11:10, 13/10/2015

Trả lại màu xanh cho rừng

Rừng thượng nguồn Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) loang lổ vì nhiều lần bị lâm tặc khai thác. Mùa mưa năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) tiến hành trồng rừng phòng hộ, trả lại màu xanh cho rừng. 

Rừng thượng nguồn Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) loang lổ vì nhiều lần bị lâm tặc khai thác. Mùa mưa năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) tiến hành trồng rừng phòng hộ, trả lại màu xanh cho rừng.  


Trồng lại cây cho rừng


Sau mấy lần hẹn, tôi mới được anh Phạm Ngọc Quế, Đội trưởng Đội Lâm sinh - Quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa sắp xếp cho cùng đi trồng rừng phòng hộ ở những địa bàn xung yếu.

 

   Những cây sao đen mới được trồng ở thượng nguồn Đa Rao
Những cây sao đen mới được trồng ở thượng nguồn Đa Rao


1 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng lục đục dưới bếp của Đội Lâm sinh - Quản lý bảo vệ rừng; thì ra, anh Quế đang chuẩn bị cơm trưa cho chúng tôi trước lúc khởi hành. Anh bảo: “Mùa này mưa nhiều, muốn trồng được rừng phải đi thật sớm, làm xuyên trưa đến khoảng 2 giờ chiều phải quay về. Vì nếu mưa xuống, nước lên nhanh sẽ bị kẹt lại trong rừng”. Gần 2 giờ sáng, chiếc xe cọc cạch đến đón chúng tôi. Trong màn đêm tĩnh mịch, sương khuya khiến chiếc áo khoác của tôi ướt sũng. Mỗi lần băng qua mấy con suối lởm chởm đá, chiếc xe lại chồm lên như con ngựa mất cương. Đến dốc Đứng, chiếc xe không leo thêm được nữa, chúng tôi đành xuống xe để cánh thanh niên chuẩn bị tời cho xe lên. Gần 3 giờ, vượt hơn chục cây số đường rừng, chúng tôi mới đến được Tiểu khu 148 - thượng nguồn suối Đa Rao.


Vầng đông vừa hửng, tôi theo tốp của anh Quế đi vòng xuống suối Đá Nhỏ rồi ngược lên đỉnh Hòn Nhọn trên thượng nguồn Đa Rao. Đến nơi, những người trồng rừng triển khai công việc một cách nhanh nhẹn và thành thạo. Người đo khoảng cách giữa các cây, người cuốc lỗ, người trồng, người bỏ thuốc chống mối... chẳng mấy chốc 1/3 quả đồi rộng đã được trồng kín cây sao đen. Lơi tay cuốc, anh Hà X. (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái), một lâm tặc đã bỏ nghề tâm sự: “Mấy năm làm thuê cho đám đầu nậu gỗ, tôi đã vận chuyển cơ man nào là gõ, kiền kiền... Làm thì khổ mà tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, chỉ có mấy tay buôn gỗ thu lợi bất chính là giàu lên nhanh chóng. Hơn 1 năm nay, được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, vận động, tôi đã bỏ nghề “lâm tặc” để đi trồng và chăm sóc rừng. Đó là cách tôi “trả nợ” cho rừng”.

 

Trồng rừng trên núi Hòn Nhọn (thượng nguồn Đa Rao)
Trồng rừng trên núi Hòn Nhọn (thượng nguồn Đa Rao)


Trong nhóm chúng tôi có vợ chồng ông Hà Gié (thôn Gia Rít, xã Giang Ly). Vợ chồng ông đã gắn bó với công tác lâm sinh của Công ty Lâm sản Khánh Hòa qua 6 mùa mưa. Ông Hà Gié chia sẻ: “Đồng bào T’Rin, Raglai ở các xã cánh Tây Khánh Vĩnh từ đời này sang đời khác sống gắn bó với rừng. Rừng cho lộc quanh năm. Thế nhưng mấy năm gần đây, “cơn bão” khai thác lâm sản trái phép quét qua đại ngàn khiến rừng xanh chảy máu. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tao đau lòng lắm! Khi biết công ty cần nhân công đi trồng rừng phòng hộ, tao đăng ký đi làm, vừa có thu nhập vừa giúp rừng thêm xanh. Tao thường nói với thanh niên trong làng, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là trả lại cây cho rừng, để rừng cho lộc”.


Câu chuyện của ông Hà Gié khiến tôi nhớ lại cảnh rừng thượng nguồn Đa Rao bị tàn phá cách đây gần 2 năm. Khi ấy, những cây gỗ lớn đường kính đến 2 người ôm bị đốn hạ, những bãi tập kết gỗ có cả trên cạn lẫn dưới sông, cảnh mua bán gỗ nhộn nhịp khi chiều về ở Thác Hòm (xã Khánh Thượng)... Thời điểm ấy, chúng tôi không thể nào hình dung được bao giờ rừng xanh mới hết “kêu cứu”. Trở lại Đa Rao lần này, xe độ chế chở gỗ lậu đã vắng hẳn; được nghe những lời tâm sự của ông Hà Gié, anh Hà X. và thấy họ cần mẫn trồng cây, gây rừng, tôi chợt nghĩ, nếu ai cũng nghĩ, cũng làm như họ thì chắc chắn rừng đầu nguồn Đa Rao sẽ sớm xanh trở lại.

