11:03, 11/03/2016

Khai thác cát trên sông Tô Hạp

Hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sạt lở các công trình giao thông, người dân mất dần diện tích đất sản xuất hai bên bờ sông, nhất là vào mùa mưa lũ.

Hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sạt lở các công trình giao thông, người dân mất dần diện tích đất sản xuất hai bên bờ sông, nhất là vào mùa mưa lũ.


Vô tư lấy cát


Gần cả tháng nay, ngày nào ông B.B.X (xã Sơn Bình) cũng lái chiếc máy cày ra lòng sông Tô Hạp, khu vực cầu tràn từ thôn Xà Bói sang thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) để xúc cát về bán lại cho người dân. Theo ông B.B.X, trước đây ông phải đi xa hơn vì cồn cát nằm ở vị trí khác, bây giờ cát dồn về dưới chân cầu nhiều nên chỉ việc chạy xe đến đây là xúc cát về. Tùy theo thời điểm trong năm mà lượng khách hàng đặt mua cát nhiều hay ít. Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 9 được xem là mùa cao điểm, bởi đây là giai đoạn thời tiết nắng ráo, nhiều hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa nên nhu cầu về cát xây dựng rất lớn. “Trong khoảng thời gian này, có ngày tôi phải chạy đến 7 chuyến xe mới đủ cát cung cấp cho người dân. Trước đây, tôi làm vào ban ngày, nhưng bây giờ chuyển qua làm từ chiều muộn đến khoảng 22 giờ, hoặc từ lúc 3 giờ đến 8 giờ thì nghỉ. Cát của sông mà, mình lấy bao nhiêu thì lấy. Trời mưa xuống nó đầy trở lại, lo gì” ông B.B.X nói.

 

Điểm khai thác đã được cấp phép ở thôn Liên Hòa
Điểm khai thác đã được cấp phép ở thôn Liên Hòa


Theo ghi nhận của chúng tôi, ở xã Sơn Hiệp có 2 điểm trên sông Tô Hạp người dân thường xuyên đến lấy cát là thôn Xà Bói và thôn Liên Hiệp, khiến khu vực lòng sông nơi đây biến dạng, nham nhở.


Thời gian qua, việc khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra ở xã Sơn Hiệp mà ở hầu hết các địa phương trong huyện. Tại xã Ba Cụm Bắc, người dân thường xuyên khai thác cát tại khu vực cầu Tha Mang; ở xã Sơn Trung, điểm khai thác cát chỉ cách cầu Sơn Trung vài trăm mét… Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là việc khai thác cát trái phép diễn ra công khai, trong nhiều năm, nhưng dường như ai cũng xem là chuyện bình thường. “Ngày nào cũng có vài chiếc máy cày xuống sông lấy cát. Người dân ở đây không lấy cát ở sông thì biết lấy ở đâu để xây nhà? Cát sông đầy ra đó, không lấy nó cũng trôi đi”, ông T. - người dân ở gần cầu Sơn Trung nói.

 

Theo ông Bùi Đạt Nguyên - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Sơn, đầu năm 2015, sau khi đi khảo sát việc tận thu cát, đá xây dựng trên sông, huyện đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường 6 điểm có thể khai thác cát. Tuy nhiên, sở chỉ đồng ý phê duyệt 3 điểm được khai thác cát gồm: 1 điểm ở thôn Ha Nít (xã Sơn Lâm), 2 điểm ở thôn Liên Bình và Liên Hòa (xã Sơn Bình) với tổng diện tích 38.580m2, tổng khối lượng 28.683m3. Trong đó, điểm ở thôn Liên Hòa đã được UBND tỉnh cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Đài khai thác. “Ngoài các điểm được phê duyệt và những đơn vị đã được cấp phép, việc khai thác cát ở những vị trí khác của các cá nhân, tập thể khác đều là trái phép”, ông Nguyên khẳng định.

