06:04, 23/04/2016

Gian nan nghề dệt lưới trủ

Từ đầu năm 1990, gần 90 hộ gia đình rời quê huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội mang theo nghề dệt lưới trủ vào Nha Trang lập nghiệp mưu sinh. Từ đó đến nay, tuy nghề dệt lưới đã giúp họ ổn định cuộc sống, nhưng để giữ gìn, phát triển thành làng nghề truyền thống thật quá gian nan…

Từ đầu năm 1990, gần 90 hộ gia đình rời quê huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội mang theo nghề dệt lưới trủ vào Nha Trang lập nghiệp mưu sinh. Từ đó đến nay, tuy nghề dệt lưới đã giúp họ ổn định cuộc sống, nhưng để giữ gìn, phát triển thành làng nghề truyền thống thật quá gian nan…


Cả họ làm nghề dệt lưới


Đến xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) hỏi về làng dệt lưới trủ hầu như ai cũng biết. Bởi đặc trưng của nghề dệt là âm thanh lách cách từ những khung dệt phát ra đều đặn. Gia đình ông Đặng Tiến Luật (thôn Phước Lộc) là gia đình đầu tiên mang nghề truyền thống của quê hương vào đất Nha Trang. Bên chiếc máy dệt, đôi tay ông Luật thoăn thoắt, khéo léo thao tác đưa những con thoi chẳng khác gì một nghệ nhân. Ông cho biết, năm 1990, bố ông vào Nha Trang ký hợp đồng làm dây ruy - băng cuộn đầu lọc cho Nhà máy Thuốc lá Khatoco. Sau những ngày lưu lại, tìm hiểu về làng biển, ông Đặng Văn Kế (bố ông Luật) đã quyết định mang nghề dệt của gia đình vào Nha Trang tìm kiếm cơ hội phát triển. Thời gian đầu, nhà chỉ có một máy dệt, các công đoạn hầu như làm thủ công nên rất vất vả. Sống được với nghề, ông đã đưa cả 5 người con vào Nha Trang cùng làm.

 

Ông Đinh Văn Dung thực hiện các thao tác dệt
Ông Đinh Văn Dung thực hiện các thao tác dệt


Do làm thủ công nên năng suất thấp, một ngày chỉ dệt được khoảng 6kg sợi ; trong khi đó, nhu cầu từ người đi biển ngày càng cao nên gia đình ông Kế đã đầu tư máy móc làm tự động. “Ngày ấy, mua được một máy là cả một vấn đề. Mỗi bộ lên tới 15 đến 17 triệu đồng, thực sự là một gia tài lớn lúc bấy giờ. Gia đình tôi phải đặt hàng từ huyện Phú Xuyên chuyển vào. Sau nhiều năm làm ăn, anh em tôi đều mua được đất, làm nhà ở ổn định,” ông Luật kể. Nhờ có máy móc nên năng suất lao động cũng tăng cao, mỗi ngày có thể làm được 15 - 20kg sợi.


Làm nghề từ thuở lên 10, đến nay, ông Đinh Văn Dung (thôn Phước Lộc) đã có gần 30 năm gắn bó với nghề dệt lưới trủ. “Tôi chuyển vào đây từ năm 1993. Nghề này ở quê đã trở thành nghề truyền thống. Cả họ, cả làng dệt lưới. Thế nhưng, phần vì công ở quê ngày càng rẻ, khó sống với nghề, phần vì anh em họ hàng vào sống hẳn ở Nha Trang nên tôi cũng lập nghiệp luôn ở đây. Nghề này không khó, nhưng cần có sự khéo léo, nhanh nhẹn nếu không sẽ dệt chậm và bị đứt sợi liên tục. Nhà có 4 máy, làm hết công suất cũng đủ lo cho cuộc sống gia đình và 2 cháu ăn học”, ông Dung tâm sự.

 

Lưới trủ được cung cấp cho ngư dân vùng ven biển Khánh Hòa  và các tỉnh lân cận
Lưới trủ được cung cấp cho ngư dân vùng ven biển Khánh Hòa và các tỉnh lân cận


Khi nhu cầu sử dụng lưới trủ ngày càng nhiều, người nọ truyền tai người kia, kéo theo anh em họ hàng cùng vào làm. Cứ thế, dần dần cả làng cùng nhau vào Nha Trang làm nghề dệt lưới. Theo thống kê, đến nay có 86 hộ gia đình từ 2 làng Văn Lãng, Chi Lễ của huyện Phú Xuyên vào Nha Trang làm nghề dệt lưới. Các hộ làm nghề chủ yếu sống ở ngoại ô thành phố, nhiều nhất là khu vực: Phước Đồng, Bình Tân, Đồng Đế, Trường Lái… Mỗi gia đình có từ 4 đến 10 máy dệt lưới trủ.