 

Trong đêm, chiếc xe cọc cạch đưa lao động đi trồng rừng ở thượng nguồn Đa Rao
Trong đêm, chiếc xe cọc cạch đưa lao động đi trồng rừng ở thượng nguồn Đa Rao

        
Rừng sẽ thêm xanh


Trở lại câu chuyện với anh Quế, người đã công tác tại Công ty Lâm sản Khánh Hòa gần 30 năm. Đến nay đã hơn 50 tuổi nhưng anh vẫn không vơi tâm huyết phát triển, quản lý và bảo vệ rừng. Anh Quế tâm sự, tuy vất vả nhưng anh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Hàng năm, cứ đến mùa trồng rừng, anh lại cùng các nhân viên trong Đội Lâm sinh - Quản lý bảo vệ rừng tất bật lo phát dọn khu vực sẽ trồng rừng, chuẩn bị cây giống, tìm nhân công trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng ở những địa bàn xung yếu. Mùa khô thì chạy ngược, chạy xuôi lo chống cháy rừng, xen lẫn những công việc ấy là những lần tuần tra, truy quét “lâm tặc”.


Anh Quế cho hay: “Năm nay, công ty giao cho đội chúng tôi thực hiện dự án trồng mới rừng phòng hộ tại Tiểu khu 148, với 28.000 cây sao đen, cây dầu trên diện tích 50ha. Đến nay, qua gần 2 tháng triển khai, việc trồng rừng đã gần hoàn tất, hơn 20.000 cây giống đã được trồng. Những ngày qua, anh em trong đội luôn bám sát để hướng dẫn nhân công trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo cây không bị chết”. Được biết, sau 5 năm chăm sóc, 50ha rừng phòng hộ này sẽ được giao khoán cho người dân địa phương bảo vệ, khoanh nuôi. Đây là cách tạo sinh kế, giúp người dân ổn định cuộc sống, hạn chế việc khai thác lâm sản trái phép, dần phục hồi rừng đầu nguồn, tăng khả năng và tác dụng của rừng phòng hộ.  

 

Cõng cây giống lên đỉnh núi
Cõng cây giống lên đỉnh núi


Ông Lê Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, công ty đã trồng mới 432ha rừng, trong đó có 150ha rừng phòng hộ và 282ha rừng sản xuất, nâng tổng diện tích rừng trồng của công ty quản lý lên 3.376ha. Đến nay, công ty đã phủ xanh hầu hết đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng trong lâm phần của mình. Để cho rừng thêm xanh, công ty đã giao khoán bảo vệ 4.500ha rừng tự nhiên, giao khoán khoanh nuôi tái sinh 405ha rừng tự nhiên. Cùng với đó, chú trọng việc quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; tuyên truyền vận động người dân thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng... Qua đó, công ty góp phần không nhỏ trong việc tăng độ che phủ rừng ở huyện Khánh Vĩnh (đạt 73%).  

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện công tác phát triển rừng, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã trồng được 16.021ha rừng tập trung, trong đó có 15.340ha rừng sản xuất và 665ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Bên cạnh đó, 1.982ha rừng đã được khoanh nuôi, tái sinh, 2.704ha rừng được chăm sóc... Công tác phát triển rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh từ hơn 43% (năm 2011) lên hơn 45% (cuối năm 2014). Ngoài ra, còn góp phần vào việc cải thiện đời sống của người dân khi tham gia trồng rừng, nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Được biết, Khánh Vĩnh là địa phương có diện tích rừng và đất rừng rất lớn. Phần lớn diện tích ấy được giao cho 2 chủ rừng nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: Công ty Lâm sản Khánh Hòa (41.370ha) và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (hơn 39.903ha). Giai đoạn 2011 - 2015, 2 đơn vị này đã trồng mới hơn 1.093ha rừng; trong đó có 211ha rừng phòng hộ và hơn 882ha rừng sản xuất. Bên cạnh đó, hàng trăm hecta rừng đã được khoanh nuôi, tái sinh. Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, các dự án trồng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên trên địa bàn huyện chủ yếu do 2 công ty này thực hiện. Đến nay, rừng đang phát triển tốt. Các chương trình giao khoán bảo vệ rừng bước đầu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng.


Trời ngả về chiều, cơn mưa rừng lại đến. Những người trồng rừng nhanh tay thu dọn dụng cụ để kịp quay về làng tránh con nước lên. Xuống núi trong cơn mưa, ai nấy đều vui vì mưa sẽ giúp cho những cây sao đen, cây dầu mới trồng sớm bén rễ. Trên đường rời Đa Rao, anh Quế chỉ cho tôi những cánh rừng phòng hộ mà các anh trồng cách đây 3 - 4 năm, thân cây đã to bằng bắp chân, cao gấp 2, gấp 3 thân người. Nhìn về phía những khoảnh rừng ấy, tôi thấy rừng đã khép tán, những vết thương cũ nay đã lành.


HẢI LĂNG