàn đạp tiến công vào sân bay như: cầu Bông - trên đường số 1, cầu Sáng - trên trục đường 6, Hóc Môn, Củ Chi, Trại huấn luyện Quang Trung, ngã tư Bảy Hiền…
Đơn vị ông Lâm trực tiếp đánh vào cổng số 5 sân bay. Thế nhưng, tới ngã tư Bảy Hiền sát sân bay, cuộc chiến giữa ta và địch trở nên căng thẳng, ở thế giằng co. Bởi đây chính là cửa ngõ vào sây bay; đồng thời cũng là vị trí giao giữa đường 1 và đường vào trung tâm thành phố, khu dân cư đông đúc. Địch tăng cường hỏa lực mạnh tại địa điểm này, dựng nhiều lô cốt, đưa súng DKZ, B40, B41 lên các nhà cao tầng bắn xuống. Nếu không có phương án tối ưu sẽ bị thương vong rất nhiều, nhất là tính mạng và tài sản của người dân. “Đứng trước bài toán khó, ban chỉ huy quyết định chia đơn vị thành các tốp nhỏ, tương đương với cấp trung đội, đánh liên tiếp, hết tốp này tới tốp khác tiến lên; đồng thời tiêu diệt lực lượng tại chỗ của địch với mục đích vượt qua được chốt chặn ác liệt này. Mặt khác, đưa lực lượng bí mật, luồn lách, đánh “vu hồi” (tấn công bên sườn). Sau hơn 2 giờ đồng hồ chiến đấu, toàn bộ đơn vị đã làm chủ tình hình, tiến vào sân bay, bắt sống nhiều sĩ quan, binh lính ngụy ngay tại sở chỉ huy của địch”, Đại tá Lâm tự hào kể. Trong ký ức ông vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh con đại bàng bằng đồng dựng ngay trước sân Bộ Tư lệnh Không quân ngụy bị trúng đạn pháo gãy cánh và gục đầu xuống.
Ký ức ngày thống nhất
Cựu chiến binh Lê Thuận Kha, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 cũng nhớ như in về ngày 30-4-1975. Ông kể: “Ngày hôm đó, đoàn xe đơn vị tập kết tại một vị trí ở khu vực Củ Chi, ai có quân trang mới đều thay vì niềm tin về chiến thắng đã rõ ràng sau những chiến thắng liên tiếp của quân ta. Khí thế hừng hực, quân ta đi đến đâu, thế trận của địch vỡ đến đó”.
Trên đường tiến vào Sài Gòn, địch chạy tán loạn, bỏ cả súng, đạn, ba lô, quân tư trang khắp mọi nẻo đường. Xe tăng, xe bọc thép của địch nằm ngổn ngang trên đường, từng toán địch bỏ chạy tháo thân. Trên quốc lộ, cứ cách một đoạn chúng lại đổ ụ cát, xếp các thùng phi để cản bước tiến của ta. Trên đà chiến thắng, đơn vị của ông vững bước tiến lên. Tiến vào trung tâm Sài Gòn, nhân dân hai bên đường đông nghịt vẫy chào đoàn giải phóng quân, đường phố rợp cờ hoa. Ông hồi tưởng: “Chúng tôi tiến qua Sân bay Tân Sơn Nhất, những chiếc trực thăng của địch không kịp khởi động, bởi quân giải phóng tiến vào thần tốc, ngăn chặn chúng bay lên bầu trời. Quân ta nhanh chóng làm chủ thế trận. Cảm giác lúc bấy giờ khó có thể tả hết bằng lời. Toàn đơn vị ôm chầm lấy nhau sung sướng trong ngày trọng đại của đất nước”.
Với Đại tá Ngô Mậu Chiến, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 172, Sư đoàn 77 - Phòng không miền Đông Nam Bộ, ngày thống nhất là điều thiêng liêng đến tột cùng. Ông chia sẻ: “Cùng với Sư đoàn 10 (mặt trận 232), đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đánh cắt đường số 4 (Bến Lức - ngã ba Trung Lương), chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia cắt Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ. 4 giờ 30 sáng 30-4, khi vừa giải phóng xong Đức Hòa (Long An), đơn vị tiến vào đến Chợ Lớn. Vừa đến nơi thì nghe văng vẳng trên đài tiếng nói rằng Dương Văn Minh đã đầu hàng. Anh em mừng rỡ khôn xiết. Sài Gòn lúc bấy giờ cờ hoa rực rỡ. Người dân, dân quân du kích nhảy lên xe lam cùng nhau hò reo, tuần hành với khẩu hiệu “hoan hô miền Nam giải phóng”, “hoan hô bộ đội giải phóng”.
Ông Chiến kể, ngày ấy người dân mang cờ ra đường rất nhiều, chủ yếu là cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng. “Đêm hôm đó, chúng tôi về nhà người dân tá túc và hàn huyên trò chuyện thâu đêm. Người Sài Gòn rất quý bộ đội, họ tổ chức liên hoan rất lớn để mừng ngày giải phóng”, ông nói.
THÀNH NAM