11:04, 05/04/2016

Bất cập xung quanh Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả

Quá trình thi công khu tái định cư và tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả đã khiến hàng trăm nhà dân ở 2 xã Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị nứt. Nhiều hộ đã ngăn cản không cho nhà thầu thi công.

Kỳ 1: Thi công làm nứt nhà dân


Quá trình thi công khu tái định cư (TĐC) và tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả đã khiến hàng trăm nhà dân ở 2 xã Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị nứt. Nhiều hộ đã ngăn cản không cho nhà thầu thi công.


Hơn 700 hộ bị ảnh hưởng


Theo thống kê, có 707 hộ của 2 xã Vạn Thọ và Đại Lãnh bị ảnh hưởng trong quá trình làm tuyến đường dẫn vào hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả. Trong đó, xã Đại Lãnh có tới 638 hộ. Ông Trần Xuân Quang - cán bộ phụ trách bảo hiểm Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn đến nứt nhà người dân là do quá trình lu rung nền đường. Các vị trí thường bị nứt: tiếp giáp giữa nhà trên, nhà dưới; nhà dưới với nhà bếp; phần đà cửa và vách chịu lực.

 

Cống chui tại thôn Tây Nam 2 bị người dân chặn không cho tiếp tục thi công
Cống chui tại thôn Tây Nam 2 bị người dân chặn không cho tiếp tục thi công


Còn tại khu TĐC Dự án hầm đường bộ Đèo Cả tại xã Đại Lãnh, trong quá trình thi công, nhà thầu cho nổ mìn và lu lèn đường nội bộ cũng khiến một số nhà dân bị nứt. Ban đầu có 17 trường hợp gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Trong đó, đã có 8 trường hợp nhận tiền đền bù, 9 trường hợp còn lại chưa nhận tiền vì cho rằng mức hỗ trợ chưa thỏa đáng. Mới đây, lại có thêm 18 hộ gửi đơn lên lãnh đạo xã Đại Lãnh đề nghị đền bù do thi công làm nứt nhà. Địa phương đã lập danh sách chuyển cho phía chủ đầu tư xem xét giải quyết nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức giám định.


Căn nhà của ông Phạm Chúng (thôn Tây Nam 2, xã Đại Lãnh) nằm sát bên cống chui, dọc tuyến đường chính dẫn vào hầm Đèo Cả bị nứt tứ tung; vết nứt có thể nhìn xuyên qua nhà bên cạnh. Ông Chúng cho biết: “Từ ngày thi công tuyến đường, nhà tôi đã bị nứt nhiều chỗ. Những vết nứt ấy lại càng rộng ra, cả gia đình ai cũng lo nhà sập. Đã 5 tháng qua, đơn vị giám định đã đến đo đạc, chụp hình nhưng tới giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Tôi rất nóng ruột, nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết”.


Nhà bà Lê Thị Ngọt gần bên cạnh cũng bị nứt rất nhiều. Bà Ngọt nói: “Họ (đơn vị thi công - PV) lu cả ngày lẫn đêm, nhiều khi tôi và 2 đứa cháu phải ra khỏi nhà vì sợ có việc gì thì khổ. Nhà nứt nhiều thế, nhưng họ chỉ bồi thường 6 triệu đồng nên tôi chưa nhận. Tôi sẽ làm đơn kiến nghị để nhà đầu tư giám định lại lần nữa”.

 

Các hộ dân dọc tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã và Đèo Cả bị nứt nhà do thi công
Các hộ dân dọc tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã và Đèo Cả bị nứt nhà do thi công


Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các gia đình bị nứt nhà đều sợ nhà đầu tư làm xong dự án sẽ “chạy làng” nên nôn nóng, thậm chí người dân đã cản trở việc thi công của các nhà thầu, với mong muốn chủ đầu tư sớm giám định, đền bù thỏa đáng.


Cản trở thi công


Theo ông Hà Minh Tiến - Phó Ban quản lý Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, việc người dân cản trở, không cho nhà thầu thi công đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án. Tại hạng mục tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả, một số hộ ở thôn Tây Nam 2 không cho nhà thầu thi công khu vực cống chui; các mang cống không đắp được, nền không thể lu, dẫn đến chậm trễ trong việc thảm bê tông nhựa. Đối với khu TĐC, nhà thầu đã dừng thi công từ ngày 15-9-2015. Đến nay, dự án TĐC hầm đường bộ Đèo Cả tại xã Đại Lãnh đã thực hiện khoảng hơn 90% khối lượng công việc. Còn lại một số hạng mục công trình còn dang dở như: chợ, hệ thống khuôn viên cây xanh, vỉa hè, kè taluy chống sạt lở quanh khu TĐC.


Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, ngay khi sự việc diễn ra, công ty đã yêu cầu đơn vị bảo hiểm dự án khảo sát, áp giá đền bù với từng trường hợp. Tuy nhiên, chỉ có một số gia đình nhận tiền, còn lại không nhận, có gia đình đòi mức đền bù cao gấp nhiều lần so với mức công ty bảo hiểm đưa ra. Vì thế, phía bảo hiểm không thể đáp ứng được yêu cầu của người dân.


Để khách quan, huyện Vạn Ninh đã thuê một đơn vị giám định độc lập khảo sát lại mức độ hư hại, áp giá đền bù cho người dân. Tuy nhiên, kết quả thẩm định giữa 2 đơn vị giám định không chênh lệch nhiều (?). Ông Hà Minh Tiến cho hay: “Kết quả giám định được thực hiện bởi một công ty độc lập do phía bảo hiểm thuê. Căn cứ vào kết quả giám định, sẽ tính toán để ra giá đền bù theo đơn giá được Nhà nước quy định. Một số hộ mong muốn đền bù cao cũng rất khó, bởi việc giám định là khách quan, không có tác động từ bất cứ phía nào”.


Thực hiện giám định chậm


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quỳnh Mai cho biết, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã hợp đồng với đơn vị bảo hiểm là Công ty TNHH một thành viên Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam để đền bù tổn thất cho người dân bị ảnh hưởng. “Chúng tôi cam kết sẽ bồi thường đúng, đủ cho người dân. Khi thi công xong, chúng tôi còn thu phí ở đây, làm sao có chuyện làm xong rồi bỏ đi”, ông Mai nói.


Việc giám định đền bù cho người dân được thực hiện từ tháng 11-2015, nhưng đến nay, đơn vị bảo hiểm mới giám định được 468/638 trường hợp tại xã Đại Lãnh bị ảnh hưởng, trong đó chỉ có 208 hộ có kết quả, có 47 hộ nhận tiền đền bù với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Còn tại xã Vạn Thọ, toàn bộ 69 hộ đã được giám định, dự kiến trong tháng 4 có kết quả. Theo đơn vị giám định, đến hết tháng 8-2016, mới hoàn thành việc giám định cho số hộ có đơn kiến nghị.

 

Hạng mục đường chính dẫn vào 2 hầm Cổ Mã và Đèo Cả có chiều dài 4,1km. Khởi công xây dựng từ ngày 1-8-2014, Bộ Giao thông vận tải giao chủ đầu tư đến tháng 9-2016 phải hoàn thành. Tổng mức đầu tư tuyến đường là 500 tỷ đồng. Hiện đường đang trong quá trình lu rung, đắp đất lớp k95.

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh nhận định, tiến độ thực hiện giám định, trả kết quả cho người dân của phía đơn vị bảo hiểm thực hiện quá chậm. Chính điều này đã gây ra tâm lý lo lắng cho người dân bị ảnh hưởng từ dự án. “Tôi đề nghị chủ đầu tư hối thúc phía bảo hiểm đẩy nhanh tiến độ giám định. Cùng với đó, cần sớm đưa ra mức đền bù cho người dân biết. Địa phương sẽ tiếp tục vận động các hộ nhận tiền đền bù. Nếu người dân không nhận thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm sửa nhà cho bà con”, ông Phẩm nói.


Trong khi đó, ông Lê Quỳnh Mai lại không đồng tình với ý kiến cho rằng chủ đầu tư chậm trễ trong việc giám định hư hỏng nhà dân, vì thực tế đơn vị đã cam kết với địa phương chỉ thực hiện công việc này sau khi hoàn tất phần lu rung nền đường. “Theo hợp đồng, đến tháng 8-2016, chúng tôi mới hoàn thành việc lu rung. Người dân bị nứt nhà quá sốt ruột, vì vậy địa phương yêu cầu chủ đầu tư giải quyết sớm cho bà con. Chúng tôi chấp thuận đề nghị từ phía địa phương nên đã yêu cầu công ty bảo hiểm vào cuộc làm cho người dân”, ông Mai nói.


Đại diện Công ty Cổ phần Giám định Thái Dương cho biết, quá trình giám định mất rất nhiều thời gian, một giám định viên chỉ làm được tối đa là 4 hộ/ngày tại hiện trường. Sau đó về xử lý hậu kỳ, tính toán với mỗi trường hợp cũng phải mất thêm 2 ngày. Vì vậy, phía công ty bảo hiểm khuyến cáo, người dân nên chờ việc lu rung kết thúc, đó sẽ là lúc mức độ hư hỏng nhà lớn nhất. Bởi việc bồi thường tổn thất cho các trường hợp bị ảnh hưởng chỉ 1 lần duy nhất. Vì vậy, người dân không nên nóng vội, tránh trường hợp bồi thường xong nhà nứt nhiều hơn thì không thể bồi thường thêm nữa.


THÀNH NAM

 


Kỳ 2: Điều chỉnh dự án liên tục