05:03, 16/03/2016

Nghề chăm sóc... người dưng

Không bằng cấp, chuyên môn, những người đến với nghề nuôi bệnh nhân chủ yếu do thôi thúc mưu sinh. Nhưng làm rồi, họ dần gắn bó với bệnh nhân như người thân trong nhà…  

Không bằng cấp, chuyên môn, những người đến với nghề nuôi bệnh nhân (BN) chủ yếu do thôi thúc mưu sinh. Nhưng làm rồi, họ dần gắn bó với BN như người thân trong nhà…   

 
Nghề vất vả


Bóng chiều đã ngả, tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, một phụ nữ có nước da rám nắng đang ân cần xoa bóp, lau mặt, rót nước… cho một cụ ông. Nếu mọi người xung quanh không nói, ai cũng tin đó là con gái hay người thân của cụ, chứ không nghĩ là người nuôi BN thuê.  

 

1

Đưa bệnh nhân đi dạo


Bà là Phạm Thị Mỹ Thanh (thường gọi bà Bảy, 54 tuổi, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), đã có hàng chục năm nuôi BN thuê. Gần 5 năm nay, bà chăm sóc cụ ông Nguyễn Quốc P., 74 tuổi, bị tai biến. Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục ngắt quãng vì bà Bảy luôn xem giờ để đi mua thức ăn, đút cho cụ ông ăn, rồi cho uống thuốc, xoa bóp… “Cụ rất kỹ tính, lại đúng giờ nên làm việc phải chính xác giờ giấc. Chiếc khăn mặt chỉ cần vắt lệch là cụ chỉnh ngay, nhưng mình chịu nghe nên cụ quý lắm”, bà Bảy bộc bạch. Trước đó, bà cũng chăm tại nhà cho một BN suốt 5 năm. Bà bảo, nghề này chẳng khác gì “điều dưỡng tay ngang”, phải nắm được tâm lý BN, kiên nhẫn, khéo léo, nín nhịn, chú ý học cách chăm sóc.

 

1
Bà Bảy chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân từng bữa ăn, giấc ngủ


Đã từng chăm sóc gần 20 BN, bà Châu Thị Hoa (64 tuổi, đường Phương Sài, Nha Trang) có không ít chuyện buồn vui. Đến giờ, bà chưa quên việc mình chăm sóc một cụ bà cách nay cả chục năm. “Bà khó lắm, ăn rồi bảo chưa cho ăn, vừa uống nước xong lại nói chưa uống. Nhưng nghĩ bà cũng như mẹ của mình, mắng vài câu rồi thôi nên tôi cứ lẳng lặng làm tốt việc của mình”, bà Hoa chia sẻ. Bà nhớ lại lần chăm BN lao phổi, trót nhận lời nên tuy sợ, bà vẫn đeo khẩu trang phục vụ 24/24 giờ.

 

1
Người nuôi bệnh thân thiết như người nhà bệnh nhân

 

Nhớ lại ngày mới vào nghề, chị Phan Thị Phụng (39 tuổi, quê Vạn Long, Vạn Ninh) cho biết, hồi đầu chưa quen thức đêm, mỗi đêm chỉ ngủ chừng 2 - 3 tiếng vì còn lo xoa bóp, đỡ BN đi vệ sinh… nên chị thường bị cảm. Chuyện bị BN phun thức ăn vào mặt, hay phải dọn giường thường xuyên vì BN không tự vệ sinh cá nhân được là bình thường, thậm chí còn bị đánh chỉ vì năn nỉ họ đi tập vật lý. “Nghề nuôi bệnh giống như làm dâu trăm họ. Có gia chủ còn theo dõi, xét nét từng chút. Nếu không cần mẫn, chịu cực, nhẫn nhịn... thì khó bám trụ với nghề”, chị Phụng giãi bày.

 

Nụ cười yêu thương giữa người nuôi bệnh và bệnh nhân
Nụ cười yêu thương giữa người nuôi bệnh và bệnh nhân

 

4 năm lăn lộn nuôi bệnh thuê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, chị Nguyễn Thị Mãi (Vạn Long, Vạn Ninh) như già hơn so với tuổi 34 của mình. Chị bảo, đi nuôi bệnh phải biết tính chủ để chiều, mình làm theo ý mình, họ không chịu, hay nổi quạu, thậm chí còn mắng mình không ra gì. Vất vả nhất có lẽ là 2 năm nuôi cụ bà 86 tuổi bị tai biến, liệt nửa người và tiểu đường, rất khó tính. Không chỉ chăm ăn uống, tắm rửa, xoa bóp, chị còn phải giúp cụ bà đi đại tiện. Chị thường xuyên bị cụ “mắng vốn” mà không dám nói lại nửa tiếng, cần mẫn chăm cho BN từng bữa ăn, giấc ngủ. “Sau này tôi có việc phải nghỉ nên nhà cụ thuê người khác, nhưng thi thoảng vẫn gọi tôi qua giúp cụ, vì cụ chỉ ưng tôi làm”, chị vui vẻ nói.


