09:02, 26/02/2016

Chuyện ở thôn Giải Phóng

Thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh có hơn 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 99%. Hàng chục năm nay, tuy đã được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, song do thiếu đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn nên cái đói, cái nghèo vẫn bám víu người dân nơi đây.

 

Thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh có hơn 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 99%. Hàng chục năm nay, tuy đã được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, song do thiếu đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn nên cái đói, cái nghèo vẫn bám víu người dân nơi đây.


Hạn hán, mất mùa


 Chúng tôi đến thôn Giải Phóng vào một ngày cuối tháng 2, khi người dân nơi đây đang hối hả thu hoạch vụ bắp. Tuy nhiên, khuôn mặt ai nấy đều buồn so vì không được mùa. Chị Mấu Thị Nghi (xóm Mới) cho biết: “Năm nay do hạn hán, mất mùa, bắp lép, trái nhỏ nên nhiều người có rẫy xa không muốn thu hoạch. Trồng bắp đã cực, đi thu hoạch mà mất mùa còn cực hơn”.

 

Thôn Giải Phóng ở chân núi Tà Lưa
Thôn Giải Phóng ở chân núi Tà Lưa


 Vợ chồng chị Nghi cùng hơn 40 hộ gia đình khác di dời từ hồ Suối Hành (xã Cam Phước Đông) về tái định cư ở xóm Mới đã được 13 năm. Tuy được Nhà nước cấp đất, xây nhà kiên cố, nhưng ruộng đất trong thôn bị nhiễm phèn, không trồng được loại cây gì nên cuộc sống không mấy khả quan. Để mưu sinh, mọi người trong thôn lại trở về vùng đất cũ để trồng bắp, trồng chuối. Tuy nhiên, khoảng cách từ nhà đến rẫy thì xa, chăm sóc không tốt dẫn đến năng suất mỗi ngày một kém. “Sáng dậy từ lúc còn tối mịt, đi đến rẫy thì mặt trời đã lên gần đỉnh đầu. Làm thì ít mà đi lại nhiều nên mệt quá!. Mọi năm, mỗi mùa bắp gia đình tôi thu được hơn 5 triệu đồng, chỉ đủ tằn tiện chi tiêu được vài tháng. Năm nay mất mùa, giá bắp cũng giảm nên chưa biết cuộc sống thế nào”, chị Nghi nói.


Cũng như gia đình chị Nghi, vợ chồng anh Cao Huyên và chị Mấu Thị Phi (xóm Mới) chỉ có 3 sào đất rẫy để trồng bắp. Mỗi năm chỉ làm được một vụ, thu hoạch được khoảng 1 tấn bắp, bán được chừng 4 triệu đồng. Sau vụ thu hoạch, khoảng vài tháng là hết tiền nên anh Huyên phải đi mượn của các tiểu thương ở phường Ba Ngòi. Đến mùa thu hoạch bắp thì mang bán cho họ, trừ tiền nợ cũ cũng không còn được bao nhiêu. Những ngày nắng ráo, không phải đi rẫy anh Huyên cùng một số người trong xóm rủ nhau đi làm thợ hồ hoặc bốc vác ở Cảng Ba Ngòi; tiền công được 180.000 đồng/ngày, chỉ đủ tằn tiện cho sinh hoạt gia đình và lo cho hai con ăn học. Tuy nhiên, công việc làm thuê bấp bênh, không được thường xuyên nên cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn.

 

Vụ bắp mất mùa khiến cuộc sống người dân càng khó khăn
Vụ bắp mất mùa khiến cuộc sống người dân càng khó khăn


Ông Cầm Văn Phấn - Phó Trưởng thôn Giải Phóng cho biết, so với trước đây, tình hình kinh tế trong thôn có đi lên nhưng so với các địa phương khác thì chênh lệch quá nhiều. Do không có đất sản xuất nên người dân chủ yếu trồng bắp trên rẫy, rất xa khu dân cư. Cuộc sống người dân bao năm nay vẫn phải chạy ăn từng bữa, đặc biệt là ở xóm Mới và xóm Suối Hai. Năm nay do hạn hán, mất mùa, cuộc sống của người dân trong thôn càng khó khăn hơn.


Thiếu đất, thiếu nước


Theo chuẩn nghèo trước đây, toàn thôn chỉ có 50 hộ nghèo, nhưng mới đây áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nên số hộ nghèo tăng lên hơn 250 hộ. Những địa phương khác, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, ở thôn Giải Phóng nhiều năm nay vẫn không có gì thay đổi, đây là vấn đề mà lãnh đạo xã Cam Phước Đông cũng như TP. Cam Ranh luôn trăn trở.