 

Việc khai thác cát được thực hiện ngay dưới chân cầu
Việc khai thác cát được thực hiện ngay dưới chân cầu


Được biết, lâu nay tình trạng người dân tự ý khai thác cát vẫn diễn ra khá nhiều. Đây cũng bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện đặc thù của địa phương. “Chúng tôi đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở người dân không được tùy tiện khai thác cát nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt trường hợp nào. Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung tuyên truyền, vận động để người dân không khai thác cát một cách tràn lan, không lấy cát ở khu vực chân cầu, bờ kè”, ông Nguyên cho biết thêm.


Cần tăng cường công tác quản lý


Được biết, đến thời điểm hiện tại, huyện Khánh Sơn cũng chưa có một báo cáo cụ thể nào đánh giá về tác động của việc khai thác cát trái phép đến môi trường, cũng như với các công trình giao thông trên địa bàn huyện. Ông Mấu Toàn - người dân thôn Liên Hiệp (xã Sơn Hiệp) cho biết: “Con đường bê tông đi qua nhà tôi trước đây rất đẹp, nhưng nay xe máy cày lấy cát đi lại nhiều nên đã có nhiều chỗ sụt lún, bong tróc. Ruộng mía nhà tôi ở gần bờ sông trước đây có khoảng 7 sào, qua mấy mùa mưa bị sạt lở chỉ còn lại 2 sào. Lòng sông trước đây nằm ở phía thôn Hòn Dung, nay lại chảy sát sang tận thôn Liên Hiệp”. Theo ông Toàn, việc khai thác cát, theo thời gian đã làm cho khung cảnh nơi đây biến dạng đi khá nhiều. Điều đáng nói, có nhiều điểm người dân khai thác cát trái phép nằm ngay dưới chân cầu, thậm chí ngay sát bờ kè.

 

Một đoạn bờ sông bị sạt lở
Một đoạn bờ sông bị sạt lở

 

Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Hàng năm, huyện đều có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc quản lý khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm tuyệt đối việc các tổ chức, doanh nghiệp khai thác cát trái phép; thực hiện việc tuyên truyền trong nhân dân không khai thác cát ở những khu vực cấm khai thác, khu vực gần các công trình giao thông, bờ kè, gần đất sản xuất, những nơi có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số địa phương đều xác nhận, trên địa bàn mình quản lý có hiện tượng người dân khai thác cát trái phép, nhưng khối lượng khai thác không lớn, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết. “Xã đã tiến hành đặt bảng cấm khai thác cát ở một số điểm, đồng thời nhắc nhở một vài trường hợp. Nhưng do điều kiện của địa phương, xét thấy nhu cầu của người dân không lớn nên chúng tôi cũng không làm triệt để về vấn đề này”. Trong khi đó, ông Trương Văn Vỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho rằng, trên địa bàn xã hiện không có tình trạng các doanh nghiệp đến khai thác cát. Trước đây, có một vài trường hợp các đơn vị thi công công trình trên địa bàn cho phương tiện, máy móc đến khai thác cát, sau khi được người dân báo tin, chính quyền xã đã xuống đình chỉ hoạt động. Còn việc người dân lấy cát, thỉnh thoảng xã vẫn nhắc nhở. “Có trường hợp, chúng tôi xuống nhắc nhở thì người dân cho rằng họ lấy cát trong phần đất của mình. Tìm hiểu mới biết, vị trí lòng sông hiện tại, trước đây từng là đất sản xuất của người dân, nhưng do mưa lụt làm sạt lở, dòng sông đổi phía nên người dân vẫn cho đó là đất của mình”, ông Vỹ nói.  


Có thể nói, dù việc khai thác cát trên sông Tô Hạp chỉ để phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương, nhưng nếu để tình trạng này tiếp diễn, hậu quả của nó là các công trình giao thông, bờ kè nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, và ngày càng có nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất. Vì thế, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này.



NHÂN TÂM