Ngày càng khó khăn


Nghề dệt lưới trủ thực sự đã mang lại cho những hộ gia đình làm nghề cuộc sống ổn định. Thế nhưng, những năm gần đây, nghề này gặp nhiều khó khăn. Bà Đinh Thị Nhung (thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng) cho biết, gia đình bà chuyên làm gia công cho các chủ thu mua lưới. Khoảng 5 năm trước, nghề này thực sự rất phát triển. Gia đình bà có 4 máy, 2 vợ chồng làm một ngày cũng được hơn 600.000 đồng. Thế nhưng, những năm gần đây, do tiêu thụ chậm, chủ lưới giao ít sợi lại. Thế nên, mỗi ngày vợ chồng bà làm tối đa cũng chỉ được khoảng 300.000 đồng. “Mỗi ngày, một người làm 10 tiếng đồng hồ liên tục mới ra được sản lượng như vậy. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ việc nhưng lớn tuổi rồi, chẳng biết làm gì nên cố gắng giữ nghề. Nghề này khổ một nỗi là không thể đi làm thêm được việc khác, vì khi chủ cần, mình không dệt thì sẽ mất mối”, bà Nhung bày tỏ.

 

Nghề dệt lưới trủ đang gặp khá nhiều khó khăn
Nghề dệt lưới trủ đang gặp khá nhiều khó khăn


Đây cũng là tình trạng chung của cả xóm. Cùng với đó, những người làm thuê cho các gia đình dệt lưới cũng gặp không ít khó khăn. Trước kia, một người mỗi ngày có thể kiếm được gần 200.000 đồng, bây giờ chỉ được trả hơn 100.000 đồng/ngày. Nhiều người đã bỏ đi làm việc khác vì số tiền công đó không thể đảm bảo được cuộc sống.


Không chỉ những hộ dệt gia công bị ảnh hưởng, mà những chủ lưới thu mua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Đăng Khoa, một chủ lưới tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, cũng là người từ làng Văn Lãng vào lập nghiệp cho biết, trước kia, một tháng cơ sở thu mua của ông có thể xuất được 15 tấn lưới về các vùng trong và ngoài tỉnh… Thế nhưng, giờ chỉ bán được khoảng 10 tấn. “Lưới trủ chủ yếu dùng để đánh bắt cá cơm, tôm hùm giống… Mấy năm nay biển động, ngư dân ít được mùa cá, sức tiêu thụ chậm hơn hẳn so với trước đây. Vì vậy, việc đặt hàng các hộ dệt lưới cũng ít đi. Tuy nhiên, để có nguồn hàng thường xuyên, níu chân bạn hàng, chúng tôi vẫn cung cấp sợi cho họ nhưng chỉ cầm chừng”, ông Khoa lý giải.


Mong có cụm sản xuất riêng

 

Hàng năm, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, những hộ gia đình làm nghề dệt lưới tổ chức hội làng. Ở đó, họ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, chia sẻ bạn hàng và những cách làm hay để không ngừng phát triển làng nghề. Mỗi người đều mong nghề dệt lưới trủ trở thành một nghề truyền thống ngay tại TP. Nha Trang.

Có một đặc điểm ở những người làm nghề dệt lưới, đó là họ đều mắc bệnh nghề nghiệp. Do làm việc trong môi trường tiếng ồn rất lớn nên ai cũng bị nặng tai. “Nghề dệt, nhìn qua tưởng nhàn, thế nhưng có làm nghề mới biết nỗi khổ của nghề. Khi dệt, chúng tôi phải bịt 2 lỗ tai bằng miếng bông để hạn chế tiếng ồn. Vậy nhưng cũng không ăn thua, chỉ vài năm làm nghề thính giác kém đi hẳn. Cùng với đó, hầu hết người dệt lưới trủ mắc thêm bệnh đau đầu, đau khớp vì thời gian làm dài, từ 10 đến 13 tiếng/ngày, phải đứng nhiều. Người làm nghề thường chỉ làm đến năm 60 tuổi”, ông Đặng Quang Toản, tổ 5, phường Vĩnh Hòa - một người làm nghề dệt lâu năm cho biết.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, người làm nghề dệt lưới trẻ nhất cũng hơn 30 tuổi. Họ thường được truyền nghề từ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. Thế hệ kế cận để nối nghiệp hầu như không có. Ông Đặng Văn Sang - thôn Phước Lộc giãi bày: “Tôi được bố mẹ dạy làm nghề dệt từ năm 13 tuổi, đến nay vẫn duy trì và tôi tự hào vì nghề của mình. Đó không chỉ là nghề truyền thống từ cha ông để lại, mà còn mang đến cuộc sống ổn định cho gia đình. Nhà có 2 cháu đã lớn, thế nhưng không ai theo nghiệp vì thấy nghề vất vả quá”.


Khi được hỏi về nguyện vọng của những hộ gia đình làm nghề dệt lưới trủ, tất cả đều mong có một làng nghề truyền thống, có cơ sở sản xuất tách biệt với khu dân cư, để hàng xóm không bị ảnh hưởng từ tiếng ồn máy dệt. Mặt khác, các hộ làm nghề cũng có điều kiện mở rộng xưởng dệt, tăng thêm thu nhập. “Nghề dệt lưới trủ chẳng thể mai một được, bởi nhu cầu từ người đi biển còn thì nghề cứ còn mãi. Chúng tôi sẽ giữ nghề của cha ông đã bao đời nay gây dựng”, ông Luật nói.


THÀNH NAM