12:03, 08/03/2016

Chung tay chăm lo cho lao động nữ

Hiện nay, ngoài thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, đa số các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn đều dành nhiều sự quan tâm đến công nhân nữ. Sự quan tâm ấy đã kịp thời động viên, giúp họ vượt khó, gắn bó với doanh nghiệp.

Hiện nay, ngoài thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, đa số các doanh nghiệp (DN) và tổ chức công đoàn đều dành nhiều sự quan tâm đến công nhân nữ. Sự quan tâm ấy đã kịp thời động viên, giúp họ vượt khó, gắn bó với DN.


Doanh nghiệp quan tâm


Đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm Xí nghiệp May Khatoco (Tổng Công ty Khánh Việt). Không khí làm việc nơi đây khá khẩn trương, chị em công nhân thoăn thoắt điều khiển từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, công nhân Xí nghiệp May Khatoco chia sẻ, năm nay, đơn vị tổ chức ngày 8-3 cho chị em công nhân bằng hoạt động đi du lịch ở Thái Lan. Do đó, ai cũng vui mừng và phấn khởi trước sự quan tâm của DN. “Hơn 20 năm làm việc tại đây, tôi thấy lãnh đạo DN luôn thực hiện tốt các chính sách theo quy định. Đối với lao động nữ, được hưởng đầy đủ các chế độ thăm nom ốm đau, thai sản, bảo hộ lao động. Đặc biệt, các chế độ phụ cấp, nâng lương được điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Chính vì vậy, thu nhập của người lao động không ngừng được tăng lên, hiện nay trung bình gần 10 triệu đồng/người/tháng”, chị Hoài nói.

 

 Công nhân Công ty Cổ phần Thủy sản 584  Nha Trang
Công nhân Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang


Ông Trần Xuân Cải - Phó Giám đốc Xí nghiệp May Khatoco cho biết, đơn vị có gần 700 lao động, trong đó hơn 85% là lao động nữ. Vì vậy, ngoài đảm bảo chính sách theo quy định, đơn vị còn dành riêng nhiều chế độ cho lao động nữ. Đó là khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; xây dựng phòng thay đồ, vệ sinh dành riêng cho nữ giới. Bên cạnh đó, nhà máy còn lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống thông gió để cải thiện môi trường làm việc cho công nhân.


Còn tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, công nhân nữ cũng được DN quan tâm đúng mức. Chị Phạm Thị Sáu, công nhân công ty chia sẻ: “Hàng năm, công ty đều mời các chuyên gia, bác sĩ khám sức khỏe, tư vấn bệnh tật, tổ chức đi du lịch nhiều nơi trong nước. Từ những việc làm đó, công nhân chúng tôi luôn cảm thấy an tâm, tin tưởng, gắn bó và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN”. Không những thực hiện tốt các chính sách mà pháp luật quy định, DN còn có nhiều sự hỗ trợ thiết thực cho công nhân ổn định cuộc sống. Việc làm này phần nào chia sẻ gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho những công nhân còn khó khăn.

 

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh thăm hỏi công nhân Khu công nghiệp Suối Dầu đang thuê trọ
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh thăm hỏi công nhân Khu công nghiệp Suối Dầu đang thuê trọ


 Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho rằng, muốn tiếp tục phát triển, DN phải đầu tư vào niềm tin của người lao động. Mọi người phải tin và thấy cuộc sống ổn định thì họ mới phấn khởi làm việc, gắn bó lâu dài với công ty. “Chăm lo đời sống công nhân cũng là chăm lo cho sự phát triển của DN. Do đó, hàng năm, công ty chúng tôi đều trích nguồn lợi nhuận để chăm lo từ vật chất đến tinh thần cho công nhân. Nhờ đó, DN luôn phát triển ổn định, thu nhập của gần 100 lao động đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng…” ông Việt nói.


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lao động nữ là một bộ phận quan trọng, chiếm gần một nửa lực lượng lao động của toàn xã hội. Bộ luật Lao động đã dành riêng một chương để quy định rất cụ thể về các chế độ, chính sách, quyền lợi dành cho lao động nữ. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 90.000 lao động, trong đó có hơn 45.000 lao động nữ. Qua kiểm tra hàng năm cho thấy, các DN đều quan tâm thực hiện tốt những chính sách dành cho lao động nữ…


Công đoàn góp sức


Cùng với DN, các cấp công đoàn cũng dành phần lớn hoạt động của mình chăm lo đời sống cho lao động nữ. Công ty TNHH một thành viên Rapexco - Đại Nam có khoảng 2.000 công nhân, trong đó có hơn 1.000 lao động nữ. Những năm qua, hoạt động công đoàn của công ty đã có nhiều chuyển biến trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Ban Nữ công công đoàn công ty thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị với chủ DN xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Bên cạnh đó, hàng năm, công đoàn tích cực thương lượng với chủ DN bổ sung thỏa ước lao động tập thể có lợi cho lao động nữ. Cụ thể, nâng lương trước thời hạn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho những công nhân có thành tích xuất sắc hoặc có sáng kiến đem lại lợi ích cho DN; trợ cấp khó khăn từ 1 đến 5 triệu đồng cho những công nhân nghèo; quà thăm hỏi công nhân nghèo, bị tai nạn lao động ít nhất 500.000 đồng/người; quà hiếu, hỷ từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng; hỗ trợ xe đưa đón công nhân hàng ngày… Ngoài ra, vào các ngày: Quốc tế Phụ nữ, gia đình Việt Nam, phụ nữ Việt Nam…, công ty còn tạo điều kiện, cấp kinh phí cho công đoàn tổ chức hội thao, hội thi văn nghệ dành riêng cho lao động nữ. Từ đó tạo tình đoàn kết, gắn bó trong nữ công nhân lao động.