Ông Lâm Đào Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, khó khăn lớn nhất của thôn Giải Phóng là thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Toàn thôn hiện chỉ có khoảng 3ha đất có thể trồng lúa, nhưng năng suất không cao; khoảng vài chục héc-ta đất hoa màu nhưng nhiễm phèn nặng, không thể trồng bất kỳ loại cây nào. Hơn 800 hộ dân phải sống nhờ vào hơn 100ha đất trên rẫy, chủ yếu trồng bắp. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu, khoảng cách địa lý xa, không được chăm sóc thường xuyên nên năng suất bắp không cao, dễ mất mùa.

 

Một góc thôn Giải Phóng
Một góc thôn Giải Phóng


Dẫn chúng tôi thăm công trình cấp nước sạch mới được xây dựng tại thôn Giải Phóng, ông Tùng hồ hởi cho biết, sau đợt hạn nặng vào tháng 6-2015, UBND TP. Cam Ranh đã cấp kinh phí hơn 400 triệu đồng xây dựng 4 giếng khoan sâu hơn 60m, trải đều cho 5 xóm trong thôn. Trước đây, cũng có hệ thống cấp nước về từng nhà, nhưng hoạt động một thời gian ngắn thì hư hỏng. Người dân phải dùng nước suối hoặc các giếng đào truyền thống. Tuy nhiên, vào mùa khô hạn, nước ở đây cạn khô và ô nhiễm. “Có nước từ giếng khoan, người dân ai cũng phấn khởi. Mới đây, UBND thành phố đã phê duyệt dự án khôi phục hệ thống cấp nước sạch cho người dân thôn Giải Phóng với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng khiến ai cũng vui mừng”, ông Tùng tâm sự.


Đi tìm giải pháp


Để giúp người dân thôn Giải Phóng khắc phục khó khăn, UBND TP. Cam Ranh cũng như UBND xã Cam Phước Đông đã tìm mọi giải pháp có thể. Tuy nhiên, vì những điều kiện khách quan và chủ quan, vùng đất này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đợt Tết Bính Thân vừa qua, nhằm kịp thời cứu đói, giúp người dân yên tâm đón Tết, UBND TP. Cam Ranh đã xuất 7 tấn gạo cấp cho người dân thôn Giải Phóng. UBND xã Cam Phước Đông cũng vận động các nhà tài trợ tặng hơn 300 suất quà cho các gia đình khó khăn trong thôn. Bên cạnh các chính sách được hưởng theo đúng quy định của Nhà nước, các hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho người dân trong thôn luôn được thành phố và xã quan tâm.


Mới đây, UBND xã Cam Phước Đông đã triển khai đề tài “Cải tạo đất nhiễm phèn ở thôn Giải Phóng”. Đề tài chỉ ra sơ bộ tổng diện tích đất nhiễm phèn, nhu cầu canh tác của người dân, giải pháp cơ bản cải tạo đất. Sau khi hoàn thiện đề tài, UBND xã Cam Phước Đông sẽ đặt hàng cho cơ quan tại TP. Nha Trang thực hiện hoặc thuê đơn vị ngoài. Bên cạnh đó, hàng năm UBND xã đều cử cán bộ đến tập huấn cho người dân trồng lúa nước, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên thất nghiệp. “Hy vọng khi cải tạo được đất nhiễm phèn, nguồn nước ổn định thì người dân sẽ chịu khó tham gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, nhiều khi xã hoặc thành phố muốn áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân nhưng không có đất sản xuất cũng đành chịu”, ông Tùng cho hay.


Một vấn đề khó khăn khác là thôn Giải Phóng nằm trong xã cấp I nên học sinh trong thôn không được hưởng chính sách miễn học phí và cấp tiền ăn trưa như các địa phương khác. Đây là bất cập, nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh bỏ học tăng cao.


Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, địa phương đã kiến nghị với Tỉnh ủy và được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, trong kỳ họp HĐND sắp tới sẽ giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, TP. Cam Ranh đã chỉ đạo rà soát lại chính sách đất đai và nhà cửa của đồng bào dân tộc thiểu số theo nghị định mới của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ở thôn Giải Phóng không có đất nên thời gian tới thành phố sẽ chú trọng đào tạo nghề, nâng cao nhận thức cho lớp trẻ. “Tập quán canh tác và sức ỳ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trở ngại lớn tại thôn Giải Phóng. Bên cạnh giải quyết vấn đề đất canh tác, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thế hệ trẻ không bỏ học, có ý thức vươn lên trong cuộc sống”, ông Sơn chia sẻ.


VĂN KỲ