Cần có tấm lòng

 

Bà Phạm Thị Thanh Hà - Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng: Tại bệnh viện hiện có khoảng 10 - 15 người làm nghề nuôi bệnh thuê, đa số chăm sóc BN khá chu đáo, đúng giờ. Bệnh viện giữ bản sao chứng minh nhân dân của những người này để nắm thông tin, lập danh sách theo dõi và yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng quy định của bệnh viện.

Trò chuyện với nhiều người nuôi bệnh mới biết, hầu hết họ đến với nghề đều do hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà của bà Châu Thị Hoa nằm trên mặt sông Kim Bồng chỉ được ghép sơ sài bằng mấy tấm gỗ, tôn, buộc chằng chịt thêm vải nhựa để che dột. Mất cả cơ nghiệp vì tôm đổ bệnh, hai vợ chồng bà và 5 đứa con dắt díu nhau từ Vạn Giã (Vạn Ninh) vào Nha Trang kiếm sống. Giờ trong lúc chờ nuôi BN mới, bà Hoa kiếm 20.000 đồng/ngày bằng việc đóng gói thuê tiền giấy vàng mã. Còn chị Mãi sau khi ly hôn với ông chồng say xỉn, quậy phá, chị bán buôn lặt vặt không đủ nuôi 2 con. Bà Bảy thì canh cánh lo tiền cất nhà mới thay cho căn nhà sắp sập và món nợ đìa tôm… Vì vậy, họ đều hài lòng với mức tiền công khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng ngoài vì tiền công, người nuôi bệnh còn gắn bó yêu thương BN như người nhà.


Hỏi chỗ ngủ, bà Bảy cho biết, đêm đến trải chiếu dưới đất, bởi cụ ông chỉ yên tâm khi bà nằm ngủ ngay dưới chân giường. Mới đây, có người hỏi thuê 7 triệu đồng/tháng, nhưng bà không đi vì không đành lòng xa cụ. Chăm sóc cụ hàng ngày, dần dà thấy cụ như cha của bà vậy. Cộng dồn mấy năm đi làm thuê, tính ra cô chỉ về nhà vài ngày, mỗi lần tranh thủ vài tiếng, bởi về lâu không yên tâm.  

 

Ông Nguyễn Anh Cường - Trưởng phòng Giới thiệu việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhu cầu tuyển người giúp việc gia đình, trong đó có công việc chăm người bệnh ngày càng nhiều. Thời gian qua, trung tâm đã tư vấn cho khá nhiều người lao động, chủ yếu là nữ làm công việc này, bởi thu nhập khá cao. Tuy nhiên, muốn làm tốt nghề này, người nuôi bệnh phải chịu khó và cần học qua một số kỹ thuật cơ bản về chăm sóc người bệnh, bởi thực tế họ ít được đào tạo bài bản.

Vừa xoa bóp cho cụ bà Phạm Thị Minh T. (79 tuổi, BN tiểu đường), chị Phụng tâm sự: “Gần 5 năm theo nghề, tôi hiểu những nhà neo người cực lắm, có khi người khỏe đổ bệnh theo BN. Chăm BN phải coi họ như người thân mới được. Nhiều gia đình hiểu, dịp lễ, Tết còn tặng quà, không làm nữa mà thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm, ấm lòng lắm”. Bà T. cười hiền: “Tôi không muốn thay người chăm vì sợ không ai được như cô Phụng”. Bà Nguyễn Thị Loan (70 tuổi, Ninh Lộc, Ninh Hòa) cũng thừa nhận: “11 tháng chăm chồng ở bệnh viện, tôi thấy người nuôi bệnh kiên nhẫn, trách nhiệm lắm. BN đau ốm, khó tính, mắng suốt ngày mà họ vẫn nhịn. Có việc phải về nhà một bữa, họ cũng nhờ người cùng làm tới chăm giúp. Cũng có người nuôi bệnh lười nhác, làm không trách nhiệm, lãnh tiền công để… ngủ, nhưng số đó rất ít. Người nuôi bệnh giúp rất nhiều cho gia đình BN”.


Chia tay những người nuôi bệnh, chúng tôi vui vui khi nhớ lại câu chuyện bà Bảy kể về lần hớt hải chạy từ nhà tắm ra, người ướt lướt thướt bởi nghe cụ ông gọi: “Cô Bảy, cô Bảy!”. Hỏi vì sao gọi, cụ ông khó nhọc nói: “Nhớ gọi thôi!”. Rơm rớm nước mắt, bà bảo có lần đùa, hỏi giữa bà và con ruột, ông chọn ai, ông chỉ bà Bảy. “Với chúng tôi, thế là hạnh phúc lắm!”, bà Bảy thỏ thẻ.  


KIM THAO - THIỀU HOA