 

Với sự quan tâm đúng mức, công nhân Xí nghiệp May Khatoco luôn gắn bó với đơn vị
Với sự quan tâm đúng mức, công nhân Xí nghiệp May Khatoco luôn gắn bó với đơn vị


Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn triển khai nhiều chương trình hành động để giúp đỡ công nhân nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Gia cảnh chị Trần Thị Thu Thủy, công nhân Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu) khá éo le. Chồng mất sớm, để lại 2 đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Với khoản lương hơn 2 triệu đồng/tháng của chị không đủ lo chi phí sinh hoạt gia đình và tiền ăn học của 2 đứa con. Từ ngày chồng chị qua đời, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền càng đè nặng lên đôi vai gầy yếu của chị. Căn nhà xuống cấp không ai sửa sang nên 3 mẹ con luôn phải sống chung với cảnh mưa dột, nắng nóng. Hiểu được hoàn cảnh éo le của chị Thủy, Công đoàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 40 triệu đồng xây cho mẹ con chị căn nhà mới khang trang rộng 50m2. Ngày bàn giao nhà mới, chị Thủy xúc động nói: “Tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì được công đoàn hỗ trợ xây nhà mới. Tôi sẽ cố gắng lao động để nuôi dạy các con nên người, báo đáp sự quan tâm của các cấp công đoàn”.


Ông Phạm Xuân Danh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn. Các cấp công đoàn đã xây dựng được hơn 900 ban nữ công, 1.500 tổ nữ công cơ sở. Hệ thống ban nữ công đã chọn được nhiều loại hình hoạt động mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nữ công nhân. Nhiều hoạt động xã hội, từ thiện có ý nghĩa được phát động thường xuyên. Đến nay, Quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo” và Quỹ “Đoàn kết tương trợ” đã phát triển được hơn 2 tỷ đồng, giải quyết vốn cho hàng trăm lượt chị em phát triển kinh tế gia đình, khắc phục khó khăn trong đời sống…


Mong ước giản dị


Ghé thăm một khu trọ tại thôn 4, xã Diên Phú (huyện Diên Khánh), nơi ở của khoảng 50 công nhân đang làm việc tại Cụm công nghiệp Diên Phú. Dãy trọ có 50 phòng, diện tích chỉ khoảng 15m2/phòng nhưng có đến 2 đến 4 người ở chung, với giá 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng. Nhà hẹp, không có tủ, quần áo được giăng mắc hết trên dây phơi khiến căn phòng càng thêm chật chội. Chị Nguyễn Thị Tương Phùng, công nhân Công ty Cổ phần Phụ liệu May Nha Trang thuê trọ ở đây cho biết: “Thu nhập hàng tháng của tôi khoảng 3,5 triệu đồng, chỉ đủ lo tiền nhà trọ, sinh hoạt hàng ngày… Chúng tôi chỉ mong sao các cấp, ngành, DN quan tâm xây nhà ở cho công nhân, để mọi người có nơi ở an toàn, phù hợp với thu nhập”. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 công nhân đang thuê trọ và đều có nhu cầu được thuê nhà ở giá rẻ.


Trong khi đó, tại các khu công nghiệp, thiết chế văn hóa dành cho công nhân còn nghèo nàn, nhà trẻ cho con em công nhân cũng không có. Bởi vậy, các gia đình công nhân có con nhỏ phải xoay xở đủ đường. Chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu) thổ lộ: “Vợ chồng tôi sinh con đã hơn 1 tuổi nhưng không tìm được nhà trẻ để gửi con, đành phải gửi tư với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành xây dựng nhà trẻ ở khu công nghiệp, tạo điều kiện cho công nhân gửi con gần nơi làm việc”. Còn chị Huỳnh Thị Thương, công nhân Công ty TNHH Komega-X nói: “Lúc rảnh, chúng tôi cũng muốn đi chơi, muốn có chỗ ngồi đọc sách, gặp gỡ bạn bè cho khuây khỏa, nhưng khu vực này ngoài quán cà phê thì không có khu văn hóa dành riêng cho công nhân”…


Để cuộc sống của nhiều công nhân ở các khu công nghiệp được ổn định hơn nữa, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kịp thời từ các cấp, ngành, DN. Có như vậy, họ mới an tâm gắn bó lâu dài với DN.


VĂN GIANG